backup og meta

Sức khỏe tâm thần là gì? Tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần

Sức khỏe tâm thần là gì? Tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần

Sức khỏe tâm thần bao gồm suy nghĩ, cảm xúc, tâm lý của chúng ta khi tương tác với các vấn đề và mọi người trong xã hội. Nó còn quyết định phần nào cảm xúc và cách mà chúng ta phản ứng, cảm nhận. Vậy sức khỏe tâm thần là gì? Nó quan trọng như thế nào? Làm sao để biết tình trạng sức khỏe tâm thần của một người là tốt hay không?

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu các nội dung chính sau đây:

  • Định nghĩa sức khỏe tâm thần là gì
  • Các dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe tâm thần
  • Các nguyên nhân gây ảnh hưởng và một số cách nâng cao sức khỏe tâm thần.

Sức khỏe tâm thần là gì?

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế Giới – WHO, sức khỏe tâm thần hay sức khỏe tinh thần (mental health) là trạng thái khỏe mạnh về tinh thần giúp con người có thể đương đầu với những căng thẳng trong cuộc sống, phát huy được khả năng của mình, học tập tốt, làm việc tốt và đóng góp cho cộng đồng. Sức khỏe tâm thần là quyền cơ bản của con người, đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển cá nhân, cộng đồng và kinh tế xã hội.

Sức khỏe tâm thần không chỉ là vấn đề về các rối loạn hay bệnh lý mà còn là tập hợp của các yếu tố cảm xúc, khả năng tư duy, thích ứng, tiếp nhận thông tin, học hỏi và hiểu được cảm xúc của người khác bên ngoài xã hội. Ngoài ra, các yếu tố về thể chất, văn hóa, quá trình tương tác xã hội cũng có ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của một cá nhân.

Sức khỏe tâm thần cũng quan trọng như sức khỏe thể chất của một cá nhân. Mặc dù hai khái niệm là khác nhau, nhưng chúng có mối liên hệ và tương quan mật thiết với nhau. Trong một số trường hợp, sức khỏe tâm thần của một người thể hiện qua các triệu chứng của thể chất.

Sức khỏe tâm thần là gì? Đây là một khái niệm về trạng thái tinh thần của một cá nhân, trong tiếng Anh sức khỏe tâm thần là 'mental health'.
Sức khỏe tâm thần là gì? Đây là một khái niệm về trạng thái tinh thần của một cá nhân, trong tiếng Anh sức khỏe tâm thần là ‘mental health’.

Tại sao sức khỏe tâm thần lại quan trọng?

Sức khỏe tâm thần có mối liên hệ chặt chẽ với sức khỏe thể chất. Khi tinh thần không tốt, ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động khác trong cuộc sống hàng ngày.

Sức khỏe tâm thần rất quan trọng vì nó có thể giúp bạn:

  • Giao tiếp và xây dựng các mối quan hệ
  • Học tập và làm việc hiệu quả
  • Hỗ trợ tích cực cho sức khỏe thể chất
  • Có khả năng đối mặt, giải quyết những khó khăn trong cuộc sống
  • Ý thức được bản thân là ai, nghĩ gì, làm gì, có năng lực gì…
  • Sự khỏe mạnh của bạn có ý nghĩa đối với mọi người xung quanh.
Sức khỏe tâm thần và sức khỏe thể chất có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Ví dụ, một người mắc bệnh trầm cảm sẽ tăng nguy cơ mắc các rối loạn về thể chất như bệnh tiểu đường, bệnh tim và đột quỵ. Ngược lại, một cá nhân mắc các bệnh lý mạn tính sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về sức khỏe tinh thần.

Dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe tâm thần

Theo Cổng thông tin Y tế quốc gia Úc – Healthdirect Australia cảnh báo rằng, các vấn đề sức khỏe tâm thần xảy ra là rất phổ biến. Do đó chúng ta cần biết cách nhận biết các dấu hiệu cảnh báo những vấn đề ở sức khỏe tâm thần.

Dưới đây là các dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe tâm thần:

  • Thường xuyên cảm thấy chán nản hoặc thấy không vui
  • Đột ngột bùng nổ cảm xúc, dễ thay đổi tâm trạng
  • Thường xuyên rơi vào trạng thái lo lắng hoặc bồn chồn
  • Gặp các vấn đề về giấc ngủ như mất ngủ, ngủ quá nhiều, khó ngủ…
  • Trở nên im lặng, ít giao tiếp, sống khép kín, thu mình và tránh tương tác xã hội
  • Xuất hiện ý nghĩ tự tử
  • Thay đổi cân nặng, tăng hoặc giảm cân nhiều không chủ đích so với trước đây
  • Cảm thấy bản thân là người vô dụng, tội lỗi, kém cỏi, không có giá trị…
  • Nghe hoặc nhìn thấy những thứ không thực sự tồn tại (ảo giác)
  • Tăng tần suất sử dụng chất kích thích, chất gây nghiện như bia rượu, ma túy…
  • Trở nên chống đối gia đình, bạn bè, hành động liều lĩnh, quyết định mọi việc một cách bốc đồng
  • Có những suy nghĩ kỳ lạ và không phù hợp. Cho rằng bản thân là người có sức mạnh đặc biệt (hoang tưởng).
Dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe tâm thần là gì
Dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe tâm thần là gì? Khi bạn cảm thấy lo lắng, bồn chồn, chán nản, mất động lực… Những cảm xúc này bắt đầu gây ảnh hưởng cuộc sống của bạn

Nếu bạn có quan tâm đến sức khỏe tinh thần, dưới đây là một số bệnh/ rối loạn tâm lý mà bạn nên tìm hiểu qua:

Chuyên mục ‘Tâm lý – Tâm thần’ của Hello Bacsi đăng tải những nội dung liên quan đến sức khỏe tinh thần, các bệnh lý và rối loạn về tâm lý, tâm thần. Phần lớn bài viết được tham vấn thông tin chuyên môn bởi đội ngũ chuyên gia, bác sĩ cộng tác và Ban tham vấn Y khoa HelloBacsi nhằm đảm bảo thông tin chuẩn xác trước khi đến với độc giả.

Nguyên nhân gây ra các vấn đề sức khỏe tâm thần là gì?

Theo Trung tâm kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh – CDC cho biết, không có duy nhất một nguyên nhân cụ thể nào gây ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Thay vào đó, bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần xảy ra là do một số yếu tố gây ảnh hưởng bao gồm: 

  • Bị cô lập hoặc sống cô đơn trong thời gian dài
  • Nghiện sử dụng chất kích thích, chất gây nghiện
  • Tiền sử gia đình có vấn đề về sức khỏe tâm thần (di truyền)
  • Mất cân bằng hoặc thiếu hụt chất dẫn truyền thần kinh nào đó
  • Từng trải qua những trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu, chẳng hạn như bị lạm dụng, xâm hại tình dục, tấn công tình dục, cha mẹ bỏ rơi…
  • Mắc bệnh lý mạn tính, bệnh lý nghiêm trọng, gây tác động lớn đến tâm lý như chấn thương sọ não, ung thư, tiểu đường…
Nhìn chung, các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của một cá nhân có thể sẽ còn nhiều hơn thế nữa, nhưng khi gom nhóm lại thì thường thuộc 3 nhóm chính: Di truyền học; các yếu tố sinh học và các yếu tố tâm lý xã hội như  những trải nghiệm và những sang chấn trong cuộc sống.
Sức khỏe tâm thần là gì
Nguyên nhân gây ảnh hưởng đến sức khỏe tầm thần của một cá nhân thường là do di truyền học; các yếu tố sinh học và các yếu tố tâm lý xã hội bao gồm các trải nghiệm cuộc sống và tổn thương

Tình trạng sức khỏe tâm thần tại Việt Nam

Theo Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, tỷ lệ mắc rối loạn tâm thần trong năm 2014 là 14,2%, trong đó riêng rối loạn trầm cảm chiếm 2,45%. Tỷ lệ tự sát trong năm 2015 là 5,87 trên 100.000 dân.
Một thống kê khác của Bộ Y tế Việt Nam (năm 2023) cho thấy, cả nước có đến 14 triệu người mắc các rối loạn tâm thần, trong đó bao gồm nhiều loại rối loạn khác nhau như: Trầm cảm, rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD), rối loạn phổ loạn thần, rối loạn lo âu, rối loạn lo âu xã hội
Hiện tại, Văn phòng WHO tại Việt Nam đang hỗ trợ Bộ Y tế phát triển mô hình lồng ghép sức khỏe tâm thần vào sức khỏe nói chung, tập trung vào tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Cách phòng ngừa và bảo vệ sức khỏe tâm thần là gì?

Cách phòng ngừa các vấn đề sức khỏe tâm thần là gì? Là bảo vệ sức khỏe tinh thần, cảm xúc và tâm lý của bạn trước những nguy cơ có thể gây ảnh hưởng bất cứ lúc nào.

Theo Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia – NIMH, để bảo vệ sức khỏe tâm thần, bạn nên dành thời gian để tự chăm sóc bản thân, nuôi dưỡng cảm xúc và chăm chỉ rèn luyện sức khỏe thể chất.

Dưới đây là những việc mà bạn có thể làm để chăm sóc sức khỏe tinh thần của bản thân:

  • Tập thể dục thường xuyên: Bạn chỉ cần đi bộ hoặc chạy bộ 30 phút mỗi người là đã đủ để duy trì cường độ vận động trung bình của cơ thể. Nếu được, bạn hãy tăng dần cường độ để tăng thêm thể lực.
  • Ăn uống lành mạnh, uống đủ nước: Ăn uống lành mạnh giúp nâng cao sự tập trung và năng lượng của bạn. Bên cạnh đó, bạn cũng nên hạn chế sử dụng các chất kích thích. 
  • Chăm sóc chất lượng giấc ngủ: Ngoài việc ngủ đủ giấc từ 7 – 8 giờ mỗi ngày, trước khi ngủ bạn cũng nên tắt bớt đèn, nhất là ánh sáng xanh từ thiết bị điện tử. Vì ánh sáng xanh gây ảnh hưởng và làm gián đoạn giấc ngủ của bạn.
  • Thư giãn cơ thể và tâm trí trước khi ngủ: Để ngủ ngon hơn, bạn hãy thư giãn cơ thể và tâm trí với các hoạt động như: Thiền buông thư, đọc sách, viết nhật ký, hít thở khi ngồi thiền
  • Thực hành lòng biết ơn: Nhắc nhở bản thân về những điều mà bạn nên biết ơn mỗi ngày. Ví dụ như gia đình, bạn bè, công việc…
Quả thật khi thực hành những điều này, bạn sẽ dần cảm thấy sức khỏe tinh thần của mình tốt hơn, cuộc sống trọn vẹn hơn cũng như ít khi bị căng thẳng và mệt mỏi. Thực hành những điều nhỏ đều đặn mỗi ngày có thể mang đến những tác động lớn.

Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ/ chuyên gia?

Bạn nên đến gặp bác sĩ tâm thần hoặc các chuyên gia tâm lý nếu nhận thấy bản thân có những dấu hiệu như: 

  • Đột nhiên không muốn tương tác với xã hội
  • Thay đổi thói quen ăn uống, tăng hoặc giảm cân nhiều
  • Kiệt sức, mệt mỏi, không có năng lượng
  • Thấy cuộc sống chán nản và tuyệt vọng.
  • Bắt đầu lạm dụng chất kích thích nhiều hơn
  • Có ý tưởng làm hại bản thân hoặc người khác
  • Suy giảm chức năng, không có khả năng chăm sóc bản thân, con cái và không thể làm việc.

Lưu ý

Cá nhân được chẩn đoán mắc bệnh hoặc rối loạn về sức khỏe tâm thần có thể có những triệu chứng trên. Tuy nhiên, người có những triệu chứng trên chưa hẳn là đã mắc bệnh hoặc các vấn đề sức khỏe tâm thần. Do đó, bạn không nên tự chẩn đoán hay điều trị cho bản thân, thay vào đó bạn nên tìm đến sự hỗ trợ và giúp đỡ của bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý.
Sức khỏe tâm thần là gì
Bạn nên đến gặp bác sĩ hoặc các chuyên gia tâm lý nếu nhận thấy ở bản thân có những dấu hiệu kể trên

Câu hỏi thường gặp

Tôi nên làm gì nếu nghi ngờ bản thân đang gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần?

Nếu bạn có những dấu hiệu hay triệu chứng đã liệt kê ở trên trong thời gian dài, đồng thời chúng cũng gây ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của bạn. Tốt hơn hết, bạn nên tìm đến sự giúp đỡ của bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được chẩn đoán và điều trị.

Sự khác nhau giữa sức khỏe tinh thần và sức khỏe tâm thần là gì?

Khi bạn tìm hiểu về sức khỏe tinh thần hay sức khỏe tâm thần là gì, về mặt y khoa nhìn chung, cả hai thuật ngữ này là giống nhau và được sử dụng với thuật ngữ tiếng Anh là ‘mental health’.

Mặc dù hai thuật ngữ thường có thể được sử dụng thay thế cho nhau nhưng tình trạng sức khỏe tinh thần kém và mắc bệnh tâm thần là hai khái niệm khác. Một người có thể trải qua giai đoạn sức khỏe tinh thần kém nhưng không hẳn là đang mắc bệnh tâm thần.

Ví dụ: Bạn bị rơi mất chiếc ví chứa nhiều tiền và giấy tờ tùy thân. Điều này khiến bạn cảm thấy buồn chán, thất vọng trong suốt 1 tuần, nhưng điều đó không đồng nghĩa là bạn mắc bệnh trầm cảm.

Biểu hiện của người có sức khỏe tâm thần tốt là gì?

Biểu hiện của một người có sức khỏe tinh thần tốt bao gồm:

  • Tinh thần vui vẻ, lạc quan
  • Ăn ngon miệng, ngủ ngon giấc
  • Hào hứng và tận hưởng cuộc sống mỗi ngày
  • Cảm xúc ổn định, cơ thể khỏe mạnh, cường tráng
  • Có khả năng giải quyết vấn đề và giải tỏa căng thẳng
  • Biết cách tự chăm sóc bản thân (và người khác).
sức khỏe tâm thần là gì
Tinh thần vui vẻ, lạc quan, yêu đời, tận hưởng cuộc sống… là những biểu hiện của một người có sức khỏe tinh thần tốt

Kết luận

Hiểu đúng khái niệm sức khỏe tâm thần là gì là điều rất cần thiết để chăm sóc đời sống tinh thần của bản thân. Hy vọng rằng, những kiến thức mà HelloBacsi vừa chia sẻ sẽ giúp bạn hiểu được sức khỏe tâm thần là gì và tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần đối với mỗi cá nhân.

Dưới đây là các chủ đề về cách thấu hiểu bản thân để tăng cường sức khỏe tinh thần mà có thể bạn quan tâm:

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Mental health | WHO
https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/mental-health-strengthening-our-response
Truy cập ngày: 09.07.2024

Mental Health | APA
https://dictionary.apa.org/mental-health
Truy cập ngày: 09.07.2024

Signs of mental health issues | healthdirect
https://www.healthdirect.gov.au/signs-of-mental-health-issues
Truy cập ngày: 09.07.2024

About Mental Health | CDC
https://www.cdc.gov/mentalhealth/learn/index.htm
Truy cập ngày: 09.07.2024

Caring for Your Mental Health – National Institute of Mental Health (NIMH)
https://www.nimh.nih.gov/health/topics/caring-for-your-mental-health
Truy cập ngày: 09.07.2024

Việt Nam có khoảng 14 triệu người rối loạn tâm thần – Bộ Y tế
https://moh.gov.vn/tin-tong-hop/-/asset_publisher/k206Q9qkZOqn/content/viet-nam-co-khoang-14-trieu-nguoi-roi-loan-tam-than?inheritRedirect=false
Truy cập ngày: 09.07.2024

Phiên bản hiện tại

15/07/2024

Tác giả: Phong Huỳnh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Dương Thị Thùy Dung

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

Self awareness là gì? Cách để trau dồi kỹ năng tự nhận thức bản thân

Thiền buông thư là gì? Lợi ích và cách thực hành thiền buông thư


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Dương Thị Thùy Dung

Tâm thần · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Phong Huỳnh · Ngày cập nhật: 15/07/2024

ad iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo