backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Viêm lưỡi bản đồ là bệnh gì? Nguyên nhân do đâu, phòng ngừa thế nào?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 24/04/2023

    Viêm lưỡi bản đồ là bệnh gì? Nguyên nhân do đâu, phòng ngừa thế nào?

    Bệnh viêm lưỡi bản đồ là một tình trạng viêm ảnh hưởng đến bề mặt lưỡi và trông có vẻ đáng lo ngại. Tuy nhiên tình trạng viêm này không gây ra các vấn đề về sức khỏe và không liên quan đến nhiễm trùng hoặc ung thư.

    Bệnh lưỡi bản đồ đôi khi có thể gây khó chịu ở lưỡi và tăng độ nhạy cảm với một số chất, chẳng hạn như gia vị, muối và thậm chí cả đồ ngọt. Vậy lưỡi bản đồ là bệnh gì, có nguy hiểm không? Nguyên nhân nào gây ra tình trạng này? Các biện pháp giúp phòng ngừa hiệu quả? Nếu đang có những thắc mắc tương tự, mời bạn cùng tìm hiểu qua những thông tin mà Hello Bacsi tổng hợp được trong bài viết sau!

    Lưỡi bản đồ là bệnh gì?

    Lưỡi bản đồ là bệnh gì?

    Lưỡi bản đồ là thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng viêm ảnh hưởng đến bề mặt lưỡi làm cho lưỡi có các mảng màu đỏ, mịn được bao quanh bởi các viền trắng. Đây là một tình trạng vô hại, không lây nhiễm. Các tổn thương thường lành ở một khu vực và sau đó xuất hiện ở phần khác của lưỡi hoặc các khu vực khác của miệng. Lưỡi bản đồ còn được gọi là viêm lưỡi di chuyển lành tính và ban đỏ di chuyển.

    Lưỡi bản đồ là tên được đặt cho tình trạng xuất hiện hình ảnh giống như bản đồ  trên bề mặt và hai bên lưỡi. Nó cũng có thể xảy ra ở các khu vực khác vùng miệng.

    Lưỡi thường được bao phủ bởi những nốt nhỏ (nhú) màu trắng hồng, thực chất là những phần nhô ra ngắn, mịn, giống như lông. Với lưỡi bản đồ, các mảng trên bề mặt lưỡi bị thiếu nhú và xuất hiện dưới dạng “hòn đảo” màu đỏ, nhẵn, thường có viền hơi nhô lên.

    Lưỡi bản đồ có phổ biến không?

    Các chuyên gia sức khỏe không chắc có bao nhiêu người bị lưỡi bản đồ. Một số ý kiến ước tính rằng khoảng 3% dân số mắc bệnh này, nhưng tình trạng viêm này có thể xảy ra thường xuyên hơn.

    Bệnh lưỡi bản đồ có những triệu chứng thường gặp nào?

    bệnh lưới bản đồ ở trẻ em

    Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh lưỡi bản đồ?

    Các triệu chứng phổ biến của bệnh lưỡi bản đồ là:

    • Đốm đỏ trên lưỡi: Các mảng đỏ trên lưỡi xuất hiện theo hình bản đồ không đều và thường có viền trắng hoặc xám bao quanh. Chúng xuất hiện ở bất cứ đâu trên đầu, hai bên và mặt lưỡi. Kích thước, hình dạng và vị trí các mảng bị ảnh hưởng có thể xuất hiện/ biến mất và thay đổi theo thời gian.
    • Không có nhú: Mặt trong của các mảng đỏ mịn hơn rõ rệt vì chúng không có bất kỳ nhú nào. Nhú là những u nhỏ bao phủ và bảo vệ toàn bộ bề lưỡi và giúp chúng ta nhai thức ăn. Một số nhú cũng có nụ vị giác.
    • Cảm giác nóng rát: Một số người bị lưỡi bản đồ có cảm giác châm chích, ngứa ran hoặc nóng rát trên lưỡi, đặc biệt là khi ăn các thực phẩm có tính axit. Cảm giác khó chịu thường nhẹ và có thể đến rồi đi cùng với các mảng đỏ.
    • Các mảng ở các vùng khác của khoang miệng: Đôi khi, các mảng đỏ tương tự có thể hình thành trên nướu, vòm trên của miệng hoặc bên trong má. Những mảng này được gọi là viêm miệng bản đồ hoặc ban đỏ di chuyển. Các mảng này không giống như ban đỏ di chuyển xuất hiện trong giai đoạn đầu của bệnh Lyme. Có những mảng này trong miệng không có nghĩa là bạn bị bệnh Lyme.

    Nhiều người bị bệnh lưỡi bản đồ lại không biểu hiện triệu chứng. Lưỡi bản đồ có thể kéo dài vài ngày, vài tháng hoặc vài năm. Nó thường tự biến mất hoặc xuất hiện trở lại sau một thời gian.

    Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

    Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

    Lưỡi bản đồ thường không nghiêm trọng – mặc dù đôi lúc gây khó chịu. Tuy nhiên, các tổn thương trên lưỡi có thể là dấu hiệu của các vấn đề  nghiêm trọng khác của lưỡi hoặc các bệnh ảnh hưởng đến toàn thân. Nếu bạn có tổn thương trên lưỡi mà không tự hết trong vòng 10 ngày, hãy đi khám để được chẩn đoán và điều trị.

    Nguyên nhân gây bệnh

    nguyên nhân viêm lưỡi bản đồ

    Nguyên nhân nào gây ra bệnh lưỡi bản đồ?

    Nguyên nhân của bệnh lưỡi bản đồ không rõ và không có cách nào để ngăn chặn tình trạng này nhưng căn bệnh này không có tính lây nhiễm. Các chuyên gia cho rằng có thể có một mối liên hệ giữa lưỡi bản đồ và bệnh vẩy nến, bệnh liken phẳng ở miệng và bệnh viêm khớp phản ứng (hội chứng Reiter). Tuy nhiên, cần có thêm nhiều nghiên cứu để hiểu rõ hơn các mối liên hệ này.

    Lưỡi bản đồ thường có tính di truyền trong gia đình nên các bác sĩ tin rằng bệnh có thể được di truyền từ cha mẹ sang con cái của họ.

    Nguy cơ mắc phải

    Những ai thường mắc bệnh lưỡi bản đồ?

    Bệnh ảnh hưởng đến khoảng 1-3% dân số, xuất hiện ở mọi người ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, bệnh có xu hướng xảy ra ở người trong độ tuổi trung niên hoặc người già. Bệnh phổ biến ở nữ giới hơn ở nam giới. Những người bị bệnh vẩy nếnviêm khớp phản ứng (hội chứng Reiter) có nhiều nguy cơ mắc bệnh lưỡi bản đồ hơn những người khác.

    Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh lưỡi bản đồ?

    Bạn có nguy cơ bị lưỡi bản đồ nếu có một trong các yếu tố sức khỏe sau:

    • Sự gia tăng nội tiết tố: Phụ nữ đang uống thuốc tránh thai có nguy cơ bị lưỡi bản đồ. Lý giải cho nguyên nhân này, các chuyên gia sức khỏe cho rằng điều này có thể là do nội tiết tố nữ trong thuốc gây ra.
    • Thiếu hụt vitamin: Những người không có đủ kẽm, sắt, axit folic và vitamin B6, B12 có nhiều khả năng bị lưỡi bản đồ cao hơn.
    • Lưỡi bị nứt: Các bác sĩ cho rằng có thể có mối liên hệ di truyền giữa lưỡi địa lý và tình trạng nứt lưỡi, một tình trạng gây ra các rãnh sâu hoặc nếp nhăn trên lưỡi.
    • Bệnh tiểu đường: Các bác sĩ đã phát hiện ra rằng những người mắc bệnh tiểu đường, đặc biệt là bệnh tiểu đường loại 1, có nguy cơ phát triển lưỡi bản đồ cao hơn.
    • Dị ứng: Những người bị bệnh chàm, sốt cỏ khô và các bệnh dị ứng khác có thể tăng nguy cơ mắc bệnh này.
    • Căng thẳng cảm xúc: Các bác sĩ đã tìm thấy mối liên hệ giữa việc gia tăng căng thẳng và lưỡi bản đồ.

    Lưỡi bản đồ được điều trị như thế nào?

    điều trị lưỡi bản đồ

    Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

    Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh lưỡi bản đồ?

    Bác sĩ hoặc nha sĩ thường có thể chẩn đoán bệnh lưỡi bản đồ dựa trên việc khám lưỡi và các triệu chứng bạn có.

    Trong quá trình thăm khám, bác sĩ hoặc nha sĩ có thể:

    • Sử dụng đèn chuyên dụng để kiểm tra lưỡi và miệng.
    • Yêu cầu bạn di chuyển lưỡi xung quanh ở các vị trí khác nhau
    • Nhẹ nhàng chạm vào lưỡi của bạn để kiểm tra độ nhạy cảm hay các bất thường xảy ra với kết cấu và độ nhất quán của lưỡi
    • Kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng như sốt hoặc sưng hạch bạch huyết ở vùng cổ

    Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh lưỡi bản đồ?

    Lưỡi bản đồ là một tình trạng lành tính, vô hại nên không cần thiết phải điều trị. Nếu cảm thấy đau hoặc khó chịu, bạn nên tránh ăn bất cứ thứ gì có thể gây kích ứng lưỡi, chẳng hạn như thức ăn cay, nóng hay chua. Ngoài ra, bạn cũng nên tránh nhai thuốc lá (nếu có) vì thói quen này có thể làm cho cơn đau và cảm giác châm chích trở nên tồi tệ hơn. Để giảm cảm giác châm chích hoặc nóng rát, bác sĩ có thể đề nghị bạn dùng:

    • Các thuốc giảm đau không cần toa
    • Súc miệng với thuốc gây tê
    • Súc miệng với dạng thuốc kháng histamine
    • Bôi thuốc mỡ corticosteroid hoặc nước súc có cortisteroid
    • Bổ sung vitamin B trong một số trường hợp

    Theo các chuyên gia sức khỏe, vì các phương pháp điều trị lưỡi bản đồ chưa được nghiên cứu một cách nghiêm ngặt, lợi ích của chúng không rõ ràng. Do bệnh thường tự hết và không đoán trước được tiến triển của nó, vì vậy rất khó đưa ra đánh giá các thuốc điều trị triệu chứng có thực sự hiệu quả hay không.

    Chế độ sinh hoạt phù hợp

    Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh lưỡi bản đồ?

    Bạn có thể làm giảm sự khó chịu liên quan đến bệnh lưỡi bản đồ bằng cách tránh hoặc hạn chế các chất làm tăng sự nhạy cảm của niêm mạc vùng miệng, chẳng hạn như các thức ăn cay hoặc có tính axit cùng với đồ uống như rượu và thuốc lá.

    Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 24/04/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo