backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Những nguyên nhân phổ biến gây đau nhức xương khớp ở người già

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Phương Quỳnh · Ngày cập nhật: 22/02/2022

    Những nguyên nhân phổ biến gây đau nhức xương khớp ở người già

    Đau nhức xương khớp ở người già là một tình trạng rất phổ biến có thể gây mất khả năng vận động và dẫn đến phụ thuộc thể chất đáng kể ở nhóm đối tượng này [1]. Có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến người già bị đau nhức xương khớp và tùy vào từng nguyên nhân cụ thể mà bạn sẽ có hướng điều trị phù hợp [2].

    Trong bài viết này, HelloBacsi sẽ giới thiệu cho bạn một số nguyên nhân phổ biến gây đau nhức xương khớp ở người già cũng như những cách giúp bạn giảm thiểu những cơn đau này.

    Những nguyên nhân thường gây đau nhức xương khớp ở người già

    Tình trạng đau nhức xương khớp ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của người cao tuổi. Theo đó, gánh nặng kinh tế do các bệnh lý này gây ra là rất lớn, chỉ đứng sau bệnh tim mạch. Hầu hết các bệnh nhân có biểu hiện đau không đặc hiệu và thường rất khó để xác định được nguyên nhân cụ thể, ngay cả khi cơn đau chỉ giới hạn ở một vị trí [3]. Dưới đây là một số yếu tố có thể khiến người già bị đau nhức xương khớp nhiều hơn người trẻ.

    Quá trình lão hóa

    Mức độ lão hóa của hệ cơ xương khớp ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của người bệnh [4]. Một số nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ mắc đau nhức xương khớp sẽ tăng dần theo độ tuổi cho đến khi đạt được giá trị cân bằng ở khoảng 65 tuổi. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân mắc các cơn đau nghiêm trọng có thể gây tàn phế vẫn tiếp tục tăng [5].

    Tuổi tác cũng khiến sụn bên trong khớp trở nên mỏng hơn và làm thay đổi các thành phần của sụn, từ đó khiến các khớp kém đàn hồi, dễ bị tổn thương và góp phần hình thành thoái hóa khớp ở người cao tuổi [4, 6].

    Không chỉ có khớp, các sợi cơ cũng bị ảnh hưởng bởi quá trình lão hóa. Sự mất cơ bắt đầu xuất hiện từ khoảng 30 tuổi. Trong quá trình này, số lượng mô cơ cũng như số lượng và kích thước các sợi cơ sẽ giảm dần. Sự mất cơ làm tăng áp lực lên các khớp, khiến người lớn tuổi dễ bị viêm khớp hoặc té ngã [6]. Ngoài ra, tính toàn vẹn của các cấu trúc bên trong đĩa đệm cũng giảm đáng kể khi ta già đi, về lâu dài có thể dẫn đến giảm chiều cao đĩa đệm và xẹp đốt sống [4].

    Quá trình lão hóa gây đau nhức xương khớp ở người già
    Ảnh: Shutterstock.com – 1841953141

    Tất cả các tình trạng trên, bao gồm cả thoái hóa khớp, viêm khớp, té ngã, mất cơ… đều có thể gây đau nhức xương khớp ở người già [7].

    Giảm hormone khiến người già dễ bị đau nhức xương khớp

    Bên cạnh quá trình lão hóa, những thay đổi liên quan đến hormone, đặc biệt là hormone sinh dục, cũng có thể ảnh hưởng đến sinh lý của hệ xương [4, 8]. Ở phụ nữ, sự suy giảm nồng độ estrogen sau khi mãn kinh sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến xương, cơ, dây chằng, collagen, sụn, màng hoạt dịch và bao khớp [8]. Tình trạng này còn gây mất xương nghiêm trọng ở cả xương xốp và xương đặc. Đây là do tế bào hủy xương osteoclast sẽ được giải phóng khỏi sự ức chế của estrogen, từ đó làm tăng quá trình hủy xương tổng thể. Sự hủy xương quá mức dẫn đến giảm khối lượng và sức mạnh của xương, từ đó làm tăng nguy cơ gãy xương. Ở nam giới, sự suy giảm nội tiết tố nam cũng gây ra những ảnh hưởng tương tự [4].

    Hormone sinh dục không những đóng vai trò trong sự phát triển các cơn đau nhức xương khớp mạn tính ở người già mà còn ảnh hưởng đến sự nhạy cảm của họ với các cơn đau, đặc biệt là ở nữ giới [9].

    Loãng xương

    Cùng với quá trình lão hóa, thể tích và khối lượng xương sẽ suy giảm ở cả hai giới, thường biểu hiện bởi tình trạng loãng xương và tăng nguy cơ gãy xương [4]. Ở giai đoạn đầu, quá trình mất xương không biểu hiện thành các triệu chứng rõ rệt [10]. Nhưng khi xương suy yếu, bạn có thể bị đau lưng dữ dội do gãy hoặc xẹp đốt sống [10, 11]. Các cơn đau này sẽ trở nên tồi tệ hơn khi bạn đứng hoặc đi bộ và giảm nhẹ khi nằm nghỉ. Không những vậy, bệnh nhân loãng xương cũng rất dễ bị gãy xương, ngay cả khi thực hiện các hoạt động bình thường hằng ngày [11].

    Các bệnh lý kèm theo có thể gây đau nhức xương khớp ở người già

    Các bệnh lý đi kèm liên quan đến tuổi tác, chẳng hạn như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tínhsuy tim sung huyết có thể gây hạn chế vận động, dẫn đến suy giảm chức năng của cơ và gân, do đó làm trầm trọng thêm những tổn thương đã xảy ra trên hệ cơ xương khớp [12]. Bệnh Parkinson cũng có thể gây nên tình trạng đau nhức xương khớp ở người già, biểu hiện bởi các triệu chứng như [13]:

  • Chuột rút
  • Căng cứng ở nhiều vị trí như cổ, lưng và chân
  • Đau âm ỉ ở đầu và cổ
  • Loạn trương lực cơ, đặc biệt ở bàn chân
  • Đau thần kinh gây đau rát, ngứa ran hoặc tê bì
  • Các bệnh lý gây đau nhức xương khớp ở người già
    Ảnh: Shutterstock.com – 1834181149

    Ngoài ra, các bệnh lý khác ở người cao tuổi như bệnh tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp và bệnh thận có thể gây hạn chế các chức năng bình thường. Những vấn đề này khiến việc điều trị các triệu chứng cơ xương khớp trở nên phức tạp hơn [13].

    Suy giảm chức năng

    Các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy, tình trạng đau nhức xương khớp mạn tính ở người già có liên quan đến sự suy giảm chức năng thể chất và từ đó gây hạn chế khả năng thực hiện các hoạt động hằng ngày [14]. Theo đó, các cơn đau nhức xương khớp được cho là có liên quan mật thiết đến sự suy giảm khả năng giữ thăng bằng ở người trên 75 tuổi. Ở độ tuổi này, khả năng duy trì tư thế đứng thẳng của bệnh nhân sẽ kém ổn định do nhiều yếu tố khác nhau, đa số là do suy giảm các chức năng ở thị giác, thính giác, tiền đình, cơ xương khớp và hệ thần kinh trung ương [15].

    Ngoài các yếu tố kể trên, một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, tình trạng đau nhức xương khớp ở người già còn có thể liên quan đến vấn đề tâm lý hoặc do mức độ hoạt động thể lực thấp [14].

    Người lớn tuổi nên làm gì khi bị đau nhức xương khớp

    Việc kiểm soát các cơn đau nhức xương khớp ở người già thường rất khác so với người trẻ. Các bệnh nền đi kèm có thể làm cho việc đánh giá và điều trị tình trạng này trở nên khó khăn hơn [16]. Mục tiêu điều trị các bệnh đau nhức xương khớp ở người già, đặc biệt là đau mạn tính, chủ yếu tập trung vào việc giảm đau, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu và cải thiện các chức năng của cơ thể [17].

    Khi bị đau nhức xương khớp, bạn nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán đúng bệnh và có hướng điều trị phù hợp. Vậy bên cạnh đó, người già đau nhức xương khớp nên làm gì?

    Thay đổi lối sống để giảm đau nhức xương khớp ở người già

    Người lớn tuổi nên duy trì m ột lối sống lành mạnh để giúp kiểm soát tốt tình trạng đau nhức xương khớp của mình.

  • Giảm cân: Nếu bị thừa cân, điều đầu tiên bạn cần làm chính là giảm ngay lượng cân dư thừa đó. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, giảm 5kg có thể giúp hạn chế 50% nguy cơ mắc bệnh thoái hóa khớp gối ở người cao tuổi [18].
  • Tập thể dục: Các hình thức thể dục khác nhau có thể tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến tình trạng đau nhức xương khớp ở người già. Tập thể dục chủ động hay thụ động đều cho thấy những ảnh hưởng trực tiếp đến cơn đau thông qua việc tăng tín hiệu từ các cơ quan cảm thụ ở khớp. Ngoài ra, tập thể dục còn tác động gián tiếp đến các cơn đau cơ xương khớp nhờ tăng lưu lượng máu, giảm phù nề, ức chế co thắt cơ, tăng cường phạm vi chuyển động, tính linh hoạt và sức mạnh của cơ. Thêm vào đó, cảm giác thoải mái sau khi tập thể dục có thể ảnh hưởng một cách tích cực đến độ nhạy cảm của cơ thể đối với các cơn đau [17].
  • Mang giày dép phù hợp: Theo các chuyên gia, những đôi giày mềm có thêm lớp đệm bảo vệ sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng người già bị đau nhức xương khớp [18].
  • Bỏ hút thuốc: Nếu có thói quen hút thuốc, bạn hãy bỏ ngay. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng, hút thuốc gây ảnh hưởng đến sức khỏe xương khớp cũng như khả năng đáp ứng của bạn với các phương pháp điều trị [18].
  • Uống thuốc giảm đau cơ xương khớp một cách an toàn

    Nếu việc thay đổi lối sống không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định cho bạn sử dụng các thuốc giảm đau cơ xương khớp [18]. Một số nhóm thuốc giảm đau cơ xương khớp có thể được sử dụng, bao gồm paracetamol, thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAIDs) và thuốc nhóm opioids [19].

    Thuốc giảm đau nhức xương khớp ở người già
    Ảnh: Shutterstock.com – 1441565675

    Tuy nhiên, khi dùng thuốc giảm đau cho nhóm đối tượng này, bạn cần lưu ý những điểm sau:

    Lựa chọn thuốc điều trị phù hợp

    Giống như bất kỳ loại thuốc nào, người lớn tuổi có khả năng cao gặp phải các tác dụng phụ có hại khi sử dụng thuốc giảm đau cơ xương khớp. Điều này có thể là do sự suy giảm một số chức năng của cơ thể như giảm bài tiết qua thận hoặc chuyển hóa ở gan [20]. Vì vậy, việc lựa chọn thuốc để kiểm soát tình trạng đau nhức xương khớp ở người già cần cân nhắc đến cả yếu tố sinh lý và bệnh lý đi kèm khác của bệnh nhân [19]. Ví dụ như, các thuốc nhóm NSAIDs có thể gây ra một số tác dụng phụ trên hệ tiêu hóa, như tiêu chảy, táo bón hoặc nặng hơn nữa là loét dạ dày và chảy máu đường tiêu hóa [21]. Nếu bạn từng có tiền sử bị loét hoặc chảy máu dạ dày, bác sĩ có thể chỉ định cho bạn sử dụng các thuốc NSAIDs chọn lọc COX-2 như NSAIDs nhóm coxib vì chúng ít gây tác dụng phụ trên hệ tiêu hóa hơn các NSAIDs không chọn lọc [19, 22].

    Nếu mắc phải các bệnh đi kèm như đái tháo đường, tim mạch, suy gan, suy thận, loét hoặc chảy máu dạ dày [23], bạn hãy trao đổi ngay với bác sĩ để được chỉ định sử dụng thuốc phù hợp.

    Uống thuốc theo đúng chỉ định

    Bạn cần uống thuốc đầy đủ và đúng theo chỉ định, không bỏ liều hoặc tự ý ngừng thuốc mà chưa hỏi ý kiến của bác sĩ, ngay cả khi bạn đã đỡ hơn hoặc không thấy hiệu quả [24]. Một số thuốc cần phải giảm liều từ từ trước khi dừng hẳn để tránh các tác dụng phụ [25].

    Cẩn thận với tương tác thuốc

    Tương tác thuốc có thể xảy ra khi bạn uống thuốc trị đau nhức xương khớp cho người già cùng với [24]:

    • Các thuốc khác kể cả thảo dược và thực phẩm chức năng
    • Đồ ăn và thức uống, đặc biệt là thức uống chứa cồn

    Tương tác thuốc có thể làm thay đổi tác dụng hoặc làm tăng tác dụng phụ của các thuốc [26]. Vì vậy, hãy thông báo cho bác sĩ về tất cả các loại thuốc bạn đang sử dụng, kể cả thuốc không kê đơn và thực phẩm chức năng để được xem xét tương tác của thuốc [24, 25].

    Áp dụng các phương pháp khác

    Bạn có thể áp dụng thêm một số các phương pháp thay thế bên cạnh dùng thuốc để kiểm soát tình trạng đau nhức xương khớp ở người già, bao gồm [7]:

    Nếu các phương pháp bảo tồn khác không hiệu quả, hãy thảo luận với bác sĩ về phương án phẫu thuật để giúp kiểm soát tình trạng này [7].

    Có rất nhiều nguyên nhân khiến người già dễ bị đau nhức xương khớp hơn người trẻ. Khi tuổi tác càng tăng, bạn nên đặc biệt chú ý đến vấn đề cơ xương khớp để sống khỏe mạnh hơn.

    PP-CEL-VNM-0477

    VIATRIS đồng hành nâng cao kiến thức bệnh học cộng đồng.

    HelloBacsi.com cung cấp đường dẫn trong mục các chủ đề liên quan, bài cùng chuyên mục và bài có nhiều người đọc vì mục đích thuận tiện tra cứu. VIATRIS không kiểm duyệt các đường dẫn trong trang này và cũng không chịu trách nhiệm về nội dung hay hoạt động của các trang liên kết này.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Phương Quỳnh · Ngày cập nhật: 22/02/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo