backup og meta

Bệnh tiêu chảy do đâu? Cách cầm tiêu chảy nhanh và lưu ý khi ăn uống

Bệnh tiêu chảy do đâu? Cách cầm tiêu chảy nhanh và lưu ý khi ăn uống

Bệnh tiêu chảy rất phổ biến, có thể lây lan nhanh và bùng thành dịch lớn, đặc biệt ở khu vực dân cư đông đúc. Thời điểm dễ bùng phát bệnh là mùa hè, khi thời tiết nóng ẩm tạo điều kiện cho các mầm bệnh phát triển.

Để hiểu rõ hơn về các triệu chứng, nguyên nhân gây bệnh, cách điều trị cũng như việc ăn gì khi bị tiêu chảy, mời bạn đọc tiếp những thông tin mà Hello Bacsi tổng hợp được trong bài viết dưới đây.

Bệnh tiêu chảy là gì?

Tiêu chảy là tình trạng đi ngoài ra phân lỏng, có nước.

Tiêu chảy cấp là tình trạng tiêu chảy kéo dài trong một thời gian ngắn, trong khoảng 1–2 ngày hay có thể hơn và thường tự hết. Đa số mọi người thường gặp phải loại tiêu chảy này.

Nếu tiêu chảy kéo dài 2-4 tuần thì đó có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe khác nghiêm trọng hơn.

Khi tình trạng này kéo dài ít nhất 4 tuần hoặc theo từng đợt (xuất hiện rồi biến mất liên tục) trong thời gian dài thì được gọi là tiêu chảy mạn tính và có khả năng là triệu chứng của một bệnh lý mạn tính khác.

Các dấu hiệu và triệu chứng bệnh tiêu chảy

Phần lớn trường hợp gặp phải các triệu chứng bệnh tiêu chảy cấp như sau:

  • Đi ngoài phân lỏng như nước
  • Đau quặn bụng
  • Đầy hơi
  • Sốt
  • Có máu trong phân
  • Có chất nhầy trong phân
  • Phân nổi trên nước
  • Buồn nôn, nôn
  • Có cảm giác cần phải đi vệ sinh gấp

điều trị tiêu chảy

Khi nào bạn cần đến gặp bác sĩ?

Đối với người lớn, bạn cần đến gặp bác sĩ nếu:

  • Tình trạng tiêu chảy kéo dài hơn 2 ngày mà không cải thiện
  • Có dấu hiệu mất nước như khô miệng, khát nước, khô mắt – mắt trũng tiểu ít, hạ huyết áp
  • Đau bụng hoặc đau trực tràng dữ dội
  • Đi tiêu phân có máu hoặc có màu đen
  • Sốt cao hơn 39ºC

Ở trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ, bệnh tiêu chảy có thể gây mất nước nhanh chóng. Do đó, bạn cần đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất ngay nếu thấy các triệu chứng không cải thiện trong vòng 24 giờ hoặc trẻ có các biểu hiện:

Nguyên nhân bệnh tiêu chảy là gì?

Các nguyên nhân tiêu chảy phổ biến là:

  • Nhiễm vi khuẩn từ thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm.
  • Nhiễm virus như adenovirus đường ruột, astrovirus, cytomegalovirus, norovirus hay rotavirus. Trong đó, rotavirus là nguyên nhân phổ biến gây tiêu chảy cấp ở trẻ em. Corona virus (covid 19) cũng có thể gây tiêu chảy.
  • Nhiễm ký sinh trùng từ thức ăn hoặc nước uống.
  • Sử dụng một số thuốc như kháng sinh, thuốc trị ung thư, thuốc kháng axit có chứa magie…
  • Không dung nạp hoặc nhạy cảm với một số loại thực phẩm, ví dụ như không dung nạp đường lactose, bệnh Celiac.
  • Các bệnh lý ảnh hưởng đến dạ dày, ruột non hay đại tràng như bệnh Crohn, IBS, viêm loét đại tràng vi thể hoặc vi khuẩn đường ruột non phát triển quá mức, hội chứng ruột kích thích.
  • Sử dụng đường fructose (trong trái cây, mật ong, chất tạo ngọt nhân tạo), sorbitol, erythritol và đường mannitol.

Một số người có thể bị tiêu chảy sau khi phẫu thuật cắt một phần ruột hoặc túi mật vì đôi khi phẫu thuật có thể khiến thức ăn di chuyển qua đường tiêu hóa nhanh hơn bình thường.

Trong một số trường hợp, các bác sĩ có thể không xác định được nguyên nhân tiêu chảy. Nếu tình trạng này tự khỏi trong vòng một vài ngày thì không cần thiết phải tìm ra nguyên nhân.

Những đối tượng có nguy cơ cao bị tiêu chảy

Mọi người ở mọi độ tuổi đều có thể gặp phải tình trạng rối loạn tiêu hóa này. Những người thường đi du lịch đến các nước đang phát triển có nguy cơ bị tiêu chảy du lịch do ăn phải những thực phẩm hay uống nước nhiễm tác nhân gây bệnh.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy gồm:

  • Ăn uống chung, sống gần với người bị tiêu chảy và không áp dụng các biện pháp phòng bệnh
  • Sống tại những khu vực sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh, đổ thẳng phân ra cống, mương, ao, hồ, sông, suối…
  • Sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm
  • Có tập quán ăn uống không hợp vệ sinh, hay ăn rau sống, thủy hải sản chưa nấu chín kỹ
  • Sử dụng phân tươi hoặc phân chưa được xử lý đảm bảo để tưới rau
  • Sống tại khu vực bị ngập lụt và sau ngập lụt…

Bệnh tiêu chảy được chẩn đoán như thế nào?

Sau khi nghe mô tả về các triệu chứng mà bạn đang gặp phải, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám sức khỏe, hỏi về các loại thuốc bạn đang sử dụng và có thể yêu cầu thực hiện một vài xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây bệnh. Các xét nghiệm đó gồm:

  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm công thức máu toàn phần (CBC) có thể giúp cho thấy tác nhân gây ra tiêu chảy.
  • Xét nghiệm phân: Bạn có thể cần lấy mẫu phân theo hướng dẫn để bác sĩ kiểm tra dưới kính hiển vi và tìm các loại vi khuẩn hay ký sinh trùng gây ra bệnh.
  • Nội soi đại tràng: Trong thủ thuật này, dụng cụ là một ống mảnh, dài, có gắn đèn và máy thu hình nhỏ ở đầu để luồn vào trong trực tràng đến đại tràng. Từ đó, hình ảnh bên trong của cơ quan này được ghi lại và cho phép bác sĩ nhìn thấy những tổn thương tại đây. Ống nội soi cũng được trang bị một dụng cụ có thể giúp lấy một mẫu mô nhỏ (sinh thiết) từ đại tràng ra ngoài để kiểm tra trong phòng thí nghiệm.

Các cách điều trị bệnh tiêu chảy

Hầu hết trường hợp tiêu chảy cấp đều tự khỏi trong vòng một vài ngày mà không cần điều trị bằng thuốc. Nếu bạn đã thử các cách khắc phục tại nhà mà không thấy hiệu quả, hãy đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và hướng dẫn điều trị.

Bù nước và điện giải

Đây là điều đầu tiên bạn cần thực hiện khi bị bệnh tiêu chảy, kể cả ở người lớn hay trẻ em.

Đối với người lớn, cách cầm tiêu chảy nhanh nhất cho người lớn là bạn uống nước trái cây hay pha bột thuốc bổ sung nước và điện giải (như oresol). Nếu không thể uống nước do gây ra cảm giác buồn nôn hay đau dạ dày, bạn có thể cần được truyền dịch qua tĩnh mạch.

Theo kinh nghiệm dân gian, việc dùng nước gạo rang có thể giúp điều trị tiêu chảy hiệu quả và phương pháp dùng nước gạo rang chữa tiêu chảy đã được áp dụng từ rất lâu.

Đối với trẻ em, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ để sử dụng các dung dịch bù nước và điện giải đúng cách để ngăn ngừa tình trạng mất nước xảy ra.

bù nước khi bị tiêu chảy

Dùng thuốc

Nhiều người thường thắc mắc thuốc cầm tiêu chảy hay thuốc đau bụng đi ngoài là thuốc gì? Thầy thuốc có thể hướng dẫn bạn dùng lopepramid, bismuth subsalicylate hay men vi sinh. Tuy nhiên, nếu có máu trong phân hoặc bị sốt thì phải đi khám.

Trường hợp bệnh tiêu chảy được xác định là do vi khuẩn hoặc ký sinh trùng gây ra, việc dùng thuốc kháng sinh có thể giúp điều trị hiệu quả.

Tuy nhiên, nếu nguyên nhân gây bệnh là virus thì kháng sinh sẽ không có tác dụng. Các tình trạng y tế khác, chẳng hạn như hội chứng ruột kích thích, bệnh viêm ruột, bệnh Crohn, viêm loét đại tràng, viêm đại tràng vi thể,… đều được điều trị bằng thuốc khác nhau.

Do đó, việc chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy để sử dụng đúng loại thuốc là rất quan trọng.

Điều chỉnh các thuốc đang sử dụng

Nếu nhận thấy một loại thuốc kháng sinh mà bạn đang sử dụng chính là nguyên nhân gây tiêu chảy, bác sĩ có thể giảm liều dùng hoặc thay đổi sang loại thuốc khác để giúp chấm dứt tác dụng phụ này.

Các biện pháp tại nhà giúp giảm nhẹ triệu chứng tiêu chảy

Để đối phó và giảm nhẹ các triệu chứng cho đến khi tình trạng này hết hoàn toàn, bạn có thể thử áp dụng các cách sau:

  • Uống nhiều nước, nước trái cây pha loãng (không có bã) hay nước hầm canh. Tránh uống thức uống có caffeine, đồ có gas hay cồn.
  • Bị tiêu chảy nên ăn gì hay bị đau bụng tiêu chảy nên ăn gì? Khi bị tiêu chảy, bạn nên ăn các thực phẩm có kết cấu hơi rắn và hạn chế ăn nhiều chất xơ cho đến khi nhu động ruột trở về bình thường. Hãy thử ăn các loại bánh quy, bánh nướng, trứng gà, thịt gà và cơm.
  • Tránh các thực phẩm từ sữa, giàu chất béo hay giàu chất xơ trong vài ngày.

Những biến chứng do bệnh tiêu chảy

Biến chứng đáng lo ngại nhất của tiêu chảy là mất nước. Tình trạng đó có thể gây đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Mất nước đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em, người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu.

Nếu thấy có dấu hiệu mất nước nghiêm trọng, bạn cần đến bệnh viện gần nhất ngay lập tức.

Dấu hiệu mất nước ở người lớn gồm:

  • Cảm thấy khát nước quá mức
  • Khô miệng hoặc khô da
  • Nước tiểu sẫm màu
  • Tiểu ít hoặc vô niệu
  • Hoa mắt, chóng mặt
  • Mệt mỏi.

Các dấu hiệu mất nước ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ gồm:

  • Tã không ướt trong hơn 3 giờ
  • Khô miệng và lưỡi
  • Sốt cao (39ºC)
  • Khóc nhưng không có nước mắt
  • Buồn ngủ, không có phản xạ hoặc khó chịu, quấy khóc
  • Lõm da ở vùng bụng, mắt hoặc má

Các cách giúp phòng ngừa bệnh tiêu chảy

phòng ngừa bệnh tiêu chảy

Việc duy trì thói quen rửa tay thường xuyên và đúng cách là phương pháp phòng ngừa tiêu chảy hiệu quả nhất. Bạn nên tập các thói quen sau:

  • Rửa tay trước và sau khi chuẩn bị thức ăn, sử dụng nhà vệ sinh, thay tã cho trẻ nhỏ, hắt hơi, ho hay xì mũi hoặc chăm sóc người bệnh.
  • Rửa tay với xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây.
  • Nếu không có sẵn xà phòng và nước, bạn có thể dùng dung dịch rửa tay khô có gốc cồn với độ cồn ít nhất là 60º.

Tiêu chảy du lịch cũng thường xảy ra khi bạn đi đến những quốc gia/vùng lãnh thổ có điều kiện vệ sinh kém và ăn những thực phẩm bị nhiễm khuẩn, ký sinh trùng hay virus. Tránh ăn thực phẩm chưa được nấu chín hay các sản phẩm từ sữa tươi. Hãy luôn đảm bảo quy tắc “ăn chín, uống sôi” để hạn chế bị tiêu chảy hay nhiễm trùng đường ruột.

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Diarrhea https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/diarrhea  Ngày truy cập 02/6/2020.

Diarrhea https://kidshealth.org/en/parents/diarrhea.html  Ngày truy cập 02/6/2020.

Diarrhea. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diarrhea/symptoms-causes/syc-20352241. Ngày truy cập 02/6/2020.

Diarrhea. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/4108-diarrhea. Ngày truy cập 02/6/2020.

Definition & Facts for Diarrhea. https://www.niddk.nih.gov/health-information/digestive-diseases/diarrhea/definition-facts. Ngày truy cập 02/6/2020.

Phiên bản hiện tại

11/04/2023

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lương Lan


Bài viết liên quan

Cách bù nước khi bị tiêu chảy, nôn mửa bằng đường uống như thế nào?

Những bài thuốc Nam trị tiêu chảy hiệu quả với 7 cây thuốc Nam dễ tìm


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 11/04/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo