Sử dụng thuốc điều trị gãy xương

Phác đồ điều trị gãy xương không chỉ bao gồm những thủ thuật trên mà còn có cả phương pháp dùng thuốc hỗ trợ. Dựa vào mức độ khó chịu mà triệu chứng gây ra, độ tuổi và sức khỏe tổng thể, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân sử dụng thuốc điều trị gãy xương nào. Một số loại thuốc điều trị gãy xương bao gồm:
Thuốc giảm đau
Gãy xương có thể gây ra các cơn đau kéo dài ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Một số loại thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như paracetamol, có thể giúp giảm bớt sự khó chịu này. Tuy nhiên, thuốc giảm đau không giúp xương lành lại nhanh hơn mà còn tiềm ẩn các tác dụng phụ như buồn nôn, phụ thuộc thuốc, thậm chí gây tổn thương gan. Do đó, cách tốt nhất là người bệnh nên tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc hỗ trợ điều trị gãy xương nào.
Thuốc bổ sung vitamin và khoáng chất
Vitamin và khoáng chất có thể giúp quá trình hồi phục xương gãy diễn ra nhanh hơn bằng cách hỗ trợ cơ thể sản sinh ra các tế bào xương mới. Bác sĩ có thể khuyến nghị người bệnh nên tăng cường bổ sung vitamin D, vitamin C hoặc canxi hàng ngày nếu xét nghiệm máu cho thấy hàm lượng thấp các dưỡng chất này trong cơ thể. Người bệnh có thể hấp thụ vitamin và khoáng chất từ các loại thực phẩm hàng ngày hoặc thuốc bổ sung.
Thuốc đồng hoá
Thuốc đồng hóa chẳng hạn như teriparatide, là một dạng tổng hợp của hormone tuyến cận giáp, làm tăng tốc độ hình thành xương và có thể giúp các vết gãy xương nhanh lành lại. Loại thuốc điều trị gãy xương này có thể tăng tốc độ chữa lành vết gãy bằng cách tăng nồng độ canxi trong máu và kích thích phát triển tế bào xương mới.
Thuốc teriparatide có dạng tiêm và được sử dụng dưới sự giám sát của các bác sĩ, dược sĩ hoặc chuyên viên y tế. Thời gian để thuốc phát huy hiệu quả có thể mất khoảng 6-12 tháng tuỳ theo mức độ nghiêm trọng và vị trí gãy xương.
Tránh dùng thuốc chống viêm
Tình trạng viêm trong thời gian ngắn đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp cơ thể tự phục hồi sau khi gặp chấn thương. Mặc dù các loại thuốc chống viêm không steroid, chẳng hạn như ibuprofen, naproxen và aspirin, có thể giúp giảm đau, ngăn chặn tình trạng viêm nhưng đồng thời cũng gây cản trở quá trình xương gãy lành lại.
Thuốc chống viêm, chẳng hạn như corticosteroid, còn có nguy cơ làm chậm lưu lượng máu và ảnh hưởng đến quá trình liền xương. Các bác sĩ khuyến nghị người bệnh không nên tự ý sử dụng các loại thuốc chống viêm để hỗ trợ điều trị gãy xương.
Gãy xương đòi hỏi quá trình điều trị kịp thời, đúng cách. Nếu không hiểu biết hay chủ quan trong vấn đề chữa trị, phục hồi sau gãy xương có thể dẫn đến các biến chứng, dị tật không mong muốn. Do đó, để việc điều trị đạt kết quả tốt, người bệnh cần tuân thủ phương pháp điều trị gãy xương của bác sĩ, không được tự ý vận động mà không có sự đồng ý của bác sĩ. Hơn nữa, người bệnh cũng cần nghỉ ngơi, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng và sử dụng các thiết bị hỗ trợ khi di chuyển, tránh dồn lực lên ổ gãy sớm khi chưa được phép để quá trình hồi phục diễn ra nhanh hơn. Ngoài ra, khi phát hiện các dấu hiệu bất thường, bạn cần đi khám để có biện pháp điều trị tốt nhất.
Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về các phương pháp cũng như các loại thuốc hỗ trợ điều trị gãy xương hiện nay.
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!