Tiền mãn kinh là giai đoạn mà cơ thể phụ nữ có nhiều thay đổi [1]. Những thay đổi này sẽ tác động và gây ra một số vấn đề về sức khỏe, có thể kể đến là tình trạng phụ nữ tiền mãn kinh bị đau khớp thường xuyên [1, 2]. Tình trạng đau khớp gây nhiều khó chịu và ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của người mắc phải [2].
Vậy vì sao phụ nữ tiền mãn kinh hay bị đau khớp và làm thế nào để giảm đau khớp hiệu quả cho những đối tượng này? Mời bạn cùng tìm hiểu trong bài viết sau nhé!
Ảnh hưởng của giai đoạn tiền mãn kinh lên hệ xương khớp
Bệnh nhân bị đau xương khớp vào khoảng thời gian mãn kinh thường không bị hoặc không phát triển thành bệnh viêm khớp kèm theo. Đau trong giai đoạn này có thể liên quan đến những thay đổi nội tiết tố hoặc tình trạng thứ phát có thể đảo ngược khác [3].
Tác động lên xương: Gây loãng xương và tăng nguy cơ gãy xương
Estrogen được xem như một chất bảo vệ xương tự nhiên [4]. Việc thiếu hụt hormone này trong thời kỳ tiền mãn kinh gây mất khối lượng xương và là một trong những yếu tố góp phần hình thành bệnh loãng xương [4, 5]. Bệnh lý này khiến xương trở nên yếu và làm tăng nguy cơ gãy xương đột ngột [5]. Trên thế giới, ước tính cứ 3 phụ nữ trên 50 tuổi lại có một người bị gãy xương do loãng xương [6].
Tác động lên khớp: Gây đau khớp
Estrogen là một thành phần quan trọng giúp điều hòa lượng chất lỏng trong cơ thể [7]. Do đó, việc thiếu hụt estrogen khiến cơ thể phụ nữ kém giữ nước và gây ảnh hưởng đáng kể đến việc bôi trơn các mô khớp [8]. Nếu không có chất bôi trơn, sụn dễ bị thoái hóa và khớp có nguy cơ bị viêm [9]. Một nghiên cứu trước đây cho thấy, lớp bề mặt sụn mất nước có xu hướng dễ vỡ hơn so với sụn được cung cấp đủ nước [10].
Việc mất nước còn có thể khiến nồng độ axit uric trong cơ thể tăng lên, đồng thời khiến khả năng đào thải lượng axit uric dư thừa của thận giảm xuống. Điều này làm tăng nguy cơ hình thành gout và khiến phụ nữ tiền mãn kinh bị đau khớp thường xuyên [8, 11].
Không những vậy, estrogen cũng góp phần điều hòa quá trình chuyển hóa glucose và lipid trong cơ thể. Nồng độ estrogen thấp khiến phụ nữ tiền mãn kinh dễ tăng cân [12]. Theo các chuyên gia, việc tăng cân gây thêm nhiều áp lực lên các khớp chịu trọng lượng trên cơ thể, đặc biệt là khớp ở thắt lưng, hông và đầu gối, từ đó làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh cơ xương khớp ở những đối tượng này [13].
Tác động lên các mô mềm khác
Ngoài tác động lên xương và khớp, sự suy giảm hormone estrogen trong quá trình mãn kinh cũng có thể ảnh hưởng đến các mô mềm quanh khớp như dây chằng, gân, màng hoạt dịch, bao khớp… [14].
Đặc biệt, nhiều nghiên cứu cho thấy, phụ nữ tiền mãn kinh có thể bị đau khớp nhiều hơn người bình thường. Bởi vì, phụ nữ thời kỳ này dễ bị mất ngủ, đây là một trong những nguyên nhân khiến họ nhạy cảm hơn với các cơn đau, hay nói cách khác là tăng cảm giác đau [15, 16]. Không những vậy, khi bước vào thời kỳ tiền mãn kinh, cơ thể phụ nữ sẽ kém hấp thu magie do căng thẳng và suy yếu hệ tiêu hóa, từ đó cũng làm thay đổi nhận thức của họ đối với từng cơn đau [17].
Triệu chứng đau xương khớp trong thời kỳ tiền mãn kinh
Các rối loạn tiền mãn kinh có thể ảnh hưởng và gây ra nhiều bệnh lý cơ xương khớp, đáng chú ý nhất là thoái hóa khớp và viêm khớp dạng thấp [3]. Tùy vào từng bệnh lý cụ thể mà phụ nữ tiền mãn kinh sẽ bị đau khớp kèm theo các triệu chứng khác.
Đối với thoái hóa khớp, đây là dạng viêm khớp phổ biến nhất xảy ra khi lớp sụn bảo vệ đầu xương bị mài mòn theo thời gian. Bệnh thường ảnh hưởng đến các khớp ở bàn tay, đầu gối, hông, cột sống và có thể biểu hiện thành các triệu chứng [18, 19]:
- Các khớp bị đau trong hoặc sau khi vận động.
- Cảm giác cứng khớp dễ nhận thấy vào buổi sáng khi thức dậy hoặc khi không hoạt động một thời gian dài nhưng thường hết sau vài phút vận động.
- Tiếng lục khục hoặc lạo xạo khi cử động khớp.
- Hình thành những mảnh xương thừa xung quanh khớp bị ảnh hưởng, còn gọi là gai xương.
- Sưng tấy do viêm mô mềm quanh khớp.
Đối với viêm khớp dạng thấp, đây là một bệnh tự miễn mạn tính ảnh hưởng đến niêm mạc khớp, gây sưng đau và cuối cùng dẫn đến biến dạng khớp [20]. Khác với thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp thường bắt đầu từ các khớp nhỏ như khớp bàn tay và bàn chân. Bệnh có xu hướng ảnh hưởng đến các khớp đối xứng trên cơ thể và biểu hiện thành các triệu chứng [20, 21, 22]:
- Đau, sưng hoặc cứng khớp kéo dài hơn 6 tuần
- Tình trạng cứng khớp vào buổi sáng kéo dài hơn 30 phút
- Tình trạng viêm có thể khiến khớp bị sưng, nóng, đỏ và mềm khi chạm vào.
- Ở một số người, các nốt thấp khớp có thể xuất hiện dưới da, xung quanh các khớp bị ảnh hưởng.
- Các triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, sốt, đổ mồ hôi nhiều, chán ăn, sụt cân
- Tình trạng viêm có thể ảnh hưởng đến các vùng khác trên cơ thể như mắt, tim hoặc phổi và gây ra các vấn đề như khô mắt, đau ngực.
Những yếu tố cần thận trọng khi điều trị cho phụ nữ tiền mãn kinh bị đau khớp
Các cơn đau khớp gây ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống hằng ngày của phụ nữ độ tuổi tiền mãn kinh [2]. Nếu không được điều trị, các bệnh xương khớp như thoái hóa khớp hoặc viêm khớp dạng thấp có thể tiến triển và gây tàn tật [18, 20]. Tuy nhiên, việc điều trị cho phụ nữ tiền mãn kinh bị đau khớp cần đặc biệt thận trọng do một số yếu tố nguy cơ trên tim mạch – huyết áp và hệ tiêu hóa [23, 24, 25].
Nguy cơ trên tim mạch – huyết áp
Sự thiếu hụt các hormone sinh dục trong thời kỳ tiền mãn kinh có thể dẫn đến [23]:
- Thay đổi thành phần lipid máu, trong đó tăng các cholesterol lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) và triglyceride, giảm cholesterol lipoprotein tỷ trọng cao (HDL)
- Giảm bài tiết và đào thải insulin, đồng thời tăng kháng insulin
- Tăng tích tụ chất béo ở phần trung tâm và nội tạng
- Rối loạn chức năng của nội mạc mạch máu
Những rối loạn tiền mãn kinh có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đặc biệt là bệnh mạch vành [23]. Không những thế, quá trình này còn gây ảnh hưởng đến huyết áp do làm tăng chỉ số khối cơ thể, tăng kháng insulin, giữ natri, tăng độ nhớt của máu và tăng sức cản hệ thống mạch máu do tăng sinh tế bào cơ trơn [24].
Nguy cơ trên hệ tiêu hóa
Sự suy giảm hormone có thể là nguyên nhân dẫn đến sự hình thành hoặc làm trầm trọng hơn các tình trạng đau và khó chịu đường tiêu hóa như [25]:
- Đau bụng
- Thay đổi thói quen đi tiêu
- Đầy hơi
Điều trị bệnh đau khớp cho phụ nữ tiền mãn kinh
Các phương pháp dùng thuốc và không dùng thuốc có thể được sử dụng kết hợp để điều trị các bệnh đau nhức xương khớp [26].
Phương pháp dùng thuốc
Điều trị bằng thuốc là phương pháp chính giúp kiểm soát các cơn đau do bệnh xương khớp gây ra. Nhiều loại thuốc có thể được sử dụng, trong đó, thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAIDs) là một trong những nhóm thuốc được dùng phổ biến nhất [26, 27]. Tuy là nhóm thuốc thông dụng nhưng việc lựa chọn NSAIDs cho phụ nữ tiền mãn kinh bị đau khớp cần đặc biệt thận trọng. Bởi vì nhóm thuốc này có thể gây tác dụng phụ trên tim mạch, huyết áp và cả hệ tiêu hóa, đặc biệt với những đối tượng có các yếu tố nguy cơ như phụ nữ tiền mãn kinh [23, 24, 25, 28].
Nếu thuộc nhóm đối tượng này, bạn nên trao đổi với bác sĩ để được chỉ định sử dụng các loại thuốc NSAIDs phù hợp. Ngày nay, các thuốc NSAIDs chọn lọc COX-2 đã được chứng minh an toàn hơn trên cả hệ tiêu hóa trên và dưới so với các NSAIDs không chọn lọc [29]. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nghi ngờ về tác dụng phụ của nhóm thuốc này trên tim mạch và huyết áp. Một số NSAIDs chọn lọc COX-2 bị chống chỉ định cho những bệnh nhân có huyết áp trên 140/90 mmHg hoặc không ổn định, trong khi đó, một số thuốc khác lại cho thấy ít tác động trên huyết áp và tim mạch hơn [30, 31, 32].
Phương pháp không dùng thuốc
Bên cạnh việc dùng thuốc, bạn có thể áp dụng thêm một số phương pháp khác để điều trị bệnh đau khớp cho phụ nữ tiền mãn kinh, bao gồm [26]:
- Vật lý trị liệu
- Liệu pháp áp lạnh (Chườm lạnh)
- Nhiệt trị liệu (Chườm nóng)
- Liệu pháp kích thích thần kinh bằng xung điện qua da (TENS)
- Châm cứu
- Vận động trị liệu và phục hồi
Ngoài ra, phụ nữ tiền mãn kinh bị đau khớp cũng nên duy trì cân nặng hợp lý và thường xuyên tập thể dục để giúp kiểm soát tốt tình trạng bệnh của mình [33].
Tiền mãn kinh là giai đoạn mà cơ thể phụ nữ gặp nhiều rối loạn. Những rối loạn này gây ra một số vấn đề về sức khỏe, trong đó có thể kể đến tình trạng đau khớp [1, 2]. Các cơn đau gây ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của phụ nữ ở độ tuổi này [3]. Vì vậy, khi bị đau khớp, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời nhé.
PP-CEL-VNM-0480
VIATRIS đồng hành nâng cao kiến thức bệnh học cộng đồng.
HelloBacsi.com cung cấp đường dẫn trong mục các chủ đề liên quan, bài cùng chuyên mục và bài có nhiều người đọc vì mục đích thuận tiện tra cứu. VIATRIS không kiểm duyệt các đường dẫn trong trang này và cũng không chịu trách nhiệm về nội dung hay hoạt động của các trang liên kết này.
[embed-health-tool-bmi]