Trầm cảm có thể gây ra nhiều tác động khác nhau đối với tâm lý của người bệnh. Các cơn đau nghiêm trọng làm cản trở các hoạt động hàng ngày, chi phí khám và điều trị bệnh cao, thiếu sự quan tâm, hỗ trợ của gia đình và bạn bè là những yếu tố làm tăng nguy cơ bị trầm cảm ở người bệnh cơ xương khớp. Ngoài ra, trầm cảm còn có thể là do một số nguyên nhân như:
- Căng thẳng tâm lý
- Các vấn đề sinh lý
- Tác dụng phụ của thuốc
- Chế độ ăn không đầy đủ dinh dưỡng.
-
Tức giận và sợ hãi
Tức giận, sợ hãi cũng là những phản ứng tâm lý thường gặp của người mắc bệnh cơ xương khớp. Tuy nhiên, việc bạn thường xuyên tức giận và sợ hãi có thể làm tăng nguy cơ phát triển các vấn đề như trầm cảm, mệt mỏi và thiếu động lực. Vì vậy, để hạn chế cảm xúc này, bạn có thể nói chuyện với bạn bè, người thân hoặc các chuyên gia tâm lý.
-
Bỏ cuộc
Điều trị rất lâu, chi phí điều trị thì cao nhưng bệnh vẫn không khỏi, mỗi khi thời tiết thay đổi thì những cơn đau lại hành hạ. Nếu rơi vào tình huống này thì tâm lý muốn bỏ cuộc là điều dễ hiểu. Thực tế, có rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh cơ xương khớp rơi vào trạng thái tâm lý này. Họ muốn dừng việc theo đuổi phác đồ điều trị vì nghĩ rằng có chữa cũng không hết. Hiện những bệnh cơ xương khớp vẫn chưa có thuốc đặc trị để trị dứt điểm. Tuy nhiên, nếu bạn cứ mang tâm lý này và bỏ qua việc theo dõi bệnh thường xuyên thì bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như bại liệt, tàn phế và các bệnh về tim mạch đấy.
Khắc phục các vấn đề tâm lý cho người bị cơ xương khớp
1. Ngủ đủ giấc
Nếu những lo lắng xung quanh căn bệnh cơ xương khớp có thể khiến bạn lo lắng, căng thẳng, mệt mỏi đến cực độ thì một giấc ngủ ngon có thể giúp ích cho bạn rất nhiều đấy. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), ngủ đủ giấc có thể giúp bạn giảm căng thẳng, kiểm soát được lượng máu lên não và cải thiện sức khỏe. Vì vậy, hãy đảm bảo rằng bạn ngủ đủ từ 6 – 8 giờ mỗi đêm nhé.
2. Hít thở sâu
Khi bị các bệnh về cơ xương khớp, bạn sẽ thường xuyên bị làm phiền bởi các cơn đau nhức. Điều này khiến bạn luôn thấy khó chịu, bức bối, căng thẳng. Hít thở sâu là cách đơn giản nhất có thể giúp bạn giảm cơn đau nhức và đem đến cảm giác thoải mái.
Khi cảm thấy căng thẳng, khó chịu, bạn hãy nhắm mắt, hít thở sâu ít nhất 5 giây rồi từ từ thở ra. Thực hiện động tác này từ 5 – 6 lần, đến khi nào bạn thấy tâm trạng tốt hơn thì dừng lại. Bên cạnh đó, bạn có thể tập ngồi thiền hoặc yoga. Đây là những bài tập giúp giảm căng thẳng tuyệt vời mà rất nhiều người đã sử dụng đấy.
3. Tắm muối Epsom

Muối Epsom là một loại nguyên liệu làm đẹp cao cấp, loại muối này không có vị mặn như muối thông thường mà lại có vị đắng. Do đó, nó không phù hợp để làm gia vị cho các món ăn. Muối Epsom có tác dụng cung cấp magiê và sulfate.
Căng thẳng và áp lực có thể khiến nồng độ magiê trong cơ thể giảm. Vì vậy, khi dùng muối Epsom để tắm, cơ thể sẽ được bổ sung magiê, giúp bạn cảm thấy thư thái, cải thiện tâm trạng và điều hòa nhịp tim thông qua việc điều hòa các chất điện giải trong cơ thể.
Bên cạnh đó, muối Epsom còn có tác dụng giảm đau nhức cơ bắp, đau nhức các khớp, đau dây thần kinh tọa. Tắm muối Epsom thường xuyên có thể giúp bạn thư giãn, giảm đau lưng. Ngoài ra, các thành phần hóa học có trong muối Epsom còn có tác dụng kháng viêm và giảm căng cứng các cơ cạnh cột sống thắt lưng. Bạn chỉ cần cho một vài giọt tinh dầu thơm cùng với một chén muối Epsom vào bồn chứa nước nóng, ngâm người khoảng 20 phút là có thể cảm nhận được điều tuyệt vời mà phương pháp này mang lại đấy.
4. Trà hoa cúc hoặc trà xanh
Trong trà xanh có chứa theanin, một axit amin tự nhiên giúp thúc đẩy cảm giác thư thái, điều trị một số vấn đề về sức khỏe tâm thần và tăng cường chức năng của não. Do đó, trà xanh thường được dùng để giảm cảm giác lo âu, chống trầm cảm và giảm căng thẳng. Ngoài việc giúp giảm cảm giác căng thẳng, trà xanh còn có rất nhiều công dụng tốt cho sức khỏe như ngăn ngừa bệnh tim mạch, ung thư…
Trong Đông y, hoa cúc có tác dụng làm dịu thần kinh, tạo cảm giác thư giãn nhẹ nhàng. Ngoài ra, đây còn là phương thuốc giúp giảm chứng mất ngủ. Bạn có thể uống 2 tách trà xanh hoặc trà hoa cúc mỗi ngày hoặc dùng tinh dầu hoa cúc để ngâm người trong bồn tắm.
5. Chia sẻ với mọi người
Hãy nhớ rằng bạn không đơn độc trong cuộc hành trình đấu tranh với bệnh tật. Gia đình và bạn bè luôn ở bên cạnh bạn. Hãy chia sẻ những cảm xúc, suy nghĩ mà bạn đang có với gia đình, bạn bè hoặc người có cùng hoàn cảnh.
Bạn cũng có thể tham gia vào các nhóm hỗ trợ người bị cơ xương khớp để nhận được nhiều sự giúp đỡ hơn. Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức về bệnh là điều rất quan trọng. Bạn sẽ cảm thấy tốt hơn khi hiểu rõ về bệnh và biết rằng còn có rất nhiều điều bạn có thể làm để có cuộc sống tốt hơn.
Quan Lan I HELLO BACSI
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!