backup og meta
Chuyên mục

1

Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Nấm linh chi

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Lương Lan · Ngày cập nhật: 30/03/2023

Bạn đang cần các sản phẩm này? Hãy đặt mua thông qua đường dẫn trên trang nhé! Hoàn toàn không thêm phụ phí và bạn cũng giúp chúng tôi có một khoản hoa hồng nhỏ. Tìm hiểu ngay về hệ thống liên kết của chúng tôi tại đây!

Nấm linh chi

Tên gọi khác của nấm linh chi: Tiên thảo, nấm trường thọ, vạn niên nhung, nấm thần tiên

Tên nước ngoài: Lingzhi mushroom, Reishi mushroom

Tên khoa học: Ganoderma lucidum

Họ: Nấm lim

Tổng quan

Tìm hiểu chung

Nấm linh chi được xếp vào “Thượng dược”, trên cả nhân sâm. Dù là dạng nấm tươi thì thân nấm đã hóa gỗ rất cứng, vị đắng. Hiện nay, có nhiều nơi rao bán nấm với đặc điểm mềm, dễ bóp vỡ là linh chi giả, bạn nên lưu ý tránh bị lừa.

Bộ phận dùng có tác dụng của nấm linh chi là gì?

Trước đây, bộ phận dùng làm thuốc là quả thể. Ngày nay, nhiều nghiên cứu đã chứng minh bột bào tử và sợi nấm cũng có thể làm thuốc.

Thành phần hóa học trong nấm

Protein và glycoprotein, axit amin (đặc biệt là lysine và leucine), polysaccharides (carbohydrate), chất xơ, terpenoids, steroid, phenol, nucleotide, một số vitamin và khoáng chất như với kali, canxi, phốt pho, magiê, selen, sắt, kẽm, đồng… Trong số đó, thành phần có tác dụng chữa bệnh là triterpenes và polysaccharides beta – glucan.

Tác dụng, công dụng

Nấm linh chi có tác dụng gì?

Đây là một loại thảo dược được sử dụng trong Đông y từ rất lâu. Trong nền y học cổ truyền của Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều có đề cập đến loại thảo dược này. Đặc biệt là các dân tốc thiểu số tại Trung Quốc đã sử dụng linh chi trong điều trị rất nhiều bệnh, từ tim mạch, sinh dục, thần kinh, hô hấp, suy nhược… Cụ thể, tác dụng nấm linh chi có thể kể đến như:

  • Nâng cao thể chất, cân bằng sinh lý, tăng cường khả năng miễn dịch, phục hồi sức khỏe tốt.
  • Bột bào tử của linh chi có tác dụng chống khối u và chống oxy hóa rất tốt. Nó ức chế sự tăng trưởng của các tế bào ung thư. Ngoài ra, khi kết hợp linh chi với các phương pháp điều trị ung thư có thể tăng hiệu quả và giảm được tác dụng phụ của hóa trị, xạ trị và giúp bệnh nhân ăn ngủ ngon hơn, đặc biệt là ung thư giai đoạn cuối.
  • Cải thiện nhiều bệnh tim mạch, đặc biệt là khả năng ổn định huyết áp cao và giảm cholesterol, phòng ngừa cục máu đông nhờ khả năng chống kết tập tiểu cầu; cải thiện triệu chứng tim đập nhanh, hụt hơi, đổ mồ hôi lạnh, tay chân lạnh,…
  • Cải thiện giấc ngủ, nâng cao tinh thần, tăng cường trí nhớ, giảm đau và nặng đầu.
  • Giãn cơ trơn phế quản, giúp giảm phản ứng dị ứng, có lợi cho bệnh nhân viêm phế quản mạn tính và giảm cơn hen.
  • Giảm rụng tóc nhờ cân bằng sinh lý của cơ thể.
  • Hỗ trợ điều trị viêm gan theo cơ chế nâng cao miễn dịch của cơ thể đối với các virus gây viêm gan, phục hồi các tổn thương trên gan, cải thiện men gan và tăng cường khả năng giải độc của gan.
  • Tăng tạo máu, nâng cao chức năng tuyến tụy cho bệnh nhân tiểu đường, hạ đường huyết
  • Tăng tuần hoàn máu dưới da, tiêu diệt các gốc tự do, giúp da hồng hào sáng mịn
  • Giảm đau cho bệnh nhân viêm khớp.

Ngoài ra, có thể còn có thêm những công dụng của nấm linh chi, hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ nếu cần thêm thông tin.

Liều dùng

Liều dùng thông thường là bao nhiêu?

Liều lượng sử dụng thảo dược này sẽ tùy thuộc vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe.

Tuy nhiên, Đông y thường sử dụng trung bình 15 – 30g/ngày.

Cách dùng

Cách sử dụng nấm linh chi theo Y học cổ truyền

nấm linh chi

Nấm linh chi thường được bào chế theo các dạng như trà, bột và chiết xuất dạng lỏng. Thảo dược này có vị hơi đắng, khó uống. Do đó, tùy vào mục đích sử dụng bạn có thể dùng kết hợp với cam thảo, atisô, mật ong hay các loại thảo dược khác.

Cách sử dụng nấm linh chi trong Đông y thường phổ biến ở các dạng sau:

  • Cách nấu nấm linh chi với nước là cho 15 – 30g nấm đã cắt lát đun với 2 lít nước, để lửa liu riu trong 10 phút. Sau đó vớt nấm ra, xắt nhỏ rồi đổ vào nước cũ đun tiếp 10 phút lửa nhỏ. Vớt bã, đun thêm 2 lần nữa với tổng cộng 1 – 1.5 lit nước. Gộp nước thu được, thêm đường hoặc mật ong nguyên chất vào uống.
  • Cho nấm cắt lát vào phích, hãm với nước sôi trong 1 giờ sau đó uống trong ngày thay nước.
  • Cho bột nấm linh chi vào ấm trà hãm bằng nước thật sôi, đợi khoảng 5–10 phút rồi uống cả bã. Bạn có thể sẽ thấy hơi khó chịu khi uống nhưng theo khuyến cáo của các nhà khoa học, cách này sẽ giúp bạn tận dụng được hết các công dụng của loại thảo dược này.
  • Bạn có thể dùng nước từ thảo dược này để nấu canh, súp hay các món hầm. Đây là những món ăn bổ dưỡng dành cho người mới ốm dậy và người già yếu.

Ngoài ra, bạn cũng có thể nghiền nấm thành bột mịn và trộn với mật ong dùng làm mặt nạ dưỡng da.

Nếu muốn dự trữ để sử dụng lâu dài, bạn nên phơi trong bóng râm cho tới khô hoặc sấy ở 60 độ để giữ được công dụng nấm linh chi lâu dài. Bạn không nên bảo quản nấm tươi lâu ngày trong tủ lạnh, như vậy sẽ mất hoặc giảm chất lượng của nấm.

Lưu ý, thận trọng khi dùng

Trước khi dùng nấm linh chi, bạn nên biết gì?

thận trọng với tác dụng nấm linh chi khi sử dụng lâu dài

Tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ, nếu:

  • Bạn có thai hoặc cho con bú, bạn chỉ nên dùng loại thảo dược này theo khuyến cáo của bác sĩ
  • Bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc nào khác
  • Bạn có dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thảo dược, các loại thuốc khác hoặc các loại thảo mộc khác
  • Bạn có bất kỳ bệnh lý, rối loạn hoặc tình trạng sức khỏe nào khác
  • Bạn có bất kỳ loại dị ứng nào khác như dị ứng với thực phẩm, thuốc nhuộm, chất bảo quản hay động vật.

Bạn cần cân nhắc giữa lợi ích của việc sử dụng loại thảo dược này với nguy cơ có thể xảy ra trước khi dùng. Tham khảo ý kiến tư vấn của thầy thuốc hay bác sĩ trước khi sử dụng.

Mức độ an toàn của nấm linh chi như thế nào?

Chiết xuất nấm linh chi có thể an toàn khi uống đúng cách trong một năm. Tuy nhiên, nếu sử dụng ở dạng bột thì có thể không an toàn khi bạn dùng 1 tháng.

Ngoài ra, bạn nên cân nhắc và trao đổi với bác sĩ nếu có một trong những vấn đề sau:

  • Rối loạn xuất huyết/đông máu: Liều dùng cao có thể làm tăng nguy cơ chảy máu do linh chi có tác dụng giảm tiểu cầu, sẽ đặc biệt nguy hiểm với người giảm tiểu cầu.
  • Huyết áp thấp: Loại thảo dược này có thể làm hạ huyết áp và can thiệp vào quá trình điều trị. Nếu huyết áp của bạn quá thấp thì nên tránh dùng nấm linh chi.
  • Phẫu thuật: Liều dùng cao có thể làm tăng nguy cơ chảy máu ở một số người nếu dùng trước hoặc trong khi giải phẫu. Ngừng sử dụng loại thảo dược này ít nhất 2 tuần trước khi phẫu thuật theo lịch trình.
  • Phụ nữ mang thai và cho con bú: Không có đủ thông tin về việc sử dụng loại thảo dược này trong thời kỳ mang thai và cho con bú, tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.

uống nấm linh chi có tác dụng phụ gì

Bạn nên thận trọng khi sử dụng loại thảo dược này do chúng cũng có những tác dụng phụ không mong muốn, cụ thể là:

  • Sử dụng ở dạng bột có thể có tác động xấu đến gan
  • Gây khô miệng, cổ họng và vùng mũi bị ngứa, đau bụng, chảy máu mũi (chảy máu cam), chảy máu
  • Ngâm rượu uống có thể gây phát ban da
  • Hít phải bào tử nấm linh chi có thể gây dị ứng

Đã ghi nhận hai trường hợp bệnh nhân ung thư bị ngộ độc gan khi sử dụng nấm dạng bột. Tiêu chảy mạn tính cũng được ghi nhận ở một trường hợp bệnh nhân nam 49 tuổi bị ung thư hạch lympho không Hodgkin do sử dụng bột chiết xuất từ cây nấm này trong thời gian dài.

Nếu bạn gặp phải bất kỳ tác dụng không mong muốn nào khi dùng vị thuốc này, hãy thông báo ngay cho thầy thuốc hoặc bác sĩ.

Bạn có thể muốn xem thêm: Tác hại của nấm linh chi: Hiểu để dùng đúng!

Nấm linh chi có thể tương tác với những gì?

Thảo dược này có thể tương tác với những thuốc bạn đang dùng hay tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn. Tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.

  • Thuốc trị cao huyết áp: losartan, captopril, hydrochlorothiazide… Dùng nấm linh chi cùng với thuốc trị cao huyết áp có thể làm hạ huyết áp.
  • Các loại thuốc chống đông máu (heparin, warfarin…): Vị thảo dược này có thể làm chậm quá trình đông máu. Dùng loại thảo dược này cùng với các thuốc làm chậm đông máu có thể làm tăng nguy cơ bầm tím và chảy máu.
  • Thuốc hóa trị liệu: Một số thuốc hóa trị hoạt động dựa trên gốc tự do có thể bị giảm tác dụng khi dùng đồng thời cùng nấm linh chi, vì dược liệu có khả năng tiêu diệt lại gốc tự do.
  • Chất chuyển hóa bởi Cytochrome P450: Polysacharides của nấm linh chi ức chế men này, do đó làm chậm thải trừ các thuốc chuyển hóa bằng men này, tăng độc tính của chúng trong cơ thể.
  • Thuốc trị bệnh tiểu đường: Cả thuốc và nấm này đều làm hạ đường huyết, hãy thận trọng theo dõi đường huyết thường xuyên khi sử dụng đồng thời.
  • Thuốc chống đông máu: Dùng chung có thể tăng nguy cơ bầm tím và chảy máu.

Nấm linh chi ngày càng được nhiều người tìm mua và sử dụng với mong muốn nâng cao sức khỏe. Tuy nhiên, bạn cần tìm hiểu rõ nguồn gốc để mua được sản phẩm chất lượng, đồng thời tham khảo ý kiến từ các chuyên gia để biết cách sử dụng đúng.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Lương Lan · Ngày cập nhật: 30/03/2023

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo