backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Xơ gan ứ mật nguyên phát

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư · Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 04/08/2020

    Xơ gan ứ mật nguyên phát

    Nhiệm vụ của mật là giúp phân giải chất béo trong ruột, đồng thời hỗ trợ hấp thụ các vitamin tan trong chất béo như A, D, E và K. Ở gan có những ống nhỏ chịu trách nhiệm vận chuyển loại dịch tiêu hóa này từ cơ quan nội tạng lớn nhất này đến ruột. Nếu những ống mật trên bị thương tổn và không được chữa trị kịp thời thời, xơ gan ứ mật nguyên phát có nhiều khả năng xảy ra.

    Vậy, bệnh xơ gan ứ mật nguyên phát là gì, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào? Làm sao để phát hiện, điều trị cũng như kiểm soát bệnh hiệu quả? Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm kiếm lời giải đáp qua bài viết sau. 

    Bệnh xơ gan ứ mật nguyên phát là gì?

    Xơ gan ứ mật nguyên phát (PBC) đề cập đến tình trạng tổn thương ở các ống dẫn mật, khiến mật tích tụ ở gan thay vì đi đến ruột non. Theo thời gian, hàm lượng mật ở gan quá lớn sẽ gây tổn hại đến các tế bào của cơ quan này, từ đó hình thành sẹo gan (xơ gan). 

    Các giai đoạn phát triển của bệnh

    Bệnh PBC được chia thành bốn giai đoạn chính dựa trên mức độ thương tổn ở ống dẫn mật cũng như tế bào gan, bao gồm:

    • Giai đoạn 1: trên thành ống dẫn mật có dấu hiệu viêm
    • Giai đoạn 2: các ống dẫn mật nhỏ có biểu hiện tắc nghẽn
    • Giai đoạn 3: sẹo gan bắt đầu hình thành
    • Giai đoạn 4: xơ gan đã phát triển

    Đâu là dấu hiệu và triệu chứng xơ gan ứ mật nguyên phát?

    Những người mắc bệnh PBC thường có chung một số triệu chứng bệnh gan như:

  • Mệt mỏi
  • Khô miệng và khô mắt
  • Ngứa da 
  • Đau bụng
  • Sạm da
  • Thường xuyên buồn nôn và mất cảm giác ngon miệng
  • Sụt cân bất thường
  • U vàng ở da hoặc ban vàng quanh mắt
  • Cơ và xương khớp đau nhức khó chịu
  • Vàng da, vàng mắt
  • Cổ trướng, phù nề
  • Tiêu chảy
  • Gãy xương
  • triệu chứng xơ gan ứ mật nguyên phát

    Thực tế, tốc độ phát triển của bệnh xơ gan do tắc nghẽn ống mật rất chậm. Do đó, người bệnh có thể không bắt gặp bất kỳ triệu chứng đáng chú ý nào trong thời gian dài, kể cả khi họ đã được chẩn đoán mắc phải căn bệnh này. 

    Bên cạnh đó, người bị PBC cũng có thể có các triệu chứng khác không được đề cập như trên. Vì vậy, nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

    Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

    Hãy đến bệnh viện hoặc gặp bác sĩ nếu bạn có một trong những triệu chứng xơ gan ứ mật nguyên phát như trên. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.

    Nguyên nhân xơ gan ứ mật nguyên phát là gì?

    Các chuyên gia phân loại tình trạng sức khỏe này vào nhóm bệnh tự miễn. Điều này có nghĩa là hệ miễn dịch, cụ thể hơn là các tế bào T, của người bị PBC, đã tấn công nhầm vào gan và các ống dẫn mật tại đây. 

    Hiện nay, nguyên nhân dẫn đến sự nhầm lẫn trên của hệ miễn dịch vẫn chưa được xác định rõ. Một số bác sĩ cho rằng tình trạng rối loạn tự miễn này liên quan đến di truyền và các yếu tố môi trường bên ngoài. 

    Các yếu tố rủi ro

    Một số yếu tố góp phần phát triển bệnh PBC có thể kể đến như:

    • Phụ nữ trong độ tuổi 30 – 60
    • Gia đình có bệnh sử xơ gan ứ mật nguyên phát
    • Nghiện thuốc lá
    • Thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại

    Bệnh xơ gan ứ mật nguyên phát có nguy hiểm không?

    Mật tích trữ quá nhiều trong gan không chỉ gây tổn hại đến các tế bào gan dẫn đến sẹo hoặc thậm chí là suy gan mà còn kéo theo nhiều vấn đề khác, ví dụ như:

    • Ảnh hưởng đến các cơ quan lân cận như lá lách (phì đại lá lách) và túi mật (sỏi mật)
    • Kép hấp thụ dưỡng chất từ thực phẩm do thiếu mật
    • Chỉ số cholesterol tăng 
    • Loãng xương
    • Thiếu vitamin

    Quy trình chẩn đoán xơ gan ứ mật nguyên phát

    Bác sĩ thường chẩn đoán một người có bị PBC không bằng cách:

    • Hỏi thăm về tiền sử bệnh của người đó và gia đình
    • Kiểm tra sức khỏe tổng quát
    • Chỉ định một số thủ thuật xét nghiệm gồm:
    • Xét nghiệm máu với mục đích định lượng men gan và một số hoạt chất khác nhằm đánh giá chức năng gan
    • Xét nghiệm kháng thể kháng ti thể (AMA)
    • Sinh thiết gan
    • Các xét nghiệm hình ảnh như siêu âm, chụp CT và MRI, chụp X-quang ống mật…

    Bạn có thể điều trị xơ gan ứ mật nguyên phát bằng cách nào?

    Vì PBC là một dạng bệnh tự miễn, đồng thời sẹo gan tồn tại vĩnh viễn, nên các phương pháp điều trị PBC hiện tại chỉ tập trung vào hai yếu tố gồm:

    Sử dụng thuốc kê toa là phương pháp kiểm soát PBC phổ biến nhất. Các loại thuốc thường được áp dụng là:

    • Ursodiol: hỗ trợ vận chuyển mật từ gan đến ruột non, đồng thời giảm thiểu quá trình tổn thương tế bào gan. Tuy nhiên, thuốc có thể gây tăng cân, tiêu chảy và rụng tóc. Mặt khác, bạn sẽ phải tiếp tục dùng thuốc điều trị cho đến cuối đời. 
    • Axit Obeticholic: đem lại tác dụng giảm bớt lượng mật tích tụ bằng cách cắt giảm lượng mật được sản sinh và góp phần đẩy mật ra khỏi gan
    • Thuốc ức chế miễn dịch: thường là methotrexate và colchicine giúp ngăn chặn hệ miễn dịch tiếp tục tấn công gan. Tuy nhiên, hiệu quả của hai loại thuốc này phác đồ điều trị xơ gan ứ mật nguyên phát vẫn chưa có đủ bằng chứng thuyết phục.
    • Thuốc kháng histamine: giải quyết triệu chứng ngứa
    • Nước bọt hoặc nước mắt nhân tạo: đối phó với biểu hiện khô miệng hoặc khô mắt
    • Chất bổ sung vitamin và khoáng chất: đặc biệt là vitamin D và canxi nhằm khắc phục vấn đề loãng xương

    Đối với trường hợp gan tổn thương nghiêm trọng, người bệnh sẽ cần đến phẫu thuật ghép gan

    Làm sao để hạn chế bệnh PBC tiến triển?

    Xơ gan ứ mật nguyên phát là bệnh mãn tính và có khả năng không bộc lộ bất kỳ triệu chứng đáng chú ý nào trong vòng 10 năm. Tiên lượng của người bệnh có thể chỉ kéo dài 10 – 15 năm nếu PBC được phát hiện quá muộn.

    Ngược lại, nếu người bệnh phát hiện sớm (giai đoạn 1 hoặc 2) và tuân thủ chặt chẽ những chỉ định của bác sĩ trong việc kiểm soát bệnh PBC, tuổi thọ của họ có thể tương tự như những người khỏe mạnh khác. 

    kiểm soát bệnh pbc

    Để kiểm soát tốt bệnh trạng, bạn sẽ cần: 

    • Tái khám đúng hẹn
    • Đảm bảo sử dụng thuốc điều trị đúng theo hướng dẫn của bác sĩ
    • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh và khoa học
    • Tập thói quen rèn luyện thể chất
    • Bỏ thuốc lá
    • Ngưng tiêu thụ thức uống chứa cồn (bia, rượu…)

    Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    TS. Dược khoa Trương Anh Thư

    Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


    Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 04/08/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo