backup og meta

Liệu pháp thay thế huyết tương

Liệu pháp thay thế huyết tương

Tìm hiểu chung

Liệu pháp thay thế huyết tương là gì?

Liệu pháp thay thế huyết tương (therapy plasma exchange), hay lọc huyết tương (plasmapheresis), là phương pháp tách huyết tương ra khỏi máu và thay thế bằng một dung dịch khác như nước muối, albumin hoặc đưa huyết tương đã được xử lý truyền lại vào cơ thể người bệnh.

Quá trình thay thế huyết tương được thực hiện bằng một máy chuyên dụng có thể phân tách huyết tương ra khỏi máu, tương tự như chạy thận nhân tạo.

Lọc huyết tương cũng mô tả quá trình hiến huyết tương. Khi đó, huyết tương được tách và lấy ra khỏi máu, chỉ còn các tế bào máu được truyền lại vào cơ thể người cho.

Để phân tách các thành phần của máu, có hai nguyên lý hoạt động như sau:

  • Máy ly tâm. Sử dụng lực ly tâm để phân tách các thành phần có tỷ trọng khác nhau trong máu.
  • Dùng màng lọc tách huyết tương. Máu được truyền qua một bộ phận lọc để tách riêng phần huyết tương ra.

thành phần máu

Khi nào cần thực hiện liệu pháp thay thế huyết tương?

Liệu pháp này được sử dụng trong điều trị các bệnh tự miễn khác nhau, khi mà cơ thể nhận diện nhầm một phần của cơ thể là tác nhân lạ và tạo ra kháng thể tự tấn công các mô khỏe mạnh. Từ đó, một loạt các triệu chứng xuất hiện, tùy vào vị trí bị hệ miễn dịch tấn công. Những kháng thể (bản chất là protein) này hiện diện trong huyết tương của máu và lọc huyết tương sẽ giúp loại bỏ phần lớn tác nhân gây bệnh.

Các chất gây bệnh có trọng lượng phân tử lớn (hơn 30.000–50.000 Daltons) hoặc gắn kết với protein huyết tương được loại bỏ gồm:

  • Globulin miễn dịch
  • Paraprotein, lipoprotein
  • Cytokines
  • Các độc chất, sản phẩm chuyển hóa…

Ngoài ra, liệu pháp thay thế huyết tương cũng bổ sung thêm các chất bị thiếu hoặc có lợi vào máu.

Liệu pháp thay thế huyết tương được dùng để điều trị những bệnh nào?

Các bệnh lý có thể dùng liệu pháp này trong điều trị bao gồm:

  • Xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối
  • Bệnh nhược cơ
  • Viêm đa dây thần kinh hủy myelin cấp tính (hội chứng Guillain-Barré)
  • Viêm cầu thận tiến triển qua trung gian kháng thể
  • Viêm đa dây thần kinh hủy myelin mạn tính
  • Cấy ghép nội tạng (thận, tim)
  • Hội chứng máu quá đặc (hyperviscosity syndrome)
  • Viêm cầu thận xơ hóa khu trú từng phần (FSGS) tái phát
  • Đa xơ cứng
  • Viêm tủy thị thần kinh (neuromyelitis optica)
  • Chứng cryoglobulin máu
  • Các bệnh hiếm gặp khác

Thận trọng

Liệu pháp thay thế huyết tương có nguy hiểm không?

Trong quá trình thực hiện lọc huyết tương, huyết áp có thể hạ xuống thấp hơn bình thường và gây ra một số triệu chứng. Uống nhiều nước trong những ngày trước khi tiến hành liệu pháp này có thể giúp ngăn ngừa tình trạng này.

Tụt huyết áp thường gây ra các biểu hiện sau:

  • Ngất xỉu
  • Thị lực bị mờ đi
  • Chóng mặt
  • Ớn lạnh
  • Co thắt dạ dày

Khi thay thế huyết tương, một số rủi ro khác có thể xảy ra, gồm:

  • Nhiễm trùng: hầu hết các quá trình liên quan đến việc đưa máu vào hoặc ra ngoài cơ thể đều có nguy cơ bị nhiễm trùng.
  • Đông máu: bác sĩ thường chỉ định thuốc chống đông máu khi thực hiện để giảm nguy cơ đông máu.
  • Phản ứng dị ứng: phản ứng này thường xảy ra đối với trường hợp dùng các dung dịch thay thế huyết tương khác.

Những rủi ro khác ít gặp hơn là chảy máu (xuất huyết), co giật, co thắt cơ trơn, ngứa ran ở tay và chân.

Lưu ý, liệu pháp thay thế huyết tương không phù hợp cho một số đối tượng, như là:

  • Huyết động học không ổn định
  • Không chịu được khi đặt đường truyền trung tâm
  • Dị ứng với heparin
  • Hạ canxi máu
  • Dị ứng với albumin hay huyết tương đông lạnh

Quy trình thực hiện

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Bạn cần chuẩn bị gì trước khi thay thế huyết tương?

Bạn có thể giảm thiểu những rủi ro và gia tăng tỷ lệ thành công khi thay thế huyết tương bằng việc thực hiện những khuyến cáo sau:

  • Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng trước khi điều trị hoặc hiến tặng huyết tương
  • Ngủ đủ giấc trước khi thực hiện liệu pháp này
  • Uống nhiều nước
  • Tiêm phòng đầy đủ cho các loại nhiễm trùng thường gặp, có thể tham khảo ý kiến từ bác sĩ cho vấn đề này
  • Tránh hút thuốc (cả chủ động lẫn bị động)
  • Ăn chế độ ăn giàu protein và ít phốt-pho, natri, kali trong những ngày gần thực hiện lọc huyết tương
  • Mặc quần áo rộng rãi, thoải mái và đến trước cuộc hẹn với bác sĩ khoảng 10 phút.

Quá trình liệu pháp thay thế huyết tương diễn ra như thế nào?

Đầu tiên, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn nằm thoải mái trên giường bệnh. Sau đó, nhân viên y tế dùng một cây kim hoặc ống thông luồn vào tĩnh mạch chính của bên cánh tay có động mạch hoạt động mạnh. Một số trường hợp, ống thông có thể được đưa vào tại vị trí ở háng hay vai.

Dòng huyết tương mới hoặc dung dịch thay thế được truyền lại vào cơ thể qua một ống thông thứ hai đặt ở cánh tay hay bàn chân. 

quá trình thay thế huyết tương
Nguồn: verywellhealth.com

Nếu bạn là người hiến huyết tương, mỗi lần thực hiện thường mất khoảng 90 phút.

Nếu bạn là bệnh nhân cần được điều trị bằng liệu pháp thay thế huyết tương, quy trình có thể kéo dài từ 1–3 giờ. Bạn có thể cần trải qua 5 đợt lọc huyết tương mỗi tuần. Tần suất thực hiện có thể khác nhau tùy theo tình trạng bệnh và sức khỏe tổng thể mỗi người.

Trong quá trình thay thế huyết tương, một nhân viên y tế sẽ luôn có mặt và theo dõi để kịp thời xử lý nếu có tác dụng phụ xảy ra. Bạn có thể đọc sách hay xem tivi trong thời gian này.

Điều gì xảy ra sau khi thay thế huyết tương?

Sau khi quá trình thay thế huyết tương hoàn tất, thiết bị sẽ được tắt và một số xét nghiệm mới được thực hiện sau đó.

Quá trình phục hồi sau đó thường khá nhanh, người bệnh có thể không cần ở lại bệnh viện thêm một ngày nữa. Tuy nhiên, bạn có thể cảm thấy hơi mệt mỏi. Hãy nghỉ ngơi nhiều và tránh tự lái xe hay tập thể dục.

Nếu cảm thấy không khỏe hoặc có dấu hiệu chảy máu, xuất huyết sau khi về nhà, hãy liên lạc ngay với bác sĩ điều trị.

Kết quả

Kết quả sau khi thực hiện liệu pháp thay thế huyết tương là gì?

Nếu liệu pháp này là phương pháp điều trị cho bệnh rối loạn tự miễn, bạn có thể cảm thấy tốt hơn sau vài ngày. Đối với nhiều bệnh lý khác, bạn có khi mất một vài tuần để nhận thấy các triệu chứng được cải thiện hơn.

Lọc huyết tương chỉ mang lại kết quả trong thời gian ngắn. Thông thường, người bệnh cần phải tiến hành quá trình này nhiều lần. Tần suất và thời gian thực hiện phụ thuộc nhiều vào tình trạng sức khỏe cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Plasmapheresis: What to Expect. https://www.healthline.com/health/plasmapheresis. Ngày truy cập 07/4/2020.

Plasmapheresis: Side effects and how it works. https://www.medicalnewstoday.com/articles/321451. Ngày truy cập 07/4/2020.

Therapeutic Plasma Exchange. https://utswmed.org/conditions-treatments/therapeutic-plasma-exchange/. Ngày truy cập 07/4/2020.

Phiên bản hiện tại

23/02/2021

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: phuong le


Bài viết liên quan

Hướng đi mới trong việc chữa trị bệnh tự miễn

Giải mã 7 hiểu lầm về điều trị lọc máu


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 23/02/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo