Bệnh viện Từ Dũ là một bệnh viện đầu ngành trong lĩnh vực sản phụ khoa và điều trị vô sinh hiếm muộn của cả nước. Do đó, mỗi ngày bệnh viện đón hàng nghìn lượt bệnh nhân, thai phụ từ khắp nơi đến thăm khám.
Bài viết sau sẽ hướng dẫn bạn cách đăng ký khám dịch vụ tại bệnh viện và nghe chia sẻ kinh nghiệm đi khám thai, chữa vô sinh hiếm muộn từ các độc giả của Hello Bacsi.
Đôi nét về Bệnh viện Từ Dũ
Bệnh viện Từ Dũ là một trong những bệnh viện hàng đầu về sản phụ khoa ở khu vực phía Nam và cả nước. Là một bệnh viện công có uy tín về khám sản phụ khoa và đỡ sinh nên mỗi ngày bệnh viện đón hàng nghìn lượt bệnh nhân khám phụ khoa, thai phụ đến khám thai và sinh nở.
Hiện nay, tại đây có mở thêm hệ thống khám Bảo hiểm Y tế và khám dịch vụ nhằm phục vụ bệnh nhân và các thai phụ tốt hơn. Khoa Hiếm muộn của bệnh viện đã đạt được những thành công trong lĩnh vực điều trị vô sinh hiếm muộn.
Sơ đồ Bệnh viện Từ Dũ
Lịch khám Bệnh viện Từ Dũ
Bệnh viện có 5 cổng gồm: 1 cổng nội bộ chỉ dành cho nhân viên bệnh viện, 4 cổng ở 3 địa chỉ, mỗi địa chỉ có giờ hoạt động riêng, cụ thể như sau:
Cổng 1: 284 Cống Quỳnh, quận 1, TP. HCM
Hoạt động 24/7
Cổng 2 – 3: 227 Cống Quỳnh, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP. HCM
Cổng này dẫn vào khu M của bệnh viện. Tại đây, bệnh viện có tổ chức khám Bảo hiểm Y tế, thời gian khám ở từng khoa cụ thể như sau:
Khoa Chăm sóc trước sinh
- Thứ Hai – Sáu: 7 – 16 giờ 30
- Thứ Bảy, Chủ nhật, ngày lễ, Tết: Nghỉ
Khám Phụ khoa
- Thứ Hai – Sáu: 7 – 16 giờ 30
- Thứ Bảy, Chủ nhật, ngày lễ, Tết: Nghỉ
Khoa Xét nghiệm
- Thứ Hai – Sáu: 7 – 19 giờ
- Thứ Bảy: 7 – 17 giờ
- Chủ nhật, ngày lễ, Tết: Nghỉ
Khoa Hiếm muộn
- Thứ Hai – Sáu: 7 – 17 giờ
- Thứ Bảy: 7 – 16 giờ
- Chủ nhật, ngày lễ, Tết: Nghỉ
Cổng 4: Lương Hữu Khánh, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP. HCM
Đây là cổng nội bộ dành cho nhân viên.
Cổng 5: 191 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP. HCM
Đây là địa chỉ khám dịch vụ Bệnh viện Từ Dũ và nhận đăng ký khám sản phụ khoa qua số tổng đài (028) 1081. Thời gian khám dịch vụ cụ thể như sau:
- Thứ Hai – Sáu: 6 – 18 giờ
- Thứ Bảy: 7 – 16 giờ
- Chủ nhật: 7 – 11 giờ
- Ngày lễ, Tết: Nghỉ
Kinh nghiệm đặt lịch khám dịch vụ Bệnh viện Từ Dũ
Để chủ động và tiết kiệm thời gian hơn trong việc khám phụ khoa, khám thai, bạn có thể đặt lịch khám hẹn giờ, khám dịch vụ Bệnh viện Từ Dũ, thông qua số tổng đài (028) 1081 hoặc (028) 1068. Ngoài ra, bệnh viện có tổ chức khám và chích ngừa cho trẻ thông qua tổng đài 1900 7234.
Việc đặt lịch khám hẹn giờ qua tổng đài giúp bạn không phải chờ đợi như khi đến bệnh viện đăng ký khám thường, khám dịch vụ hay khám Bảo hiểm Y tế.
Quy trình khám chữa bệnh Bệnh viện Từ Dũ
- Khám thường
- Khám dịch vụ
- Quy trình siêu âm
- Các giai đoạn khám thai
Các giai đoạn khám thai tại Bệnh viện Từ Dũ
- Khám kế hoạch hóa gia đình
Thủ tục đăng ký sinh ở Bệnh viện Từ Dũ
Từng hai lần sinh con tại Bệnh viện Từ Dũ, chị Hồng Cúc, 35 tuổi, quận 2, TP. HCM, chia sẻ kinh nghiệm đăng ký sinh ở đây như sau:
Khi có dấu hiệu chuyển dạ, bạn hãy nhanh chóng đến khoa Cấp cứu của bệnh viện tại địa chỉ Khoa sản A, Bệnh viện Từ Dũ, 284 Cống Quỳnh, quận 1, để làm các thủ tục nhập viện chờ sinh. Tại đây, bạn có thể chọn sinh thường hoặc sinh dịch vụ với nhân viên phụ trách. Nhân viên sẽ tư vấn và hướng dẫn cụ thể cách thức đăng ký cũng như biết số tiền viện phí phải đóng tạm ứng là bao nhiêu. Để việc làm thủ tục nhập viện sinh con được thuận lợi, nhanh chóng, bạn cần mang theo một số giấy tờ cần thiết sau:
- Sổ khám thai và các xét nghiệm trong suốt thai kỳ (khám tại bệnh viện này hoặc các nơi khác)
- Hộ khẩu (gốc) hoặc KT3 (nơi chấp thuận cho làm giấy khai sinh)
- Chứng minh nhân dân (gốc) hoặc giấy tờ tùy thân (có dán ảnh)
- Nếu bạn có thẻ Bảo hiểm Y tế và còn thời gian sử dụng, mang theo thẻ Bảo hiểm Y tế (bản chính) cùng 2 bản photo để đối chiếu khi làm thủ tục nhập viện hoặc hình chụp Bảo hiểm Y tếlưu trong điện thoại thông minh
- Giấy chuyển viện theo diện Bảo hiểm Y tế (nếu có).
Chị Hồng Cúc còn nhấn mạnh nếu có dấu hiệu chuyển dạ mà chưa kịp chuẩn bị giỏ đồ đi sinh, bạn cứ đến bệnh viện và đừng lo lắng về việc không có quần áo cho mẹ và bé mặc ngay sau sinh. Kể từ khi vào phòng chờ sinh, bạn sẽ được cấp 1 bộ váy áo/ngày, em bé khi vừa sinh ra cũng được bệnh viện trang bị 1 áo, 1 mũ, tã, vớ tay, vớ chân và 1 khăn bông lớn để quấn bé. Do đó, người nhà của bạn có thể mang đồ vào cho bé và bạn dùng sau.
Về chi phí sinh, chị Hồng Cúc chia sẻ thêm, khi làm thủ tục nhập viện, bạn có thể chọn sinh thường hay sinh dịch vụ. Chi phí sinh thường dao động trong khoảng 2.000.000 đồng. Nếu chọn dịch vụ sinh gia đình (cho người nhà vào cùng khi bạn lên bàn sinh), bạn phải trả mức phí cao hơn là khoảng từ 2.500.000 – 3.000.000 đồng. Các mức phí này chưa bao gồm tiền phòng và tiền công đỡ sinh. Nếu được chỉ định sinh mổ và chọn sinh mổ dịch vụ, bạn nên chuẩn bị số tiền khoảng 15 triệu đồng, trong đó phí sinh mổ khoảng 8 triệu đồng, phần còn lại là chi phí tiền phòng khoảng từ 600.000 – 2.000.000 đồng/sản phụ/ngày.
Khoa Hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ
1. Quy trình khám hiếm muộn của Bệnh viện Từ Dũ
Vừa trông chừng con đang chập chững bước đi trong công viên, chị Kim Hằng, 31 tuổi, quận Thủ Đức, TP. HCM, chia sẻ về kinh nghiệm khám hiếm muộn và điều trị vô sinh ở Từ Dũ với Hello Bacsi: “Mình điều trị hiếm muộn ở Từ Dũ khoảng gần 1 năm thì có tin vui. Khoa Hiếm muộn của Bệnh viện Từ Dũ nằm tại tầng 3, khu khám M, 227 Cống Quỳnh, quận 1. Khi đi khám và điều trị hiếm muộn, các cặp vợ chồng nên mang theo giấy đăng ký kết hôn, chứng minh nhân dân của cả hai kèm bản photo để nhân viên bệnh viện đối chiếu và lưu vào hồ sơ bệnh án”.
Ngoài ra, khi khai thông tin hồ sơ khám và điều trị, bạn cần khai đúng họ tên, năm sinh theo giấy đăng ký kết hôn và chứng minh nhân dân, thời gian vô sinh, nguyên nhân đi khám… Để việc điều trị hiếm muộn sớm đạt kết quả, trong quá trình khám và điều trị, vợ chồng bạn nên tuân thủ đúng các hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ.
Trong quá trình điều trị vô sinh, hiếm muộn, để được làm xét nghiệm tinh trùng (tinh dịch đồ), người chồng phải có kết quả xét nghiệm HIV âm tính và kiêng xuất tinh từ 3 – 5 ngày. Vào ngày lấy tinh dịch, nhân viên bệnh viện sẽ phát lọ đựng, hướng dẫn cách lấy tinh dịch tại phòng lấy bên cạnh phòng Xét nghiệm Nam khoa theo cách sau:
- Trước khi tiến hành lấy tinh dịch, chồng bạn uống nhiều nước và đi tiểu sạch
- Rửa tay và dương vật với nước sạch, không dùng xà bông
- Mở nắp lọ để nắp ngửa trên mặt bàn. Tuyệt đối không chạm vào phía bên trong lọ và mặt trong của nắp lọ
- Lấy tinh dịch bằng cách thủ dâm. Không được dùng bao cao su thông thường, không lấy mẫu bằng cách giao hợp
- Sau khi lấy tinh dịch xong đem đến phòng xét nghiệm ngay.
Lưu ý: Nếu bạn tiến hành lấy tinh dịch ở nhà, lọ tinh dịch cần phải được giữ ấm, đem đến phòng xét nghiệm của bệnh viện trong vòng 1 giờ sau khi lấy.
Chị Hằng chia sẻ tiếp: Sau khi vợ chồng chị Hằng thực hiện đầy đủ các xét nghiệm, việc phân tích tinh dịch đồ của chồng chị có kết quả, bác sĩ chỉ định chị chụp HSG (chụp cản quang tử cung, vòi trứng) nhằm tầm soát các bất thường. Việc chụp HSG được thực hiện khi chị sạch kinh 2 ngày, khoảng thời gian này thường rơi vào ngày thứ 7 của chu kỳ kinh nguyệt. Trước khi chị chụp HSG, bác sĩ khám âm đạo, cổ tử cung, kê toa thuốc kháng sinh, giảm đau cho chị dùng.
Căn cứ vào kết quả HSG của chị, bác sĩ sẽ cho lịch hẹn lần khám kế tiếp và chỉ định làm các xét nghiệm liên quan như FSH, LH, Estradiol, Prolactin, Testosterone… Chị bị tắc vòi trứng nên bác sĩ tư vấn mổ nội soi. Việc đăng ký mổ nội soi và khám tiền mê sẽ tiến hành vào buổi sáng các ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu. Buổi chiều sau khi đăng ký mổ, chị được hội chẩn và nhận lịch mổ. Trước khi mổ, chị sẽ được đo mạch, huyết áp, đo điện tim, hỏi về tiền sử bệnh và khám tổng quát về tim, phổi…
- Người vợ có tử cung, buồng trứng bình thường và một vòi trứng không bị tắc.
- Tinh trùng của người chồng trong giới hạn cho phép.
- Chấp nhận tỷ lệ thành công và các nguy cơ có thể xảy ra (trong tờ Cam kết bơm tinh trùng).
2. Quy trình thụ tinh nhân tạo (IUI)
Một chu kỳ bơm tinh trùng thường bắt đầu vào ngày 2 của chu kỳ kinh nguyệt. Vào ngày 2 hoặc ngày 3 vòng kinh, bạn sẽ được siêu âm kiểm tra tử cung và hai buồng trứng. Nếu tử cung và buồng trứng bình thường, bạn sẽ bắt đầu dùng thuốc kích thích buồng trứng. Nếu là thuốc tiêm, bạn sẽ tiêm thuốc mỗi ngày, tốt nhất trong cùng một thời điểm. Vào ngày 6 – 7 của chu kỳ kinh, bạn sẽ được siêu âm lại, tùy đáp ứng của buồng trứng mà bác sĩ sẽ điều chỉnh thuốc và hẹn ngày siêu âm tiếp theo (siêu âm mỗi ngày hay cách 2 – 3 ngày/lần).
Khi nang noãn đã “chín”, bạn sẽ được tiêm thuốc kích thích trứng rụng (tiêm đúng giờ quy định). Sau khoảng 36 – 40 giờ tiêm thuốc, bạn sẽ được bơm tinh trùng (tinh trùng được lấy trong ngày). Sau khi bơm, bạn nằm nghỉ tại chỗ khoảng 15 phút, rồi ra về, sinh hoạt bình thường song hạn chế làm việc nặng, đặt thuốc hỗ trợ theo toa.
Sau 2 tuần kể từ ngày bơm tinh trùng, bạn trở lại thử máu để biết kết quả. Nếu có thai, bạn sẽ dưỡng thai, tái khám định kỳ tại bệnh viện. Nếu bạn không có thai, vợ chồng bạn được hướng dẫn giao hợp tự nhiên, khoảng 2 – 3 tháng sau quay lại thực hiện chu kỳ bơm tinh trùng kế tiếp.
3. Quy trình thụ tinh ống nghiệm (IVF)
Chia sẻ về việc tại sao chị Hằng không chọn thụ tinh trong ống nghiệm để gia tăng cơ hội mang thai, chị chia sẻ rằng thụ tinh trong ống nghiệm có tỷ lệ thành công cao hơn so thụ tinh nhân tạo song chi phí cũng nhiều hơn. Ngoài ra, để được chỉ định thực hiện phương pháp hỗ trợ sinh sản này, vợ chồng bạn phải có các yếu tố sau:
- Tuổi của người vợ từ 40 tuổi trở lên
- Tắc vòi trứng
- Tinh trùng ít, yếu, dị dạng (không đủ tinh trùng để bơm vào buồng tử cung)
- Không có tinh trùng, phải lấy tinh trùng từ mào tinh, tinh hoàn
- Người vợ từng bơm tinh trùng nhiều lần thất bại…
Để thực hiện phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, vợ chồng bạn đến khoa Hiếm muộn của bệnh viện làm hồ sơ bệnh mới và tiến hành các xét nghiệm sau:
- Khám phụ khoa, Pap, siêu âm
- Xét nghiệm máu cơ bản: GS-Rh, HIV, HbsAg, BW
- Tinh dịch đồ
- Xét nghiệm nội tiết…
Sau khi hoàn tất các xét nghiệm trên và có kết quả trên mức bình thường, vợ chồng bạn nộp đăng ký kết hôn, chứng minh nhân dân kèm bản photo để đối chiếu và nhận lịch hẹn để bắt đầu đợt điều trị.
Vào buổi sáng ngày thứ 2 của chu kỳ kinh, bạn nhịn đói đến bệnh viện và lên tầng 8 (khu vực Thụ tinh trong ống nghiệm) làm thêm một số xét nghiệm tiền mê và khám tiền mê (kiểm tra tổng quát về sức khỏe) để chuẩn bị điều trị. Dựa vào kết quả xét nghiệm, thăm khám, bác sĩ sẽ cho bạn kích thích buồng trứng theo phác đồ phù hợp. Thời gian điều trị thay đổi tùy từng phác đồ, dao động từ 3 – 7 tuần.
Trong thời gian kích thích buồng trứng, bác sĩ theo dõi trứng bằng cách siêu âm nang noãn và xét nghiệm máu (thường từ 3 – 6 lần) và điều chỉnh thuốc tùy vào đáp ứng của mỗi người. Khi trứng đạt yêu cầu, bạn được tiêm hCG để chuẩn bị chọc hút trứng. 36 – 40 giờ sau tiêm, bạn nhịn đói vào buổi sáng, đến bệnh viện để chọc hút trứng. Trong quá trình này, bạn được gây mê nhẹ và gây tê tại chỗ. Sau khi chọc hút trứng, người vợ nằm theo dõi mạch, huyết áp… tại bệnh viện 2 – 3 giờ. Cùng buổi sáng này, người chồng lấy tinh trùng đưa vào phòng lab để chuẩn bị cấy.
Theo kỹ thuật cổ điển, trứng và tinh trùng được hòa trộn trong khay để hình thành phôi theo cách tự nhiên. Song để tránh hiện tượng không thể hình thành phôi, bệnh viện thường áp dụng kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI). ICSI là một kỹ thuật hỗ trợ hiệu quả đối với những người chồng có tinh trùng quá yếu, quá dị dạng hoặc phải lấy tinh trùng từ mào tinh. Phôi được theo dõi trong phòng lab. Chuyển phôi vào buồng tử cung được tiến hành 2 – 3 ngày sau chọc hút trứng. Nếu phôi dư, đạt chất lượng sẽ được trữ lại.
Sau đó, bạn tiếp tục uống và đặt thuốc để hỗ trợ sự làm tổ, phát triển của phôi thai. 2 tuần sau, bạn quay lại bệnh viện thử máu xác định thai.
- Nếu có thai, bạn sẽ được hẹn siêu âm sau 3 tuần kế tiếp.
- Nếu bạn không có thai nhưng còn phôi trữ, bác sĩ sẽ cho bạn dùng phôi trữ để chuyển vào tử cung cho những lần sau.
Bảng giá khám chữa bệnh tại Bệnh viện Từ Dũ
Để có thêm chi tiết về chi phí khám chữa bệnh/xét nghiệm tại bệnh viện, bạn có thể tham khảo tại Bảng giá bệnh viện Từ Dũ.
[embed-health-tool-bmi]