backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Xăm mình và xỏ khuyên: Nguy hiểm không ngờ và cách bảo vệ bản thân

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên · Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Việt Trinh · Ngày cập nhật: 22/01/2020

    Xăm mình và xỏ khuyên: Nguy hiểm không ngờ và cách bảo vệ bản thân

    Xăm mình hay xỏ khuyên là những trào lưu nghệ thuật ngày càng phổ biến trong giới trẻ. Một hình xăm hay chiếc khuyên mũi thật ngầu giúp bạn trẻ thể hiện cá tính của mình. Tuy nhiên, xăm mình hoặc xỏ khuyên lại tiềm ẩn những nguy cơ lớn đối với sức khỏe của bạn.

    Xăm mình là một hình thức nghệ thuật cơ thể được tạo ra khi dùng một đầu kim, đưa mực vào lớp hạ bì của da. Trang điểm vĩnh viễn cũng là một hình thức xăm mình. Hình thức xăm mình này được thực hiện khi thợ xăm dùng mực vĩnh cửu để vẽ theo đường nét của bút kẻ mắt, bút kẻ môi, bút kẻ lông mày, hoặc các loại trang điểm khác.

    Xỏ khuyên là dùng một đầu kim tạo nên lỗ trên cơ thể để đeo đồ trang sức. Tai, mũi, lông mày, lưỡi, môi, rốn, núm vú, bộ phận sinh dục và các bộ phận cơ thể khác đều có thể được xỏ khuyên.

    Trước khi đưa ra quyết định thay đổi cơ thể của bạn, việc hiểu những tác dụng phụ nguy hiểm gắn với những thủ thuật này rất quan trọng.

    Rủi ro về sức khỏe đối với việc xăm mình

    Khi bạn quyết định xăm hình, thợ xăm sẽ sử dụng một máy cầm tay với đầu kim được gắn vào máy để đâm vào lớp hạ bì, lớp da thứ hai dưới lớp biểu bì.

    Những hình xăm là một cách thể hiện bản thân khá phổ biến, nhưng chúng cũng làm tổn thương da và có thể gây ra các biến chứng. Các biến chứng có thể bao gồm:

    • Phản ứng dị ứng với thuốc nhuộm hình xăm, tình trạng này có thể phát triển trong nhiều năm sau; dấu hiệu phản ứng dị ứng bao gồm phát ban ở chỗ xăm;
    • Nhiễm trùng da, chẳng hạn như nhiễm khuẩn tụ cầu hoặc lao phổi;
    • Sự hình thành sẹo lồi là sự gia tăng của mô sẹo;
    • Các bệnh truyền qua máu, như viêm gan B, viêm gan C, HIV và uốn ván, bạn có thể nhiễm bệnh bởi việc sử dụng kim xăm bị nhiễm bẩn chưa được khử trùng;
    • Ảnh hưởng đến việc chụp hình cộng hưởng (MRI) trong tương lai;
    • Bỏng hoặc sưng ở vị trí xăm.

    Nguy cơ về sức khỏe khi xỏ khuyên

    Việc thay đổi cơ thể bằng việc xỏ khuyên cũng mang lại một mức độ rủi ro nhất định, chẳng hạn như nguy cơ nhiễm khuẩn.

    Mủ có thể phát triển xung quanh lỗ xỏ khuyên. Nếu bạn không được điều trị đúng cách, bạn sẽ có nguy cơ nhiễm trùng hoặc ngộ độc máu.

    Nhiễm trùng máu là phản ứng nguy hiểm đến tính mạng đối với hiện tượng nhiễm trùng. Nhiễm trùng thường xảy ra với miệng và mũi vì các khu vực này chứa nhiều vi khuẩn hơn. Nhiễm trùng có thể dẫn đến suy nhược cơ thể và tử vong. Các triệu chứng ngộ độc máu bao gồm sốt cao, ớn lạnh, nhịp tim đập nhanh và thở dốc.

    Các rủi ro khác bao gồm:

    • Sưng quanh khu vực xỏ khuyên;
    • Hình thành sẹo lồi xung quanh lỗ xỏ khuyên;
    • Chảy máu do một mạch máu bị tổn thương.

    ♦ Việc xỏ khuyên ở lưỡi có thể gây hại cho răng và khiến bạn gặp khó khăn khi nói. Ngoài ra, nếu lưỡi bị sưng lên sau khi xỏ khuyên, vết sưng có thể chặn đường thở khiến bạn khó thở hơn.

    ♦ Xỏ khuyên ở bộ phận sinh dục có thể gây ra đau đớn khi quan hệ tình dục và đi tiểu. Nguy cơ biến chứng cao hơn nếu bạn có các bệnh khác như:

    • Bệnh tiểu đường;
    • Dị ứng, đặc biệt là nếu bạn đã từng có phản ứng gây nên mẩn đỏ, sưng cổ họng hoặc khó thở;
    • Các chứng rối loạn về da như chàm hoặc bệnh vẩy nến;
    • Hệ miễn dịch yếu.

    Các biện pháp bảo vệ bản thân khi xăm mình hoặc xỏ khuyên

    Bạn có thể giảm thiểu nguy cơ biến chứng đối với sức khỏe bởi hình xăm hoặc xỏ khuyên bằng một vài biện pháp phòng tránh đơn giản như sau.

    Bảo vệ cơ thể khi xăm

    • Bạn nên xăm hình tại cơ sở có giấy phép, có uy tín;
    • Không được sử dụng lại kim và dao cạo;
    • Bạn nên kiểm tra để bảo đảm thợ xăm sử dụng găng tay mới và rửa tay trước khi bắt đầu quá trình xăm;
    • Các bề mặt làm việc, ghế và thiết bị phải được vệ sinh và khử trùng đúng cách;
    • Vùng da xăm nên được lau bằng chất khử trùng trước khi xăm;
    • Các vết xăm mới phải được phủ bằng vải gạc vô trùng hoặc băng. Thực hiện theo hướng dẫn của thợ xăm để chăm sóc cho làn da mới xăm.

    Bảo vệ cơ thể khi xỏ khuyên

    • Người xỏ khuyên nên rửa tay và đeo găng tay;
    • Kim dùng một lần và nên vứt đi sau mỗi lần sử dụng;
    • Các dụng cụ và bề mặt thực hiện việc xỏ khuyên cần được vệ sinh thật kỹ;
    • Trang sức cần được tiệt trùng trước khi đeo vào cơ thể.

    Chăm sóc cơ thể sau khi xăm và xỏ khuyên

    Nguy cơ nhiễm trùng và biến chứng từ việc thay đổi cơ thể có thể được giảm thiểu với các bước chăm sóc sau.

    Chăm sóc hình xăm

    • Băng những hình xăm mới trong 24 giờ. Thoa thuốc kháng sinh lên da sau khi tháo băng;
    • Làm sạch nhẹ nhàng hình xăm bằng xà phòng và nước, sau đó lau khô;
    • Sử dụng kem dưỡng ẩm nhẹ cho da mới xăm trong ngày;
    • Tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp trong 2 tuần đầu sau khi xăm;
    • Da của bạn sẽ mất khoảng hai tuần để hồi phục. Bạn không nên chạm vào hình xăm nhiều hoặc ăn những thực phẩm như: nếp, thịt bò, rau muống, trứng cho đến khi nó lành lại.

    Chăm sóc vùng cơ thể xỏ khuyên

    • Nhẹ nhàng làm sạch những lỗ xỏ khuyên mới bằng dung dịch nước muối;
    • Ngâm gạc trong dung dịch, sau đó dùng gạc thấm vào lỗ xỏ mới;
    • Chỉ vệ sinh lỗ xỏ khuyên 2 lần một ngày. Làm sạch da quá nhiều lần có thể gây kích ứng da và làm chậm quá trình phục hồi của da;
    • Rửa tay bằng nước ấm và xà bông kháng khuẩn trước khi đụng vào lỗ xỏ khuyên.

    ♥ Bên cạnh đó, bạn cũng nên lưu ý dấu hiệu của một hình xăm hoặc lỗ xỏ khuyên bị nhiễm trùng bao gồm da đỏ, sưng lên, sốt và áp xe. Bạn nên gặp bác sĩ ngay nếu bạn nghi ngờ mình bị nhiễm trùng.

    Xăm mình hay xỏ khuyên có thể khiến bạn trông cực kỳ cá tính và hiện đại. Tuy nhiên, bạn cũng nên chăm sóc hình xăm hoặc lỗ xỏ khuyên của mình cẩn thận để vừa đảm bảo sức khỏe vừa giữ được vẻ ngoài hoàn hảo.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

    Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


    Tác giả: Việt Trinh · Ngày cập nhật: 22/01/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo