backup og meta

Hiến tạng là gì? Hiến tạng và hiến xác khác nhau thế nào?

Hiến tạng là gì? Hiến tạng và hiến xác khác nhau thế nào?

Hiến tạng là di nguyện của nhiều người trước khi lìa xa cõi đời này. Họ mong muốn khi ra đi có thể làm được thêm việc thiện, giúp đỡ những người đang cần ghép tạng. Bạn hoặc người thân đang có ý định thực hiện điều này nhưng chưa thực sự hiểu rõ hiến tạng là gì, khác với hiến xác như thế nào thì đừng bỏ qua bài viết này. Những thông tin dưới đây sẽ giúp ích cho bạn.

1. Hiến tạng là gì?

Hiến tạng là quá trình phẫu thuật để thay thế một cơ quan bị suy yếu, không còn đảm bảo được chức năng cần thiết bằng một cơ quan khỏe mạnh từ người hiến tặng. Người nhận nội tạng thường là những người đang trong giai đoạn cuối của suy nội tạng (chẳng hạn như suy thận giai đoạn cuối, suy tim giai đoạn cuối,…)

2. Hiến tạng và hiến xác khác nhau thế nào?

Hiến xác là việc hiến tặng thi thể của một người sau khi tử vong cho khoa học. Cơ quan nhận xác sẽ bảo quản và phẫu tích thi thể này để làm phương tiện giảng dạy và nghiên cứu cho học viên ngành Y. Trong khi đó, hiến tạng chỉ hiến tặng một hoặc một vài bộ phận của cơ thể cho người sống để cứu họ.

Một người có thể đồng thời đăng ký hiến tạng và hiến xác.

Hiến tạng và hiến xác khác nhau thế nào?

3. Những cơ quan nào có thể được hiến tạng và cấy ghép?

Những cơ quan có thể được tặng và cấy ghép bao gồm:

Những mô có thể được tặng và cấy ghép là:

  • Van tim
  • Mô tim
  • Xương
  • Gân
  • Dây chằng
  • Da
  • Tủy xương
  • Mạch máu
  • Dây thần kinh
  • Bàn tay
  • Khuôn mặt
  • Các bộ phận của mắt như giác mạc và màng cứng.

4. Ai là người hiến tạng?

Người hiến tạng thường là những người vừa mới qua đời, người tình nguyện hiến tặng nội tạng trước khi tử vong hoặc gia đình thay mặt hiến tặng.

Trong một số trường hợp, người hiến tạng cũng có thể là người khỏe mạnh bình thường. Họ chọn tặng một số phần cơ quan và mô mà khi thiếu đi nó, họ vẫn có thể sống khỏe, chẳng hạn như tặng một quả thận hoặc một phần lá gan.

5. Quy trình hiến tạng

Quá trình hiến tạng được bắt đầu khi người hiến tặng đồng ý và kết thúc khi đã phẫu thuật ghép tạng xong cho người cần. Các bước tiến hành như sau:

quy trình và điều kiện hiến tạng

Xác định điều kiện hiến tạng

Những người hiến tặng nội tạng đủ điều kiện là những người được tuyên bố đã chết vì một nguyên nhân không gây tổn thương nội tạng. Thông thường, họ từng bị chấn thương não nghiêm trọng gây ra chết thân não hoặc chết do ngừng tim đột ngột.

Trong những trường hợp này, bệnh viện có thể bảo quản nội tạng của họ sau khi chết não bằng cách cho họ thở máy.

Các bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng sức khỏe và tiền sử bệnh của người đó để xác định xem họ có thể hiến tặng hay không.

Xác nhận đồng ý

Nhiều người chủ động đăng ký hiến tặng nội tạng ngay khi còn sống. Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia sẽ lưu trữ thông tin cá nhân của những người hiến tặng nội tạng đã đăng ký. 

Sau khi xác nhận người hiến tặng đủ điều kiện, họ sẽ kiểm tra cơ sở dữ liệu của mình để xem người đó đã đăng ký chưa.

  • Nếu đã đăng ký, họ sẽ thông báo cho gia đình về sự đồng ý hiến tặng của người đó. 
  • Nếu chưa, họ sẽ tham khảo ý kiến ​​gia đình về cơ hội hiến tặng, giải đáp thắc mắc của gia đình. Gia đình có thể chọn hiến tặng nội tạng thay cho người đó vào thời điểm này.

Kết nối người hiến và người nhận

Bước tiếp theo là ghép các cơ quan và mô của người hiến tặng cho những người cần chúng. 

Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia nhập thông tin về nhóm máu, kích thước cơ thể, các cơ quan và mô có sẵn của người hiến tặng vào hệ thống máy tính. Hệ thống sẽ tìm ra người hi vọng nhận tạng có thông tin trùng khớp nhất.

  • Đầu tiên, hệ thống ghép các cơ quan với những người nhận tiềm năng dựa trên các yếu tố vật lý.
  • Tiếp theo, hệ thống xếp hạng mức độ ưu tiên của những người nhận tiềm năng dựa trên nhu cầu và vị trí của họ.

Cấy ghép

Bác sĩ sẽ mổ để lấy các bộ phận hiến tặng từ người cho. Sau đó, họ khâu để đóng vết mổ lại giống như mọi phẫu thuật thông thường khác.

Người nhận nội tạng nên chờ tại bệnh viện sẽ thực hiện cấy ghép trong thời gian nội tạng được vận chuyển đến đây. Họ được phẫu thuật để thay thế cơ quan càng sớm càng tốt, khi nội tạng hiến tặng vẫn còn sử dụng được.

Phẫu thuật cấy ghép nội tạng là quy trình rất phức tạp và có thể mất hàng giờ. Một số nội tạng chỉ có khả năng sử dụng được trong vòng 6 giờ sau khi lấy ra từ người hiến hạng. Danh tính của người hiến tặng và người nhận sẽ được giữ bí mật tuyệt đối, trừ khi họ đồng ý chia sẻ thông tin.

Phục hồi

Cả người hiến tặng còn sống và người nhận nội tạng đều có thể mất từ ​​2 đến 6 tháng mới phục hồi hoàn toàn sau phẫu thuật ghép tạng. Đôi khi, bạn cần nằm viện từ vài ngày đến vài tuần, tùy thuộc vào loại ghép tạng đã thực hiện. Bạn cũng có thể phải nghỉ làm từ 1 đến 2 tháng và cần có người trợ giúp tại nhà vì bị khó chịu và hạn chế về hoạt động thể chất trong quá trình hồi phục.

6. Lợi ích của việc hiến tạng

những cơ quan có thể được hiến tạng và cấy ghép

Cấy ghép nội tạng là một trong những tiến bộ lớn của y học hiện đại. Nó mang đến cơ hội sống thứ hai cho những người đang mắc các bệnh đe dọa tính mạng hoặc bị chấn thương nghiêm trọng ở các cơ quan quan trọng.

Các mô hiến tặng khác, như giác mạc, gân và xương, có thể cải thiện cuộc sống bằng cách giúp phục hồi thị lực, khả năng vận động và các chức năng vật lý khác.

Một người hiến tạng sau khi qua đời có thể giúp:

  • Cứu được tới 8 mạng người
  • Phục hồi thị lực cho 2 người
  • Chữa lành cho 75 bệnh nhân bị bỏng và bị thương
  • Giúp người nào đó phục hồi bàn tay hoặc khuôn mặt.

Người hiến tặng sống có thể giúp: 

  • Cứu mạng một người quen biết.
  • Giúp họ thoát khỏi tình cảnh chờ đợi không biết đến bao giờ mới được điều trị, trong khi bệnh ngày càng nặng hơn.

7. Rủi ro của việc hiến tạng

Dù y học đã rất phát triển nhưng người hiến tạng và người nhận vẫn có thể gặp phải những rủi ro nhất định.

Với người hiến tặng nội tạng còn sống:

  • Rủi ro nói chung của phẫu thuật, bao gồm đau đớn, mất máu và nhiễm trùng
  • Tổn thương cơ quan trong quá trình phẫu thuật, để lại các biến chứng lâu dài. 
  • Chức năng thận bị suy giảm sau khi hiến một quả thận. 
  • Mất việc làm hoặc phải nghỉ làm không lương trong thời gian dài.
  • Gặp khó khăn trong việc nhận bảo hiểm sức khỏe hoặc bảo hiểm nhân thọ.
  • Mang cảm giác tiêu cực về lựa chọn của mình nếu mọi việc không diễn ra như kế hoạch.

Với người nhận ghép tạng: 

  • Rủi ro khi phẫu thuật như mất máu và các biến chứng khác. 
  • Thải ghép hoặc suy cơ quan: Hầu hết mọi người nhận tạng sẽ có một số đợt thải ghép ngắn trong năm đầu tiên sau phẫu thuật. Bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc ức chế miễn dịch để chống thải ghép. Tuy nhiên, vẫn có một số ít người tiếp tục bị thải ghép mặc dù đã được điều trị. Cuối cùng, cơ quan mới được ghép vào có thể bị suy yếu. 
  • Nhiễm trùng: Thuốc ức chế miễn dịch giúp ngăn ngừa tình trạng đào thải nội tạng sẽ ức chế hệ thống miễn dịch, khiến họ dễ bị nhiễm trùng thông thường hơn.

Sau khi biết những thông tin về hiến tạng, hi vọng bạn đã sẵn sàng hơn trong việc thực hiện nghĩa cử cao đẹp này. Nếu còn lo lắng điều gì, hãy trao đổi với bác sĩ ở nơi bạn định hiến tặng nội tạng để nhận được lời khuyên hữu ích.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Organ Donation and Transplantation https://my.clevelandclinic.org/health/treatments/11750-organ-donation-and-transplantation Ngày truy cập: 07/08/2024

Hiểu về cái chết và việc hiến tặng https://www.donatelife.gov.au/sites/default/files/2021-05/ndfss_understandingdd_vietnamese_web.pdf Ngày truy cập: 07/08/2024

Những câu hỏi thường gặp trong hiến xác cho khoa học http://hocvienquany.edu.vn/multiweb/LTT-Portal/WS23-BT5010-nhung_cau_hoi_thuong_gap_trong_hien_xac_cho_khoa_hoc.html Ngày truy cập: 07/08/2024

Những điều cần biết về hiến- ghép mô, bộ phận cơ thể người https://benhvienducgiang.com/thong-tin-chuyen-mon/nhung-dieu-can-biet-ve-hien-ghep-mo-bo-phan-co-the-nguoi/144-733-1533.aspx Ngày truy cập: 07/08/2024

Human body donation: How informed are the donors? https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC9292013/ Ngày truy cập: 07/08/2024

Phiên bản hiện tại

12/08/2024

Tác giả: Vi Quỳnh

Tham vấn y khoa: Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Cập nhật bởi: Linh Nguyễn


Bài viết liên quan

Giảm tiểu cầu có phải là ung thư máu không?

Bệnh suy tủy có phải ung thư máu không, có nguy hiểm không?


Tham vấn y khoa:

Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Đa khoa · Hello Bacsi


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 12/08/2024

ad iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo