Schizophrenia là từ tiếng Anh đề cập đến bệnh tâm thần phân liệt. Đây là một dạng rối loạn tâm thần có ảnh hưởng nghiêm trọng đến các khía cạnh khác nhau trong cuộc sống của người bệnh. Tuy nhiên, với việc điều trị tích cực thì một số người có thể giảm các triệu chứng hoặc hồi phục. Cùng tìm hiểu tất tần tật thông tin về schizophrenia là gì nhé!
Schizophrenia là gì?
Schizophrenia (bệnh tâm thần phân liệt) là rối loạn tâm thần nghiêm trọng. Người bệnh sẽ có biểu hiện loạn thần bao gồm: ảo giác, hoang tưởng khiến họ mất nhận thức về hiện thực; gây ra các rối loạn về ngôn ngữ, tư duy và hành vi vô tổ chức. Họ có thể không phân biệt đúng – sai; từ đó, suy giảm hoặc mất khả năng về các chức năng nghề nghiệp, xã hội và việc duy trì hoạt động thường ngày.
Những người bị tâm thần phân liệt cần phải điều trị suốt đời. Tuy nhiên, việc phát hiện sớm có thể giúp kiểm soát các triệu chứng trước khi phát triển các biến chứng nghiêm trọng. Với sự phát triển của y học hiện đại, nay đã có thêm nhiều sự lựa chọn chăm sóc hiệu quả và giúp người bệnh kiểm soát các triệu chứng bệnh để họ có thể duy trì các chức năng nhận thức, ngôn ngữ của mình.
Dấu hiệu, triệu chứng của schizophrenia là gì?
Trước khi hiểu dấu hiệu của schizophrenia là gì, chúng ta cần biết mỗi người bệnh có thể có biểu hiện khác nhau, có mức độ nghiêm trọng của từng triệu chứng khác nhau.
Dựa vào Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần, Phiên bản Thứ năm (DSM-5), các triệu chứng của tâm thần phân liệt có thể được phân loại như sau:
- Triệu chứng dương tính: ảo giác và hoang tưởng;
- Triệu chứng âm tính: bao gồm các triệu chứng giảm biểu hiện cảm xúc, mất nói, mất động lực, thờ ơ và giảm chú ý;
- Ngôn ngữ vô tổ chức;
- Hành vi vô tổ chức;
- Suy giảm nhận thức: thiếu hụt trí nhớ trong xử lý thông tin và giải quyết vấn đề.
LƯU Ý: Kể cả khi bạn đã đọc và nắm thông tin “dấu hiệu schizophrenia là gì”, nhưng chỉ có bác sĩ tâm thần mới có thể chẩn đoán và xác định bạn có bị tâm thần phân liệt hay không. Do đó, bạn chú ý không tự chẩn đoán và kết luận nhé.
Triệu chứng dương tính
Hoang tưởng: là những niềm tin sai lầm, không phù hợp với thực tế khách quan nhưng người bệnh tin chắc là đúng, không thể giải thích hay phê phán dù có bằng chứng trái ngược rõ rệt từ thực tế khách quan. Đây thường là các niềm tin cố định mà không dựa trên cơ sở thực tế. Một số loại hoang tưởng thường thấy:
- Hoang tưởng bị hại: Tin rằng họ đang bị tra tấn, bắt cóc hoặc bị ai đó hãm hại. Đối tượng bị tình nghi thường là những người thân cận bên cạnh: vợ chồng, con cái, cha mẹ,…
- Hoang tưởng liên hệ: Thường phát sinh trước ảo tưởng bị hại. Người bệnh nghĩ rằng mọi thứ điều liên quan đến mình, những lời nói hoặc hành động của người xung quanh (kể cả người xa lạ) luôn có ý ám chỉ mình.
- Hoang tưởng nhận nhầm: người bệnh cho rằng người thân của mình bị người khác giả dạng, hoặc tất cả những người khác nhau họ gặp thực ra đều cùng một người.
- Ngoài ra một số hoang tưởng thường gặp khác như hoang tưởng bị chi phối, hoang tưởng ghem tuông, hoang tưởng tự buộc tội, hoang tưởng nghi bệnh, hoang tưởng được yêu, hoang tưởng tự cao,…
Ảo giác: Tri giác như có thật về sự vật hiện tượng không có thật. Mỗi giác quan sẽ tương ứng với một loại ảo giác nhất định. Dấu hiệu ảo giác phổ biến nhất của Schizophrenia là gì thì là triệu chứng nghe thấy giọng nói dù không có bất kỳ âm thanh nào (ảo thanh). Tùy vào từng người sẽ có các phản ứng khác nhau như sợ hãi, bịt tai, nổi điên,… thậm chí tự hại hoặc tấn công người khác.
Triệu chứng âm tính
Triệu chứng âm tính được thể hiện qua sự suy giảm hoặc thiếu các cảm xúc bình thường: khuôn mặt không có cảm xúc, thờ ơ; không giao tiếp bằng mắt; không thay đổi nét mặt, giọng nói đều đều.
Ngoài ra, người bệnh còn dần mất đi cảm tình với người xung quanh, mất hứng thú và động lực với các sự việc hoặc người xung quanh; trở nên lạnh nhạt, bàng quang với người thân, xa lánh, hằn học với mọi người. Đôi khi còn xuất hiện các cảm xúc dữ dội, đột ngột như khóc lóc, lo sợ, giận dữ,…
Các dấu hiệu này trong vài trường hợp này sẽ khó nghĩ là bệnh tâm thần, nhưng nắm được khái niệm bệnh schizophrenia là gì cũng hỗ trợ việc nhận diện bệnh dễ dàng hơn.
Cùng chủ đề Schizophrenia: Hưng cảm là gì?
Rối loạn chức năng nhận thức
Yếu tố quyết định chính khi xét đến mức độ nghiêm trọng của bệnh Schizophrenia là gì? Đó là khả năng nhận thức.
Những rối loạn nhận thức có ảnh hưởng lớn đến khả năng chú ý, trí nhớ và tư duy của người bệnh. Suy nghĩ của họ thường không linh hoạt, kỹ năng nhận thức và kỹ năng giải quyết vấn đề sụt giảm, dẫn đến cuộc sống hàng ngày cũng bị đình trệ.
Lưu ý: Các triệu chứng này có thể nặng dần theo thời gian. Nếu điều trị đúng đắn và tích cực thì một số triệu chứng có thể thuyên giảm nhưng một số vẫn sẽ không thay đổi.
Ngôn ngữ và hành vi vô tổ chức
Ngôn ngữ vô tổ chức: Nói lạc đề hoặc tư duy lai nhai, phát biểu lan man, không đúng trọng tâm vấn đề, lời nói khó hiểu, toàn những từ vô nghĩa khiến người nghe khó nắm được ý.
Hành vi vô tổ chức: Biểu hiện qua một số hành vi ngốc nghếch như trẻ con (nhún vai, nhếch mép, xua tay,…) hoặc kỳ lạ như trời rét cởi hết tất cả quần áo xuống sông bơi hoặc các kích động bộc phát như giết người, đốt nhà thản nhiên như không có việc gì xảy ra. Ngoài ra, các hành vi căng trương lực khác như bất động, giữ nguyên tư thế, mất nói, nhại lại động tác, hoặc sững sờ cũng có thể là các hành vi vô tổ chức. Nếu bạn vẫn thắc mắc Schizophrenia là gì thì đây chính là đặc trưng rõ rệt nhất của bệnh.
Cùng chủ đề Schizophrenia, xem: Nguyên nhân cáu gắt là gì? Có phải triệu chứng bệnh?
Nguyên nhân gây ra schizophrenia là gì?
Hiện nay vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra bệnh tâm thần phân liệt nhưng các nhà nghiên cứu tin rằng căn bệnh này là sự kết hợp giữa các yếu tố như:
- Di truyền: Nếu tiền sử gia đình có cha mẹ mắc tâm thần phân liệt thì tỉ lệ đứa trẻ sinh ra cũng mắc căn bệnh này tăng lên đến 12%. Đối với cặp song sinh cùng trứng, tỉ lệ còn có thể lên đến 45%.
- Yếu tố sinh hóa trong não bộ: Những thay đổi trong cấu trúc não bộ hoặc thay đổi về chất dẫn truyền thần kinh như glutamate và dopamine có khả năng cao gây ra các triệu chứng. Ở những người này, họ vốn đã có tổn thương về phát triển thần kinh, sự khởi phát, thuyên giảm và tái phát các triệu chứng là kết quả của việc kết hợp và tương tác cùng các yếu tố khác.
- Môi trường và mối quan hệ xã hội: Một số yếu tố môi trường có thể góp phần vào sự phát triển của bệnh tâm thần phân liệt như nhiễm virus gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh và tế bào não; nhiễm độc tố và chì;… Về mối quan hệ xã hội, người bị Schizophrenia thường sống ở nơi đông đúc dân cư, hoặc sống chung với cha mẹ bị tâm thần phân liệt trước đó. Ngoài ra, việc lạm dụng chất kích thích (cần sa), thất nghiệp, nghèo đói, phá sản,… cũng là yếu tố nguy cơ.
Ngoài ra, một số yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tâm thần phân liệt:
- Trải qua sang chấn tâm lý thời thơ ấu.
- Sử dụng thuốc làm thay đổi tâm trí trong tuổi thanh niên và thiếu niên.
- Mẹ gặp biến chứng khi mang thai và sinh nở. Ví dụ như suy dinh dưỡng, tiếp xúc với các chất hóa học độc hại sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của con nhỏ.
Ảnh hưởng của schizophrenia lên cuộc sống là gì?
Khi không biết Schizophrenia là gì và không tìm cách điều trị; bệnh tâm thần phân liệt có thể ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của cuộc sống. Vậy những biến chứng, tác hại của Schizophrenia là gì? Đó có thể là:
- Trầm cảm.
- Xa rời xã hội.
- Lạm dụng các chất kích thích.
- Tự tử, tìm cách tự tử và có ý nghĩ tự tử.
- Không có khả năng lao động và học tập.
- Bị phân biệt đối xử và không được tiếp xúc với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt.
- Nguy cơ tử vong cao, thường do các bệnh về thể chất như tim mạch, truyền nhiễm.
- Đồng mắc các rối loạn tâm thần khác: Rối loạn lo âu và rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD).
- Có chiều hướng bạo lực, dễ gây gổ, hành hung với người khác, gây nguy hiểm cho người xung quanh và chính bản thân mình.
Đối tượng có nguy cơ mắc Schizophrenia
Mọi đối tượng đều có nguy cơ mắc tâm thần phân liệt. Các triệu chứng khởi phát thường xuyên nhất ở cuối tuổi vị thành niên và có xu hướng xảy ra sớm ở nam giới hơn là nữ giới. Hiểu được Schizophrenia là gì sẽ giúp việc điều trị bệnh hiệu quả hơn.
Các phương pháp điều trị schizophrenia là gì?
Hiện nay, các nhà khoa học và chuyên gia chưa tìm ra phương pháp điều trị schizophrenia là gì. Tuy nhiên, người bệnh tâm thần phân liệt vẫn có thể sống một sống ổn định và có ý nghĩa nhờ các phương pháp kiểm soát triệu chứng bệnh. Những cách kiểm soát triệu chứng bao gồm: sử dụng thuốc, điều trị tâm lý và các dịch vụ xã hội.
Lý tưởng nhất là kết hợp giữa sử dụng thuốc, điều trị tâm lý và nhận được hỗ trợ từ các dịch vụ xã hội.
Sử dụng thuốc chống loạn thần
Thuốc điều trị bệnh tâm thần phân liệt có vai trò kiểm soát các triệu chứng bằng cách gây ảnh hưởng lên chất dẫn truyền thần kinh dopamine trong não.
Thông thường, bệnh nhân sẽ mất vài lần thử trước khi tìm ra đúng loại thuốc điều trị hiệu quả, vì thuốc sẽ có tác dụng khác nhau với mỗi người bệnh. Vì lý do này, người bị tâm thần phân liệt đừng lo lắng mà hãy tuân thủ theo đúng kế hoạch điều trị của bác sĩ.
Tùy thuộc vào tình trạng và chuẩn đoán của mình, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp. Thuốc điều trị của schizophrenia là gì và có những loại nào? Hiện nay, có hai dòng thuốc điều trị chống loạn thần chủ yếu:
- Thuốc chống loạn thần thế hệ thứ nhất (FGA): có nhiều tác dụng phụ và có khả năng gây ra rối loạn vận động ở người bệnh. Chi phí của FGA thường rẻ hơn nên đây cũng là điều cần cân nhắc nếu phải sử dụng thuốc lâu dài. Một số loại thuốc điển hình: Fluphenazine, Haloperidol, Chlorpromazine,…
- Thuốc chống loạn thần thế hệ thứ hai (SGA): thường được ưa chuộng hơn vì ít các tác dụng phụ, đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có nguy cơ mắc các hội chứng chuyển hóa do dùng thuốc. Một số loại thuốc điển hình: Risperidone, Aripiprazole, Cariprazine,…
- Đặc biệt, hiện nay tại Việt Nam đã xuất hiện thuốc chống loạn thần dạng tiêm tác dụng kéo dài, chỉ cần tiêm mỗi tháng hoặc mỗi ba tháng thay thế cho thuốc uống hằng ng. Những thuốc dạng tiêm kéo dài sẽ góp phần tăng sự tuân thủ dùng thuốc và khắc phục được hạn chế phải dùng thuốc hằng ngày.
Phục hồi chức năng nhận thức
Liệu pháp phục hồi nhận thức bao gồm các chương trình đào tạo kỹ năng tâm lý và các dịch vụ hỗ trợ việc làm. Mục tiêu hướng đến việc giúp bệnh nhân cải thiện tương tác và giao tiếp xã hội, tham gia vào các hoạt động thường ngày.
Hầu hết các bệnh nhân sẽ được tạo điều kiện để sống trong cộng đồng. Tuy nhiên, vẫn sẽ có một số người cần phải được giám sát tại nhà với nhân viên y tế để đảm bảo tuân thủ việc dùng thuốc.
Xem thêm: 9 cách giữ bình tĩnh giúp bạn luôn vững vàng tâm lý
Tham gia vào quá trình trị liệu tâm lý
Các liệu pháp tâm lý thường được sử dụng để hỗ trợ người bệnh và người nhà nắm rõ bản chất của bệnh Schizophrenia là gì; giúp họ đồng cảm và thích ứng với bệnh tâm thần phân liệt; hỗ trợ giải quyết các nhu cầu về dịch vụ xã hội cơ bản.
Đây là bệnh tâm thần mạn tính, bệnh nhân sẽ phải chịu cả đời nên trị liệu tâm lý có thể giúp họ và người nhà học cách thích nghi, quản lý bệnh tật, nhanh chóng trở lại với cuộc sống hàng ngày. Với các bệnh nhân sống cùng gia đình, các phương pháp tâm lý trị liệu có thể giảm nguy cơ tái phát.
Những cách phòng ngừa bệnh tâm phân liệt
Cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có phương pháp nào chắc chắn để ngăn ngừa bệnh tâm thần phân liệt. Tuy nhiên, việc tuân thủ theo kế hoạch điều trị của bác sĩ có thể ngăn ngừa tái phát hoặc làm nặng thêm các triệu chứng. Các chuyên gia hy vọng rằng tìm hiểu thêm về nguyên nhân gây ra bệnh tâm thần phân liệt sẽ giúp việc chẩn đoán và điều trị bệnh sớm hơn trong quá trình khởi phát.
Ngoài ra, như đã nói ở trên, các yếu tố căng thẳng cũng là một trong những tác nhân chính gây ra bệnh. Vì vậy, bạn có thể tham khảo một số phương pháp sau đây để luôn giữ tinh thần khỏe mạnh, tích cực:
- Thường xuyên tập thể dục và vận động
- Giữ mối quan hệ với người xung quanh
- Học cách quản lý công việc và các cách thư giãn lành mạnh
- Gặp các bác sĩ tâm lý nếu có dấu hiệu của trầm cảm, căng thẳng, stress kéo dài,…
- Không sử dụng các chất kích thích thần kinh, đặc biệt là trong độ tuổi thanh thiếu niên
Nếu là người mắc tâm thần phân liệt, tôi phải làm gì?
- Chấp nhận sự giúp đỡ từ các chuyên gia và bác sĩ chuyên khoa. Công việc của họ là giúp bạn thấy được lắng nghe và an toàn. Vì thế, đừng ngần ngại bày tỏ và chia sẻ những điều bạn cảm thấy quan ngại về bệnh Schizophrenia là gì và như thế nào. Nếu có thể, đừng ngần ngại nhờ người thân đi cùng để bạn có thể tập trung vào việc đặt câu hỏi, hiểu rõ hơn về bệnh, trong khi đó, người thân sẽ ghi chép những điều quan trọng.
- Tham gia vào các nhóm hỗ trợ cộng đồng cho bệnh tâm thần phân liệt sẽ giúp bạn có nơi để chia sẻ và nhận được sự cảm thông, khích lệ từ những người có cùng trải nghiệm.
- Thảo luận với bác sĩ về danh sách các hoạt động lành mạnh để gia tăng cảm xúc tích cực, ví dụ như tập thể dục, tìm các sở thích cá nhân, dành thời gian cho gia đình và bạn bè,…
Làm thế nào để giúp những người tâm thần phân liệt?
- Kiên nhẫn và nhẹ nhàng khi trò chuyện cùng người bệnh.
- Không tự ý cho bệnh nhân uống thuốc ngoài đơn thuốc bác sĩ đã kê.
- Thấu hiểu Schizophrenia là gì và đồng hành cùng người bệnh trong việc tuân thủ các hướng dẫn điều trị của bác sĩ.
- Đưa người bệnh đi khám định kỳ để theo dõi tình trạng và diễn biến của bệnh, từ đó, tìm hướng điều trị phù hợp nhất.
- Không cho người bệnh sử dụng các đồ dùng sắc nhọn, tránh tự làm hại đến bản thân hoặc những người xung quanh.
- Xây dựng chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, hạn chế tiêu thụ đường tinh luyện, tăng cường tổng hợp serotonin qua các thực phẩm như trứng, cá, sữa, thịt gà, chocolate, chuối,…
Bệnh tâm thần phân liệt không chỉ gây ảnh hưởng đến người bệnh mà còn gây nguy hiểm cho người xung quanh nếu không được chữa trị đúng cách. Y học hiện đại đã tiến bộ vượt bậc giúp việc điều trị bệnh ngày càng hiệu quả. Nhiều người có thể giữ được sức khỏe ổn định trong thời gian dài.
Ngoài Schizophrenia, xem thêm: Red flag là gì mà phải sợ? 10 dấu hiệu ‘cờ đỏ’ trong tình yêu
Hy vọng thông qua bài viết này bạn đã hiểu Schizophrenia là gì và cũng như là có thêm thông tin để hỗ trợ kịp thời cho người mắc tâm thần phân liệt xung quanh mình!
[embed-health-tool-bmi]