backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Giang mai giai đoạn 2: Bạn biết gì về bệnh giang mai giai đoạn này?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 07/10/2021

    Giang mai giai đoạn 2: Bạn biết gì về bệnh giang mai giai đoạn này?

    Giang mai là căn bệnh lây truyền qua đường tình dục và bao gồm 3 giai đoạn chính. Trong đó, giang mai giai đoạn 2 thường nguy hiểm vì có nguy cơ lây nhiễm cao nhất.

    Đối với giai đoạn 2 (còn gọi là giai đoạn thứ cấp), bệnh giang mai vẫn có thể chữa được bằng thuốc. Điều quan trọng là bạn cần nhận biết được các triệu chứng hoặc cần đi xét nghiệm bệnh lây qua đường tình dục thường xuyên (nếu có quan hệ với nhiều bạn tình) để phát hiện bệnh kịp thời. Khi được chẩn đoán và điều trị sớm, giang mai thứ cấp sẽ không tiến triển qua các giai đoạn sau nguy hiểm hơn hoặc không thể chữa khỏi.

    Bệnh giang mai giai đoạn 2 là gì? Lây lan như thế nào?

    Bệnh giang mai do một loại xoắn khuẩn có tên là Treponema pallidum gây ra. Bệnh gồm 3 giai đoạn chính là sơ cấp, thứ cấp và giai đoạn cuối. Giang mai sơ cấp là giai đoạn đầu của bệnh, lúc này các vết loét của giang mai (còn gọi là săng) sẽ xuất hiện trên âm hộ, âm đạo, dương vật, bìu, hậu môn hoặc đôi khi ở môi và miệng của bệnh nhân.

    Nếu không được điều trị, bệnh sẽ phát triển sang giai đoạn tiếp theo là giang mai giai đoạn 2 (thứ cấp). Đây cũng là lúc mà bệnh giang mai có nguy cơ lây nhiễm cao nhất vì xoắn khuẩn đã có mặt trong hầu hết các sẩn nước, nốt mụn phỏng và vết loét.

    Bệnh giang mai không chỉ lây qua đường quan hệ tình dục, bạn hoàn toàn có thể bị nhiễm bệnh nếu tiếp xúc trực tiếp với các vết săng giang mai hoặc lây truyền từ mẹ sang con.

    Bệnh giang mai giai đoạn 2 có những triệu chứng nào?

    giang mai giai đoạn 2

    Triệu chứng của giang mai giai đoạn 2 (thứ cấp) thường phát triển từ 2 – 8 tuần sau khi bạn nhiễm bệnh giang mai sơ cấp. Triệu chứng điển hình của giai đoạn này là phát ban ở lòng bàn tay, lòng bàn chân hoặc lan ra các bộ phận khác của cơ thể. Các nốt ban thường sần sùi, có màu nâu đỏ nhưng không gây ngứa.

    Ngoài ra, giang mai thứ cấp còn bao gồm những triệu chứng khác như sốt, đau họng, nhức đầu, đau cơ, mệt mỏi, sưng hạch bạch huyết, sụt cân, rụng tóc… Các triệu chứng của bệnh giang mai giai đoạn 2 thường kéo dài từ 2 – 6 tuần, sau đó biến mất và xuất hiện lại vào thời điểm nào đó. Tình trạng tái đi tái lại của các triệu chứng thường kéo dài đến 2 năm và nếu không được điều trị thì bệnh sẽ tiến triển sang giai đoạn tiếp theo.

    Bệnh giang mai thứ cấp được chẩn đoán như thế nào?

    Để chẩn đoán bệnh giang mai giai đoạn 2, trước tiên bác sĩ thường hỏi bạn những thông tin về tiền sử mắc bệnh. Sau đó, các bác sĩ sẽ tiến hành một số phương pháp kiểm tra như:

    • Lấy mẫu bệnh phẩm: Bác sĩ hoặc kỹ thuật viên sẽ tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm từ các vết loét giang mai (nếu có) và soi dưới kính hiển vi để tìm kiếm tác nhân gây bệnh.
    • Xét nghiệm giang mai RPR: Đây là một phương pháp xét nghiệm máu để chẩn đoán bạn có mắc bệnh giang mai hay không. Khi nhiễm bệnh, cơ thể sẽ tạo ra kháng thể chống lại nhiễm trùng và các tác nhân tấn công. Vì vậy, nếu xét nghiệm RPR phát hiện những kháng thể giang mai thì đồng nghĩa với việc bạn đã nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, RPR còn có thể kiểm tra xoắn khuẩn trong nước ối nên đây cũng là phương pháp xét nghiệm phù hợp với bệnh nhân là phụ nữ mang thai.

    Phương pháp điều trị bệnh giang mai ở giai đoạn 2

    giang mai giai đoạn 2

    Bạn không thể tự điều trị bệnh giang mai tại nhà cũng như không thể tùy tiện mua thuốc để chữa bệnh. Thay vào đó, bạn cần đến bệnh viện để được bác sĩ kê toa cho dùng thuốc kháng sinh. Thông thường, nếu phát hiện sớm bệnh giang mai giai đoạn 2 hoặc chỉ mới sơ cấp thì bạn chỉ cần tiêm một mũi Benzathine penicillin G. Tuy nhiên, nếu bạn đã mắc bệnh trong thời gian dài thì cần được tiêm penicillin nhiều hơn và các mũi tiêm sẽ cách nhau vài tuần.

    Những bệnh nhân dị ứng với penicillin có thể được khuyên dùng các loại kháng sinh khác như doxycycline hoặc tetracycline. Tuy nhiên, penicillin vẫn là loại thuốc tốt nhất và an toàn với phụ nữ mang thai. Bởi vì một số thuốc kháng sinh khác có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của thai nhi hoặc không ngăn chặn được sự lây truyền bệnh từ mẹ sang con.

    Công dụng của thuốc kháng sinh là tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh giang mai và ngăn chặn sự phát triển của bệnh. Tuy nhiên, việc chữa trị có thể không phục hồi được những tổn thương mà bệnh đã gây ra trước đó.

    Lưu ý: Trong quá trình điều trị, bạn nên kiêng quan hệ tình dục cho đến khi các vết loét lành hẳn và kết thúc liệu trình chữa bệnh.

    Giang mai giai đoạn 2 có nhiều nguy cơ lây lan hơn những giai đoạn khác của bệnh. Thế nhưng, việc phát hiện sớm đôi khi không dễ dàng vì các triệu chứng của giang mai thứ cấp rất dễ nhầm lẫn với những căn bệnh khác. Đó là lý do mà bạn nên đi làm xét nghiệm tầm soát bệnh thường xuyên nếu có quan hệ tình dục với nhiều bạn tình để phát hiện và điều trị kịp thời. Việc điều trị giang mai càng sớm thì càng dễ dàng chữa khỏi bệnh, tránh nguy cơ bệnh tiến triển sang giai đoạn tiếp theo sẽ gây tổn thương cho hệ thần kinh và thị giác.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 07/10/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo