backup og meta

Phản hồi sinh học: Liệu pháp điều trị không xâm lấn

Phản hồi sinh học: Liệu pháp điều trị không xâm lấn

Phản hồi sinh học là liệu pháp giảm đau không xâm lấn và không dùng thuốc. Do đó, liệu pháp có ứng dụng lâm sàng trên rất nhiều bệnh. Người bệnh sẽ học được cách kiểm soát cơn đau, huyết áp hoặc nhịp tim.

Khi bạn giơ tay vẫy chào người khác hoặc nâng đầu gối để leo cầu thang, bạn có thể tự kiểm soát những hành động này. Còn các chức năng khác của cơ thể – như nhịp tim, nhiệt độ và huyết áp – được kiểm soát không tự nguyện bởi hệ thống thần kinh. Ví dụ, bạn không nghĩ về việc làm cho tim mình đập nhanh hơn. Việc đó chỉ xảy ra để đáp ứng với môi trường xung quanh như khi bạn lo lắng, phấn khích hoặc tập thể dục.

Phản hồi sinh học là một kỹ thuật có thể giúp người bệnh có được nhiều quyền kiểm soát hơn với các chức năng không tự nguyện này. Liệu pháp này được sử dụng để ngăn ngừa hoặc điều trị các tình trạng như đau nửa đầu, đau nhức mãn tính, vệ sinh không tự chủ và cao huyết áp

Liệu pháp phản hồi sinh học là gì?

Là một phương pháp điều trị hành vi sử dụng kỹ thuật “điều phối quan sát”, qua đó người bệnh sẽ đạt được một hành vi mới. Nếu quá trình học tập này được lặp lại với cơ chế phản hồi ngay lập tức, khả năng hoàn thiện hành vi sẽ tăng lên gấp vài lần. Trong quá trình phản hồi sinh học, người bệnh được kết nối với các cảm biến điện giúp thu thập thông tin về cơ thể. Phản hồi này thực hiện những thay đổi tinh tế trong cơ thể như thư giãn một số cơ bắp, để đạt được kết quả mong muốn – cụ thể là giảm đau. Về bản chất, liệu pháp cung cấp khả năng thực hành những cách mới để tự kiểm soát cơ thể, thường là nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe hoặc hoạt động thể chất.

Khi thực hiện, các điện cực được gắn vào da hoặc dùng cảm biến ngón tay. Chúng gửi tín hiệu đến màn hình, hiển thị âm thanh, ánh sáng nhấp nháy. Ngoài ra còn có hình ảnh đại diện cho nhịp tim, nhịp thở, huyết áp, nhiệt độ da, lượng mồ hôi hoặc hoạt động cơ bắp. Khi người bệnh căng thẳng, các thông số này thay đổi. Nhịp tim tăng, cơ bắp săn lại, huyết áp tăng, đổ mồ hôi và thở gấp. Một chuyên gia trị liệu giúp người bệnh thực hành các bài tập thư giãn, tinh chỉnh để kiểm soát các chức năng cơ thể khác nhau. Ví dụ, người bệnh có thể sử dụng một kỹ thuật thư giãn để giảm sóng não kích hoạt khi bị đau đầu.

Phản hồi sinh học có thể thực hiện tại cơ sở trị liệu hoặc tại nhà

Các loại phản hồi sinh học

Chuyên gia trị liệu có thể sử dụng nhiều phương pháp tùy thuộc vào các vấn đề và mục tiêu sức khỏe của người bệnh, như:

  • Phản hồi thần kinh. Sử dụng các cảm biến trên đầu để theo dõi sóng não bằng điện não đồ (EEG). Áp dụng cho chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), động kinh và các rối loạn co giật khác.
  • Hít thở. Đai cảm biến được buộc quanh bụng và ngực để theo dõi nhịp thở và tần số hô hấp.
  • Nhịp tim. Sử dụng cảm biến ngón tay hoặc dái tai với áp lực tĩnh mạch đồ hồng ngoại (PPG). Cảm biến đặt trên ngực, thân dưới hoặc cổ tay cũng có thể kết hợp. Sử dụng điện tâm đồ (ECG) để đo nhịp tim, xác định xu hướng thay đổi của nhịp. Áp dụng cho hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và nhịp tim không đều.
  • Co cơ. Các cảm biến được đặt trên cơ xương và dùng điện cơ đồ (EMG) để theo dõi hoạt động điện gây ra sự co cơ. Áp dụng khi bị đau lưng, đau đầu, rối loạn lo âu, co cơ sau chấn thương và vệ sinh không tự chủ.
  • Hoạt động tuyến mồ hôi. Các cảm biến được gắn xung quanh ngón tay, lòng bàn tay hoặc cổ tay, giúp đo hoạt động của tuyến mồ hôi và lượng mồ hôi trên da, cảnh báo khi có lo lắng.
  • Nhiệt độ. Các cảm biến gắn vào ngón tay hoặc bàn chân, đo lưu lượng máu đến da. Áp dụng khi đau đầu hoặc mắc hội chứng Raynaud.

Có thể trị liệu phản hồi sinh học tại đâu?

Người bệnh có thể tham gia trị liệu tại các phòng khám vật lý trị liệu, trung tâm y tế và bệnh viện. Ngày nay, có nhiều thiết bị cho phép tự trị liệu tại nhà. Người bệnh có thể chọn thiết bị đi kèm chương trình tương tác trên máy tính hoặc di động, bên cạnh các thiết bị đeo trên cơ thể. Ngoài ra, cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt một thiết bị phản hồi sinh học có tên Resperate giúp giảm căng thẳng và hạ huyết áp. Trước khi thử tại nhà, hãy thảo luận với chuyên gia để tìm ra thiết bị phù hợp nhất.

Vì sao nên quan tâm liệu pháp phản hồi sinh học?

Liệu pháp phản hồi sinh học hấp dẫn mọi người vì nhiều lý do như:

  • Không xâm lấn
  • Có thể giảm hoặc loại bỏ sự cần thiết phải dùng thuốc men
  • Có thể tăng cường tác dụng của thuốc
  • Lý tưởng để điều trị cho phụ nữ mang thai
  • Giúp kiểm soát tình trạng sức khỏe tốt hơn

Liệu pháp này nhìn chung là an toàn, nhưng có thể không phù hợp với tất cả mọi người. Thiết bị phản hồi sinh học có thể không hoạt động đúng trên một số người mắc bệnh về nhịp tim hoặc da.

Các vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần có thể áp dụng liệu pháp phản hồi sinh học là:

  • Hay lo lắng, căng thẳng
  • Hen suyễn
  • Rối loạn tăng động giảm chú ý
  • Tác dụng phụ của hóa trị
  • Đau nhức mãn tính
  • Táo bón
  • Tiểu tiện không tự chủ
  • Đau cơ xơ hóa
  • Đau đầu
  • Cao huyết áp
  • Hội chứng ruột kích thích
  • Hội chứng Raynaud
  • Bệnh ù tai
  • Đột quỵ
  • Rối loạn khớp thái dương hàm (TMJ)

Quy trình thực hiện liệu pháp

Trong một phiên trị liệu, chuyên gia gắn các cảm biến điện vào các bộ phận khác nhau trên cơ thể người bệnh. Những cảm biến này có thể được sử dụng để theo dõi sóng não, nhiệt độ da, độ căng cơ, nhịp tim và nhịp thở. Thông tin này được cung cấp thông qua các tín hiệu, chẳng hạn như thay đổi trên màn hình, âm thanh (tiếng bíp) hoặc đèn nhấp nháy.

Phản hồi sinh học có thể xác định chính xác các cơ đang gây đau đầu. Sau đó, người bệnh sẽ học cách thực hiện những thay đổi vật lý có chủ ý trong cơ thể như thư giãn những nhóm cơ cụ thể để giảm đau. Mục tiêu cuối cùng với phản hồi sinh học là tự học cách sử dụng các kỹ thuật này tại nhà.

Kết quả của liệu pháp

Mỗi phiên trị liệu kéo dài từ 30 – 60 phút. Người bệnh thường bắt đầu thấy được lợi ích của phản hồi sinh học trong vòng 10 buổi trị liệu. Một số bệnh như cao huyết áp có thể cần đến hơn 20 buổi để cải thiện. Thông thường, thời lượng và số lượng buổi được xác định bằng tính chất bệnh và tốc độ mà người bệnh học cách kiểm soát các phản ứng sinh lý học của họ.

Nếu thực hành liệu pháp thành công, người bệnh có thể kiểm soát các triệu chứng hoặc giảm được lượng thuốc điều trị. Tuy nhiên, đừng hoàn toàn chỉ sử dụng liệu pháp phản hồi sinh học mà ngưng điều trị y tế. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ cũng như chuyên viên trị liệu.

Những điều cần biết

Trước khi quyết định trị liệu bằng phản hồi sinh học, hãy tìm hiểu về cơ sở và chuyên gia. Bạn cần lưu ý một số điều như:

  • Cơ sở và chuyên gia có được cấp phép, chứng nhận hoặc đăng ký
  • Mức độ kinh nghiệm của chuyên gia
  • Số lượng phiên cần tham gia để trị liệu cho tình trạng sức khỏe của người bệnh
  • Chi phí và bảo hiểm y tế (nếu có)
  • Tài liệu tham khảo (nếu có)

Phản hồi sinh học khai thác sức mạnh của tâm trí. Người bệnh sẽ nhận thức được những gì đang diễn ra bên trong cơ thể. Từ đó, người bệnh có thể phần nào tự kiểm soát tình hình sức khỏe của mình. Hãy tìm hiểu và trải nghiệm để cảm nhận sự tuyệt vời của liệu pháp này nhé!

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Overview of Biofeedback. https://www.webmd.com/pain-management/biofeedback-therapy-uses-benefits#1. Ngày truy cập 18/11/2019

Biofeedback. https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/biofeedback/about/pac-20384664. Ngày truy cập 18/11/2019

What Is Biofeedback And How Does It Work? https://www.verywellmind.com/what-is-biofeedback-2794875. Ngày truy cập 18/11/2019

Phiên bản hiện tại

25/02/2020

Tác giả: Ngà Trương

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Hiến tạng là gì? Hiến tạng và hiến xác khác nhau thế nào?

Dấu hiệu bạn bị căng thẳng và stress quá mức


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngà Trương · Ngày cập nhật: 25/02/2020

ad iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo