backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Bệnh giang mai lây qua đường nào? Có dễ lây nhiễm không?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 26/03/2024

Bệnh giang mai lây qua đường nào? Có dễ lây nhiễm không?

Giang mai là một trong những bệnh xã hội nguy hiểm, có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách. Vậy bệnh giang mai có lây không? Nếu có thì giang mai lây qua đường nào?

Trong bài viết này, Hello Bacsi sẽ cùng bạn tìm hiểu bệnh giang mai lây qua những đường nào, từ đó giúp bạn có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Bệnh giang mai là gì?

Giang mai là một bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây ra. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, xoắn khuẩn giang mai có thể tồn tại trong nhiều năm mà không gây ra bất kỳ triệu chứng điển hình nào.

Bệnh giang mai phát triển theo từng giai đoạn (sơ cấp, thứ phát, tiềm ẩn và tam phát). Mỗi giai đoạn có thể có những dấu hiệu và triệu chứng giang mai khác nhau. Thông thường, dấu hiệu giang mai đầu tiên có thể nhận thấy được là vết loét không đau ở bộ phận sinh dục, trực tràng hoặc miệng.

Hiện nay, có thể điều trị bệnh giang mai bằng thuốc kháng sinh. Nếu không được điều trị, giang mai có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho mắt, tim, não, hệ thần kinh và các cơ quan khác, thậm chí là đe dọa tính mạng.

Bệnh giang mai có lây không? Đối tượng nào dễ mắc bệnh?

Xoắn khuẩn Treponema pallidum

Trước khi biết được giang mai lây qua đường nào, bạn cần hiểu rõ bệnh giang mai có lây không? Giang mai là bệnh có thể lây truyền trực tiếp từ người sang người. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ ai. Trong đó, một số đối tượng có nguy cơ cao mắc phải căn bệnh xã hội này, bao gồm những người:

  • Quan hệ tình dục không an toàn: không sử dụng biện pháp bảo vệ, có nhiều bạn tình…
  • Nhiễm HIV
  • Đồng tính nam hoặc lưỡng tính
  • Đang dùng thuốc dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) để phòng ngừa HIV
  • Quan hệ tình dục với bạn tình có xét nghiệm dương tính với bệnh giang mai.
  • Có xét nghiệm dương tính với một bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, chẳng hạn như chlamydia, lậu hoặc herpes.

Bệnh giang mai lây qua đường nào?

Không chỉ băn khoăn bệnh giang mai có lây không, nhiều người còn thắc mắc giang mai lây qua đường nào. Thực tế, có nhiều con đường lây truyền bệnh giang mai khác nhau, trong đó, thường gặp nhất là:

1. Quan hệ tình dục

Nếu bạn thắc mắc bệnh giang mai lây qua đường nào, thì con đường lây truyền phổ biến nhất là quan hệ tình dục không an toàn với người bị nhiễm bệnh. Bạn có thể mắc bệnh giang mai khi tiếp xúc trực tiếp với vết loét giang mai trong quá trình quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng (oral sex).

Nghĩa là, ngay cả khi không xuất tinh và không có sự xâm nhập sâu khi quan hệ, bạn vẫn có thể bị nhiễm xoắn khuẩn giang mai nếu bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể chạm vào vết loét của người mắc giang mai. Do đó, thắc mắc “Bệnh giang mai có lây qua nước bọt không?” cũng đã được giải đáp.

Giang mai lây qua đường quan hệ tình dục

2. Giang mai lây qua đường nào? Đường máu

Bệnh giang mai còn có thể lây truyền qua đường máu. Điều này thường xảy ra khi:

  • Dùng chung kim tiêm với người nhiễm xoắn khuẩn giang mai
  • Thực hiện quá trình truyền máu, hiến máu, cấy ghép nội tạng không an toàn.

3. Giang mai lây qua đường nào? Từ mẹ sang con

Ngoài đường quan hệ tình dục và đường máu thì bệnh giang mai còn lây qua đường nào? Câu trả lời là bệnh có thể truyền từ mẹ sang con.

Nếu phụ nữ mang thai và mắc bệnh giang mai, thai nhi có thể nhiễm xoắn khuẩn giang mai thông qua nhau thai. Tình trạng này được gọi là bệnh giang mai bẩm sinh. Không những thế, trẻ sơ sinh cũng có nguy cơ mắc bệnh giang mai nếu tiếp xúc với vết loét giang mai của mẹ trong quá trình sinh thường.

Phụ nữ mắc bệnh giang mai khi mang thai có thể gặp phải nhiều biến chứng thai kỳ như sảy thai, sinh non, thai lưu, hoặc sinh con nhẹ cân. Do đó, điều quan trọng là mẹ bầu nên xét nghiệm giang mai ít nhất một lần trong thai kỳ.

4. Giang mai có lây lan qua tiếp xúc gián tiếp với xoắn khuẩn giang mai không?

Bên cạnh băn khoăn bệnh giang mai lây qua đường nào, một số người còn thắc mắc giang mai có lây qua quần áo không?

Thực tế, xoắn khuẩn giang mai thường không thể sống ở môi trường bên ngoài cơ thể quá vài giờ, và có thể bị tiêu diệt bởi các chất sát khuẩn trong vòng vài phút. Do đó mà bạn ít có nguy cơ mắc bệnh giang mai khi tiếp xúc thông thường với các đồ vật như tay nắm cửa, đồ dùng cá nhân, bồn tắm, bệ ngồi toilet…

Tuy nhiên, nếu bạn có vết xước trên da, xoắn khuẩn giang mai có thể lây lan thông qua tiếp xúc với dịch tiết từ vết loét giang mai. Lúc này, xoắn khuẩn giang mai sẽ thông qua vết thương hở, xâm nhập vào máu và đi vào cơ thể.

Nhìn chung, bệnh giang mai lây qua những đường nào?

Bệnh giang mai có thể lây lan thông qua:
  • Đường quan hệ tình dục
  • Đường máu
  • Từ mẹ bầu sang thai nhi thông qua nhau thai
  • Từ mẹ sang con thông qua đường sinh nở tự nhiên.

Nhận biết những dấu hiệu giang mai

dấu hiệu bị giang mai

Khi đã biết được giang mai lây qua đường nào, bạn nên “bỏ túi” những dấu hiệu nhận biết giang mai để kịp thời điều trị khi chẳng may mắc phải căn bệnh này.

Bệnh giang mai có thể tiến triển qua bốn giai đoạn khác nhau. Các triệu chứng giang mai ở mỗi giai đoạn cũng không giống nhau. Dưới đây là các dấu hiệu giang mai điển hình ở từng giai đoạn:

  • Giai đoạn nguyên phát: Người bệnh thường xuất hiện vết loét cứng, mịn, không đau. Vết loét thường tự biến mất sau vài tuần hoặc vài tháng, nhưng không có nghĩa là bệnh đã khỏi.
  • Giai đoạn thứ phát: Người bệnh phát ban hình đồng xu khắp cơ thể. Nốt ban giang mai sần sùi nhưng thường không ngứa. Một số triệu chứng khác cũng có thể xuất hiện, chẳng hạn như sốt, mệt mỏi, đau cơ, giảm cân, sưng hạch bạch huyết, nhức đầu, rụng tóc…
  • Giai đoạn tiềm ẩn: Nếu không được điều trị trong hai giai đoạn đầu, bệnh giang mai sẽ tiến triển sang giai đoạn tiềm ẩn. Ở giai đoạn này, các dấu hiệu giang mai ít hoặc không xuất hiện. Tuy nhiên, tình trạng nhiễm trùng có thể kéo dài đến 20 năm, có thể gây tổn thương tim, xương, thần kinh và các cơ quan khác.
  • Giai đoạn muộn: Khoảng 20% người bị giang mai tiến triển đến giai đoạn muộn. Trong giai đoạn này, một loạt vấn đề sức khỏe nghiêm trọng có thể xảy ra chậm, bao gồm tổn thương não, mất trí nhớ, có các vấn đề về nhận thức, bệnh tim, rối loạn vận động, tổn thương thần kinh, co giật, vấn đề về thị lực…

Bạn có thể quan tâm:

Phòng ngừa bệnh giang mai

Phòng ngừa giang mai

Như vậy là bạn đã biết được bệnh giang mai lây qua đường nào. Để hạn chế nguy cơ lây nhiễm xoắn khuẩn giang mai, tốt nhất là bạn nên áp dụng các biện pháp phòng ngừa sau:

  • Sử dụng biện pháp bảo vệ (dùng bao cao su) khi quan hệ tình dục, kể cả quan hệ bằng miệng.
  • Không dùng chung kim tiêm với bất kỳ ai.
  • Không dùng chung đồ chơi tình dục với người khác.
  • Khám sức khỏe định kỳ để tầm soát và kịp thời phát hiện bệnh giang mai cũng như các vấn đề sức khỏe khác.
  • Nếu bạn hoặc bạn tình mắc bệnh giang mai, cần điều trị dứt điểm trước rồi mới quan hệ tình dục.
  • Nếu có ý định mang thai, phụ nữ nên khám sức khỏe để xác định xem có mắc bệnh giang mai không.
  • Phụ nữ có thai nên làm xét nghiệm giang mai ít nhất 1 lần trong thai kỳ.

Hi vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết được bệnh giang mai lây qua những đường nào. Điều quan trọng là bạn nên ghi nhớ và áp dụng những biện pháp phòng ngừa giang mai để tránh nguy cơ lây nhiễm xoắn khuẩn giang mai.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 26/03/2024

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo