Có rất nhiều nguyên nhân gây tăng cân, nhưng nếu bạn tăng cân đột ngột dù không thay đổi về chế độ sinh hoạt, ăn uống thì rất có thể “thủ phạm’ là một căn bệnh nào đó.
Đôi khi, cân nặng vẫn tăng một cách khó hiểu dù bạn đã duy trì lượng calo ở mức an toàn và tập luyện thể dục thể thao thường xuyên. Đừng xem thường, đó có thể liên quan đến 1 trong 7 nguyên nhân gây tăng cân dưới đây:
1. Suy giáp – Nguyên nhân gây tăng cân ít ai ngờ
Suy giáp là tình trạng tuyến giáp (tuyến hình bướm trên cổ) hoạt động kém, dẫn đến việc không sản xuất đủ một số hormone quan trọng cho cơ thể hoạt động. Kết quả là sự trao đổi chất trong cơ thể sẽ giảm sút, dẫn đến nguy cơ tăng cân cao mà không rõ nguyên nhân.
Ngoài tăng cân đột ngột, tình trạng suy giáp còn đi kèm với các triệu chứng như mệt mỏi, trầm cảm và lạnh chi. Nếu có những triệu chứng kể trên hoặc nghi ngờ có điều gì đó bất thường đang diễn ra trong cơ thể, hãy đi khám ngay.
2. Hội chứng buồng trứng đa nang
Hội chứng buồng trứng đa nang là nguyên nhân gây tăng cân thường gặp ở phụ nữ, nhất là phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Tình trạng này có thể gây mất cân bằng hormone, dẫn đến tăng cân nhanh, đặc biệt ở xung quanh bụng và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Ngoài tăng cân không rõ nguyên nhân, bạn còn có thể bị nổi mụn và lông mọc nhiều.
3. Thuốc có thể là nguyên nhân gây tăng cân
Nhiều loại thuốc kê đơn có thể khiến bạn tăng cân không rõ nguyên nhân. Ví dụ như các loại thuốc steroid (như prednisone) thường gây giữ nước trên các khu vực như mặt hay bụng. Các loại thuốc kê cho bệnh nhân đau nửa đầu, tiểu đường, co giật và tâm thần phân liệt (ví dụ như thuốc chống loạn thần kinh) cũng có thể làm bạn tăng cân.
Tăng cân cũng là một trong những tác dụng phụ thường gặp của thuốc chống trầm cảm, đặc biệt khi đó là loại thuốc cải thiện tâm trạng và khẩu vị. Nếu các triệu chứng trầm cảm tệ hơn hay không được điều trị, bạn có thể tăng cân do cơ thể phải chịu đựng căng thẳng.
4. Nguyên nhân gây tăng cân: Có thể do thiếu ngủ
Khi cơ thể thiếu ngủ sẽ tìm nguồn năng lượng khác thay thế. Và nguồn năng lượng đó thường có trong các món ăn nhanh tiện lợi và đồ ăn khuya. Ngoài ra, giấc ngủ cần thiết để duy trì sự cân bằng sinh hóa khỏe mạnh trong cơ thể. Vì vậy, nếu bạn thiếu ngủ, bạn sẽ thường xuyên thèm ăn tinh bột, những món béo và đồ ngọt.
5. Hội chứng Cushing
Cortisol (hormone “chiến đấu” lại sự căng thẳng và hormone “thăng hoa”) thường được tiết ra trong thời gian cơ thể bị căng thẳng cực độ hoặc chấn thương. Người mắc hội chứng Cushing thường tiết ra nồng độ cortisol một cách liên tục.
Tiếp xúc với lượng cortisol cao trong thời gian dài sẽ dẫn đến một loại rối loạn khác là rối loạn tăng cortisol (Hội chứng Cushing). Tình trạng này có thể khiến bạn tăng cân, đặc biệt ở xung quanh mặt, cổ, hông và gây ra mô béo nằm giữa hai vai.
Ngoài ra, hội chứng Cushing còn có các triệu chứng khác như các vết rạn da màu đỏ tía, xương yếu giòn, dễ gãy và huyết áp cao.
6. Căng thẳng – Nguyên nhân gây tăng cân thường gặp
Một lần nữa, cortisol (hormone căng thẳng) lại phải chịu trách nhiệm cho việc tăng cân vì nó làm gia tăng cảm giác thèm ăn, khiến bạn ăn nhiều hơn. Phải thừa nhận rằng khi bạn cảm thấy căng thẳng hay mất kiểm soát, ăn uống thường là cách giúp bạn giữ tinh thần ổn định trở lại.
7. Cai thuốc lá
Việc cai thuốc lá ban đầu có thể khiến bạn tăng cân (khoảng 2−4 kg). Nguyên nhân là do sự thiếu hụt chất nicotine cho tới khi cơ thể hoàn toàn từ bỏ thói quen này. Bạn có thể sẽ tăng khẩu vị và giảm trao đổi chất cũng như thèm ăn một cách bất ngờ. Tuy nhiên, tình trạng này chỉ mang tính tạm thời và trọng lượng cơ thể sẽ tự điều chỉnh trong một vài tuần.
Nếu bạn đang điên đầu vì cân nặng vẫn tăng đều đặn bất chấp lối sống lành mạnh, hãy kiểm tra lại xem bạn có đang gặp phải những nguyên nhân trên hay không. Tìm hiểu rõ nguyên nhân gây tăng cân sẽ giúp bạn kiểm soát cân nặng tốt hơn và có một vóc dáng khỏe đẹp.
[embed-health-tool-bmi]