backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Bệnh polyp đại tràng là gì?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 02/04/2021

Bệnh polyp đại tràng là gì?

Bạn biết gì về bệnh polyp đại tràng? Căn bệnh này gây ra những tác hại gì, cách điều trị và phòng ngừa ra sao? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu ngay trong bài viết ngay sau đây nhé!

Tìm hiểu chung

Polyp đại tràng là gì?

Polyp đại tràng là một khối tế bào nhỏ hình thành bên trong niêm mạc đại tràng hoặc ruột già. Đại tràng hay ruột già là một ống rỗng dài ở dưới cùng của đường tiêu hóa, là nơi để tạo và lưu trữ phân. Hầu hết các polyp đại tràng đều vô hại nhưng theo thời gian, chúng có thể phát triển thành ung thư đại trực tràng và thường gây tử vong ở những giai đoạn sau.

Bệnh polyp đại tràng

Phân loại polyp

Polyp cơ bản được chia ra làm 2 loại chính là polyp lành tính và polyp gây ung thư.

  • Polyp lành tính bao gồm: polyp tăng sản, polyp viêm và polyp dạng hamartomatous.
  • Polyp gây ung thư thường được gọi là polyp tân sinh bao gồm loại u tuyến và loại có răng cưa.

Nhìn chung, kích thước polyp càng lớn thì nguy cơ ung thư ruột kết càng tăng cao, đặc biệt là polyp tân sinh. Cắt bỏ hoàn toàn polyp càng sớm thì càng ít có khả năng trở thành ác tính.

Triệu chứng

Triệu chứng thường gặp của bệnh polyp đại tràng là gì?

Polyp đại tràng thường không gây ra những triệu chứng rõ rệt. Rất nhiều bệnh nhân không biết mình có khối u cho đến khi bác sĩ kiểm tra đường ruột và phát hiện ra.

Một số người thường gặp những dấu hiệu và triệu chứng cụ thể như sau:

  • Chảy máu trực tràng: Triệu chứng này là dấu hiệu của polyp đại tràng, bệnh trĩ, có vết rách nhỏ ở hậu môn hoặc thậm chí là ung thư.
  • Thay đổi màu phân: Máu có thể xuất hiện dưới dạng vệt đỏ trong phân hoặc làm cho phân có màu đen. Cần phân biệt sự thay đổi màu phân do thực phẩm, thuốc hoặc chất bổ sung gây ra.
  • Thay đổi thói quen đi tiêu: Táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài trong suốt một tuần cũng có thể là dấu hiệu cho thấy sự xuất hiện của polyp đại tràng.
  • Đau bụng: Bệnh polyp đại tràng có thể gây tắc nghẽn một phần ruột khiến bệnh nhân đau bụng quặn thắt.
  • Thiếu máu do thiếu sắt: Chảy máu do sự xuất hiện của polyp có thể không biểu hiện ra ngay qua màu phân mà diễn ra từ từ, khiến cho lượng sắt cần thiết trong cơ thể bị thiếu hụt, gây cảm giác mệt mỏi, khó thở, chóng mặt, ngất xỉu, da xanh xao và nhịp tim nhanh.

triệu chứng của polyp đại tràng

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Hãy đến gặp bác sĩ khi bạn có các dấu hiệu như sau:

  • Đau bụng
  • Máu trong phân hoặc phân đen
  • Táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài hơn một tuần

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây bệnh polyp đại tràng là gì?

Trong cơ thể, một tế bào khỏe mạnh sẽ phân chia và phát triển một cách có trật tự. Tuy nhiên, khi xảy ra đột biến ở một số gen nhất định có thể khiến tế bào tiếp tục phân chia nhiều hơn mức cần thiết. Tại đại tràng và trực tràng, sự phát triển mất kiểm soát này có thể làm hình thành các khối polyp đại tràng. Polyp có thể phát triển ở bất cứ đâu trong ruột già của con người.

Yếu tố nguy cơ

Những ai có thể mắc bệnh polyp đại tràng?

Bất cứ ai cũng có thể mắc polyp đại tràng và những đối tượng sau đây sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn:

  • Tuổi tác: Những người trên 50 tuổi trở lên nên thường xuyên kiểm tra polyp
  • Tiền sử bệnh gia đình: Có người thân như cha mẹ, anh chị em từng mắc bệnh polyp đại tràng hoặc ung thư trực tràng thì nguy cơ mắc bệnh càng cao.
  • Tình trạng viêm đường ruột: Polyp xuất hiện kết hợp với viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn của đại tràng sẽ làm tăng nguy cơ ung thư trực tràng.
  • Sử dụng rượu bia, hút thuốc lá thường xuyên
  • Những người thừa cân, béo phì, lười vận động
  • Người mắc bệnh tiểu đường type 2 không được kiểm soát tốt.
  • Những người mắc hội chứng rối loạn polyp di truyền

Các rối loạn di truyền gây ra polyp đại tràng

Một số người không may thừa hưởng đột biến gen gây polyp đại tràng và nếu có một trong những đột biến di truyền sau đây, bạn sẽ có nguy cơ mắc ung thư trực tràng cao hơn:

  • Hội chứng Lynch: Polyp phát triển tương đối ít nhưng chúng lại có thể nhanh chóng trở thành ung thư. Đây là dạng rối loạn polyp di truyền phổ biến, có liên quan đến các khối u ở vú, dạ dày, ruột non, đường tiết niệu và buồng trứng.
  • Bệnh đa polyp tuyến gia đình (FAP): Đây là hội chứng rối loạn di truyền hiếm gặp nhưng lại gây ra hàng trăm hoặc thậm chí là hàng nghìn khối polyp phát triển trong niêm mạc ruột kết ngay từ những năm còn tuổi thiếu niên. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời thì chắc chắn 100% bạn sẽ mắc ung thư đại trực tràng trước năm 40 tuổi.
  • Hội chứng Gardner: Đây là một biến thể của FAP khiến cho các khối u phát triển khắp đại tràng và ruột non. Ngoài ra, khối u không ung thư còn có thể phát triển ở các bộ phận khác trên cơ thể như da, xương hay bụng.
  • Polyposis liên quan đến MYH (MAP): Đây là một tình trạng tương tự như FAP do đột biến gen MYH gây ra. Nhiều polyp tuyến phát triển và làm tăng nguy cơ mắc ung thư khi còn rất trẻ.
  • Hội chứng Peutz-Jeghers: Tình trạng này thường bắt đầu với tàn nhang phát triển khắp cơ thể bao gồm cả môi, lợi và bàn chân. Sau đó, gây ra polyp đại tràng và dẫn đến ung thư trực tràng.
  • Hội chứng polyposis răng cưa: Đây là tình trạng nhiều polyp tuyến có hình răng cưa phát triển ở phần trên của đại tràng và trở thành ung thư.

Chẩn đoán & điều trị

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán?

Polyp đại tràng thường không gây ra nhiều biểu hiện, đặc biệt là trong giai đoạn đầu. Vì vậy, việc tầm soát thường xuyên và chẩn đoán sớm có thể giúp loại bỏ polyp một cách an toàn và hoàn toàn, ngăn ngừa nguy cơ lây lan và phát triển thành ung thư. Bác sĩ có thể tiến hành những xét nghiệm sau đây:

  • Nội soi đại tràng: Bác sĩ sẽ sử dụng một ống dài, mỏng, có đèn và camera ở cuối luồn qua hậu môn để quan sát bên trong đường ruột.
  • Nội soi đại tràng ảo: Đây là kỹ thuật sử dụng tia X và máy tính để chụp ảnh trực tràng từ bên ngoài cơ thể.
  • Nội soi đại tràng sigma linh hoạt: Bác sĩ đặt một ống mỏng có đèn chiếu vào đáy ruột để quan sát phần dưới của đường ruột bao gồm đại tràng, trực tàng.
  • Xét nghiệm ADN trong phân: Thu thập mẫu phân của người bệnh và xét nghiệm để chẩn đoán sớm bệnh.

phương pháp điều trị polyp đại tràng

Phương pháp điều trị phổ biến nhất

  • Nội soi đại tràng: Đây là phương pháp sử dụng kẹp hoặc một vòng dây để loại bỏ các polyp có kích thước nhỏ ngay trong quá trình nội soi.
  • Phẫu thuật cắt polyp: Nếu polyp quá lớn thì bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật để loại bỏ nó, sau đó, kiểm tra và tầm soát khả năng phát triển thành ung thư.
  • Phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ trực tràng: Trong trường hợp bạn mắc phải các rối loại di truyền gây ra polyp đại tràng hoặc có người thân từng mắc bệnh thì bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ trực tràng nhằm ngăn ngừa các rủi ro tiềm ẩn về sức khỏe.

Phòng ngừa

Làm sao để phòng ngừa polyp đại tràng?

Bạn có thể giảm đáng kể nguy cơ bị polyp đại tràng và ung thư trực tràng bằng những biện pháp phòng ngừa sau đây:

  • Duy trì thói quen lành mạnh: Bổ sung trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt trong chế độ ăn uống hàng ngày, giảm lượng chất béo nạp vào cơ thể. Hạn chế uống rượu, bỏ thuốc lá, tập thể dục thường xuyên và duy trì cân nặng cơ thể hợp lý.
  • Bổ sung canxi và vitamin D: Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng canxi và vitamin D có khả năng ngăn ngừa tái phát và phòng chống ung thư trực tràng.
  • Xét nghiệm di truyền và tầm soát polyp: Nếu gia đình bạn có người bị polyp đại tràng hoặc bạn được chẩn đoán là mắc chứng rối loạn polyp di truyền thì cần xét nghiệm và tầm soát polyp đại tràng ngay từ khi còn trẻ.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 02/04/2021

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo