backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

5

Hỏi bác sĩ
Lưu

Đau bụng bên trái và các vị trí đau bụng biểu hiện điều gì?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Đài Trương · Ngày cập nhật: 19/11/2022

    Đau bụng bên trái và các vị trí đau bụng biểu hiện điều gì?

    Đau bụng bên trái là một tình trạng thường gặp, xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào. Tùy vào vị trí và tính chất cơn đau bụng có thể chỉ ra được nhiều điều bao gồm cả nguyên nhân gây bệnh. Đau bụng ở nam và nữ giới cũng xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau. Vậy đau bụng bên trái là bệnh gì? Hãy cùng tìm hiểu qua các thông tin sau đây nhé!

    Nguyên nhân gây đau bụng bên trái có thể đến từ nhiều yếu tố khác nhau như viêm túi mật, loét dạ dày, ngộ độc thực phẩm, viêm ruột thừa, ung thư, các vấn đề phụ khoa, mạch máu hoặc những bệnh lây truyền qua đường tình dục

    Tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau bụng, bạn có thể được điều trị bằng thuốc uống, phẫu thuật hoặc các phương pháp điều trị khác theo chỉ định của bác sĩ. Bài viết sau đây sẽ nói về tình trạng đau bụng bên trái là chủ yếu. Đồng thời cung cấp thêm thông tin về các vị trí đau bụng khác.

    Đau bụng bên trái liên quan đến những cơ quan nào?

    Cơn đau bụng trái thường bắt nguồn từ một cơ quan bên trong tại vị trí đó, bao gồm:

    • Tuyến tụy
    • Một phần dạ dày
    • Một phần ruột non
    • Một phần đại tràng nằm bên trái
    • Thận trái
    • Buồng trứng và ống dẫn trứng bên trái ở phụ nữ

    Huyết khối hoặc nhiễm trùng ở phổi trái, đau tức ngực do tim hoặc tích tụ dịch xung quanh tim cũng thể gây ra cơn đau bụng bên trái.

    Cơn đau này có thể xảy ra trong thời gian ngắn (cấp tính) và kéo dài dai dẳng (mạn tính). Cảm giác đau bên trái bụng có khi chỉ khu trú một vùng hoặc lan tỏa sang những vị trí khác, đau âm ỉ hoặc đau nhói, quặn thắt.

    Đau bụng bên trái là bệnh gì?

    nguyên nhân đau bụng bên trái

    Những nguyên nhân phổ biến gây ra đau bụng bên trái là:

    • Viêm loét dạ dày. Tình trạng này có khả năng gây ra những cơn đau bụng trên bên trái cấp tính hoặc mạn tính. Bên cạnh đó, một số triệu chứng khác kèm theo gồm buồn nôn, nôn. Nếu bị xuất huyết dạ dày, người bệnh có thể nôn ra máu hoặc đi cầu ra máu hay phân có màu đen, phân hắc ín.
    • Ung thư hoặc viêm tuyến tụy. Viêm phần bên trái tụy thường gây ra những cơn đau quặn bụng bên trái, dữ dội và liên tục. Đau có khi lan ra sau lưng kèm theo buồn nôn, nôn mửa và sốt. Ung thư tuyến tụy chủ yếu gây ra cơn đau âm ỉ và tăng dần. Một số triệu chứng khác gồm buồn nôn, vàng da và mắt, giảm cân.
    • Ung thư, nhiễm trùng hoặc có vấn đề ở phần đại tràng bên trái. Những bệnh lý này có thể gây đau quặn bụng dưới bên trái. Đồng thời, người bệnh có thêm triệu chứng khác như thay đổi thói quen đi đại tiện, sụt cân, sốt, có máu hoặc chất nhầy trong phân, đau khi nhấn vào bụng dưới. Ung thư hoặc bệnh lý gây tắc đại tràng thường gây đau quặn và táo bón.
    • Ung thư hoặc viêm ở ruột non. Người bệnh thường bị đau bụng trái cùng với chán ăn, thay đổi thói quen đi tiêu, chuột rút, đầy hơi, chướng bụng, có máu và chất nhầy trong phân.
    • Bệnh thận, nhiễm trùng thận hoặc sỏi thận. Cơn đau bên trái bụng trong các bệnh lý này có thể rõ ràng hơn và cấp tính. Cảm giác đau có khi lan tỏa đến vùng sau xương sườn hay xuống háng. Triệu chứng khác gồm đau rát khi đi tiểu, sốt, tiểu ra máu và đau tức hạ sườn phải.
    • Huyết khối hoặc nhiễm trùng ở phổi trái. Thuyên tắc phổi có thể gây đau nhói, dữ dội và đau cấp tính. Người bệnh còn gặp thêm những triệu chứng khác như ho, khó thở, thở nhanh và có máu trong đờm. Trường hợp nhiễm trùng phổi như bị viêm phổi, người bệnh thường bị sốt.
    • Đau thắt ngực hay viêm màng ngoài tim. Các vấn đề ở tim có khi cũng khiến bạn cảm thấy đau ở bên bụng trái. Ngoài ra, một vài triệu chứng khác biểu hiện là đau nhói ngực kèm theo khó thở, có khi bị suy nhược, ho và đổ mồ hôi.

    Đau bụng bên trái có nguy hiểm không?

    Đau bụng bên trái phía dưới là dấu hiệu của bệnh gì?

    Để trả lời cho câu hỏi này, bạn phải xác định đúng nguyên nhân gây ra cơn đau bụng bên trái của bạn. Điều này đòi hỏi bạn phải được thăm khám hoặc trao đổi trực tiếp tình trạng của mình với bác sĩ để lường trước mức độ nguy hiểm của cơn đau. Từ đó, bác sĩ sẽ giúp bạn điều trị cơn đau bụng bên trái đúng cách.

    Vùng bụng bên trái là nơi chứa buồng trứng bên trái và đại tràng ở phụ nữ. Nếu chỉ bị đau bụng bên trái ở nữ nhẹ thoáng qua trong ngày thường không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu cơn đau bụng bên trái ở phụ nữ liên quan đến tai nạn hoặc chấn thương thì phải đến bệnh viện ngay lập tức để kiểm tra cẩn thận.

    Nếu đau bụng trái kèm với những triệu chứng như sốt, đau dữ dội, phân có máu, ói mửa kéo dài, giảm cân không lý do hoặc màu da trông vàng hơn bình thường thì bạn phải đi cấp cứu ngay, không được tự ý chữa đau bụng tại nhà bằng những phương pháp dân gian.

    Đối với những trường hợp bị đau bụng bên trái ở nữ, có một vài nguyên nhân đặc trưng như do chuột rút trong ngày hành kinh. Cơn đau do nguyên nhân này thường diễn ra ở cấp độ nhẹ và bạn có thể lướt qua cho đến khi hết kỳ kinh nhưng cũng có những trường hợp cơn đau mạnh mẽ hơn. Điều này làm ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày vì bạn không thể làm gì khác ngoài việc nằm nghỉ ngơi.

    Cơn đau bụng bên trái ở nữ cũng có thể xuất phát từ nguyên nhân thai ngoài tử cung. Với trường hợp này, ngoài bị đau bụng bên trái, bệnh nhân còn có thể xuất hiện các triệu chứng khác như chảy máu âm đạo, đau buốt khi đi tiêu, đi tiểu hoặc đau nhức ở phần đầu và vai.

    Đối với những cơn đau bụng bên trái ở nam giới, cũng có thể liên quan đến những bệnh lý khẩn cấp ở hệ thống sinh sản như xoắn tinh hoàn hay viêm túi tinh. Vì thế, khi gặp phải cơn đau này, nam giới cần nhanh chóng đi khám bác sĩ để được điều trị kịp thời.

    Những vị trí đau bụng bên trái thường gặp và nguyên nhân tương ứng

    triệu chứng bị đau bụng bên trái ở nũ

    Đau bụng bên trái hoặc ở những vị trí khác có thể là biểu hiện rõ nét nhất để bác sĩ có cơ sở chẩn đoán tình trạng sức khỏe của bạn. Ngoài ra, bác sĩ còn căn cứ vào cường độ và thời gian diễn ra cơn đau. Những đặc điểm chung của đau bụng thường là đau âm ỉ, đau nhói từng cơn hoặc đau như có ai đó xoáy nghiến vào vùng bụng đang bị đau.

    Thông thường, cơn đau bụng thường xảy ra ở những vị trí phổ biến với những nguyên nhân thường gặp như:

    • Đau bụng bên trái do lá lách to bất thường.
    • Đau bụng trên bên phải do các vấn đề về túi mật hoặc bị viêm gan.
    • Đau bụng dưới bên trái do viêm ruột thừa, u nang buồng trứng hoặc xoắn buồng trứng.
    • Đau bụng dưới bên phải do viêm ruột thừa hoặc các vấn đề về buồng trứng bên phải.
    • Đau bụng trên do gặp các tổn thương về dạ dày hoặc tuyến tụy.
    • Đau bụng dưới phía trên xương mu do nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc bệnh phụ khoa như u xơ tử cung và ung thư.
    Tìm hiểu cụ thể về các vị trí đau bụng bên trái qua các bài viết sau:
    14 nguyên nhân gây đau bụng trên bên trái mà bạn cần biết
    Đau bụng dưới bên trái là dấu hiệu của bệnh gì?

    Cần làm gì khi bị đau bụng?

    Cơn đau bụng thường kéo dài bao lâu phụ thuộc vào nguyên nhân khiến bạn bị đau bụng. Nó có thể kéo dài trong vài phút, vài giờ hoặc lâu hơn. Đôi khi cơn đau diễn ra mạnh mẽ nhưng cũng có lúc đó chỉ là cảm giác thoáng qua. Nếu đau bụng do ngộ độc thực phẩm, cơn đau xuất hiện sau bữa ăn với cấp độ tăng dần. Tình trạng sẽ cải thiện khi bạn đi tiêu, nôn hoặc được cấp cứu tại bệnh viện.

    Khi đau bụng bên trái, cần làm gì để khắc phục?

    Cơn đau bụng là triệu chứng thể hiện sức khỏe của bạn cần sự can thiệp của y tế chứ không được chủ quan tự điều trị tại nhà. Điều này đặc biệt cần thiết nếu cơn đau đột ngột hoặc dữ dội với cấp độ tăng dần. Đau bụng còn có thể đi kèm với các triệu chứng khác. Việc theo dõi và thông báo chi tiết về những biểu hiện này sẽ giúp bác sĩ nhanh chóng xác định chính xác nguyên nhân và cách điều trị đau bụng để giúp bạn thoát khỏi cơn đau.

    Sau khi đã thoát khỏi cơn đau bụng bên trái hoặc đau bụng nói chung, bạn hãy nhớ ăn uống lành mạnh để sức khỏe hoàn toàn ổn định. Trong thời gian này, tốt nhất là bạn nên tránh ăn uống qua loa hoặc ăn các loại thức ăn nhanh, thức ăn chứa nhiều dầu mỡ… Thay vào đó, bạn hãy sử dụng các loại đồ ăn mềm, dễ tiêu hóa, rau xanh và trái cây…

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Đài Trương · Ngày cập nhật: 19/11/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo