backup og meta

Virus HIV tấn công hệ thống miễn dịch như thế nào?

Virus HIV tấn công hệ thống miễn dịch như thế nào?

Virus HIV tấn công vào các tế bào quan trọng của hệ miễn dịch, làm suy yếu hệ thống phòng thủ, từ đó làm cho cơ thể dễ mắc một số bệnh  nguy hiểm.

HIV tấn công và phá huỷ các tế bào quan trọng của hệ miễn dịch, gọi là tế bào lympho T-CD4. Một người bị nhiễm virus HIV có thể không nhận thấy các triệu chứng trong nhiều năm, nhưng virus vẫn tiếp tục nhân lên và  làm giảm số lượng các tế bào của hệ miễn dịch. Nếu không có các tế bào này (để tiêu diệt những tế bào đã bị nhiễm các loại vi trùng), cơ thể sẽ dễ gặp phải một số bệnh lý nguy hiểm.

Mỗi ngày, cơ thể bạn sản xuất hàng triệu tế bào T-CD4 để giúp duy trì hệ miễn dịch và chống lại các virus, vi trùng xâm nhập. Một khi bị nhiễm HIV, virus sử dụng tế bào T-CD4 để nhân lên sau đó phả huỷ chính tế bào đó và tiếp tục xâm nhập vào tế báo T-CD4 khác, làm suy yếu dần hệ thống miễn dịch của cơ thể.

Nhiễm HIV thường được chia thành ba giai đoạn, thời gian dài hay ngắn tùy thuộc vào cách virus HIV ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của bạn: nhiễm cấp tính, nhiễm tiềm ẩn trên lâm sàng, giai đoạn hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS).

Giai đoạn nhiễm virus HIV cấp tính

virus hiv cần được xét nghiệm để phát hiện

Trong vòng 2-4 tuần sau khi nhiễm HIV, nhiều người – nhưng không phải tất cả – có biểu hiện các triệu chứng giống như cúm, đó là phản ứng tự nhiên của cơ thể với nhiễm HIV, bao gồm sốt, sưng hạch, đau họng, phát ban, đau cơ và đau khớp và đau đầu. Trong giai đoạn đầu bị nhiễm virus, một lượng lớn virus sẽ được nhân lên trong cơ thể của bạn. Cơ thể của bạn phản ứng bằng cách sản xuất các kháng thể chống lại virus HIV và các tế bào lympho gây độc tế bào (tế bào T tìm và tiêu diệt virus hay vi khuẩn xâm nhập). Do đó, số lượng HIV trong máu sẽ giảm đáng kể và số lượng tế bào T-CD4 phục hồi nhẹ.

Trong giai đoạn nhiễm HIV cấp tính, người bị nhiễm HIV có nguy cơ lây rất cao cho bạn tình hoặc người sử dụng chung kim tiêm bởi vì lượng HIV trong máu lúc này rất cao. Vì vậy, thực hiện các bước để giảm nguy cơ lây truyền là rất quan trọng.

Giai đoạn tiềm ẩn: virus HIV tiếp tục nhân lên nhưng không biểu hiện triệu chứng

điều trị giúp giữ tải lượng virus hiv ở dưới ngưỡng phát hiện

“Tiềm ẩn” là khoảng thời gian virus đang sống hay phát triển ở một người nhưng không gây ra các triệu chứng, hoặc chỉ những triệu chứng nhẹ vì sự nhiễm virus chưa có khả năng gây ra bất kỳ triệu chứng hoặc biến chứng nào khác.

Giai đoạn thứ hai của nhiễm virus HIV có thời gian trung bình là 10 năm đối với những người không điều trị ART. Nếu bạn điều trị ART, bạn có thể sống với HIV ở giai đoạn tiềm ẩn lâm sàng trong nhiều thập kỷ, vì điều trị giúp giữ lượng virus trong giới hạn. Mặc dù có mặt với số lượng rất nhỏ trong máu, HIV hoạt động tích cực trong hệ thống bạch huyết của cơ thể bạn.

Nếu bạn nhiễm virus HIV và không được điều trị ART, lượng virus sẽ bắt đầu tăng lên và số lượng CD4 bắt đầu suy giảm. Khi điều này xảy ra, bạn sẽ bắt đầu có những triệu chứng toàn thân do lượng virus HIV tăng lên trong cơ thể.

Tuy nhiên, trong giai đoạn này những người có HIV vẫn có khả năng lây truyền virus cho một người khác, ngay cả khi đã được điều trị ART.

Giai đoạn biểu hiện Hội chứng Suy giảm Miễn dịch Mắc phải (AIDS)

Theo thời gian, virus HIV phá hủy hệ thống miễn dịch của bạn. Nếu tải lượng virus bắt đầu tăng ngày càng cao, hệ thống miễn dịch sẽ suy giảm.

Tình trạng của bệnh nhân bước sang một giai đoạn nặng hơn. Các triệu chứng của giai đoạn muộn khi nhiễm virus HIV này bao gồm: sụt cân nhanh, suy giảm trí nhớ, sốt tái phát và tiêu chảy kéo dài hơn một tuần.

Nếu bạn điều trị thuốc kháng HIV không hiệu quả hoặc không được điều trị, hệ thống miễn dịch sẽ bắt đầu xấu đi một cách nhanh hơn. Trong thời gian này, nhiễm trùng cơ hội ngày càng trở nên dễ xảy ra. Đối với những người có hệ miễn dịch bình thường, việc nhiễm trùng sẽ không gây vấn đề gì,. Tuy nhiên, đối với những người có hệ miễn dịch suy yếu, chúng có thể trở nên rất nguy hiểm. Tuy các bệnh nhiễm trùng được điều trị, nhưng sự tiến triển của bệnh không thể dừng lại.

AIDS

Đây là giai đoạn nặng nhất của nhiễm virus HIV, xảy ra khi hệ thống miễn dịch của bạn bị hư hỏng nặng và bạn dễ dàng bị các nhiễm trùng cơ hội. Số lượng tế bào T-CD4+ lúc này giảm đáng kể và lượng virus tăng rõ rệt. Khi lượng tế bào T-CD4+ trong cơ thể giảm xuống dưới 200 tế bào trên mỗi milimét khối máu và người đó được chẩn đoán nhiễm HIV giai đoạn lâm sàng 4 (như bị lao, ung thư và viêm phổi), HIV đã tiến triển đến Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS).

Một khi HIV tiến triển thành AIDS, người bệnh có nhiều nguy cơ tử vong cao. Nếu không điều trị, những người tiến triển đến AIDS thường chỉ sống được khoảng 3 năm. Tuy nhiên, nếu được điều trị ART hiệu quả thì vẫn có thể phục hồi lại hệ thống miễn dịch và kéo dài thời gian sống.

AIDS là giai đoạn cuối và nặng, do virus gây suy giảm miễn dịch ở người gây ra và làm tổn thương hệ thống miễn dịch của cơ thể. Những người bị nhiễm virus HIV hoặc bất cứ ai có nguy cơ nhiễm virus này đều đáng nhận được sự đồng cảm và hỗ trợ.

Mẹo giúp tăng cường hệ miễn dịch cho người bị nhiễm virus HIV

Đối với bệnh nhân HIV trong quá trình điều trị, việc cố gắng duy trì một sức khỏe và hệ miễn dịch tốt là điều rất quan trọng. Người bệnh có thể tăng cường hệ miễn dịch bằng các biện pháp tự nhiên như xây dựng một lối sống lành mạnh và chế độ dinh dưỡng hợp lý.

lối sống lành mạnh chống lại tác hại của virus hiv

Từ bỏ thuốc lá

Khói thuốc lá sẽ tiêu diệt các tế bào bạch cầu và các enzyme khác nhau trong máu, cộng hưởng với virus HIV làm suy yếu hệ miễn dịch. Hút thuốc trong một thời gian dài có thể dẫn đến khó thở và sau đó làm giảm oxy trong máu. Kết quả là các tế bào bạch cầu không hoạt động hiệu quả và hệ miễn dịch suy yếu.

Hạn chế căng thẳng

Khi gặp căng thẳng, tuyến thượng thận sẽ sản xuất ra 2 hormone chống lại stress là epinephrine và cortisol. Trong khi căng thẳng cấp tính giúp tăng cường hệ miễn dịch tạm thời, căng thẳng kéo dài lại làm suy yếu hệ miễn dịch, không có lợi cho người nhiễm virus HIV.

Tâm lý căng thẳng thường làm tăng nguy cơ bị cảm lạnh và nhiễm một số virus khác. Do đó, cần hạn chế để căng thẳng ảnh hưởng đến cuộc sống của mình.

Ngủ ngon

Giấc ngủ là thời điểm tuyệt vời để mọi người phục hồi năng lượng. Thiếu ngủ kích hoạt các phản ứng căng thẳng, khiến chức năng miễn dịch suy giảm và làm gia tăng các hoạt chất gây viêm trong cơ thể.

Do đó, bệnh nhân HIV rất nên đảm bảo những giấc ngủ ngon cũng như ngủ đủ giấc. Có thể tập thể dục nhẹ, thư giãn trước khi ngủ bằng cách nghe nhạc hay thiền.

Giao tiếp, chia sẻ với mọi người

Thông thường, những người có cuộc sống xã hội phong phú dễ có sức khỏe tốt và tuổi thọ dài hơn những người sống khép kín.

Dù mang virus HIV, bạn không cần tự ti với căn bệnh mình mắc phải. Bạn cần can đảm bước ra ngoài và chia sẻ câu chuyện của bạn với người khác. Cách đơn giản nhất là tìm một tổ chức xã hội, nơi có rất nhiều người đồng cảnh ngộ. Bạn sẽ có thêm được nhiều kiến thức và những người bạn để sẻ chia.

Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục

Một chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh bao gồm nhiều trái cây, rau quả, ngũ cốc nguyên hạt và protein. Nó giúp giữ cho hệ miễn dịch của bệnh nhân HIV ở trạng thái tốt nhất, nhờ cung cấp đầy đủ năng lượng và nhiều chất dinh dưỡng, góp phần ngăn ngừa các nguyên nhân gây bệnh khác.

Cùng với chế độ ăn uống, người bệnh nên duy trì một chế độ tập luyện thể dục, thể thao, có thể trao đổi với bác sĩ về các bài tập phù hợp. Đi bộ, đạp xe, bơi lội, thể dục nhịp điệu, yoga được xem là những bài tập phù hợp cho người mới bắt đầu.

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

HOW HIV INFECTS THE BODY AND THE LIFECYCLE OF HIV

https://www.avert.org/about-hiv-aids/how-infects-body

Ngày truy cập: 21/062021

HIV (Human Immunodeficiency Virus) Infection

https://www.peacehealth.org/medical-topics/id/hw151408

Ngày truy cập: 21/062021

The immune response to AIDS virus infection: good, bad, or both?

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC362127/

Ngày truy cập: 21/062021

HIV Does Early, Lasting Damage to Immune System

https://www.amfar.org/hiv-does-early-lasting-damage-to-immune-system/

Ngày truy cập: 21/062021

Immunology and HIV

http://www.biology.arizona.edu/immunology/tutorials/aids/hivimmune.html.

Ngày truy cập: 01/12/2016

Ref Virology and immunology

http://www.itg.be/internet/e-learning/written_lecture_eng/Ref_Virology_and_immunology.pdf.

Ngày truy cập: 01/12/2016

Phiên bản hiện tại

22/06/2021

Tác giả: Thạc sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Văn Hoàn

Cập nhật bởi: Phó Ngọc Trinh


Bài viết liên quan

Xét nghiệm HPV

HIV có lây qua nước bọt không?


Tác giả:

Thạc sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Văn Hoàn

Bệnh truyền nhiễm · Đại học Y dược Hải Phòng


Ngày cập nhật: 22/06/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo