backup og meta

Bạo lực tình dục là gì? Nhận diện các hình thức của bạo lực tình dục

Bạo lực tình dục là gì? Nhận diện các hình thức của bạo lực tình dục

Bạo lực tình dục là một vấn đề nghiêm trọng, có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tinh thần và thể chất của nạn nhân. Không chỉ gây ảnh hưởng đến nạn nhân mà đây còn là một thách thức lớn đối với xã hội trong việc kiểm soát và tìm cách phòng ngừa.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sâu hơn về chủ đề bạo lực tình dục (sexual violence), đồng thời bài viết cũng có đề cập đến những phát hiện quan trọng từ nghiên cứu, nhấn mạnh sự phổ biến và tầm quan trọng của vấn nạn này trong xã hội.

Phụ nữ là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của bạo lực tình dục. Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy, cứ ba phụ nữ thì có một phụ nữ (32%) bị chồng (1) bạo lực thể xác và/hoặc bạo lực tình dục trong đời; đáng chú ý, 4,4% phụ nữ cho biết họ từng bị lạm dụng tình dục trước tuổi 15.

Bạo lực tình dục là gì?

Bạo lực tình dục hay bạo hành tình dục (sexual violence) là một thuật ngữ nghĩa rộng, được sử dụng để chỉ những hành vi liên quan đến ép buộc, đe dọa và/hoặc thao túng người khác tham gia vào các hoạt động tình dục mà không có sự đồng thuận của họ.

Theo định nghĩa của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), bạo hành tình dục là các hành vi tình dục diễn ra ngoài mong đợi và không có sự đồng thuận. Ví dụ như, hiếp dâm, hãm hiếp, quấy rối tình dục, xâm hại tình dục… Bạo hành tình dục có thể xảy ra với bất kỳ ai, bất kể tuổi tác, giới tính, chủng tộc cũng như tôn giáo.
Bạo lực tình dục và cách nhận diện
Định nghĩa, khái niệm bạo lực tình dục (sexual violence) là gì.

Các hình thức bạo lực tình dục

Cần hiểu rõ bạo lực tình dục thể hiện quyền lực và sự kiểm soát đối với nạn nhân, đó không phải là tình yêu hay tình dục đúng nghĩa, bất kể người thực hiện hành vi là ai. Có nhiều hình thức bạo hành tình dục diễn ra trong các hoàn cảnh khác nhau, chẳng hạn:

Theo Tổ chức Rape Crisis England & Wales (RCEW) – Tổ chức phòng chống nạn hiếp dâm Xứ Wales, Anh Quốc, liệt kê, các hình thức được xem là bạo lực tình dục bao gồm:

  • Quấy rối tình dục (Sexual harassment): Hành vi quấy nhiễu có tính chất tình dục không mong muốn, gây khó chịu, tổn thương và ảnh hưởng đến nhân phẩm của người khác.
  • Lạm dụng tình dục (Sexual abuse): hành vi mang tính lợi dụng, có liên quan đến tình dục của người này đối với người khác.
  • Tấn công tình dục: Hành vi xâm phạm cơ thể, bao gồm cả việc cưỡng hiếp hoặc ép buộc quan hệ.
  • Cưỡng bức tình dục trong hôn nhân: Quan hệ tình dục không có sự đồng thuận, ngay cả trong mối quan hệ vợ chồng.
  • Loạn luân (Incest): Hành vi quan hệ tình dục với một thành viên trong gia đình mà không có sự đồng ý và mong muốn của họ, hành vi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần và nhân phẩm của đối phương.
  • Tọc mạch, theo dõi: Nhìn ai đó thực hiện các hoạt động riêng tư mà họ không biết hoặc không cho phép.
  • Một số tình huống khác: Phô bày bộ phận sinh dục cho người mà không có sự đồng ý của họ, lén lút theo dõi người khác, thủ dâm nơi công cộng, bị lạm dụng tình dục bởi các chuyên gia y tế, lạm dụng tình dục người khuyết tật, hiếp dâm tù nhân, ép buộc phá thai
Nhìn chung, bất kỳ hành động hoặc hành vi nào có liên quan đến tình dục mà không được sự đồng ý của đối phương thì sẽ được cho là bạo lực tình dục, mặc dù sự đánh giá tính nghiêm trọng của vấn đề và mức án xử phạt sẽ khác nhau ở mỗi quốc gia.

Bạo lực tình dục có thể xảy ra với đối tượng nào?

Bạo lực tình dục có thể xảy ra với bất cứ ai, bất kể độ tuổi, giới tính, tầng lớp xã hội và ở bất kỳ tôn giáo hay quốc gia nào. Tuy nhiên, sẽ có một số nhóm đối tượng có nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo hành tình dục bao gồm:

  • Những người trẻ tuổi từ 18 – 34 tuổi (54%)
  • Phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là các bé gái (82% nạn nhân vị thành niên là nữ. 90% nạn nhân bị hiếp dâm là phụ nữ.
  • Người khuyết tật, đặc biệt là phụ nữ khuyết tật: Dễ bị lợi dụng do hạn chế về thể chất và khả năng tự vệ.
  • Cộng đồng LGBTQ+: Thường trở thành mục tiêu của bạo hành tình dục vì định kiến xã hội. 
Mặc dù tỷ lệ bị bạo lực tình dục ở nhóm đối tượng nam giới và các bé trai là thấp, nhưng điều đó không có nghĩa là họ ít có nguy cơ trở thành nạn nhân của vấn nạn này; thậm chí nam giới có thể đã là nạn nhân nhưng họ ít khi báo cáo vì sợ rằng bản thân không nhận được sự thông cảm từ xã hội.
Bạo hành tình dục và cách nhận diện
Phần lớn nạn nhân của bạo hành tình dục (bạo lực tình dục) thuộc nhóm người dưới 30 tuổi
Đàn ông và trẻ em trai cũng không ngoại lệ

Nguyên nhân dẫn đến bạo lực tình dục là gì?

Tại sao bạo lực tình dục lại xảy ra? Trên thực tế, có rất nhiều lý thuyết tâm lý học có thể được sử dụng để chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến vấn nạn bạo lực tình dục. Cần nhấn mạnh rằng, kể cả nguyên nhân là gì thì hành vi bạo lực tình dục vẫn là một hành vi cần phải lên án và không thể bào chữa. Việc hiểu được các yếu tố cấu thành nên hành vi gây hại này, sẽ giúp chúng ta phòng ngừa cũng như nhận biết để tránh trở thành nạn nhân trong các tình huống nguy hiểm.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho biết, các yếu tố được cho là có ảnh hưởng đến một người, làm nảy sinh hành vi bạo lực tình dục đến từ 3 cấp độ bao gồm cá nhân, gia đình và môi trường xã hội.

Ở cấp độ cá nhân, các yếu tố có thể ảnh hưởng bao gồm:

  • Trình độ học vấn thấp.
  • Có thể từng có hành vi ngược đãi trẻ em hoặc bạo hành hôn nhân trong quá khứ.
  • Người có xu hướng gây hấn, thường dùng vũ lực để đối phó, phản ứng với các vấn đề.
  • Có suy nghĩ, định kiến về phân biệt giới tính: nữ giới bị coi nhẹ hơn so với nam giới.
  • Người lạm dụng rượu và ma túy, gây suy giảm khả năng kiểm soát hành vi và tăng nguy cơ bạo lực.

Xét ở cấp độ gia đình, những người sinh sống cùng bao gồm bố mẹ, anh chị em ruột của một người và cả những người chung sống tại cùng một địa điểm có thể là ông bà hoặc cô, chú…

  • Nam trong gia đình thường nắm quyền kiểm soát.
  • Tiền sử tiếp xúc với bạo lực trong gia đình của chính họ.
  • Các vấn đề về hôn nhân của cha mẹ như: Ly dị hoặc thường xuyên bất hoà, cãi nhau, không hài lòng…
  • Cha mẹ, con cái và các thành viên thường không biết cách nói chuyện, thảo luận dẫn đến căng thẳng và sẽ sử dụng bạo lực như một phương thức quyết định vấn đề hoặc giải tỏa.

Cuối cùng, các yếu tố đến từ môi trường, xã hội bao gồm:

  • Định kiến về việc nam giới được quyền kiểm soát tình dục.
  • Luật pháp còn thiếu hỗ trợ dành cho nạn nhân của bạo lực tình dục.
Như vậy, có thể thấy rằng, rất nhiều yếu tố đến từ các góc độ khác nhau đã góp phần hình thành và duy trì hành vi bạo lực tình dục trong xã hội.

Nạn nhân của bạo lực tình dục có thể gặp phải những vấn đề gì?

Theo Tổ chức Chống bạo lực tình dục Quốc gia – RAINN, nạn nhân của bạo tình dục có thể sẽ đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe tinh thần và cả sức khỏe thể chất; thậm chí có thể khiến nạn nhân mắc phải tình trạng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD), tăng nguy cơ bị trầm cảm hay thậm chí là còn khiến nạn nhân nảy sinh ý định tự tử.

Tác động đối với nạn nhân của bạo hành tình dục:

  • 13 – 33% phụ nữ bị cưỡng hiếp có ý định tự tử.
  • 94% phụ nữ bị cưỡng hiếp có triệu chứng của chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) trong vòng hai tuần sau khi bị cưỡng hiếp.
  • Khoảng 70% nạn nhân bị hiếp dâm hoặc tấn công tình dục phải chịu đựng sự đau khổ từ trung bình đến nghiêm trọng, mức độ tác động này cao hơn bất kỳ tội phạm bạo hành nào khác gây ra.
  • Những người bị xâm hại tình dục sẽ có nhiều khả năng sử dụng ma túy cao gấp 3 – 10 lần, bao gồm cần sa, cocaine và một số chất gây nghiện khác.
  • Nạn nhân có nguy cơ mang thai ngoài ý muốn và mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs).
  • Nạn nhân của bạo hành tình dục gặp nhiều khó khăn hơn trong việc thiết lập mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp và người thân trong gia đình.
Nạn nhân của sexual violence phải gánh chịu rất nhiều hậu quả nghiêm trọng từ thể chất cho đến tinh thần. Thậm chí những tác động này còn có thể để lại sang chấn và kéo dài đến hết phần đời còn lại của nạn nhân.

Làm thế nào để phòng ngừa nạn bạo lực tình dục?

Theo CDC và WHO, để phòng ngừa bạo lực tình dục, trước hết chúng ta cần phải xác định và giải quyết các vấn đề gốc rễ và các yếu tố nguy cơ khiến một người có thể trở thành nạn nhân hoặc trở thành thủ phạm.

Dưới đây là danh sách các phương án mà chúng ta có thể làm để phòng ngừa bạo lực tình dục sự gợi ý của CDC và WHO:

Ở mức độ cá nhân:

  • Mỗi cá nhân cần có thái độ chủ động trong việc tìm hiểu, thực hành bình đẳng giới.
  • Tăng cường an ninh cá nhân: Tránh những nơi vắng vẻ, giữ liên lạc với bạn bè hoặc gia đình khi đi một mình.
  • Tham gia các hoạt động, lớp học nhằm nâng cao tính tự trọng của chính mình, tránh việc cần thiết sử dụng đến bạo lực để chứng mình giá trị của bản thân.
  • Khi thấy bản thân có những thôi thúc về hành vi bạo lực hoặc từng thực hiện chúng thì tìm đến sự hỗ trợ của các chuyên gia tâm lý để làm việc với chủ đề này.
  • Nâng cao nhận thức để nhận biết khi bản thân là nạn nhân của bạo và có những liên hệ, báo cáo sớm nhất tới các nguồn hỗ trợ.

Ở mức độ gia đình, với vị trí và vai trò là cha mẹ, chúng ta có thể thực hiện một số biện pháp phòng tránh nguy cơ hình thành hành vi không phù hợp hay bạo lực ở các con:

  • Thực hành bình đẳng giới trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
  • Đảm bảo giao tiếp trong gia đình được thông suốt giữa cha mẹ và giữa các thế hệ, thường xuyên trao đổi, thảo luận các vấn đề để thống nhất các cách giải quyết, tránh việc xung đột leo thang, nguy cơ xảy ra bạo lực.

Và cuối cùng, ở mức độ xã hội, cần tăng cường những yếu tố sau:

  • Huấn luyện các kỹ năng phòng ngừa bạo lực tình dục, cụ thể là các kỹ năng nhận diện mối quan hệ lành mạnh, hướng đến tình dục an toàn.
  • Giáo dục nâng cao nhận thức: Nâng cao hiểu biết về các quyền cá nhân và cách bảo vệ bản thân khỏi các tình huống có nguy cơ.
  • Kiến tạo môi trường an toàn, lành mạnh: Tăng cường thiết lập và áp dụng các chính sách giám sát nơi trường học và nơi làm việc, nhằm bảo vệ mọi người khỏi vấn nạn bạo lực tình dục.
  • Quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho nạn nhân được bày tỏ và kêu gọi sự giúp đỡ khi trở thành nạn nhân, đồng thời trừng phạt những đối tượng là thủ phạm.
Không nên giữ im lặng nếu bạn chứng kiến hoặc biết về một hành vi bạo lực tình dục. Hãy mạnh dạn lên tiếng và thông báo với cơ quan chức năng để bảo vệ nạn nhân và ngăn chặn hành vi này tái diễn.

Cần làm gì khi bị bạo lực tình dục?

Theo khuyến nghị của Tổ chức Bảo vệ trẻ em – Kids Help Phone, nếu gặp phải tình huống bạo lực tình dục bạn nên thực hiện các hành động sau:

  • Báo ngay với mọi người tại nơi làm việc hoặc các cấp chính quyền gần nhất có thẩm quyền trong các tình huống nguy hiểm hoặc có nguy cơ đe dọa, làm tổn hại bản thân.
  • Yêu cầu đối tượng dừng lại một cách bình tĩnh, kiên quyết, đồng thời sẵn sàng tự vệ để bảo vệ bản thân. (Đối với trẻ em, cha mẹ hướng dẫn con cách liên lạc và cầu cứu nếu con rơi vào bất kỳ tình huống nguy hiểm nào).
  • Bảo vệ bản thân bằng cách giữ bình tĩnh và ghi nhận lại toàn bộ thông tin và hành vi quấy rối của đối tượng. Viết mô tả chi tiết về (các) sự việc bao gồm những gì đã xảy ra, xảy ra ở đâu, khi nào và có nhân chứng nào không. Nếu bạn có bất kỳ tin nhắn văn bản hoặc ảnh chụp màn hình, video về (các) sự cố, hãy lưu chúng lại.
  • Nhờ sự giúp đỡ từ bạn bè, người thân, người bạn tin tưởng để được hỗ trợ bảo vệ bản thân cho đến khi đối tượng bị khống chế.
  • Tìm kiếm sự hỗ trợ y tế: Khám sức khỏe để xác định mức độ tổn thương và phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục, nếu tình huống không mong muốn đã xảy ra.
Nếu bạn cảm thấy không an toàn, việc thay đổi môi trường sống, nơi làm việc hoặc nơi học tập là một giải pháp hữu hiệu mặc dù chỉ mang tính tạm thời. Ngoài ra, bạn vẫn cần tìm đến sự hỗ trợ từ người thân hoặc các cơ quan chức năng để giải quyết tận gốc của vấn đề.

Cần làm gì khi bị bạo lực tình dục?

Các câu hỏi thường gặp

Biểu hiện hành vi của bạo lực tình dục là gì?

Hiếp dâm, cưỡng ép người kia đồng ý quan hệ tình dục, quấy rối tình dục, tấn công tình dục đối với bạn tình hoặc thậm chí là loạn luân, cố ý để lộ bộ phận sinh dục hoặc cơ thể khỏa thân trước mặt người khác.

Nếu nhận được liên hệ từ nạn nhân bị bạo lực tình dục thì tôi nên làm gì?

Trước hết, bạn cần lắng nghe họ toàn tâm toàn ý, bày tỏ sự đồng cảm, không phán xét, không chỉ trích và cũng không cần đưa ra bất kỳ lời khuyên gì trong tình huống này. Nếu được bạn hãy hỗ trợ họ tìm đến các cơ quan chức năng, bệnh viện hoặc các nơi cung cấp dịch vụ tham vấn và trị liệu tâm lý

Điều quan trọng bạn cần nhớ đó là, việc họ tìm đến bạn để bày tỏ cho bạn nghe chứng tỏ đối với họ, bạn là một người an toàn và đáng tin cậy.

Quấy rối tình dục, tấn công tình dục và bạo lực tình dục khác nhau như thế nào?

  • Quấy rối tình dục (sexual harassment) là các hành vi bằng lời nói, bằng hành động có tính chất tình dục mà đối phương không mong muốn.
  • Tấn công tình dục (sexual assault) là thuật ngữ để đề cập đến hành vi cố ý tiếp xúc tình dục và chạm vào cơ thể của người khác mà không có sự đồng ý của họ (dùng vũ lực, đe dọa, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ…
  • Bạo lực tình dục (sexual violence): Đây là thuật ngữ bao gồm tất cả các thuật ngữ còn lại như quấy rối tình dục, lạm dụng tình dục, xâm hại tình dục, tấn công tình dục…

Kết luận

Bạo lực tình dục là hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền con người, gây tổn thương sâu sắc cả về thể chất lẫn tinh thần nạn nhân. Việc chủ động tìm hiểu kiến thức về vấn nạn bạo lực tình dục là bước đầu để bạn tự bảo vệ bản thân mình cũng như góp phần nâng cao ý thức của bản thân và cộng đồng. 

Một số lưu ý cuối mà bạn nên nhớ đó là, hãy luôn cẩn trọng, đề cao cảnh giác, tôn trọng ranh giới cá nhân của bản thân cũng như của người khác, sẵn sàng lên tiếng và dũng cảm bảo vệ nạn nhân trước tình huống bạo hành tình dục.

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

What is Sexual Violence?
https://www.nsvrc.org/sites/default/files/Publications_NSVRC_Factsheet_What-is-sexual-violence_1.pdf
Truy cập ngày: 25.11.2024

What is sexual violence? | Rape Crisis England & Wales
https://rapecrisis.org.uk/get-informed/about-sexual-violence/what-is-sexual-violence/
Truy cập ngày: 25.11.2024

Types of Sexual Violence | RAINN
https://rainn.org/types-sexual-violence
Truy cập ngày: 25.11.2024

Sexual violence – Australian Institute of Health and Welfare
https://www.aihw.gov.au/family-domestic-and-sexual-violence/types-of-violence/sexual-violence#data
Truy cập ngày: 25.11.2024

Violence against women
https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/violence-against-women

Truy cập ngày: 25.11.2024

About Sexual Violence
https://www.cdc.gov/sexual-violence/about/index.htm
Truy cập ngày: 25.11.2024

Sexual Violence Prevention | CDC
https://www.cdc.gov/sexual-violence/prevention/index.html
Truy cập ngày: 25.11.2024

Victims of Sexual Violence: Statistics | RAINN
https://rainn.org/statistics/victims-sexual-violence
Truy cập ngày: 25.11.2024

Sexual Violence and Missing and Murdered Indigenous Women | RAINN
https://rainn.org/news/sexual-violence-and-missing-and-murdered-indigenous-women
Truy cập ngày: 25.11.2024

Violence Info – Sexual violence
https://apps.who.int/violence-info/sexual-violence/
Truy cập ngày: 25.11.2024

Strategy Summary: Relationship Skills Strengthened
https://www.unwomen.org/sites/default/files/Headquarters/Attachments/Sections/Library/Publications/2020/RESPECT-implementation-guide-Strategy-summary-Relationship-skills-strengthened-en.pdf
Truy cập ngày: 17.12.2024

Phiên bản hiện tại

17/12/2024

Tác giả: Phong Huỳnh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Dương Thị Thùy Dung

Cập nhật bởi: Phong Huỳnh


Bài viết liên quan

Sức khỏe tâm thần là gì? Tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần

Quấy rối tình dục là gì? Nhận diện các hình thức quấy rối tình dục (Sexual Harassment)


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Dương Thị Thùy Dung

Tâm thần · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Phong Huỳnh · Ngày cập nhật: 4 tuần trước

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo