backup og meta

Đau nhức chân về đêm do đâu? Bệnh có nguy hiểm không?

Đau nhức chân về đêm do đâu? Bệnh có nguy hiểm không?

Những cơn đau nhức chân về đêm dữ dội chẳng những khiến bạn mất ngủ mà còn làm cơ thể mệt mỏi vào sáng hôm sau. Bạn nên sớm kiểm tra liệu nhức mỏi chân có phải là dấu hiệu cảnh báo những vấn đề sức khỏe mà bạn cần lưu ý không nhé!

Những cơn chuột rút ở chân về đêm có thể khiến bạn đau nhức đến mức không thể chợp mắt. Tình trạng chuột rút chủ yếu xảy ra ở bắp chân và bàn chân, nhưng đôi khi cũng có thể ảnh hưởng đến khu vực đùi. Cơn đau trong nhiều trường hợp nghiêm trọng đến mức khiến bạn chợt tỉnh giấc và cảm thấy căng cứng ở các cơ bị ảnh hưởng. Dưới đây là một số lý do khiến bạn đau nhức chân về đêm.

1. Đau nhức chân về đêm do giao mùa

Theo bác sĩ Scott Garrison, Phó giáo sư chuyên về y tế gia đình tại Đại học Alberta, những cơn đau nhức chân thường phổ biến hơn vào mùa hè so với mùa đông. Tình trạng này thường là do các vấn đề về thần kinh – không phải do vấn đề ở cơ bắp.

Hệ thống thần kinh tăng trưởng và thay đổi hoạt động mạnh hơn vào mùa hè vì khi ấy, nồng độ vitamin D cao hơn. Khi mức vitamin D đạt đến đỉnh điểm, cơ thể bạn sẽ diễn ra quá trình điều chỉnh tự nhiên, kích hoạt những cơn đau nhức chân này.

Bạn nên đảm bảo chống nắng đầy đủ và che chắn da kỹ càng khi trời nắng nóng để bảo vệ da cũng như xương khớp.

2. Nhức chân về đêm do thiếu nước

đau nhức chân về đêm

Cơn đau nhức chân về đêm cũng có thể là hậu quả của sự mất nước. Cơ thể bị mất nước sẽ dẫn đến sự mất cân bằng chất điện giải trong máu, khiến bạn bị nhức chân. Thế nên, khi bạn bị cơn đau chân đánh thức vào giữa đêm, hãy bổ sung thêm nước cho cơ thể.

Ngoài cảm giác đau nhức chân, bạn có thể cảm nhận những dấu hiệu cơ thể đang thiếu nước như đi tiểu ít hơn, da khô, luôn cảm thấy đói… Bạn nên uống chậm và chia thành từng ngụm nhỏ để cơ thể kịp đáp ứng và dần đưa nước đến các cơ quan, giúp cho quá trình hấp thu của cơ thể thuận lợi.

Bạn nên đảm bảo cung cấp đủ từ 1,5 – 2l nước mỗi ngày cho cơ thể thông qua nước uống và nước có trong các thực phẩm, rau và trái cây.

Bạn có thể tìm hiểu thêm: 8 thời điểm uống nước lý tưởng bạn không nên bỏ qua

3. Bị đau bắp chân khi ngủ do thiếu dinh dưỡng

Trong nhiều trường hợp, bị đau bắp chân khi ngủ là do cơ thể thiếu chất dinh dưỡng. Hãy kiểm tra nồng độ các chất canxi, magie và kali để đảm bảo các chất được cân bằng.

Khi cảm thấy mệt mỏi, uể oải, trong người luôn có cảm giác bồn chồn khó chịu, rụng tóc,… thì đó thường là những dấu hiệu điển hình cho thấy bạn cần điều chỉnh lại chế độ ăn uống.

Các thực phẩm giàu chất điện giải rất giàu vitamin và khoáng chất quan trọng mà bạn cần bổ sung cho cơ thể như khoai tây, bơ, rau chân vịt, khoai lang, nấm, đậu Hà Lan…

4. Nhức mỏi tay chân vào ban đêm do bài tập căng sức

đau nhức chân về đêm

Những bài luyện tập sử dụng chân quá nặng có thể là nguyên nhân phổ biến khiến bạn bị nhức mỏi tay chân vào ban đêm. Theo nghiên cứu trong Tạp chí Current Sport Medicine, việc lạm dụng các cơ xương sẽ gây ra tình trạng mệt mỏi và đau nhức. Khi mới bắt đầu tập luyện, bạn nên nhờ đến huấn luận viên chuyên nghiệp để đưa ra một lịch tập luyện vừa sức với mình và sau đó mới tăng dần cường độ và mức độ để cơ thể thích nghi.

Trong nhiều trường hợp, khi muốn giảm cân cấp tốc mà bạn chọn lịch tập nặng với quá nhiều bài tập căng sức thường xuyên thì có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Bài tập nặng không chỉ khiến các cơ mỏi và gây đau mà còn có thể gây ra những tổn thương không mong muốn trong quá trình luyện tập.

Để đảm bảo việc tập luyện đạt hiệu quả và không gây đau nhức chân về đêm, bạn nên khởi động thật kỹ trước khi tập. Đồng thời, bạn nên bổ sung nước đầy đủ cho cơ thể trong suốt quá trình luyện tập nữa nhé. 

Bạn có thể tìm hiểu thêm: Bạn nên làm gì để giảm đau cơ sau khi tập gym

5. Đau nhức chân về đêm do đứng cả ngày

Nếu bạn dành phần lớn thời gian trong ngày để đứng thì nhiều khả năng bạn sẽ phải chịu cơn nhức mỏi chân vào lúc giữa đêm. Lời giải thích được đưa ra là khi bạn đứng, máu và nước sẽ tích tụ ở vùng dưới cơ thể, làm mất cân bằng các chất lỏng và gây ra tình trạng chuột rút.

Do tính chất công việc nên bạn cũng chẳng thể từ bỏ công việc để bảo vệ sức khỏe. Nhưng hãy cố gắng tận dụng cơ hội để ngồi xuống bất cứ khi nào có thể, dù chỉ là trong một thời gian ngắn. Nếu bạn đứng nhưng có thể đi lại được thì thỉnh thoảng nên di chuyển đôi chân trung bình mỗi 30 phút để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực cho sức khỏe.

Trường hợp bạn phải đứng quá lâu thì hãy tranh thủ thời gian nghỉ để tập thể dục nhẹ nhàng cho đôi chân để tránh nhức chân về đêm.

6. Đau nhức chân về đêm do lão hóa

đau nhức chân về đêm

Nếu bạn bước qua ngưỡng tuổi 50 và trải qua những cơn đau nhức chân thường xuyên thì đó thường là dấu hiệu của lão hóa. Cơ thể sẽ bắt đầu mất dần các neuron vận động và những cơn chuột rút trở nên phổ biến hơn.

Đau nhức chân nhiều khả năng cũng liên quan đến thoái hóa khớp. Cơn đau thường âm ỉ thường xuất hiện khi bạn thực hiện tư thế vận động nhưng đến tối, nhiều khi cơn đau nhức này vẫn còn kéo dài khiến bạn rất khó chợp mắt.

Để giảm tình trạng đau nhức chân, bạn nên bổ sung nhiều loại trái cây và axit béo omega-3 tự nhiên có trong các loại cá, đặc biệt là mỡ cá, các loại cá thu, cá ngừ, cá mòi, cá trích… 

7. Đau nhức chân về đêm do các bệnh lý

Một số bệnh lý nhất định như tiểu đường, tăng huyết áp hay trầm cảm có thể dẫn đến tình trạng chuột rút. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những tình trạng bệnh lý này có thể làm gián đoạn hệ thống thần kinh, gây ra cơn đau ở chân.

Nếu bạn bị đau bắp chân khi ngủ và khó chợp mắt, hãy thử ngâm chân trong nước muối ấm 10 – 15 phút vào cuối mỗi ngày. Nước muối ấm sẽ giúp làm thư giãn các cơ ở chân, khiến tình trạng đau nhức giảm bớt.

Để giảm đau nhức chân, bạn cũng đừng nên quên thực hiện các biện pháp massage chân thường xuyên để tăng cường lưu thông máu đến chân.

8. Đau nhức chân về đêm do mang thai

đau nhức chân về đêm

Nếu bạn mang thai thì khả năng tuần hoàn máu cũng sẽ bị ảnh hưởng cùng với tình trạng tăng cân. Theo American Pregnancy Association, sự phát triển của thai nhi có thể gây áp lực lên một số dây thần kinh của người mẹ, dẫn đến tình trạng chuột rút.

Khi mẹ bầu bị đau chân do chuột rút gây ra, hãy cố gắng giảm đau bằng cách chườm nóng lên bắp chân. Cách tốt nhất để giảm bớt cơn đau là di chuyển nhẹ nhàng quanh phòng. Bạn tránh đứng hoặc ngồi ở một tư thế quá lâu vì điều này khiến chất lỏng bị tích tụ, làm cho chân cảm thấy nặng nề.

Nếu vào giữa đêm và bạn không thể ra khỏi giường, hãy thử nắm bàn chân bằng cả hai tay và nhẹ nhàng nhấn ngón tay cái vào lòng bàn chân.

Tình trạng đau nhức chân về đêm chủ yếu là do thói quen ít vận động nhưng cũng không loại trừ khả năng mắc các bệnh lý khác. Bạn nên tìm cách tăng cường các hoạt động thể chất nhẹ nhàng kết hợp với một chế độ dinh dưỡng khoa học để cải thiện sức khỏe cho đôi chân.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

What’s Causing Your Leg Cramps at Night? Treatment and Prevention Tips
https://www.healthline.com/health/leg-cramps-at-night
Ngày truy cập: 18/06/2019

Leg pain: Types, causes, and home treatment
https://www.medicalnewstoday.com/articles/241968.php
Ngày truy cập: 18/06/2019

If your legs pain all night, READ THIS
https://timesofindia.indiatimes.com/life-style/health-fitness/photo-stories/if-your-legs-pain-all-night-read-this/photostory/65697844.cms
Ngày truy cập: 18/06/2019

Phiên bản hiện tại

26/10/2020

Tác giả: Tuyết Trinh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

Đau chân – nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả

6 mẹo vượt qua tê nhức chân khi mang giày cao gót lâu


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Tuyết Trinh · Ngày cập nhật: 26/10/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo