backup og meta

Viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là gì, làm thế nào để nhận biết bệnh và cách điều trị hiệu quả là một số thắc mắc thường gặp của những người đang phải đối mặt với tình trạng sức khoẻ này. Để tìm hiểu chi tiết hơn về căn bệnh viêm khớp dạng thấp cùng các vấn đề xoay quanh, Hello Bacsi mời bạn tham khảo bài viết sau.

Bệnh viêm khớp dạng thấp là gì?

Viêm khớp dạng thấp hay bệnh thấp khớp là một dạng của rối loạn tự miễn. Điều này có nghĩa là bệnh xảy ra do hệ miễn dịch tấn công nhầm các tế bào khớp khỏe mạnh, từ đó dẫn đến các phản ứng viêm xảy ra và gây sưng đau ở những bộ phận chịu ảnh hưởng. 

Thông thường, bệnh có khả năng tác động đến nhiều khớp cùng lúc nên còn được gọi là viêm đa khớp dạng thấp. Những khớp dễ gặp phải tình trạng này chủ yếu là:

  • Khớp tay, bao gồm cổ tay, bàn tay và cả ngón tay
  • Khớp gối

Viêm khớp dạng thấp không chỉ gây đau mãn tính mà còn có thể khiến khớp biến dạng. Mặt khác, đôi khi bệnh thấp khớp cũng có thể ảnh hưởng đến nhiều bộ phận khác trong cơ thể, ví dụ như phổi, tim, mắt…

Những dấu hiệu và triệu chứng viêm khớp dạng thấp là gì?

triệu chứng viêm khớp dạng thấp

Bệnh viêm khớp dạng thấp có thể nhận biết thông qua một số dấu hiệu đặc trưng sau, bao gồm: 

  • Sưng đau và cứng khớp
  • Các khớp chịu ảnh hưởng mang tính đối xứng
  • Khớp biến dạng
  • Khó giữ thăng bằng khi đi lại
  • Sốt
  • Suy giảm khả năng vận động
  • Sụt cân
  • Suy nhược cơ thể

Ngoài ra, bạn cũng có thể có các triệu chứng và dấu hiệu viêm khớp dạng thấp khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ

Nguyên nhân viêm khớp dạng thấp gồm những gì?

Rối loạn miễn dịch là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh viêm khớp dạng thấp. Mặc dù vậy, các chuyên gia vẫn chưa tìm ra đâu là tác nhân dẫn đến sự nhầm lẫn này của các tế bào bạch cầu. 

Hiện nay, một số nghiên cứu cho rằng bệnh có thể liên quan đến yếu tố di truyền. Sự xâm nhập của vi khuẩn hoặc virus có thể vô tình kéo theo tình trạng viêm khớp dạng thấp xảy ra ở những người có đặc điểm di truyền này. Khi đó, bạch cầu không chỉ tiêu diệt các chủng vi sinh vật gây bệnh mà còn tấn công cả màng hoạt dịch (synovium), từ đó gây đau và viêm tại đây.

Do chịu ảnh hưởng của các phản ứng viêm, màng hoạt dịch sẽ sưng phồng lên và chèn ép hoặc thậm chí phá hủy lớp sụn khớp nếu không được chữa trị kịp thời. Ngoài ra, viêm màng hoạt dịch còn tác động đến các dây chằng xung quanh, lâu ngày khiến dải mô mềm này suy giảm chức năng vốn có, từ đó khiến khớp biến dạng. 

Đối tượng có nguy cơ cao bị viêm khớp dạng thấp

mẹ bầu bị viêm khớp dạng thấp

Theo thống kê, tỷ lệ mắc bệnh ở người trưởng thành chiếm khoảng 1 – 5%. Trong đó:

  • Bệnh phổ biến ở phụ nữ từ 20 – 40 tuổi
  • Số lượng phụ nữ mang thai bị thấp khớp cao gấp 2 – 3 lần số lượng người bệnh là đàn ông

Yếu tố làm tăng rủi ro viêm khớp dạng thấp là gì?

Các chuyên gia cho rằng rủi ro mắc bệnh viêm khớp dạng thấp có thể liên quan đến những yếu tố dưới đây, bao gồm: 

  • Tuổi tác: theo nghiên cứu, nguy cơ bị viêm đa khớp dạng thấp của một người có thể tăng dần theo thời gian. Người cao tuổi từ 60 trở lên là đối tượng dễ mắc bệnh nhất. 
  • Giới tính: rủi ro gặp phải tình trạng viêm khớp dạng thấp của phụ nữ cao gấp 2 – 3 lần so với đàn ông
  • Hút thuốc lá: thói quen xấu này không chỉ ảnh hưởng đến các bệnh về tim, phổi, gan… mà còn có khả năng góp phần thúc đẩy viêm khớp dạng thấp phát triển
  • Chưa từng sinh con: phụ nữ chưa sinh con có thể có rủi ro mắc bệnh cao hơn so với người đã làm mẹ
  • Thừa cân, béo phì: một số nghiên cứu cho thấy cân nặng của một người càng lớn, nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp của người đó càng cao

Các thủ thuật dùng trong chẩn đoán viêm khớp dạng thấp là gì?

Ở giai đoạn đầu, việc chẩn đoán viêm khớp dạng thấp có thể gặp khó khăn vì các triệu chứng dễ bị nhầm lẫn với dấu hiệu của những tình trạng sức khỏe khác. 

Tuy nhiên, chẩn đoán và điều trị viêm đa khớp dạng thấp ngay từ đầu là điều cần thiết để kiểm soát tốt bệnh, đồng thời ngăn chặn các biểu hiện tiến triển tệ hơn. Vì vậy, sau khi quan sát những dấu hiệu lâm sàng, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra tổng quát các khớp để xem chúng có bị sưng, biến dạng hay hạn chế chức năng vốn có không.

Ngoài ra, họ cũng sẽ chỉ định bạn thực hiện thêm một vài xét nghiệm chuyên sâu nếu nghi ngờ bạn bị viêm khớp dạng thấp, ví dụ như: 

  • Xét nghiệm máu với những kỹ thuật đo tốc độ lắng máu (ESR), tổng phân tích tế bào máu (CBC) và xét nghiệm nhân tố dạng thấp
  • Chụp MRI và chụp X-quang

Tiêu chuẩn chẩn đoán viêm khớp dạng thấp

Năm 2010, Tổ chức American College of Rheumatology đã đề xuất các tiêu chí sau đây trong việc chẩn đoán viêm khớp dạng thấp, bao gồm: 

  • Người bệnh có ít nhất một khớp bị sưng không rõ nguyên nhân
  • Ít nhất một kết quả xét nghiệm máu cho thấy thấp khớp đang diễn ra
  • Thời gian triệu chứng viêm khớp dạng thấp xuất hiện ít nhất 6 tuần

Đâu là cách chữa viêm khớp dạng thấp hiệu quả?

Thực tế, điều trị viêm khớp dạng thấp tận gốc là điều bất khả thi. Những phương pháp hiện tại chủ yếu tập trung vào việc: 

  • Giảm viêm ở các khớp chịu ảnh hưởng
  • Xoa dịu tình trạng đau nhức
  • Giảm thiểu rủi ro suy giảm chức năng hoạt động và biến dạng khớp
  • Ngăn ngừa hoặc làm chậm quá trình tổn thương khớp

Để làm được điều này, bạn có thể lựa chọn áp dụng:

Thuốc trị viêm khớp dạng thấp

Một số loại thuốc kê toa có tác dụng thuyên giảm triệu chứng, đồng thời ngăn cản bệnh tiếp tục tiến triển nghiêm trọng. Chúng có thể kể đến như: 

  • Thuốc kháng viêm không chứa steroid (NSAID): có khả năng giảm đau và chống viêm hiệu quả. Tuy nhiên, cần lưu ý thuốc có nguy cơ gây tác dụng phụ như bầm tím, loét dạ dày, tăng huyết áp và tổn thương gan, thận. 
  • Corticosteroid: khả năng giảm đau, kháng viêm mạnh hơn so với nhóm NSAID. Đồng thời, các loại thuốc này còn có thể làm chậm quá trình tổn thương khớp. Mặc dù vậy, nếu dùng thuốc trong thời gian dài, bạn có nguy cơ đối mặt với một số vấn đề như đục thủy tinh thể, loãng xương, tăng nhãn áp và đái tháo đường. 
  • Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD): làm chậm tốc độ phát triển của bệnh, đồng thời ngăn ngừa những thương tổn vĩnh viễn xảy ra tại đây. Tuy vậy, đôi khi thuốc có thể gây tổn thương gan, ức chế hoạt động của tủy xương và là tăng nguy cơ nhiễm trùng phổi.
  • Thuốc ức chế miễn dịch: giúp ngăn cản bạch cầu tiếp tục tấn công các mô khớp, từ đó kiểm soát tốt bệnh trạng. Đồng thời, thuốc cũng làm giảm khả năng hoạt động của hệ miễn dịch nên người bệnh sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm trùng, rối loạn máu hoặc thậm chí là suy tim sung huyết. 

Vật lý trị liệu

Các bài tập vật lý trị liệu có thể hỗ trợ điều trị viêm khớp dạng thấp, đồng thời góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi sau điều trị. Chúng có thể kể đến như:

  • Trị liệu giảm đau bằng thủy lực
  • Chiếu đèn nhiệt 250W làm ấm khớp
  • Ngâm nước nóng

Phẫu thuật

phẫu thuật thay khớp

Nếu những giải pháp trên không đem lại hiệu quả như mong đợi, bạn có thể sẽ cần đến phẫu thuật nhằm khôi phục khả năng sử dụng khớp. Các thủ thuật điều trị xâm lấn thường được áp dụng trong trường hợp này bao gồm: 

  • Phẫu thuật thay khớp hoàn toàn
  • Phẫu thuật sửa gân
  • Phẫu thuật chỉnh trục

Kiểm soát bệnh viêm khớp dạng thấp tại nhà

Để kiểm soát tốt bệnh, bạn nên lưu ý một số vấn đề như sau: 

  • Tuyệt đối sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh, cố gắng giảm cân nếu cần thiết
  • Tập thói quen rèn luyện thể chất thường xuyên. Hãy tham vấn ý kiến bác sĩ để tìm ra những bài tập và cường độ tập luyện phù hợp.
  • Giữ tinh thần thoải mái, hạn chế căng thẳng
  • Lập tức đến bệnh viện nếu triệu chứng sốt cao xảy ra cùng lúc với tình trạng khớp sưng đỏ, nóng rát
  • Không uống bia rượu hoặc bất kỳ thức uống chứa cồn nào khác trong quá trình điều trị

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

What is rheumatoid arthritis? https://www.medicalnewstoday.com/articles/323361. Ngày truy cập 30/06/2020.

Rheumatoid Arthritis (RA). https://www.cdc.gov/arthritis/basics/rheumatoid-arthritis.html. Ngày truy cập 30/06/2020.

Everything You Want to Know About Rheumatoid Arthritis. https://www.healthline.com/health/rheumatoid-arthritis. Ngày truy cập 30/06/2020.

Phiên bản hiện tại

24/04/2024

Tác giả: Ngọc Vũ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: phuong le


Bài viết liên quan

Hãy cẩn thận! Cơn đau khớp của bạn có thể là viêm cột sống dính khớp

12 thực phẩm bạn nên tránh khi bị viêm khớp dạng thấp


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 24/04/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo