backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Nội soi đại tràng

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên · Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Mai Hồ · Ngày cập nhật: 06/05/2022

Nội soi đại tràng

Nội soi nhằm chẩn đoán ung thư đại trực tràng là điều rất quan trọng để chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời. Bạn cần nắm rõ từng bước trong quá trình này có được kết quả tốt nhất.

Nội soi đại tràng được xem là biện pháp hữu hiệu giúp bạn chẩn đoán chính xác ung thư đại trực tràng nói chung. Nếu bạn được bác sĩ chỉ định tiến hành nội soi thì bạn đừng nên bỏ qua những thông tin quan trọng trong bài viết ngay sau đây nhé!

Tìm hiểu chung

Nội soi đại tràng là gì?

Nội soi đại tràng là gì? Đây là một thủ thuật dùng một ống nội soi, mỏng, linh hoạt và có gắn hệ thống đèn cùng đầu quay video ở đầu ống. Ống sẽ được đưa vào hậu môn, sau đó, đi ngược lên đến trực tràng và đại tràng để quan sát các cấu trúc bên trong. Nội soi đại tràng là một thủ thuật rất hiệu quả trong việc giúp bác sĩ quan sát toàn bộ chiều dàu của đại tràng và trực tràng, tìm ra các bất thường trong ruột và đôi khi có thể được dùng để điều trị một số bất thường nhỏ. Chẳng hạn như nếu trong quá trình nội soi bác sĩ phát hiện ra có một polyp (khối u thịt nhỏ nằm trên thành đại tràng), bác sĩ có thể tiến hành cắt bỏ.

Nội soi có thể được thực hiện tại bệnh viện, tại phòng khám và bạn không cần phải nhập viện.

Khi nào cần nội soi đại tràng?

khi nào cần thực hiện nội soi đại tràng?

Bác sĩ có thể khuyên bạn nên nội soi đại tràng để:

  • Tìm nguyên nhân của các dấu hiệu và triệu chứng đường ruột: Nội soi đại tràng có thể giúp bác sĩ tìm hiểu nguyên nhân tại sao bạn lại bị đau bụng, chảy máu trực tràng, táo bón kéo dài, tiêu chảy kéo dài và các vấn đề về đường ruột khác.
  • Tầm soát ung thư đại tràng: Nếu bạn ở độ tuổi 50 hoặc lớn tuổi hơn và có nguy cơ ung thư đại tràng ở mức trung bình – ngoài ra bạn không có yếu tố nguy cơ nào khác trừ lớn tuổi – bác sĩ có thể khuyên bạn nên nội soi đại tràng 10 năm một lần hoặc đôi khi sớm hơn để tầm soát ung thư đại tràng. Đây là một xét nghiệm tốt để sàng lọc ung thư đại tràng. Hãy thảo luận với bác sĩ để có lời khuyên thích hợp nhất cho trường hợp của bạn.
  • Xem xét xem bạn có polyp đại tràng hay không: Nếu bạn đã có polyp từ trước, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện nội soi theo dõi để tìm và loại bỏ bất kỳ polip mới xuất hiện. Điều này được thực hiện để làm giảm nguy cơ ung thư đại tràng.

Thận trọng

Trước khi nội soi đại tràng bạn cần biết gì?

Khâu làm sạch ruột trước khi tiến hành nội soi khá khó chịu. Bản thân xét nghiệm có thể không thoải mái, nhưng thuốc an thần thường giúp ích cho việc này và hầu hết mọi người cảm thấy bình thường nhờ tác dụng của thuốc an thần đi kèm. Nếu một polyp được lấy ra hoặc sinh thiết trong quá trình nội soi, bạn có thể thấy máu lẫn trong phân trong 1 hoặc 2 ngày sau đó. Trong một số ít trường hợp, chảy máu nghiêm trọng cần được điều trị.

Nếu thấy kết quả nội soi có vẻ không chính xác do máy móc không tốt hay do trong lòng đại tràng có quá nhiều phân làm che khuất tầm nhìn, bác sĩ có thể đề nghị nội soi lại lần nữa hoặc chờ một thời gian sau mới nội soi lại. Nếu sau khi soi lại vẫn không thể nhìn rõ toàn bộ hình ảnh đại tràng, bác sĩ sẽ yêu cầu chụp X-quang có bơm chất cản quang chứa bari vào trực tràng hoặc nội soi đại tràng kỹ thuật số để khám đại tràng của bạn.

Ngoài nội soi, có một số thủ thuật khác thay thế để khám đại tràng như chụp ảnh đại tràng có cản quang hoặc chụp đại tràng cắt lớp điện toán (chụp CT).

Trước khi tiến hành phẫu thuật, bạn nên hiểu rõ các cảnh báo và lưu ý. Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có thêm thông tin và hướng dẫn cụ thể.

lưu ý trước khi nội soi đại tràng

Liệu có biến chứng nào có thể xảy ra hay không?

Nội soi đại tràng xuất hiện vài rủi ro. Các triệu chứng sau khi nội soi đại tràng gồm:

  • Phản ứng dị ứng với thuốc
  • Khó thở và tim đập không đều
  • Mờ mắt
  • Nhiễm trùng
  • Thủng thành trực tràng
  • Chảy máu
  • Thủ thuật không thể thực hiện thành công.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các biến chứng có thể xảy ra, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.

Quy trình

Trước khi nội soi đại tràng cần chuẩn bị gì?

Trước khi nội soi đại tràng, bác sĩ sẽ cho làm sạch ruột già của bạn. Quá trình này rất cần thiết vì các chất cặn bã trong đại tràng có thể che khuất tầm nhìn của đại tràng và trực tràng của bạn trong quá trình kiểm tra. Để làm sạch đại tràng, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn làm những việc sau đây:

  • Bạn không được ăn thức ăn rắn ngày trước khi nội soi. Bạn có thể không ăn hay uống bất cứ thứ gì sau nửa đêm của đêm trước khi xét nghiệm.
  • Bác sĩ có thể đề nghị uống thuốc nhuận tràng dưới dạng thuốc viên hoặc dạng lỏng.
  • Trong một số trường hợp, bạn có thể cần phải sử dụng bộ bơm trực tràng (hay còn gọi là thụt tháo đại tràng) để làm sạch đại tràng vào đêm trước hoặc vài tiếng trước khi khám.

Bạn nên báo cho bác sĩ của bạn biết các loại thuốc bạn dùng ít nhất một tuần trước khi nội soi – đặc biệt là nếu bạn có bệnh đái tháo đường, cao huyết áp hoặc các vấn đề tim hoặc nếu bạn dùng thuốc hoặc thực phẩm chức năng có chứa sắt.

Hãy chắc chắn bác sĩ biết về bất kỳ loại thuốc nào bạn đang dùng vì bạn sẽ cần phải thay đổi hoặc ngưng dùng thuốc trước khi làm xét nghiệm.

Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn không nên ăn hoặc uống bất cứ thứ gì sau nửa đêm trước khi tiến hành nội soi đại tràng. Nếu bạn thường uống thuốc theo toa vào buổi sáng, hãy hỏi bác sĩ hoặc y tá có nên tiếp tục uống vào ngày làm thủ thuật hay không.

Đại tràng và trực tràng phải để trống và sạch sẽ để bác sĩ có thể nhìn thấy lớp lót bên trong của chúng trong quá trình làm thủ thuật. Bạn có thể sẽ cần uống một lượng lớn thuốc nhuận tràng vào buổi chiều trước ngày nội soi. Vì thế, bạn có khả năng đi tiêu rất nhiều vào tối hôm đó. Vào sáng ngày làm thủ thuật, bạn sẽ phải uống thêm một lượng chất lỏng nữa hoặc phải thụt tháo để đảm bảo trong đại trực tràng của bạn sạch phân.

Vì thuốc an thần được sử dụng trong quá trình thử nghiệm có thể khiến bạn nôn mửa, bạn nên nhờ người thân đưa bạn về nhà.

Quá trình nội soi đại tràng diễn ra như thế nào?

quy trình nội soi đại tràng

Nội soi đại tràng thường mất 30 – 45 phút.

Nếu cần thiết, các bác sĩ nội soi có thể cung cấp cho bạn một thuốc an thần hoặc thuốc giảm đau. Bạn có thể tỉnh táo, nhưng không nhận thức được những gì đang xảy ra và có lẽ sẽ không nhớ những điều diễn ra trong quá trình làm thủ thuật.

Bác sĩ sẽ đưa một ống nhựa dẻo có gắn camera và đèn vào hậu môn của bạn. Sau đó, bác sĩ sẽ bơm không khí vào ruột già để làm cho cả đoạn ruột phồng ra, nhờ vậy có thể quan sát các cấu trúc bên trong ruột rõ hơn. Bác sĩ nội soi sẽ tìm kiếm các tổn thương như viêm hoặc polyp. Nếu phát hiện một polyp lớn, khối u hoặc bất cứ điều gì khác bất thường, bác sĩ sẽ cho thực hiện sinh thiết. Mô được quan sát dưới kính hiển vi để xác định xem đó là ung thư hay chỉ là kết quả của tình trạng viêm.

Bạn nên làm gì sau khi khi nội soi?

Sau khi thực hiện thủ thuật này, thường sẽ mất 1 giờ để các tác dụng của thuốc an thần bắt đầu giảm đi. Bạn cần phải nhờ ai đó đưa về nhà sau khi phẫu thuật bởi vì tác dụng của thuốc an thần vẫn còn kéo dài đến 1 ngày. Và bạn cũng không nên lái xe hoặc đi làm sau khi đã trở về nhà trong vòng 1 ngày sau thủ thuật. Hầu hết mọi người sẽ tỉnh táo hoàn toàn vào thời điểm trở về nhà sau khi làm xét nghiệm.

Nếu bác sĩ có thực hiện cắt polyp, bác sĩ sẽ khuyên bạn ăn một chế độ ăn đặc biệt trong một thời gian ngắn.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện thủ thuật, bác sĩ có bơm hơi vào ruột của bạn, nên bạn sẽ cảm thấy bụng hơi bị phình lên, trướng bụng và sẽ trung tiện nhiều. Bạn có thể làm giảm cảm giác khó chịu bằng cách đi bộ.

Đôi khi bạn có thể bị chảy máu sau thủ thuật. Đây là điều bình thường, bạn không cần phải lo lắng. Nhưng nếu máu chảy ra kéo dài và có máu đông, đồng thời bạn bị đau bụng và sốt hơn 37,8ºC, thì bạn nên đi khám bác sĩ ngay.

Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Mai Hồ · Ngày cập nhật: 06/05/2022

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo