Xét nghiệm bệnh lậu là cách duy nhất để biết bạn có bị nhiễm lậu hay không một cách chính xác. Những người hay quan hệ tình dục nên kiểm tra thường xuyên. Các xét nghiệm bệnh lậu thường an toàn, không đau và rất nhanh chóng.
Chẩn đoán bệnh lậu
Vi khuẩn N. gonnorrhoea gây ra bệnh lậu được xác định bằng cách lấy mẫu trên môi trường chọn lọc. Bác sĩ lấy một miếng gạc từ bên trong đầu dương vật nuôi cấy một thời gian, sau đó soi dưới kính hiển vi để xác định hình dạng cụ thể của vi khuẩn, gram âm hay dương, từ đó đưa ra kết quả bạn có bị nhiễm vi khuẩn lậu hay không. Nếu nhiễm trùng đã lan rộng, bác sĩ sẽ lấy mẫu máu hoặc mẫu từ dịch khớp.
Ngoài ra, bệnh lậu niệu sinh dục cũng được chẩn đoán bằng cách xét nghiệm nước tiểu, niệu đạo (đối với nam giới), mẫu dịch tiết âm đạo (đối với phụ nữ) hay sử dụng phương pháp xét nghiệm khuếch đại axit nucleic (NAAT).
Nếu một người đã quan hệ tình dục bằng miệng hoặc hậu môn, nên lấy mẫu bệnh phẩm từ họng hoặc trực tràng để xét nghiệm.
Tại sao cần xét nghiệm bệnh lậu?
Mặc dù các triệu chứng của bệnh lậu biểu hiện rất rõ (chẳng hạn như dịch tiết ra từ dương vật, đau rát khi đi tiểu, sốt…), tuy nhiên, những triệu chứng này cũng là dấu hiệu của các bệnh khác, bao gồm:
- Nhiễm trùng đường tiết niệu
- Viêm âm đạo
- Bệnh trĩ nội
- Viêm mào tinh hoàn
- Viêm cổ tử cung
- Viêm kết mạc do vi khuẩn
- Viêm tinh hoàn
Vì vậy, xét nghiệm sẽ giúp các bác sĩ biết được chính xác loại bệnh bạn đang mắc phải, từ đó có cách điều trị phù hợp nhất dành cho bạn.
Đối tượng nên xét nghiệm bệnh lậu
Bất kỳ ai quan hệ tình dục cũng có nguy cơ bị nhiễm lậu. Khi bạn gặp các triệu chứng ở đường sinh dục như tiết dịch, nóng rát khi đi tiểu, lở loét bất thường hoặc phát ban, nên ngừng quan hệ tình dục và gặp bác sĩ ngay lập tức.
Ngoài ra, nếu quan hệ bằng miệng, hậu môn hoặc âm đạo với người được chẩn đoán mắc lậu gần đây, bạn cũng cần đến gặp bác sĩ để kiểm tra sức khỏe.
Nên kiểm tra (sàng lọc) bệnh lậu ngay cả khi không có triệu chứng nào. Trước khi quan hệ tình dục, bạn cần đề nghị bạn tình của mình đi kiểm tra bệnh lậu.
Đa phần bệnh lậu phổ biến ở người trẻ trong độ tuổi 15-29. Ở độ tuổi này, đời sống sinh hoạt tình dục thường rất phong phú. Bệnh lậu cũng nên được kiểm tra ở những người có quan hệ tình dục phức tạp và thường xuyên ở bất kể độ tuổi.
Xét nghiệm bệnh lậu trong phòng thí nghiệm
Có 3 loại xét nghiệm được sử dụng để chẩn đoán bệnh lậu trong phòng thí nghiệm, mỗi phương pháp đều có những mặt lợi ích và hạn chế. Ngày trước, các nhà nghiên cứu vẫn thường sử dụng hai phương pháp là nhuộm gram và nuôi cấy vi khuẩn. Tuy nhiên hiện nay, người ta đã phát triển thêm một phương pháp xét nghiệm mới có tên “xét nghiệm khuếch đại axid nucleic’ (NAAT). Xét nghiệm này có thể giúp cung cấp thêm bằng chứng di truyền của nhiễm trùng lậu.
Lấy mẫu xét nghiệm bệnh lậu thường rất đơn giản, chẳng hạn như lấy mẫu nước tiểu bằng cốc, lấy mẫu dịch tiết ở âm đạo, niệu đạo, hậu môn… Đôi khi y tá sẽ sử dụng tăm bông để lấy mẫu tế bào từ dương vật, cổ tử cung, niệu đạo, hậu môn hoặc cổ họng.
Khuếch đại axit nuleic (NAAT)
NAAT là phương pháp xét nghiệm di truyền được phát triển lần đầu tiên vào năm 1993. Đây là hình thức xét nghiệm được đề nghị cho bệnh lậu tiết niệu và sinh dục do sự nhanh chóng và độ chính xác của nó.
Trong phương pháp này, thay vì tìm kiếm vi khuẩn gây bệnh chính, NAAT sẽ xác định các gene của chủng N. gonorrhoeae gây bệnh lậu bằng cách lấy những chuỗi DNA của các loại vi khuẩn từ mẫu nước tiểu, âm đạo, cổ tử cung hoặc niệu đạo (ở nam giới). Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành tác động nhiệt lên các mẫu này. Lúc này, các sợi DNA vi khuẩn sao chép lại nhiều lần cho đến khi số lượng DNA lên đến một tỷ bản. Từ đó, các bác sĩ tiến hành tìm kiếm mẫu DNA của vi khuẩn gây ra bệnh.
Bằng cách truy tìm vật liệu di truyền của vi khuẩn, NAAT có thể mang lại kết quả chính xác cao trong vòng vài giờ. Người bệnh sẽ nhận được kết quả xét nghiệm nhanh chóng trong vòng 2-3 ngày.
Mặc dù Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến nghị sử dụng NAAT để chẩn đoán nhiễm trùng bệnh lậu ở trực tràng và cổ họng, tuy nhiên, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm vẫn chưa phê duyệt cho việc sử dụng phương pháp này.
Nuôi cấy vi khuẩn
Nuôi cấy vi khuẩn có hiệu quả cao trong việc chẩn đoán bệnh lậu ở bộ phận sinh dục, trực tràng, mắt hoặc cổ họng. Sau khi lấy mẫu tại vị trí nghi ngờ, những mẫu này sẽ được nuôi cấy trong môi trường phù hợp để phát triển vi khuẩn N. gonorrhoeae. Nếu có sự tăng trưởng thì kết quả nhận được là dương tính. Trong trường hợp không có sự tăng trưởng của vi khuẩn, kết quả sẽ âm tính.
Nuôi cấy cũng được sử dụng để xác định xem vi khuẩn lậu có kháng với bất kỳ loại thuốc kháng sinh nào không. Việc làm này rất quan trọng trong việc điều trị bệnh lậu cho bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân lậu đang trong giai đoạn mắc biến chứng lây lan đến nhiều cơ quan (DGI).
Phương pháp nuôi cấy đem lại kết quả chính xác nhất về bệnh lậu. Thế nhưng, do vi khuẩn lậu rất nhạy cảm với nhiệt độ và môi trường, dẫn đến việc nuôi cấy rất khó khăn và thường đem lại kết quả sai nếu có bất kỳ sai sót nhỏ nào trong quá trình nuôi cấy. Kết quả của phương pháp xét nghiệm nuôi cấy sẽ mất từ 5-7 ngày.
Nhuộm gram
Nhuộm gram là kỹ thuật sử dụng loại thuốc nhuộm đặc biệt, nhuộm các thành phần của vi khuẩn để chúng nổi bật lên khi quan sát dưới kính hiển vi.
Nhuộm gram là phương pháp xét nghiệm hiệu quả để chẩn đoán nhiễm trùng bệnh lậu ở nam giới. Mẫu lấy xét nghiệm của phương pháp này thường là mẫu ở niệu đạo hoặc mẫu nước tiểu đầu dòng (khoảng 20-30ml).
Ngược lại, nhuộm gram lại kém chính xác hơn đối với phụ nữ vì nồng độ của vi khuẩn N. gonorrhoeae thường lan tỏa ra nhiều vị trí, nên khi nhuộm sẽ vô tình nhuộm luôn nhiều loại vi khuẩn khác, bao gồm cả vi khuẩn có lợi. Thông thường, kết quả xét nghiệm nhuộm gram sẽ có trong 2-3 ngày.
Cách tự làm xét nghiệm tại nhà
Nếu bạn nghĩ mình đang bị bệnh lậu, bạn nên để ý các dấu hiệu và triệu chứng bệnh lậu trước khi tiến hành xét nghiệm. Song hãy nhớ rằng, những dấu hiệu, triệu chứng của bệnh lậu không xảy ra thường xuyên và nếu có, chúng có thể bị nhầm lẫn với bệnh khác.
Sự xấu hổ, bối rối, lo lắng là những nguyên nhân hàng đầu khiến một người không chịu tiến hành xét nghiệm bệnh lậu. Mỗi năm, có trên 20.000 phụ nữ bị chẩn đoán vô sinh do lậu không được điều trị.
Vì vậy, ngày càng nhiều người ủng hộ và tán thành việc sử dụng các xét nghiệm STD (bệnh lây truyền qua đường tình dục) tại nhà. Các xét nghiệm này sẽ cho người bệnh có quyền tự chủ và bảo mật mà họ mong muốn.
Để tự xét nghiệm bệnh lậu tại nhà, người bệnh sẽ sử dụng bộ que thử bệnh lậu bán tại các nhà thuốc. Các que thử này sẽ đọc kết quả từ mẫu nước tiểu của người bệnh với thời gian chờ khoảng 15 phút. Tuy nhiên, bộ dụng cụ này chỉ có độ chính xác khoảng 60-70%, có nghĩa là cứ 2 lần thử thì sẽ có một lần ra kết quả sai. Vì vậy, chúng không được các bác sĩ khuyến khích sử dụng.
Làm gì khi kết quả dương tính với bệnh lậu?
Nếu bạn bị dương tính với bệnh lậu thì nên tiến hành sàng lọc STD toàn diện, bao gồm các bệnh chlamydia, giang mai, nhiễm trichomonas và HIV. Cùng với bệnh lậu, tất cả các bệnh này có khả năng đi chung với nhau rất cao do chúng đều là bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Ngoài ra, khi có kết quả bị nhiễm lậu, bạn cũng nên khuyên bạn tình của mình đi xét nghiệm kiểm tra bệnh ngay. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), những người quan hệ tình dục với bệnh nhân lậu trong vòng 60 ngày trước khi xuất hiện các triệu chứng lậu đều có nguy cơ bị lây nhiễm bệnh.
Sau khi điều trị kết thúc, không cần tiến hành xét nghiệm để xác nhận vi khuẩn lậu đã được loại bỏ. Bạn chỉ cần sử dụng kháng sinh đều đặn, đúng chỉ định của bác sĩ là được. Tuy nhiên, với tỷ lệ tái nhiễm cao, đôi khi bác sĩ vẫn sẽ yêu cầu bạn kiểm tra lại sau 3 tháng.
Bạn có thể tìm hiểu thêm: Bệnh lậu và cách điều trị bệnh lậu
Tầm soát bệnh lậu
Bệnh lậu là bệnh STD (bệnh lây truyền qua đường tình dục) phổ biến thứ hai, chiếm hơn 800.000 ca nhiễm mỗi năm. Do đó, các cơ quan y tế thường khuyến nghị nên sàng lọc bệnh lậu và STD ở những người có nguy cơ phơi nhiễm cao.
Những đối tượng nên đi tầm soát bệnh STD:
- Bệnh lậu và chlamydia: phụ nữ có hoạt động tình dục thường xuyên hoặc với nhiều đối tượng.
- Bệnh lậu và chlamydia: Phụ nữ mang thai.
- Bệnh giang mai, viêm gan B và HIV: Tất cả phụ nữ mang thai.
- Bệnh giang mai, viêm gan B và HIV: Nam giới, phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao.
- Xét nghiệm HIV nên được tiến hành định kỳ cho mọi người từ 15-65 tuổi.
Bạn sẽ được coi là có nguy cơ mắc bệnh STD nếu từng có nhiều bạn tình hoặc có quan hệ tình dục không an toàn (bao gồm cả quan hệ tình dục bằng miệng). Nếu chẳng may bị nhiễm bệnh, bạn sẽ tiếp tục truyền bệnh cho người khác cho đến khi được điều trị.
Tin tốt là có thể chữa bệnh lậu hoàn toàn bằng thuốc. Vì vậy, càng sớm biết mình mắc bệnh, bạn càng nhanh chóng chữa khỏi nó. Hãy xem xét nghiệm bệnh lậu như một phần không thể thiếu trong cuộc sống của một người trưởng thành. Xét nghiệm không chỉ giúp điều trị bệnh mà còn bảo vệ sức khỏe cho mọi người xung quanh.
Bạn có thể tìm hiểu thêm: Trẻ sơ sinh có nguy cơ mù lòa cao khi mẹ bầu mắc bệnh lậu
[embed-health-tool-ovulation]