backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Phẫu thuật tim và những điều có thể bạn chưa biết

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 08/07/2022

Phẫu thuật tim và những điều có thể bạn chưa biết

Phẫu thuật tim có thể được thực hiện để làm giảm các triệu chứng do các bệnh về tim gây ra, cải thiện chất lượng cuộc sống và cải thiện cơ hội sống sót cho bệnh nhân.

Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu về vấn đề này qua bài viết sau đây nhé!

Tìm hiểu chung

Phẫu thuật tim là gì?

Phẫu thuật tim là một thủ thuật phức tạp, được thực hiện để điều chỉnh các vấn đề về tim và các mạch máu kết nối với tim trong trường hợp thay đổi lối sống, dùng thuốc hoặc các phương pháp điều trị khác không hiệu quả. Thủ thuật này cũng có thể được thực hiện trong tình huống khẩn cấp, chẳng hạn như đau tim nặng.

Phẫu thuật tim thường được dùng để:

  • Ghép bắc cầu động mạch vành để tạo một con đường mới cho máu chảy xung quanh phần bị tắc nghẽn của động mạch trong tim.
  • Sửa chữa hoặc thay thế van tim bị tổn thương nhằm kiểm soát lưu lượng máu qua tim.
  • Đặt máy tạo nhịp tim hoặc máy khử rung tim cấy ghép (ICD) vào ngực để điều chỉnh và kiểm soát nhịp tim.
  • Cấy ghép thiết bị hỗ trợ chức năng bơm máu của tim.
  • Sửa chữa các cấu trúc bất thường hoặc bị hư hỏng trong tim
  • Ghép tim nhằm thay thế một trái tim bị tổn thương bằng một trái tim khỏe mạnh từ người hiến tặng.

Nhiều bệnh tim có thể được điều trị bằng phẫu thuật tim. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng có thể tiến hành thủ thuật này. Bác sĩ sẽ chẩn đoán và đánh giá xem bạn có đủ điều kiện sức khỏe để phẫu thuật hay không tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh tim mà bạn đang mắc phải, tuổi tác và tình trạng sức khỏe tổng thể.

Các loại phẫu thuật tim

Trước khi tiến hành phẫu thuật, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn làm một số xét nghiệm để xác định loại thủ thuật phù hợp. Các loại phẫu thuật tim có thể bao gồm:

  • Phẫu thuật tim hở (còn được gọi là phẫu thuật tim truyền thống)
  • Phẫu thuật tim không bơm
  • Phẫu thuật tim xâm lấn tối thiểu
  • Phẫu thuật có sự hỗ trợ của robot.

Khi nào cần thực hiện?

khi nào cần thực hiện phẫu thuật tim?

Các bệnh về tim cần phẫu thuật sẽ bao gồm:

  • Bệnh động mạch vành, khi mảng bám làm thu hẹp hoặc tắc nghẽn các động mạch cung cấp máu cho cơ tim.
  • Các bệnh van tim, các vấn đề với bất kỳ van tim nào trong số bốn van tim kiểm soát dòng chảy của máu qua tim.
  • Loạn nhịp tim, vấn đề về nhịp tim do những thay đổi trong các tín hiệu điện kiểm soát nhịp tim.
  • Rung tâm nhĩ, một loại rối loạn nhịp tim phổ biến nhất.
  • Bệnh tim bẩm sinh, cấu trúc tim bị hư hỏng hoặc bất thường, ngay từ khi mới sinh ra.
  • Phình động mạch chủ, một khối phồng giống như quả bóng trong thành động mạch hoặc cơ tim.
  • Đau thắt ngực, đau ngực do bệnh mạch vành.
  • Suy tim, khi tim quá yếu để bơm đủ máu giàu oxy nhằm đáp ứng nhu cầu của cơ thể.

Thận trọng

Những điều bạn cần biết trước khi phẫu thuật tim

Trước khi phẫu thuật, bạn sẽ được khám sức khỏe, làm xét nghiệm máu và các xét nghiệm cần thiết khác để kiểm tra tình trạng của tim và tình hình sức khỏe tổng thể. Những xét nghiệm này giúp bác sĩ quyết định xem bạn có cần phẫu thuật tim hay không, loại thủ thuật nào phù hợp và thời điểm cần thực hiện. 

Một số xét nghiệm cần thực hiện trước khi phẫu thuật bao gồm:

Các biến chứng và tác dụng phụ

Giống như bất kỳ loại phẫu thuật nào liên quan đến tim, phẫu thuật tim cũng có thể xuất hiện những biến chứng và rủi ro. Nguy cơ biến chứng sau phẫu thuật tim thường cao hơn nếu phẫu thuật được thực hiện trong tình huống khẩn cấp để điều trị cơn đau tim hoặc nếu bạn có bệnh lý nền tiềm ẩn như tiểu đường, bệnh phổi, bệnh thận hoặc bệnh động mạch ngoại vi.

Các rủi ro sẽ khác nhau tùy thuộc vào vấn đề tim, loại phẫu thuật và sức khỏe tổng thể của bạn. Một số rủi ro có thể bao gồm:

  • Chảy máu
  • Hình thành cục máu đông có thể gây đột quỵ hoặc huyết khối tĩnh mạch (VTE)
  • Thiệt hại cho các mô bao gồm tim, thận, gan và phổi
  • Nhiễm trùng, sốt, sưng tấy hoặc các dấu hiệu nhiễm trùng khác tại vết mổ
  • Mất trí nhớ và các vấn đề khác do thuốc gây mê, chẳng hạn như lú lẩn, mất tập trung, thường cải thiện trong vòng một năm sau phẫu thuật
  • Loạn nhịp tim
  • Viêm phổi
  • Đột quỵ
  • Tử vong, đặc biệt là những người đã bị bệnh nặng trước khi phẫu thuật.

Quy trình

Chuẩn bị trước khi phẫu thuật tim

Hãy trao đổi với bác sĩ bất kỳ thắc mắc nào mà bạn có trước khi phẫu thuật, chẳng hạn như:

  • Tôi cần nhịn ăn uống trong bao lâu trước khi làm phẫu thuật?
  • Tôi có cần ngừng dùng bất kỳ loại thuốc hiện tại nào đang dùng trước khi phẫu thuật không?
  • Tôi có nên bỏ hút thuốc hoặc giảm uống rượu trước khi phẫu thuật để giảm nguy cơ biến chứng?
  • Thời gian phẫu thuật sẽ kéo dài bao lâu?
  • Mức độ đau bao nhiêu sau khi phẫu thuật và làm thế nào để kiểm soát?
  • Tôi sẽ nằm viện bao lâu sau khi phẫu thuật?
  • Sau phẫu thuật bao lâu thì tôi có thể trở lại làm việc và tiếp tục các hoạt động hàng ngày như bình thường?

Quá trình phẫu thuật tim diễn ra như thế nào?

quy trình phẫu thuật tim

Các ca phẫu thuật tim cần được thực hiện trong bệnh viện. Thông thường, thủ thuật phức tạp này cần được thực hiện bởi các bác sĩ được đào tạo chuyên sâu được gọi là bác sĩ phẫu thuật tim lồng ngực.

Ngay trước khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ đặt một đường truyền tĩnh mạch (IV) vào mạch máu ở cánh tay hoặc ngực để truyền dịch và thuốc. Y tá hoặc điều dưỡng có thể giúp bạn cạo lông khu vực mà bác sĩ sẽ rạch (cắt). Ngoài ra, da của bạn có thể được rửa bằng xà phòng kháng sinh để giảm nguy cơ nhiễm trùng. Ngay sau đó, bạn sẽ được chuyển đến phòng phẫu thuật và được gây mê, một loại thuốc khiến bạn bất tỉnh và không cảm thấy đau trong quá trình thực hiện.

Quá trình phẫu thuật tim hở

Trong phẫu thuật tim hở, bác sĩ sẽ rạch một đường dài ở giữa thành ngực. Sau đó, họ sẽ cắt xương ức để mở khung xương sườn nhằm tiếp cận trái tim. Bạn sẽ nhận được thuốc loãng máu để giữ cho máu không đông lại. 

Vì rất khó để phẫu thuật trên một trái tim đang đập, nên bác sĩ có thể sử dụng các loại thuốc được sử dụng để ngừng tim. Ngoài ra, một máy bắc cầu tim phổi sẽ được sử dụng để giữ cho máu giàu oxy bơm qua cơ thể trong suốt quá trình phẫu thuật.

Khi máy bắc cầu tim phổi bắt đầu hoạt động, bác sĩ sẽ tiến hành sửa chữa các vấn đề về tim. Sau khi phẫu thuật xong, họ sẽ khôi phục lại lượng máu cho tim. Thông thường, tim sẽ bắt đầu tự đập trở lại sau khi lượng máu được khôi phục. Đôi khi, sốc điện nhẹ được sử dụng để khởi động lại hoạt động của tim.

Phẫu thuật tim không bơm

Phẫu thuật tim không bơm là một loại phẫu thuật tim hở được thực hiện trên một trái tim đang đập mà không sử dụng máy bắc cầu tim phổi. Bác sĩ cũng sẽ mở xương ức để tiếp cận tim đồng thời giữ tim ổn định bằng một thiết bị cơ học. Bác sĩ có thể sử dụng phương pháp phẫu thuật tim không bơm để bắc cầu động mạch vành (CABG), nhưng chỉ trong một số trường hợp nhất định.

Quá trình phẫu thuật tim xâm lấn tối thiểu

Để thực hiện phẫu thuật tim xâm lấn tối thiểu, bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ ở bên ngực giữa các xương sườn. Sau đó, đưa một dụng cụ có gắn máy quay phim nhỏ vào trong. Dụng cụ này sẽ cho phép bác sĩ nhìn thấy và thực hiện sửa chữa các vấn đề về tim bằng cách sử dụng các dụng cụ nhỏ được đưa qua các vết rạch ở bên ngực. Loại phẫu thuật tim này có thể sử dụng hoặc không sử dụng máy bắc cầu tim phổi.

So với phẫu thuật tim hở, bệnh nhân được phẫu thuật tim xâm lấn tối thiểu sẽ nhanh hồi phục hơn và ít bị đau hơn.

Phẫu thuật có sự hỗ trợ của robot

Phẫu thuật có sự hỗ trợ của robot là một loại phẫu thuật tim xâm lấn tối thiểu khác. Bác sĩ sử dụng máy tính để điều khiển các công cụ trên cánh tay của robot đưa vào qua các vết rạch để thực hiện phẫu thuật với độ nét cao và rất chính xác. Phương pháp này cho phép bác sĩ thực hiện các chuyển động chính xác, có kiểm soát khi thực hiện những ca mổ khó.

Điều gì xảy ra sau khi phẫu thuật tim?

Sau khi phẫu thuật tim, bạn có thể phải ở trong phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện (ICU) khoảng 1 ngày hoặc hơn. Một kim tiêm tĩnh mạch (IV) có thể được đưa vào mạch máu ở cánh tay hoặc ngực để cung cấp dịch và thuốc cho đến khi bạn có thể tự uống. Y tá cũng có thể cung cấp thêm oxy thông qua mặt nạ dưỡng khí nếu cần.

Khi rời khỏi ICU, bạn sẽ được chuyển đến một phòng bệnh thông thường khác của bệnh viện để được theo dõi chặt chẽ nhịp tim, huyết áp, nhịp thở và tình trạng vết mổ trong vài ngày trước khi được bác sĩ cho xuất viện về nhà.

Cảm giác khó chịu và một số cơn đau sau khi phẫu thuật là điều hoàn toàn bình thường. Bác sĩ có thể cung cấp cho bạn thuốc để giảm đau nếu cần. Một số tác dụng phụ khác có thể bao gồm:

  • Táo bón, đặc biệt nếu bạn đang dùng thuốc giảm đau
  • Khó ngủ
  • Ăn mất ngon
  • Các vấn đề về bộ nhớ
  • Thay đổi tâm trạng hoặc trầm cảm
  • Đau ở ngực hoặc cơ do vết rạch khi phẫu thuật.

điều gì xảy ra sau phẫu thuật tim?

Phục hồi

Phục hồi sau khi phẫu thuật tim

Sự phục hồi của mỗi người là khác nhau. Việc phục hồi sau khi phẫu thuật tim sẽ phụ thuộc vào loại vấn đề tim mắc phải và loại phẫu thuật mà bạn đã trải qua, cũng như sức khỏe tổng thể. Hầu hết mọi người cần từ 6 đến 12 tuần để hồi phục sau phẫu thuật tim hở. Một số người thậm chí cần nhiều thời gian hơn.

Trước khi bạn về nhà, bác sĩ sẽ dặn dò bạn về:

  • Cách chăm sóc vết mổ đang lành
  • Nhận biết các dấu hiệu nhiễm trùng hoặc các biến chứng khác
  • Cách đối phó với tác dụng phụ sau phẫu thuật
  • Khi nào bạn có thể tiếp tục các hoạt động hàng ngày như làm việc, lái xe
  • Lịch hẹn tái khám sau phẫu thuật
  • Dùng thuốc chống đông máu, thuốc kháng sinh sau phẫu thuật nếu cần
  • Thay đổi lối sống có ích cho sức khỏe tim, chẳng hạn như: bỏ hút thuốc, sau phẫu thuật tim nên ăn gì, đề xuất chế độ ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất phù hợp, kiểm soát căng thẳng và ngủ đủ giấc.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 08/07/2022

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo