backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Xét nghiệm lipase

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngà Trương · Ngày cập nhật: 03/03/2020

    Xét nghiệm lipase

    Tìm hiểu chung

    Xét nghiệm lipase là gì?

    Tuyến tụy sản xuất enzyme lipase trong quá trình tiêu hóa. Enzyme này giúp chuyển hóa mỡ và triglycerid thành glycerolacid béo.

    Khi tuyến tụy bị viêm, lượng lipase tiết ra nhiều hơn bình thường. Xét nghiệm lipase (còn được gọi là xét nghiệm lipase huyết thanh, LPS) có thể cho thấy nồng độ lipase cao. Từ đó, bác sĩ có thể có cơ sở xác định vấn đề với tuyến tụy.

    Bác sĩ cũng có thể kiểm tra nồng độ của một loại enzyme khác gọi là amylase khi xét nghiệm lipase. Tuy nhiên, xét nghiệm lipase có độ nhạy cảm và đặc hiệu cao hơn. Khi xuất hiện các bệnh lý liên quan đến tuyến tụy, nồng độ lipase thường tăng sớm hơn, thời gian trở về chỉ số bình thường cũng lâu hơn so với amylase.

    Khi nào bạn cần xét nghiệm lipase?

    Nếu một người có dấu hiệu rối loạn tuyến tụy, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện xét nghiệm lipase.

    Một số triệu chứng cần cân nhắc xét nghiệm bao gồm:

    • Sốt
    • Phân mỡ hoặc có váng dầu
    • Buồn nôn, có hoặc không nôn
    • Đau dữ dội ở phần bụng trên lan ra sau lưng, đau lưng dưới
    • Nhịp mạch nhanh
    • Giảm cân không chủ đích
    • Mất cảm giác ngon miệng, chán ăn

    Xét nghiệm lipase

    Mặc dù xét nghiệm lipase có thể được sử dụng để theo dõi một số tình trạng sức khỏe, nhưng xét nghiệm này thường dùng chẩn đoán bước đầu. Các bệnh liên quan đến rối loạn tuyến tụy có thể chẩn đoán qua xét nghiệm lipase thường là:

  • Viêm tụy cấp
  • Viêm tụy mạn tính
  • Bệnh celiac (không dung nạp gluten)
  • Ung thư tuyến tụy
  • Quá trình thực hiện

    Trước khi thực hiện

    Xét nghiệm lipase có quy cách tương tự xét nghiệm máu. Người bệnh cần nhịn ăn từ 8 đến 12 giờ trước khi làm xét nghiệm và chỉ được uống nước lọc. Tuy nhiên, người bệnh có thể cần phải ngừng dùng một số loại thuốc hoặc thảo dược bổ sung vì chúng có thể can thiệp vào kết quả xét nghiệm. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể. Không được tự ý ngừng sử dụng thuốc.

    Trong khi thực hiện

    Khi tiến hành xét nghiệm lipase, kỹ thuật viên sẽ lấy một mẫu máu nhỏ từ tĩnh mạch tay người bệnh. Lượng máu lấy khoảng 2ml được cho vào ống nghiệm không chống đông hoặc chống đông EDTA, lithiheparin. Sau đó, kỹ thuật viên sẽ gửi mẫu máu đến phòng thí nghiệm để đo nồng độ lipase. Thời gian trả kết quả về sẽ khác nhau, tùy thuộc vào các cơ sở y tế. 

    Lipase cũng có thể được đo trong nước tiểu. Thông thường, xét nghiệm nước tiểu lipase có thể được thực hiện bất cứ lúc nào trong ngày, không cần chuẩn bị đặc biệt.

    Xét nghiệm này cũng có thể được bác sĩ chỉ định làm liên tục trong một khoảng thời gian để xác định độ tăng, giảm lipase, qua đó đánh giá hiệu quả điều trị.

    Điều cần thận trọng

    Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

    Xét nghiệm lipase có nguy hiểm không?

    Người bệnh có thể thấy một chút khó chịu trong quá trình rút máu xét nghiệm. Kim lấy máu có thể gây đau và bầm tại vị trí lấy máu. Ngoài ra, người bệnh có thể rơi vào các trường hợp sau:

    • Khó xác định ven để lấy máu, dẫn đến việc thao tác lặp đi lặp lại nhiều lần gây đau, khó chịu
    • Bị ngất vì nhìn thấy máu (hiếm), chóng mặt
    • Tích tụ máu dưới da, còn gọi là khối máu tụ (hematoma)
    • Nhiễm trùng da tại vị trí lấy máu

    Nhìn chung, xét nghiệm lipase tương đối không xâm lấn nhiều và là một thủ thuật an toàn.

    Kết quả xét nghiệm

    Kết quả của xét nghiệm lipase là gì?

    Chỉ số lipase bình thường có thể khác nhau, tùy thuộc vào các yếu tố như:

    • Giới tính
    • Tuổi tác
    • Tiền sử bệnh
    • Phương pháp kiểm tra của từng cơ sở xét nghiệm

    Do có phương sai, người bệnh cần thảo luận về kết quả với bác sĩ. Mặc dù cùng một chỉ số nhưng có thể xét nghiệm chẩn đoán ra vấn đề sức khỏe ở người này lại không đúng với người khác.

    Nồng độ lipase được tính theo đơn vị trên một lít máu (U/L). Chỉ số lipase cao hoặc thấp bất thường có thể báo hiệu các vấn đề khác nhau. Ở một số cơ sở xét nghiệm, phạm vi lipase tham chiếu là 7 – 60 U/L. 

    Nếu kết quả nồng độ lipase cao gấp 5 đến 10 lần giá trị tham chiếu, bác sĩ có thể chẩn đoán người bệnh mắc viêm tụy cấp. Viêm tụy cấp làm cho nồng độ lipase trong máu tăng lên trong vòng 4 – 8 giờ và có thể duy trì ở mức tối đa 2 tuần.

    Nồng độ lipase cao cũng có thể chỉ ra các vấn đề khác, ví dụ như về thận hoặc ruột. Các tình trạng khiến nồng độ lipase tăng nhẹ có thể kể đến như:

    • Tắc ruột 
    • Bệnh celiac
    • Ung thư tuyến tụy
    • Nhiễm trùng hoặc sưng tụy
    • Xơ nang
    • Viêm ruột
    • Suy thận
    • Người nghiện rượu
    • Sử dụng một số loại thuốc như thuốc giảm đau và thuốc tránh thai
    • Sỏi mật
    • Viêm túi mật

    Nếu kết quả các xét nghiệm liên tục cho thấy mức lipase thấp hoặc giá trị dưới 10 U/L, người bệnh có nhiều khả năng mắc bệnh xơ nang hoặc viêm tụy mãn tính. 

    Xét nghiệm lipase trong chẩn đoán bệnh lý tuyến tụy

    Làm thế nào để giảm nồng độ lipase cao?

    Khi bác sĩ chẩn đoán và điều trị được nguyên nhân khiến nồng độ lipase tăng cao thì chỉ số này sẽ giảm. Viêm tụy cấp là một trong những vấn đề phổ biến nhất liên quan đến nồng độ lipase cao trong máu. Nếu được phát hiện ở giai đoạn đầu, phương pháp điều trị có thể bao gồm:

    • Truyền dịch
    • Dùng thuốc kiểm soát cơn đau
    • Tạm ngừng ăn trong một thời gian khuyến nghị, sau đó bắt đầu một chế độ ăn nhạt 

    Bác sĩ cũng sẽ xem xét điều trị những vấn đề tiềm ẩn khác có liên quan đến viêm tụy, chẳng hạn như sỏi mật hoặc nồng độ canxi tăng cao. Ngoài ra, một số loại thuốc có thể gây viêm tụy cấp. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ thay đổi loại hoặc điều chỉnh liều lượng. Nếu cần thiết, bác sĩ cũng có thể chỉ định phẫu thuật tuyến tụy.

    Để giảm nguy cơ phát triển viêm tụy cấp, chúng ta cần thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh và tránh lạm dụng rượu bia.

    Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

    Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngà Trương · Ngày cập nhật: 03/03/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo