backup og meta
Chuyên mục

7

Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Gãy ngón chân

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 30/05/2023

Gãy ngón chân

Nếu ngón chân có dấu hiệu đau nhức, biến dạng và thậm chí có xu hướng máu tụ dưới móng thì có thể bạn đang bị gãy xương ngón chân. Vậy xử trí như thế nào trong trường hợp này, và liệu gãy xương ngón chân bao lâu thì lành?

Đọc ngay bài viết sau để hiểu rõ hơn về dấu hiệu gãy xương ngón chân, cách khắc phục và phòng ngừa hiệu quả.

Tìm hiểu chung

Gãy ngón chân là gì?

Gãy ngón chân là một chấn thương khá phổ biến, xảy ra khi bạn vô tình làm rơi một vật nặng xuống bàn chân hoặc vấp ngón chân mạnh vào một bề mặt cứng như tường, chân bàn…

Thông thường, một ngón chân bị gãy có thể lành lại nhờ cố định với ngón chân bên cạnh. Tuy nhiên, nếu gãy xương ngón chân nghiêm trọng, đặc biệt khi gãy xương ở ngón chân cái, bạn cần phải bó bột hoặc cần phẫu thuật để can thiệp định hình lại cấu trúc xương.

Gãy xương ngón chân bao lâu lành?

Gãy đốt ngón chân bao lâu thì lành hay gãy xương ngón chân út bao lâu thì lành? Hầu hết trường hợp gãy ngón chân đều lành lại trong vòng 4–6 tuần. Đôi khi, vị trí gãy xương có thể bị nhiễm trùng hoặc làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp ở vị trí đó sau này.

Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết

Những dấu hiệu và triệu chứng gãy ngón chân

Các dấu hiệu gãy xương ngón chân bao gồm:

  • Đau đớn
  • Sưng tấy
  • Thay đổi màu sắc da vùng bị thương.

Cụ thể, cảm giác đau nhói ở ngón chân là dấu hiệu đầu tiên cho thấy xương có thể đã bị gãy hay cũng chính là dấu hiệu rạn xương ngón chân. Bạn cũng có thể nghe được tiếng xương gãy ngay tại thời điểm chấn thương xảy ra. Sau đó, hiện tượng sưng tấy, đỏ nóng da sẽ xuất hiện.

dấu hiệu gãy ngón chân

Khi gãy xương, vùng da gần vị trí bị thương có thể bầm tím hoặc thay đổi màu sắc. Bạn cũng gặp khó khăn khi đi, đứng hoặc đặt một vật gì đó lên trên bàn chân. Xương gãy cũng có khi gây trật khớp ngón chân, khiến chúng không còn nằm ở vị trí như bình thường và đây cũng là dấu hiệu gãy ngón chân bạn có thể dễ dàng quan sát bằng mắt thường.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gãy ngón chân là gì?

Chấn thương này thường xảy ra khi bạn làm rơi một vật nặng xuống chân hoặc vấp ngón chân vào một bề mặt cứng. Do đó, đi chân đất (chân trần) là một yếu tố rủi ro lớn, đặc biệt khi di chuyển trong bóng tối hoặc ở nơi không quen thuộc.

Nếu bạn phải vận chuyển những đồ vật nặng mà không mang giày bảo vệ chân, chẳng hạn như một đôi ủng dày, nguy cơ bị chấn thương gây gãy ngón chân sẽ cao hơn.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán gãy ngón chân?

Khi kiểm tra bàn chân, bác sĩ sẽ quan sát khu vực có dấu hiệu đau khi ấn vào ở ngón chân bạn. Vùng da xung quanh vết thương cũng được kiểm tra xem có còn nguyên vẹn hay không, liệu lưu lượng máu cung cấp đến ngón chân và dây thần kinh có bị ảnh hưởng.

Nếu bác sĩ thấy có khả năng cao là ngón chân bị gãy, bạn sẽ được chỉ định đi chụp X-quang bàn chân từ nhiều góc độ khác nhau.

Gãy ngón chân phải làm sao?

1. Sử dụng thuốc

Cơn đau khi xảy ra chấn thương có thể kiểm soát nhờ một số thuốc giảm đau phổ biến như ibuprofen, naproxen hoặc paracetamol. Nếu cơn đau do gãy xương ngón chân khiến bạn không chịu nổi, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc giảm đau có tác dụng mạnh hơn.

2. Nắn xương

Nếu các mảnh xương bị trật đi khỏi vị trí, bác sĩ sẽ gây tê ngón chân bằng nước đá hoặc thuốc tê và nắn chỉnh xương về đúng vị trí ban đầu. Cách điều trị gãy xương này có thể được thực hiện mà không cần phải rạch mở da.

3. Cố định ngón chân

gãy ngón chân út có cần bó bột không

Gãy xương ngón chân cái bao lâu thì lành tùy thuộc vào cách điều trị. Để xương lành lại, ngón chân phải được cố định để các tế bào xương phát triển liền lại với nhau.

  • Cố định ngón chân bị gãy với ngón bên cạnh. Nếu gãy xương nhẹ ở một ngón chân bất kỳ, bác sĩ có thể băng và cố định ngón chân đó vào ngón chân bên cạnh. Các ngón chân không bị thương có vai trò như thanh nẹp để giữ ngón chân bị gãy ở nguyên một vị trí. Bác sĩ sẽ đặt một ít gạc hoặc vải ở giữa các ngón chân trước khi băng cố định lại để tránh gây kích ứng da.
  • Mang một đế giày cứng. Bác sĩ có thể cho bạn mang một đôi giày có đế cứng và phần trên có dây vải buộc các ngón chân lại.
  • Bó bột. Bạn có thể sẽ thắc mắc gãy ngón chân út có cần bó bột không hay gãy ngón chân cái có cần bó bột không? Trường hợp gãy xương ngón chân nghiêm trọng, kể cả ngón chân út hay ngón chân cái thì bác sĩ sẽ cần phải bó bột ngón chân bạn.

4. Phẫu thuật

Một số trường hợp, bác sĩ phẫu thuật và sử dụng ghim, tấm nẹp hay ốc vít để cố định vị trí của xương cho đến khi chúng lành lại.

5. Các biện pháp tại nhà

Chườm lạnh và nâng cao chân bị chấn thương có thể giúp giảm bớt sưng và đau. Nếu sử dụng nước đá để chườm, hãy bọc trong một lớp khăn, không để đá lạnh tiếp xúc trực tiếp với vùng da chấn thương. Mỗi lần chườm khoảng 15 – 20 phút, ngày 3 – 4 lần.

Biến chứng

Gãy ngón chân có nguy hiểm không?

Các biến chứng bạn có thể gặp phải là:

  • Nhiễm trùng. Nếu có vết thương ngoài da nơi gãy xương, nguy cơ nhiễm trùng xương sẽ tăng lên.
  • Thoái hóa khớp. Loại viêm khớp này cũng có nhiều khả năng xảy ra khi gãy xương nằm gần với một khớp nào đó.
  • Phòng ngừa

    phòng ngừa gãy ngón chân

    Bạn có thể phòng ngừa gãy ngón chân như thế nào?

    Chấn thương và tai nạn có thể xảy ra bất ngờ nên không thể phòng tránh hoàn toàn. Thế nhưng, bạn có thể giảm thiểu nguy cơ gãy xương ở ngón chân nhờ một số cách như:

    • Hạn chế mang giày dép không che phủ các ngón chân, chẳng hạn như dép xỏ ngón: Dép xỏ ngón ít hỗ trợ cho bàn chân, gây ra nhiều áp lực cho cơ và xương, đồng thời khiến chân dễ bị tổn thương hơn khi té ngã.
    • Thay giày dép mới khi đế đã mòn: Đế giày bị mòn và trơn sẽ làm tăng khả năng té ngã và chấn thương ở ngón chân. Vì thế, bạn nên kiểm tra chúng thường xuyên.
    • Tăng cường khả năng giữ thăng bằng: Hoạt động thể chất thường xuyên, luyện tập tăng cường sức mạnh cơ bắp và các bài tập giữ thăng bằng để giảm thiểu té ngã, chấn thương.

    Chăm sóc và điều trị gãy ngón chân đúng cách sẽ giúp bạn phòng ngừa những biến chứng nghiêm trọng hơn có thể xảy ra. Hãy đến cơ sở y tế gần nhất nếu bạn nghi ngờ gãy ngón chân với các dấu hiệu như bị gãy, sưng và đau kéo dài nhé.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 30/05/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo