backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

2

Hỏi bác sĩ
Lưu

Những điều bạn nên biết về hội chứng nghiện bứt tóc

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hồng Nhung · Ngày cập nhật: 21/08/2020

    Những điều bạn nên biết về hội chứng nghiện bứt tóc

    Bạn có thói quen bứt tóc mỗi khi cảm thấy bối rối, lo lắng hay căng thẳng? Đây chính là một dấu hiệu của hội chứng nghiện bứt tóc có thể dẫn đến các hậu quả rụng tóc và tổn thương da đầu khiến bạn giảm bớt tự tin trong giao tiếp đấy!

    Một mái tóc dày và khỏe đẹp sẽ đem lại sự tự tin và thu hút hơn trong cuộc sống hàng ngày khi bạn sinh hoạt hay giao tiếp. Thế nhưng, nhiều người không có cách nào kiềm chế sự thôi thúc muốn bứt tóc hay giật tóc, dẫn đến tình trạng tóc rụng và gây ảnh hưởng vĩnh viễn đến da đầu.

    Vậy hội chứng nghiện bứt tóc là gì mà lại có ảnh hưởng đến như vậy? Và làm thế nào để chúng ta có thể từ bỏ thói quen bứt tóc?

    Bài viết dưới đây sẽ mang lại cho bạn những thông tin, triệu chứng, cũng như cách giúp bạn đối phó với hội chứng giật tóc gây nhiều phiền toái này.

    Hội chứng nghiện bứt tóc là gì?

    Hội chứng nghiện bứt tóc có tên khoa học là trichotillomania, là một hội chứng ảnh hưởng tới 1–2% dân số thế giới. Tuy nhiên, phụ nữ có xu hướng bị hội chứng này nhiều hơn nam giới. Những đặc điểm chính ở người mắc hội chứng này là họ bị cưỡng chế bứt tóc của mình ở bất kì vị trí nào trên đầu. Thậm chí nhiều người còn bứt cả lông mày và mi mắt!

    Mức độ bứt tóc tùy thuộc vào từng thời điểm nhưng dấu hiệu để chẩn đoán một người mắc hội chứng nghiện bứt tóc bao gồm: rụng tóc, không thể kiềm chế bản thân thực hiện những hành vi tổn hại tóc gây nhiều phiền toái đáng kể.

    Hội chứng nghiện bứt tóc là một dạng rối loạn kiểm soát xung động. Những người bị hội chứng này biết họ có thể bị tổn thương bởi hành động bứt tóc của mình nhưng không thể kiềm chế hay dừng lại. Khi bị căng thẳng, họ có thể bứt tóc để cố gắng xoa dịu cảm xúc.

    Hội chứng nghiện bứt tóc có thể dẫn đến những hậu quả như nhiễm trùng, tổn thương da và rụng tóc vĩnh viễn. Tình trạng rụng tóc và tổn thương da có thể dẫn đến các vấn đề về lòng tự trọng và hình ảnh bản thân. Trong trường hợp cực đoan, một số người có thể tránh giao tiếp xã hội để che giấu việc bị rụng tóc.

    Thực tế, rất ít người hiểu biết về hội chứng nghiện bứt tóc nên thường không được chẩn đoán và điều trị. Điều này khiến người bị hội chứng nghiện bứt tóc cảm thấy bị bỏ lại một mình, xấu hổ bởi hành vi của họ.

    Triệu chứng và nguyên nhân của chứng bứt tóc

    Theo nhiều chuyên gia, không chỉ những hành động như bứt tóc, kéo tóc lặp đi lặp lại mới được xem là các dấu hiệu của một người nghiện bứt tóc. Các nguyên nhân gây nên hội chứng này còn bao gồm nhiều yếu tố về tâm lý và thần kinh.

    Các triệu chứng của hội chứng nghiện bứt tóc

    • Bứt tóc, xoắn tóc, kéo tóc cũng như các vùng khác như lông mi, lông mày một cách vô thức.
    • Cảm thấy căng thẳng trước khi định bứt tóc hoặc khi cố kiềm chế bản thân thôi thúc bứt tóc.
    • Cảm thấy nhẹ nhõm, hài lòng, hoặc thỏa mãn sau khi bứt tóc.
    • Cảm thấy phiền muộn và khó khăn trong công việc, đời sống do thói quen bứt tóc.
    • Nhiều vùng tóc bị rụng đi do tóc bị bứt ra.
    • Có một số hành vi như kiểm tra chân tóc, xoay tóc, kéo tóc trên răng, nhai tóc hoặc ăn tóc.

    Nhiều người bị hội chứng bứt tóc thậm chí cố gắng phủ nhận họ có vấn đề và có thể cố gắng che giấu những chỗ bị rụng tóc của họ. Những người này thường cảm thấy hổ thẹn với bản thân và che giấu đi bằng cách đội nón, khăn quàng cổ và đeo lông mi giả.

    Nguyên nhân dẫn đến thói quen bứt tóc

    Nguyên nhân chính xác gây nên hội chứng nghiện bứt tóc hiện vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, bệnh có thể do những bất thường trong não có liên quan đến khu vực điều khiển cảm xúc, vận động, hình thành thói quen và kiểm soát xung động.

    Do rối loạn tâm lý và di truyền: Bác sĩ có thể giới thiệu người có các triệu chứng nghiện bứt tóc tới một bác sĩ thần kinh hoặc nhà tâm lý học để xem xét liệu người đó có thực sự mắc rối loạn kiểm soát xung động hay không. Một số người bị hội chứng nghiện bứt tóc có thể bị trầm cảm hoặc rối loạn lưỡng cực. Bệnh cũng có thể liên quan đến yếu tố di truyền.

    • Do lo lắng thường xuyên: Một nghiên cứu cho thấy trong số 894 người bị hội chứng nghiện bứt tóc, có tới 84% là do vấn đề có liên quan đến lo lắng. Khi càng lo lắng thì hành vi bứt tóc càng trở nên nghiêm trọng và thường xuyên hơn. Trong một số trường hợp, hành động bứt tóc giúp giải phóng cảm xúc. Đây cũng là một cách để tập trung vào cảm giác đau nhất định nào đó như bứt tóc để xoa dịu cảm xúc.

    • Do căng thẳng hoặc áp lực: Một trong những lý do cho hiện tượng này là việc bứt tóc giúp giảm căng thẳng và áp lực. Khi một người lo lắng, sức ép lên cơ thể họ sẽ tăng lên. Một chút đau khi kéo tóc và cảm giác giải phóng ngay lập tức có thể giúp giảm tình trạng căng thẳng. Việc tập trung vào hành động bứt tóc cũng giống như là hành động chú tâm, và việc tập trung vào hành động ở tay này giúp giảm bớt sự căng thẳng.

    Do vô thức hoặc mất kiểm soát: Lo lắng làm cơ thể mất khả năng kiểm soát hành vi nhận thức, vì vậy cơ chế điều khiển xung không hoạt động hiệu quả. Đối với một số người, bứt tóc khiến họ vui thích hoặc hài lòng. Không phải tất cả mọi người đều thực hiện hành vi bứt tóc một cách có ý thức. Nhiều trường hợp là do thói quen vô thức và thậm chí họ không hề chú ý điều gì đang diễn ra.

    Đối phó với chứng nghiện bứt tóc bằng cách nào?

    Hội chứng nghiện giật tóc là một bệnh mạn tính, nhưng ngày nay, đã có nhiều biện pháp hữu hiệu để điều trị và kiểm soát hội chứng này.

    • Liệu pháp thay đổi hành vi: Về cơ bản, liệu pháp này nhằm thay thế những thói quen không tốt bằng những thói quen khác không có hại. Khi được điều trị bằng liệu pháp này, trước hết những người bị hội chứng nghiện bứt tóc sẽ ghi lại những trải nghiệm hành vi của mình. Sau đó, họ được học cách thư giãn và thực hiện một số hành vi khác vô hại nhưng giúp giảm căng thẳng.

    • Nắm chặt tay: Nhiều người có thói quen nhổ tóc khi tay không hoạt động hoặc trong trạng thái thư giãn. Vì vậy, người hay nhổ tóc được khuyên là nên nắm chặt hoặc không duỗi bàn tay mà họ thường dùng bứt tóc để hạn chế hành vi của mình.

    • Luyện tập suy nghĩ tích cực: Những suy nghĩ tiêu cực về bản thân có thể dẫn đến hành vi bứt tóc do tâm lý lo lắng và căng thẳng. Liệu pháp điều trị cũng có thể tập trung giải quyết những suy nghĩ không hữu ích, nâng cao lòng tự trọng và sự tự tin để giảm bớt sự thôi thúc hành vi bứt tóc.

    • Sử dụng thuốc điều trị: Dùng thuốc cũng có thể là một phần của chương trình điều trị. Một loại thuốc trị trầm cảm có tên là chất ức chế tái hấp thụ serotonin có chọn lọc (SSRI) có thể hữu ích trong việc giúp kiềm chế các cưỡng chế rất mãnh liệt. Một số loại thuốc chống rối loạn tâm thần không điển hình như olanzapine hoặc aripiprazole đôi khi được sử dụng riêng lẻ hoặc kết hợp với thuốc SSRI.

    Để phòng ngừa thói quen bứt tóc, bạn cần học cách giải tỏa và kiểm soát căng thẳng. Đồng thời, hãy duy trì những thói quen lành mạnh như tập thể dục, ngồi thiền để cơ thể khỏe mạnh và giảm bớt những suy nghĩ tiêu cực.

    Bạn nên học cách chấp nhận rằng giật tóc là một căn bệnh và sớm tìm cách đối phó với căn bệnh này thay vì tự dằn vặt hay trách móc bản thân. Hãy cố gắng lắng nghe bản thân nhiều hơn và thực hiện những thói quen tốt để giảm thiểu những rủi ro của hội chứng nghiện bứt tóc nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Hồng Nhung · Ngày cập nhật: 21/08/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo