Hiến thận là nghĩa cử cao đẹp nhưng bạn luôn cần cân nhắc thật kỹ đồng thời phải biết nên làm gì sau khi hiến thận để duy trì cơ thể khỏe mạnh nhé!
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh
Hiến thận là nghĩa cử cao đẹp nhưng bạn luôn cần cân nhắc thật kỹ đồng thời phải biết nên làm gì sau khi hiến thận để duy trì cơ thể khỏe mạnh nhé!
Một số người vì điều kiện kinh tế mà nghĩ đến việc phải bán thận, một số vì muốn cứu sống người thân mà đi hiến thận. Vậy hiến thận xong có sao không? Dù là vì nguyên nhân gì thì việc sống với một quả thận cũng có những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn. Hãy cùng tìm hiểu việc bán thận ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe sau này của bạn?
Nhiều người khi quyết định hiến thận hoặc bán thận, sẽ lo lắng không biết hiến thận có ảnh hưởng gì không, chỉ hiến 1 quả thận có sao không?
Thực tế, bạn có thể có vết mổ hiến thận, kích thước và vị trí của vết sẹo phụ thuộc vào loại phẫu thuật bạn đã thực hiện. Một vài người hiến thận có thể bị đau kéo dài, tổn thương thần kinh, thoát vị hay tắc ruột. Tuy nhiên, những nguy cơ trên rất hiếm và không có con số thống kê chính xác về tỷ lệ gặp phải.
Bên cạnh đó, những người chỉ có một quả thận có thể tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp, đạm niệu, hay giảm chức năng thận. Dù vậy, những người hiến thận có thể không gặp vấn đề gì nếu được thăm khám kỹ càng trước và theo dõi định kỳ sau khi hiến theo hướng dẫn của bác sĩ.
Nếu qua các bước kiểm tra về sức khỏe như trên, mà tình trạng sức khỏe của người hiến tốt, thì có thể yên tâm là cuộc phẫu thuật này sẽ không ảnh hưởng đến chức năng sinh sản và khả năng tình dục.
Bạn nên biết rằng khi giúp đỡ một người nào đó được sống, bạn sẽ cảm thấy cuộc đời tuyệt vời hơn. Tuy nhiên, cũng dễ hiểu khi bạn cảm thấy hơi buồn bã trong vài tuần sau hiến thận. Các bác sĩ, y tá khi còn trong bệnh viện sẽ chăm sóc bạn thật chu đáo trên giường bệnh. Nhưng sau khi về nhà, bạn sẽ thấy cô độc vì mọi chuyện phải dựa vào chính mình. Điều đó khiến bạn thấy có chút khó khăn.
May mắn là cảm xúc ấy chỉ thoáng qua thôi. Nếu bạn thật sự buồn hay thậm chí căng thẳng lo âu, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ mọi người xung quanh nhé, hãy liên hệ với bác sĩ để có được những lời khuyên hữu ích.
Có khá nhiều người lo ngại rằng bán 1 quả thận sống được bao lâu? Đối với người hiến thận thật sự khỏe mạnh (dưới 60 tuổi) và được các bác sĩ tư vấn, làm xét nghiệm đầy đủ, chính xác thì việc hiến tạng rất an toàn. Hầu hết người hiến thận vẫn có thể tiếp tục sống khỏe mạnh và không ảnh hưởng đến tuổi thọ.
Để có thể hiến thận, người hiến phải đảm bảo từ 18 tuổi trở lên. Trước khi phẫu thuật, bạn phải trải qua các bài kiểm tra về máu hay nước tiểu. Điều này giúp đánh giá hoạt động của chức năng thận, số lượng tế bào máu, chức năng gan và mức độ phơi nhiễm với các bệnh nhiễm trùng như viêm gan B, viêm gan C, HIV và bệnh lao.
Ngoài ra, bạn cần làm điện tâm đồ (ECG) để đánh giá chức năng tim, chụp X-quang ngực và chụp CT bụng, kiểm tra bài tập tim và tầm soát ung thư.
>>> Bạn có thể quan tâm: 5 bước của quá trình ghép thận
Quá trình hiến thận mất bao lâu sẽ phụ thuộc vào các bài kiểm tra về tình hình sức khỏe ở trên. Thời gian khoảng sáu tháng hoặc hơn. Ngoài ra, yếu tố thời gian còn phụ thuộc vào kết quả thử nghiệm, bác sĩ cần phải theo dõi thêm tình trạng sức khỏe của bên cho và bên nhận. Chỉ khi người hiến tặng thận đạt yêu cầu sức khỏe, được bác sĩ cho phép thì quá trình phẫu thuật cấy ghép thận mới được diễn ra.
Sau khi hiến, hầu hết mọi người có thể quay về với các hoạt động hàng ngày bình thường chỉ sau hai đến bốn tuần. Ngoài ra, bác sĩ sẽ khuyên nên tránh các môn thể thao tiếp xúc hoặc các hoạt động gắng sức khác để hạn chế nguy cơ gây tổn thương thận.
Càng lo ngại hiến thận có ảnh hưởng gì, thì bạn càng cần ghi nhớ những lời khuyên dưới đây để giữ được sức khỏe sau khi phẫu thuật và những năm tiếp theo trong cuộc đời.
Hầu như vết mổ hiến thận rất nhỏ. Bạn sẽ hồi phục nhanh hơn và ít đau đớn hơn nhiều so với các cuộc đại phẫu. Nhưng dù thế, hãy sắp xếp công việc để có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn.
Sau phẫu thuật, bạn sẽ còn đau trong khoảng hơn một tuần. Vì thế, bạn có thể làm việc trở lại sau 10 đến 14 ngày. Nếu công việc của bạn yêu cầu về thể lực như công nhân xây dựng, tốt hơn hết bạn nên nghỉ ngơi ít nhất 6 tuần. Đừng mang vác nặng, kể cả bế con trong tháng đầu tiên nhé.
Bác sĩ phẫu thuật sẽ lên lịch tái khám sau vài tuần hiến thận, đừng bỏ qua nhé.
Bạn cũng nên tái khám mỗi năm một lần. Các bác sĩ sẽ xét nghiệm máu và nước tiểu để kiểm tra chức năng thận của bạn. Đồng thời bạn sẽ được tầm soát những bệnh có thể gây hại cho thận như đái tháo đường, tăng huyết áp.
Nếu thấy máu trong nước tiểu hay sưng phù bất thường, nhất là từ mắt cá chân đến cẳng chân, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay. Đó là những dấu hiệu cho thấy thận đang không hoạt động tốt.
>>> Bạn có thể quan tâm: Những điều bạn cần biết khi thực hiện ghép thận
Nếu muốn đảm bảo sức khỏe sau khi hiến thận, bạn nên lưu ý những điều sau đây để duy trì lối sống lành mạnh:
>>> Bạn có thể quan tâm: Hậu ghép thận: Điều gì có thể xảy ra?
Trên đây là những giải đáp về câu hỏi: “Hiến thận có sao không?”, để từ đó giúp bạn đưa ra quyết định đúng đắn. Hiến thận là một nghĩa cử cao đẹp, nhưng sẽ là điều tồi tệ nếu điều đó gây hại cho cả hai bên cho và nhận. Vì vậy, bạn nên kiểm tra kỹ lưỡng và đánh giá chức năng thận trước khi thực hiện là biện pháp tốt nhất để tránh những điều đáng tiếc xảy ra bạn nhé.
Miễn trừ trách nhiệm
Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Tham vấn y khoa:
Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh
Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!