backup og meta

Bạn biết gì về chứng rối loạn ác mộng?

Bạn biết gì về chứng rối loạn ác mộng?

Ác mộng là một hiện tượng bình thường, nó có thể xảy ra ở bất cứ ai. Tuy nhiên, khi những cơn ác mộng trở nên thường xuyên, làm gián đoạn giấc ngủ thì có thể bạn đang phải đối mặt với bệnh lý rối loạn ác mộng.

Mặc dù tình trạng ngủ hay gặp ác mộng khá phổ biến, rối loạn ác mộng lại là một bệnh tương đối hiếm gặp. Bệnh xảy ra khi những cơn ác mộng có sự tái diễn, gây đau khổ và làm giảm sút chất lượng cuộc sống. Nhiều người bị rối loạn ác mộng còn mắc chứng sợ ngủ.

Rối loạn ác mộng là bệnh gì?

Ác mộng là giấc mơ đem đến cảm giác tiêu cực (lo lắng, sợ hãi). Nó khiến bạn giật mình giữa đêm, tim đập mạnh, đổ mồ hôi và khó trở lại giấc ngủ. Tình trạng này là phản ứng bình thường của não bộ đối với những suy nghĩ, lo âu của chúng ta. Cơn ác mộng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất là ở trẻ em.

Theo Healthline, trẻ em từ 3 – 6 tuổi thường xuyên gặp phải ác mộng khi ngủ. Tình trạng này giảm dần khi chúng lên 10 tuổi, nhưng cũng có trường hợp gặp những giấc mơ gây lo sợ trong suốt cuộc đời. Ở những năm dậy thì, các bé gái có xu hướng gặp ác mộng nhiều hơn các bé trai.

Rối loạn ác mộng là một bệnh lý nguy hiểm. Nó có thể dẫn đến những biến chứng như giảm tập trung lái xe, mất ngủ và cố gắng tự sát.

Triệu chứng

Triệu chứng rối loạn ác mộng

Con người dành 1/3 thời gian cuộc đời để ngủ. Trong thời gian nghỉ ngơi đó, có những giấc mơ sáng suốt, giấc mơ dự báo tương lai và cả những cơn ác mộng đen tối. Ác mộng thường xuất hiện sau nửa đêm và có những đặc điểm như sau:

  • Giấc mơ rất sống động, xáo trộn và gây khó chịu
  • Cốt truyện trong mơ thường liên quan đến các mối đe dọa, sự sống còn
  • Giật mình tỉnh giấc giữa đêm
  • Cảm thấy sợ hãi, lo lắng, buồn bã, tức giận sau khi tỉnh dậy
  • Ra nhiều mồ hôi, tim đập thình thịch dù không hề vận động
  • Có thể suy nghĩ và nhớ các chi tiết trong giấc mơ
  • Cảm giác đau khổ khiến bạn rất khó khăn mới có thể tiếp tục ngủ

Những cơn ác mộng chỉ được xem là một dạng rối loạn nếu chúng đi kèm với các triệu chứng bất thường, bao gồm:

  • Diễn ra trên 5 ngày/tuần
  • Cảm giác sợ hãi, lo lắng kéo dài cả ngày sau đó
  • Không thể ngừng suy nghĩ về những hình ảnh trong giấc mơ
  • Gặp vấn đề trong việc tập trung và ghi nhớ
  • Mệt mỏi, thiếu năng lượng và cảm thấy rất buồn ngủ vào ban ngày
  • Giảm hoạt động thể chất, kém linh hoạt trong các tình huống xã hội
  • Sợ bóng tối, lo lắng không rõ nguyên nhân khi gần đến giờ đi ngủ

Ngoài ra, người mắc bệnh cũng có thể gặp phải một số triệu chứng mang tính chủ quan khác.

Nguyên nhân gây rối loạn ác mộng

Nguyên nhân gây ác mộng

Rối loạn ác mộng có liên quan mật thiết đến chứng mất ngủ, thường xảy ra trong giai đoạn giấc ngủ REM. Cho đến nay, nguyên nhân chính xác dẫn đến bệnh lý này vẫn chưa được rõ ràng. Song, các chuyên gia cho rằng những cơn ác mộng có thể được kích hoạt bởi các yếu tố dưới đây:

Căng thẳng và lo lắng kéo dài

Tình trạng stress trong thời gian dài có thể gây ra những giấc mơ đáng sợ. Đó có thể là áp lực từ các vấn đề của cuộc sống, sự thay đổi hoặc trải nghiệm đau buồn. Khả năng chịu đựng chấn thương của mỗi người là không giống nhau. Song, cái chết của người thân thường để lại sự mất mát lớn và gây ra những cơn ác mộng kinh hoàng.

Chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương

Tai nạn, lạm dụng tình dục, tra tấn là những nguyên nhân chính gây ra ác mộng. Nói cách khác, người mắc bệnh rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) cũng đồng thời mơ thấy ác mộng một cách thường xuyên.

Thiếu ngủ, mất ngủ có thể gây rối loạn ác mộng

Những thay đổi trong lịch làm việc của bạn có thể khiến cho thời gian ngủ và thức không ổn định. Điều này cũng sẽ làm gián đoạn và làm giảm số giờ ngủ, tăng nguy cơ gặp ác mộng. Mặt khác, mất ngủ có liên quan đến các vấn đề về thần kinh.

Lạm dụng thuốc

Một số loại thuốc, bao gồm thuốc chống trầm cảm, thuốc huyết áp và thuốc dùng để điều trị bệnh Parkinson có khả năng kéo dài ác mộng nếu sử dụng trong thời gian dài. Ngoài ra, các chất gây nghiện, chất kích thích cũng sẽ khiến bạn chìm vào những cơn ác mộng không hồi kết.

Vấn đề sức khỏe tâm thần khác

Bệnh trầm cảm và một số rối loạn tâm thần được chứng minh là có liên quan đến những cơn ác mộng tái diễn. Bên cạnh đó, ác mộng cũng thường xảy ra song song với một số điều kiện y tế khác như bệnh tim, ung thư. Phần lớn các bệnh làm giảm chất lượng giấc ngủ đều dẫn đến ác mộng.

Ngoài ra, bạn sẽ có nguy cơ mơ thấy ác mộng cao hơn người khác nếu trong gia đình có người bị rối loạn ác mộng, bệnh mộng du.

Chẩn đoán rối loạn ác mộng

Chẩn đoán rối loạn ác mộng

Hiện nay, các bác sĩ vẫn chưa có các xét nghiệm quy chuẩn để chẩn đoán chứng rối loạn ác mộng. Quá trình chẩn đoán thường tốn nhiều thời gian. Theo đó, bác sĩ sẽ xem xét hồ sơ bệnh án, các triệu chứng và thực hiện theo các kỹ thuật sau đây:

Kiểm tra thể chất

Người bị nghi ngờ mắc bệnh sẽ được kiểm tra thế chất. Công đoạn này giúp bác sĩ xác định điều kiện có thể góp phần gây ác mộng. Trong trường hợp những cơn ác mộng tái phát cho thấy những lo lắng tiềm ẩn, bác sĩ sẽ giới thiệu bạn đến chuyên gia sức khỏe tâm thần.

Thảo luận về triệu chứng rối loạn ác mộng

Rối loạn ác mộng thường được chẩn đoán dựa trên mô tả của bệnh nhân về các triệu chứng. Trong đó, hành vi trong suốt giấc ngủ có vai trò quan trọng đối với chẩn đoán. Bác sĩ cũng có thể hỏi người ngủ cùng về các dấu hiệu bất thường của bạn để chẩn đoán chính xác hơn.

Nghiên cứu giấc ngủ về đêm (polysomnography)

Trường hợp giấc ngủ của bạn bị xáo trộn nghiêm trọng, bác sĩ sẽ đề nghị một nghiên cứu giấc ngủ về đêm. Phương pháp này giúp xác định những cơn ác mộng có liên quan đến các chứng rối loạn giấc ngủ khác hay không.

Để tiến hành, các cảm biến được đặt trên cơ thể bạn. Sau đó, cảm biến sẽ ghi lại và theo dõi sóng não, nồng độ oxy trong máu, nhịp tim, nhịp thở cũng như chuyển động của mắt và chân trong khi bạn ngủ. Bạn cũng có thể quay video để ghi lại hành vi của mình trong các giai đoạn của giấc ngủ.

Phương pháp điều trị

Việc điều trị là cần thiết nếu như cơn ác mộng khiến bạn đau khổ và cản trở các hoạt động thường ngày. Theo đó, nguyên nhân gây bệnh giúp xác định các phương pháp điều trị rối loạn ác mộng, bao gồm:

  • Nếu ác mộng có liên quan đến một tình trạng y tế tiềm ẩn, việc điều trị sẽ tập trung vào tình trạng đó.
  • Các phương pháp trị liệu giúp làm giảm căng thẳng, tăng thư giãn được áp dụng cho bệnh nhân bị rối loạn ác mộng do căng thẳng.
  • Đối với người bị PTSD, bác sĩ sẽ sử dụng liệu pháp hình ảnh. Liệu pháp này giúp thay đổi mức độ nghiêm trọng của những cơn ác mộng. Sau đó, bác sĩ sẽ hỗ trợ bệnh nhân vẽ ra một cốt truyện mới nhẹ nhàng hơn. Cách tiếp cận này được chứng minh là có thể làm giảm tần suất của những cơn ác mộng.
  • Hiếm khi người bị rối loạn ác mộng được chỉ định dùng thuốc. Tuy vậy, một số loại thuốc được khuyến nghị trong việc điều trị ác mộng liên quan đến chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn.

Biện pháp hỗ trợ điều trị rối loạn ác mộng tại nhà

Chăm sóc giấc ngủ để tránh gặp ác mộng

Bạn có thể nâng cao hiệu quả điều trị bệnh bằng cách thực hiện theo các biện pháp chăm sóc tại nhà sau đây:

Hình thành thói quen tốt cho giấc ngủ

Những thói quen trước khi ngủ rất quan trọng đối với chất lượng giấc ngủ. Giấc ngủ sẽ êm ả hơn nếu cơ thể nhận được tín hiệu bạn đã sẵn sàng để ngủ.

Bạn có thể thư giãn trước khi ngủ bằng cách tắt các thiết bị điện tử. Tiếp đó, bạn hãy thực hiện các hoạt động làm dịu tâm trí như đọc sách, ngâm mình trong bồn nước nóng. Ngoài ra, thiền và yoga có tác động tích cực đến giấc ngủ. Phòng ngủ của bạn cũng cần được yên tĩnh, sạch sẽ.

Tự trấn an sau khi gặp ác mộng

Sẽ khá khó khăn để bạn có thể lập tức bình tĩnh sau khi mơ thấy ác mộng. Hãy kiên nhẫn, hít thở sâu. Sau đó, bạn tự trấn mình bằng những lý lẽ phủ nhận sự ảnh hưởng của ác mộng. Bạn hãy nói với mình những cơn ác mộng này là không có thật, nó không thể làm tổn thương bạn được. Hành động này sẽ giúp bạn ngăn chặn những cơn ác mộng sau này.

Chia sẻ giấc mơ với người khác

Nói về giấc mơ sẽ giúp giảm bớt đi sự kinh hoàng trong bạn. Cũng như cách bạn đối diện với sợ hãi, hãy “chỉ mặt đặt tên” và bạn sẽ không còn bị ám ảnh bởi những ác mộng mơ hồ.

Để làm được điều này, bạn cần tìm một người thân thiết nhất với mình và kể họ nghe tất cả những gì bạn gặp trong giấc mơ. Cụ thể, bạn hãy kể cho họ nghe chuyện gì đã xảy ra, những người đã xuất hiện và điều khiến bạn cảm thấy sợ hãi.

Chủ động viết lại kết thúc của giấc mơ

Bạn hoàn toàn có thể “viết lại” cốt truyện cũng như kết thúc cho những cơn ác mộng của mình. Điều bạn cần là sức mạnh của nhận thức. Bạn hãy từ từ xác định các chi tiết trong giấc mơ và dùng trí tưởng tượng để thay đổi nó.

Chứng rối loạn ác mộng ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe và tinh thần của người bệnh. Để hiệu quả điều trị được nâng cao, bệnh nhân cần thành thật với bác sĩ về những triệu chứng, nội dung giấc mơ và những thay đổi lớn gần đây trong cuộc sống.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nightmare disorder

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/nightmare-disorder/symptoms-causes/syc-20353515

Ngày truy cập: 31/12/2019

Nightmares in Adults

https://www.webmd.com/sleep-disorders/nightmares-in-adults#1

Ngày truy cập: 31/12/2019

Nightmare Disorder Symptoms

https://psychcentral.com/disorders/nightmare-disorder-symptoms/

Ngày truy cập: 31/12/2019

Phiên bản hiện tại

12/08/2020

Tác giả: Thu Anh Nguyen

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Dung Nguyễn


Bài viết liên quan

Nên làm gì khi có ý định tự sát? Bác sĩ tâm thần hướng dẫn cách đối diện và ứng phó tình huống

Giải mã những bí ẩn giấc mơ của người mù


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Thu Anh Nguyen · Ngày cập nhật: 12/08/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo