backup og meta

Dấu hiệu bạn bị căng thẳng và stress quá mức

Dấu hiệu bạn bị căng thẳng và stress quá mức

Trong cuộc sống bộn bề ngày nay, không khó tránh khỏi những áp lực, mệt mỏi dễ khiến con người ta căng thẳng. Bạn đã nhận biệt được dấu hiệu của căng thẳng? Những biểu hiện như đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, tâm trạng thất thường có thể cho thấy bạn đang bị stress đấy!

Ai trong chúng ta cũng bị stress, trên thực tế, căng thẳng ở mức vừa phải còn giúp bạn nâng cao năng suất làm việc. Tuy nhiên, căng thẳng quá mức có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, khiến bạn mất ngủ, trầm cảm, ăn không ngon…

Vì vậy, bạn nên giữ tâm lý thoải mái, nhận ra khi nào mình đang có dấu hiệu của sự căng thẳng và có những biện pháp kịp thời để đối phó nhé.

Dấu hiệu thể chất của căng thẳng

Đau đầu

Đau đầu hay đau nửa đầu là một trong những biểu hiện phổ biến nhất của sự căng thẳng. Nhiều vấn đề xung quanh, áp lực công việc hay gia đình đè nặng lên đôi vai của bạn, khiến bạn phải suy nghĩ nhiều và làm việc quá sức.

Tất cả những điều đó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến não bộ và khiến bạn đau đầu. Trong trường hợp này, bạn có thể tìm đến thực hành thiền định hoặc tập yoga để có tâm trạng tốt hơn.

Đau ngực

Căng thẳng quá mức cũng có thể khiến bạn ợ nóng. Tuy nhiên, bạn chớ nên lơ là vấn đề này vì căng thẳng có thể làm gia tăng các tác nhân như tăng huyết áp khiến bạn bị đau tim và gặp các vấn đề tim mạch.

Đau dạ dày

Ngoài các dấu hiệu trên, đau dạ dày hoặc các vấn đề về dạ dày – ruột non có thể là dấu hiệu của sự căng thẳng. Hơn nữa, các nhà khoa học cho rằng căng thẳng quá mức có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề về hệ tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích hay trào ngược dạ dày.

Do đó, điều quan trọng là bạn nên giữ cho đầu óc mình luôn thoải mái và biết cách thư giãn, giải tỏa áp lực đúng lúc.

Đau dạ dày

Đau nhức cơ thể

Khi nói đến dấu hiệu của sự căng thẳng, không thể không kể đến đau nhức cơ thể. Bạn có thể bị đau cứng vùng cổ, vai và lưng. Đi chung với đau đầu thì đau nhức cơ thể là dấu hiệu bạn đang bị stress nặng.

Căng thẳng quá mức có thể khiến bạn căng cứng cơ. Đây là nguyên nhân khiến vùng cổ, vai, lưng hay một số bộ phận khác trên cơ thể bị ê ẩm.

Các vấn đề về da

Stress có thể làm thay đổi hàm lượng của một số hormone trong cơ thể; do đó làm tăng lượng bã nhờn và khiến bạn nổi mụn. Đây là một trong những dấu hiệu của sự căng thẳng bạn nên để ý đến.

Ngoài ra, stress có thể làm trầm trọng hơn các bệnh về da như bệnh chốc lở (bệnh chàm) và bệnh vảy nến.

Giảm ham muốn tình dục

Một trong những “thủ phạm” khiến cả nam giới và nữ giới giảm ham muốn tình dục là căng thẳng. Khi bản thân đang rối bời vì cả tá vấn đề xung quanh mình, chuyện giường chiếu sẽ chẳng còn được ưu tiên nữa.

Xem thêm: Chánh niệm là gì? 4 cách thực hành chánh niệm giảm căng thẳng lo âu

Dấu hiệu cảm xúc của căng thẳng

Tâm trạng thất thường

Những lúc bị căng thẳng, tâm trạng của bạn có thể lên xuống thất thường. Điều này cho thấy bạn đang có dấu hiệu của sự căng thẳng. Bạn thường rất dễ buồn, hay nổi cáu và tức giận dù đó chỉ là chuyện rất đơn giản.

Các dấu hiệu cảm xúc khác do căng thẳng

Nếu bạn bị căng thẳng quá mức, bạn có thể cảm thấy:

  • Quá tải và kiệt sức.
  • Thường lo lắng, hồi hộp, sợ hãi.
  • Thiếu kiên nhẫn, dễ bị tổn thương.
  • Thấy cô đơn, cảm giác bị bỏ rơi, trầm uất.
  • Mất hứng thú và dần không quan tâm đến cuộc sống.
  • Không thể tận hưởng món ăn, sở thích cá nhân của mình.
  • Cảm thấy mất đi sự hài hước, không thể đùa giỡn như bạn đã từng.
  • Cảm thấy có hàng tá suy nghĩ diễn ra trong tâm trí, bạn không thể dừng chúng lại.

Một số người có dấu hiệu căng thẳng nghiêm trọng có thể có ý nghĩ tự tử. Điều này có thể gây ra tâm trạng rất đau khổ.

Dấu hiệu cảm xúc của stress

Dấu hiệu hành vi của căng thẳng

Các dấu hiệu căng thẳng còn ảnh hưởng đến hành vi của bạn, cụ thể như:

  • Khó tập trung.
  • Dễ khóc, muốn ứa nước mắt.
  • Bồn chồn, không thể ngồi yên.
  • Thèm ăn, ăn quá nhiều hoặc không ăn.
  • Cảm thấy khó khăn khi đưa ra quyết định.
  • La lối mọi người, thu rút, ít tiếp xúc với người thân với bạn.
  • Không thể nhớ mọi thứ, thấy trí nhớ của bạn không còn tốt.
  • Hút thuốc để giải tỏa cảm xúc hoặc uống rượu nhiều hơn bình thường.
  • Cắn móng tay, bóc hoặc cào da của chính mình, nghiến răng, nghiến hàm.
  • Không tập thể dục nhiều như bạn thường làm, hoặc tập thể dục quá nhiều.

Ngoài những dấu hiệu trên, thường xuyên mất ngủ hay bồn chồn đứng ngồi không yên, hay lo lắng bất thường cũng có thể cho thấy bạn đang bị stress.

Cho dù đó là dấu hiệu gì thì cũng không hề tốt cho sức khỏe của bạn. Vì vậy, tốt nhất bạn hãy luôn duy trì tâm lý thoải mái và lối sống lành mạnh để đối đầu với khó khăn trong cuộc sống, tránh căng thẳng và lo lắng quá mức nhé.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

1. Stress
https://my.clevelandclinic.org/health/articles/11874-stress
Ngày truy cập: 14.08.2023

2. Stress
https://www.mind.org.uk/information-support/types-of-mental-health-problems/stress/signs-and-symptoms-of-stress/
Ngày truy cập: 14.08.2023

3. Stress Symptoms, Signs, and Causes
https://www.helpguide.org/articles/stress/stress-symptoms-signs-and-causes.htm
Ngày truy cập: 14.08.2023

4. Stress symptoms: Effects on your body and behavior
https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/stress-management/in-depth/stress-symptoms/art-20050987
Ngày truy cập: 14.08.2023

5. Work-related stress and how to manage it
https://www.hse.gov.uk/stress/signs.htm
Ngày truy cập: 14.08.2023

Phiên bản hiện tại

24/04/2024

Tác giả: Bích Ngọc

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Linh Do


Bài viết liên quan

Chán nản mệt mỏi nên làm gì? 3 cách đơn giản để vượt qua

9 lợi ích tuyệt vời của việc nuôi thú cưng tại nhà


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Bích Ngọc · Ngày cập nhật: 24/04/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo