backup og meta

Mối quan hệ mập mờ là gì? Dấu hiệu bạn ở trong mối quan hệ mập mờ

Mối quan hệ mập mờ là gì? Dấu hiệu bạn ở trong mối quan hệ mập mờ

Có lẽ bạn đã từng thấy một cặp nam thanh nữ tú thân mật và âu yếm nhau, nhưng họ khẳng định họ đang không có mối quan hệ tình cảm và không có cam kết. Vậy mối quan hệ mập mờ này là gì? Vì sao nhiều người chọn thân mật với nhau theo kiểu này?

Trong bài viết, Hello Bacsi sẽ giúp bạn hiểu mối quan hệ mập mờ là gì, các dấu hiệu và giúp bạn xác định xem có nên thử mối quan hệ mập mờ hay không nhé.

Mối quan hệ mập mờ trong tình yêu là gì?

Mối quan hệ mập mờ (situationship) là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả kiểu mối quan hệ nằm ở giữa ranh giới tình bạn và tình yêu. Hai người thường xuyên quan tâm và dành thời gian cho nhau nhưng mức độ cảm xúc tình cảm thì không được xác định rõ ràng.

Theo nhà tâm lý lâm sàng Sabrina Romanoff nhận định rằng: ‘mối quan hệ mập mờ xảy ra khi bạn cảm thấy mình đang ở trong một mối quan hệ tưởng chừng là tình yêu nhưng lại không có bất kỳ sự cam kết gì. Nó mang đến cho bạn hai trải nghiệm vừa độc thân và vừa yêu đường cùng một lúc’.

Biểu hiện của mối quan hệ mập mờ là gì?

Biểu hiện của mối quan hệ mập mờ mà bạn dễ thấy nhất đó chính là sự hoài nghi mà bạn cảm nhân nơi chính bạn. Vì bạn thấy được những biểu hiện và cử chỉ biểu lộ tình cảm của đối phương nhưng không có gì là rõ ràng, kiểu như ‘ta là gì của nhau’.

Một số dấu hiệu của mối quan hệ mập mờ:

  • Sự quan tâm không rõ ràng: có lúc nhiệt tình quan tâm nhưng sau đó lại nhạt nhòa và im lặng.
  • Quan tâm có giới hạn: có dành cho nhau sự quan tâm và tình cảm nhưng lại không rõ nơi bản thân và nơi người kia muốn gì; vì cảm giác như luôn có một rào cản ở giữa.
  • Sợ bị từ chối và đánh mất mối quan hệ: một trong hai người không ai bày tỏ tình cảm hoặc ngỏ lời yêu vì sợ đối phương từ chối. Sợ rằng sau khi thổ lộ thì mối quan hệ sẽ rơi vào im lặng.
  • Ghen tuông nhưng không thể hiện: trong lòng vẫn có sự ghen tuông nhất định, nhưng kiềm chế vì biết rằng bản thân không có tư cách, không phải là người yêu của đối phương để làm điều đó.

Dấu hiệu của mối quan hệ mập mờ

Mối quan hệ mập mờ có tốt không?

Mối quan hệ mập mờ có thể đem lại cho bạn một số lợi ích về cảm xúc. Ví dụ như bạn không cần phải chịu trách nhiệm quá nặng nề với cảm xúc của đối phương; điều này có thể giúp bạn tránh được gánh nặng của cảm xúc tiêu cực. Hơn nữa, ngoài thời gian cả hai bên nhau thì bạn vẫn sẽ có sự tự do của mình.

Tuy nhiên, mối quan hệ mập mờ cũng có những mặt trái của nó. Cụ thể như, bạn không thể bộc lộ hết tâm tư tình cảm của mình dành cho đối phương. “Sự mập mờ” kéo dài có thể dẫn đến việc ức chế, khó chịu, gây ảnh hưởng đến công việc, đời sống cá nhân và các mối quan hệ khác.

Thậm chí, bạn có thể bỏ lỡ hoặc đánh mất cơ hội gặp những người khác tiềm năng hơn, tốt hơn nếu bạn tiếp tục nhập nhằng với mối quan hệ mập mờ này. Chưa kể, bạn có thể bị mọi người cho là bắt cá hai tay hay đang thao túng tâm lý người khác.

Tại sao nhiều người chỉ muốn ở trong mối quan hệ mập mờ?

Quả thật, nhiều người chỉ muốn mối quan hệ tình cảm của họ chỉ nên ở ranh giới mập mờ, lý do có thể là vì không muốn phải nghiêm túc, không muốn chịu trách nhiệm, không muốn bị ràng buộc vào một mối quan hệ nghiêm túc.

Bên cạnh đó cũng có một số nguyên nhân khác khiến cho họ cữ mãi quanh quẩn hết mối quan hệ mập mờ này tới mối quan hệ mập khác.

Sự an toàn về mặt cảm xúc

Một trong những lý do cho mối quan hệ mập mờ là bởi họ sợ bị thất bại trong tình cảm. Họ cố bảo vệ những lựa chọn và cơ hội mở cho bản thân.

Họ cho rằng ở trong mối quan hệ mập mờ sẽ an toàn hơn là bước vào mối quan hệ yêu đương chính thức, nơi tình yêu có sự cam kết nhưng có thể không kéo dài và có nguy cơ đổ vỡ. Những người này họ không tin vào sự cam kết trong tình yêu. Bởi về mặt tâm lý, họ sợ yêu đương sẽ làm tăng rủi ro nỗi sợ mất mát, tan vỡ hay đau khổ sau đó.

Không biết bản thân muốn gì

Bạn không rõ ràng cảm xúc và mong muốn của chính mình và với người khác. Có thể đây đang là hành trình tìm hiểu bản thân và bạn không biết mình thực sự muốn gì trong chuyện tình cảm.

Sang chấn tâm lý thời thơ ấu

Những nỗi bất an gắn bó thời thơ ấu kéo dài đến tuổi trưởng thành, làm ảnh hưởng đến sự phát triển và sự cam kết trong một mối quan hệ lãng mạn.

Ví dụ bạn có thể sống trong một gia đình cha mẹ cãi vã triền miên, hoặc ly hôn rất đau đớn. Từ đó, bạn có thể thấy không muốn gắn kết với bất kỳ ai do không thích trải qua nỗi đau mất mát trong tình cảm.

Thuộc dạng gắn bó không an toàn

Dạng gắn bó của một người thường được hình thành trong quá khứ, thông qua quá trình nuôi dưỡng của ông bà, cha mẹ. Theo lý thuyết gắn bó sẽ có 4 kiểu gắn bó chính bao gồm: Gắn bó an toàn (secure), gắn bó lo âu (anxious-preoccupied), gắn bó né tránh (dismissive) và gắn bó lo âu né tránh (fearful avoidant).

Ở dạng gắn bó lo âu thì luôn khao khát sự thân mật nhưng lại rất nhạy cảm và cảm thấy lo lắng về sự không chắc chắn của mối quan hệ, có xu hướng kiểm soát và bỏ ngỏ mối quan hệ.

Ở dạng gắn bó tránh né sẽ gặp khó khăn hơn trong mối quan hệ cam kết. Dạng này không thoải mái với sự thân mật, ưu tiên sự độc lập của bản thân nhiều, do đó gặp khó khăn trong việc chia sẻ tình cảm với người khác.

Sang chấn tâm lý thời thơ ấu
Lý do nhiều người chọn mối quan hệ mập mờ là gì? Vì nó mang lại cảm giác không bị ràng buộc, không phải chịu trách nhiệm và nhất là có thể rời đi bất kỳ lúc nào

Có nên tiếp tục mối quan hệ mập mờ hay dừng lại?

Câu trả lời tùy thuộc vào bạn. Dù bạn lựa chọn mối quan hệ mập mờ hay cam kết, bạn cần hiểu rõ về những gì bạn nhận được và những gì bạn sẽ phải đánh đổi.

Hơn nữa, nếu chọn mối quan hệ mập mờ do bạn có nỗi sợ cam kết, hay nỗi sợ gánh nặng cảm xúc trong tình yêu, thì bạn đang không giải quyết được vấn đề. Vì nỗi sợ là cần phải đối mặt, và bạn cần đối diện với nỗi sợ của mình thay vì hành động theo nỗi sợ ấy.

Chúng ta đang sống trong một thế giới chứa nhiều lo lắng, khao khát và trốn tránh trong tình yêu. Khi mới bắt đầu với mối quan hệ mập mờ, bạn có thể cảm thấy thoải mái. Nhưng theo thời gian, nó trở nên không lành mạnh.

Có nên tiếp tục mối quan hệ mập mờ?
Lý do để tiếp tục hay dừng lại mối quan hệ mập mờ là gì?

Cách giải quyết khi vướng vào mối quan hệ mập mờ

Khi mặc kẹt trong mối quan hệ mập mờ, đôi khi bạn cũng cảm thấy thú vị và thích thú vì những cảm xúc mà mối quan hệ này mang lại cho bạn. Tuy nhiên cũng ít nhiều gây ảnh hưởng đến trạng thái cảm xúc và gây mất thời gian cho cả hai người. Do đó, cách giải quyết khi vướng phải mối quan hệ mập mờ đó là:

  • Tìm hiểu mong muốn và nhu cầu của bản thân: Đặt câu hỏi cho bản thân về tình trạng mối quan hệ và đánh giá xem mối quan hệ này có phù hợp với bạn không.
  • Đánh giá mối quan hệ một cách khách quan: Thông thường, một mối quan hệ lành mạnh sẽ được xây dựng từ sự giao tiếp cởi mở, tin tưởng, tôn trọng và dành nhiều sự đầu tư. Ngược lại nếu không có những điều này thì mối quan hệ đó có thể cũng sẽ không tới đâu.
  • Đối mặt với vấn đề: Cuối cùng, nếu bạn mong muốn mối quan hệ trở nên nghiêm túc hơn, hãy sẵn lòng đối mặt với rủi ro khi chia sẻ cảm xúc của bạn. Điều quan trọng là phải trung thực và cho người kia thời gian để xử lý thông tin
Trường hợp, bạn là người trong cuộc nên không thể đánh giá một cách khác quan thì tốt hơn hết là bạn hãy nhờ đến sự trợ giúp của những người bạn thân hoặc người thân trong gia đình. Vì những người này hiểu bạn nên sẽ góp ý cho bạn một cách thật lòng và cho bạn thêm nhiều góc nhìn mà bạn bị che khuất.

Câu hỏi thường gặp

Mối quan hệ mập mờ và mối quan hệ đang tìm hiểu khác nhau như thế nào?

Khi tìm hiểu nhau, qua thời gian, bạn sẽ thấy sự kết nối giữa hai bạn có sự tiến triển hoặc thụt lùi. Nhìn chung là có một kết quả rõ ràng. Còn trong mối quan hệ mập mờ, bạn thấy sự thân mật nhưng không thấy được bất kỳ một cam kết rõ ràng nào giữa hai bên.

Hệ quả khi kéo dài mối quan hệ mập mờ là gì?

  • Bạn có thể chia tay trong đau đớn. Nếu bạn nảy sinh tình cảm nghiêm túc còn người kia thì không, điều đó có thể dẫn đến xung đột và đau lòng.
  • Bạn bị căng thẳng và lo lắng vì sự mơ hồ. Mối quan hệ mập mờ có thể khiến bạn cảm thấy như đang ở trong tình trạng lấp lửng, đặt câu hỏi về tình trạng mối quan hệ của mình, điều này khiến một số người lo lắng.
  • Bạn thiếu sự ổn định. Vì bạn không có mối quan hệ cam kết, người kia không phải là nguồn hỗ trợ nhất quán và bạn có thể không lập kế hoạch với họ.

Nếu bạn đang tìm kiếm tình yêu cho mình, mà vẫn đang mắc kẹt trong mối quan hệ mập mờ, giải pháp đơn giản lúc này chính là giao tiếp. Giao tiếp rõ ràng với nhau sẽ giúp gỡ những khúc mắc, những phân vân trong lòng của bạn. Nên đưa ra những yêu cầu rõ ràng để mối quan hệ lành mạnh hơn ngay từ ban đầu.

Kết luận

Hy vọng bạn đọc đã được phần nào gỡ rối tơ lòng về mối quan hệ mập mờ là gì, hiểu nguyên nhân đằng sau lựa chọn mối quan hệ mập mờ. Để từ đó cải thiện, tăng những cảm xúc thăng hoa trong tình yêu và mối quan hệ của mình.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Motivated Ambiguity in Today’s Dating Scene

https://ifstudies.org/blog/motivated-ambiguity-in-todays-dating-scene

Ngày truy cập 15.04.2024

Loving a Trauma Survivor: Understanding Childhood Trauma’s Impact On Relationships

https://www.psychalive.org/loving-trauma-survivor-understanding-childhood-traumas-impact-relationships/

Ngày truy cập 15.04.2024

Childhood Emotional Maltreatment and Romantic Relationships: The Role of Compassionate Goals

https://www.frontiersin.org/articles/10.3389/fpsyg.2021.723126/full

Ngày truy cập 15.04.2024

The effects of childhood trauma on romantic support and adult problem behavior 

https://commons.lib.jmu.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=1019&context=honors202029

Ngày truy cập 15.04.2024

How Childhood Trauma Affects Us as Adults

https://www.mentalhealthcenter.org/how-childhood-trauma-affects-adult-relationships/

Ngày truy cập 15.04.2024

Phiên bản hiện tại

15/04/2024

Tác giả: Trần Thùy Linh

Tham vấn chuyên môn: Chuyên gia tâm lý Lê Văn Thắng

Cập nhật bởi: Phong Huỳnh


Bài viết liên quan

Nên làm gì khi có ý định tự sát? Bác sĩ tâm thần hướng dẫn cách đối diện và ứng phó tình huống

Mối quan hệ toxic là gì? Dấu hiệu người toxic trong tình yêu


Tham vấn chuyên môn:

Chuyên gia tâm lý Lê Văn Thắng

Tham vấn tâm lý · Trung tâm tư vấn, trị liệu tâm lý 247


Tác giả: Trần Thùy Linh · Ngày cập nhật: 15/04/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo