backup og meta

Nhiệt miệng lâu ngày không khỏi: Hiểu rõ nguyên nhân để điều trị hiệu quả

Nhiệt miệng lâu ngày không khỏi: Hiểu rõ nguyên nhân để điều trị hiệu quả

Việc bị nhiệt miệng lâu ngày không khỏi là nỗi ám ảnh của nhiều người. Dù bạn đã áp dụng những kinh nghiệm được lưu truyền rộng rãi nhưng vì sao tình trạng này vẫn không cải thiện? Giải pháp hiệu quả để trị nhiệt miệng lâu khỏi là gì?

Nhiệt miệng (hay loét áp tơ) là những vết loét nông, rộng vài milimet, thường xuất hiện trên bề mặt niêm mạc miệng hoặc rìa lưỡi. Nhiệt miệng không nguy hiểm, nhưng gây nhiều đau rát, khó chịu cho người bệnh khi nói chuyện, ăn uống, ảnh hưởng đáng kể đến sinh hoạt và công việc.

Nguyên nhân bị nhiệt miệng lâu ngày không khỏi

Là loại vết loét lành tính, thời gian 7 – 10 ngày được coi là giới hạn tiêu chuẩn cho những nốt nhiệt miệng cỡ nhỏ hay vừa thường tự lành lặn và biến mất. Mặc dù vậy, khi bị nhiệt miệng ai cũng tìm nhiều cách chăm sóc để chúng lành lặn càng sớm càng tốt. Nguyên do là bởi việc gặp phải tình trạng nhiệt miệng lâu ngày không khỏi hay nhiệt miệng mãi không khỏi thì sẽ vô cùng khó chịu.

Thế nhưng những kinh nghiệm dân gian không phải lúc nào cũng phát huy hiệu quả là vì đâu? Hầu hết mọi người vẫn cho rằng nhiệt miệng là do nóng trong. Vì vậy, để chữa nhiệt miệng, chỉ cần tiêu thụ các loại thực phẩm có tính chất thanh nhiệt, giải độc hoặc bôi nước cốt một số thảo dược lên nốt nhiệt miệng là được. Thực tế là hiện nay, y học đã ghi nhận có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra nhiệt miệng nên việc áp dụng những mẹo trên đôi khi không mang lại hiệu quả. 

Do đó, việc xác định đúng nguyên nhân giúp bạn kiểm soát nhiệt miệng lâu ngày không khỏi tốt hơn. Vậy nguyên nhân bị nhiệt miệng lâu không khỏi là gì hay nhiệt miệng lâu khỏi là do đâu? Theo các chuyên gia sức khỏe, các nguyên nhân phổ biến gây ra nhiệt miệng theo y học hiện nay bao gồm:

  • Thiếu chất: vitamin B12, axit folic, kẽm, sắt và hiếm khi là vitamin C, A, protein…
  • Natri lauryl sulfate: chất hoạt động bề mặt trong một số kem đánh răng, nước súc miệng có khả năng kích ứng niêm mạc
  • Dị ứng với vi khuẩn khoang miệng: cơ thể bỗng phản ứng với một số vi khuẩn vốn chung sống hòa bình trong khoang miệng
  • Biến động nồng độ hormone theo chu kỳ kinh nguyệt và thai kỳ
  • Lo âu, căng thẳng
  • Nhạy cảm với thực phẩm: Tùy vào cơ địa mỗi người mà bạn có thể nhạy cảm với các thức uống hay đồ ăn như caffeine, rượu bia, ca cao (có trong socola), phô mai, một số loại hạt, trái cây nhiều axit (cam, thơm, xoài, dâu, cà chua…)
  • Tổn thương niêm mạc: nhiệt miệng có thể phát sinh từ tổn thương khi đánh răng do dùng bàn chải không phù hợp, do dụng cụ niềng răng có góc cạnh, răng bị mẻ hay da va chạm…

Việc không kịp thời nhận diện vì sao mình bị nhiệt miệng, dẫn đến điều trị sai cách là nguyên nhân chủ yếu gây nhiệt miệng lâu ngày không khỏi. Nốt nhiệt miệng không lành mà cứ lớn thêm ra, càng ngày càng đau hơn.

Nhiệt miệng lâu ngày không khỏi có nguy hiểm không?

nhiệt miệng lâu ngày không khỏi

Về bản chất nhiệt miệng không gây nguy hiểm, tuy nhiên tình trạng nhiệt miệng lâu ngày không khỏi chắc chắn gây nhiều phiền toái cho cá nhân người bị như:

  • Vết loét ngày càng lan rộng, rất đau, gần như không thể ăn uống, nói chuyện hay tập trung làm việc được 
  • Không thể vệ sinh răng miệng đầy đủ dẫn đến hôi miệng, viêm nướu, sâu răng
  • Vết loét quá rộng nên khó lành nếu không uống và bôi thuốc
  • Đặc biệt nguy hiểm, vết loét rộng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập, gây nhiễm trùng cho cơ thể với các triệu chứng sưng hạch ở cổ, sốt, đau mỏi cơ…

Lo lắng khi bị nhiệt miệng lâu ngày không khỏi hay bị nhiệt miệng mãi không khỏi, một số người tìm đến các loại thuốc kháng viêm, đặc biệt là thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, việc lạm dụng kháng sinh là nguyên nhân khiến tình trạng nhiễm khuẩn trở nên mất kiểm soát và khó điều trị.

Việc bị nhiệt miệng kéo dài lâu ngày không khỏi có thể làm cho nhiều người lo ngại liệu mình có bị ung thư miệng. Trong hầu hết trường hợp, bạn có thể phân biệt những nốt nhiệt miệng kéo dài trong 2 tuần với ung thư miệng dựa vào những dấu hiệu sau:

  • Nhiệt miệng là vết loét lõm xuống có bề mặt tương đối phẳng, đồng đều về màu sắc, trắng hoặc hồng. Trong khi đó, ung thư với bản chất là tế bào tăng sinh mất kiểm soát, thường có bề mặt không đồng nhất, lồi lõm, không theo một kiểu mẫu nào, màu sắc có thể hồng, trắng hoặc đỏ.
  • Nhiệt miệng khi mới xuất hiện thường có dạng tròn. Nhiều nốt nhiệt miệng lâu ngày không khỏi nằm gần nhau có thể sáp nhập tạo ra hình dạng bất định. Trái lại ung thư miệng thường có hình dạng bất định ngay từ đầu.
  • Trong khi nhiệt miệng gây đau rát khó chịu từ khi mới được 1 – 2 mm thì ung thư có thể đau hoặc không đau tùy loại.

Tìm hiểu thêm Dấu hiệu ung thư miệng: Khi nào cảnh báo nguy hiểm?

Biện pháp giúp khắc phục, phòng ngừa nhiệt miệng lâu ngày không khỏi như thế nào?

Nhiệt miệng lâu khỏi hay nhiệt miệng mãi không khỏi cần phải làm gì? Câu trả lời là bạn có thể áp dụng những biện pháp sau đây ngay khi mới chớm bị. Việc này giúp hạn chế phần nào nguy cơ dẫn đến tình trạng nhiệt miệng lâu ngày không khỏi gây nhiều bất tiện cho đời sống hằng ngày.

Trị nhiệt miệng lâu ngày không khỏi với baking soda hoặc nước muối loãng

nhiệt miệng lâu ngày không khỏi

Baking soda có tính kiềm, giúp khôi phục độ cân bằng pH cho khoang miệng và kháng viêm, nhờ đó giúp thu hẹp vết loét do nhiệt miệng.

Bạn có thể hòa một nhúm bột baking soda vào một ít nước để tạo thành dạng keo sệt rồi chấm lên nốt nhiệt miệng. Để ít đau rát hơn, có thể hòa tan 1 muỗng cà phê bột baking soda với 120 ml nước ấm để súc miệng. Áp dụng 3 – 4 lần/ngày.

Súc miệng với nước muối loãng 2 – 3 lần/ngày cũng cho tác dụng kháng khuẩn tốt khi bị nhiệt miệng.

Trị nhiệt miệng lâu ngày không khỏi với oxy già

Oxy già (hydrogen peroxide) là một loại thuốc sát khuẩn rất phổ biến, có thể được sử dụng để giảm kích ứng niêm mạc miệng trong trường hợp nhiệt miệng, loét lạnh, viêm nướu…

Để ngăn ngừa hoặc điều trị nhiệt miệng lâu ngày không khỏi, bạn hòa dung dịch oxy già 3% với nước sạch theo tỉ lệ 1:1 và dùng tăm bông chấm dung dịch thoa lên nốt nhiệt miệng 2 – 3 lần/ngày. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể hòa loãng oxy già với nước lọc để súc miệng nhiều lần trong ngày.

Các loại thuốc không kê đơn điều trị nhiệt miệng lâu ngày không khỏi

nhiệt miệng lâu ngày không khỏi

Nhiệt miệng lâu khỏi uống thuốc gì? Theo các chuyên gia sức khỏe, việc dùng các loại thuốc bôi dạng mỡ, kem, gel không kê đơn thường chứa chất giảm đau giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Ngoài ra, corticoid có thể được sử dụng để kháng viêm, nhờ đó giảm đau và tạo điều kiện cho niêm mạc hồi phục. Ngược lại, thuốc có công dụng giảm đau kháng viêm nhưng không chứa steroid cũng có nhiều loại, thường dùng diclofenac.

Ngoài thành phần chính, thuốc bôi trị nhiệt miệng có thể chứa thêm hoạt chất kháng khuẩn và nuôi dưỡng niêm mạc, tạo thành một lớp màng ngăn cách để niêm mạc có điều kiện phục hồi tốt hơn.

Lưu ý

Phụ nữ có thai và cho con bú cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc để trị nhiệt miệng lâu ngày không khỏi.

Ngăn ngừa và điều trị nhiệt miệng lâu ngày không khỏi bằng chế độ ăn

Một chế độ ăn uống lành mạnh là cách hữu hiệu để ngăn ngừa nhiệt miệng từ bên trong. Thực tế là những người ăn đầy đủ, cân bằng và đa dạng nhiều loại thức ăn từ thịt cá đến rau củ, trái cây thường ít bị nhiệt miệng hơn. Nguyên nhân là vì chế độ ăn đa dạng giúp họ giảm bớt nguy cơ thiếu hụt một số chất dinh dưỡng – là nguyên nhân gây ra các nốt nhiệt miệng như đã nêu ở trên. 

Vậy khi nhiệt miệng mãi không khỏi nên ăn gì? Câu trả lời là khi bị nhiệt miệng lâu ngày không khỏi hoặc nhiệt miệng lặp đi lặp lại, bạn cũng nên chú ý xem có phải một loại thực phẩm nào đó đã gây ra sự nhạy cảm này để phòng tránh hoặc hạn chế, như cà phê, bia rượu, đồ ăn chua, đồ ăn có cạnh sắc cứng (các loại hạt khô…)… Bạn cũng nên tránh ăn đồ cay nóng, có tính axit trong khi bị nhiệt miệng.

Không phải vô cớ mà bạn cũng được khuyên uống các loại nước thanh nhiệt như bột sắn dây, trà bí đao, nước rau má… Một phần lý do những thảo dược này có tác dụng chữa nhiệt miệng là nhờ chúng giúp cấp nước, một số chất dinh dưỡng và các hoạt chất kháng viêm… có ích cho cơ thể. Tuy nhiên việc chỉ tập trung vào đồ uống thanh nhiệt đôi khi là không đủ như đã nói trên.

Điều chỉnh lối sống để phòng ngừa và điều trị nhiệt miệng lâu ngày không khỏi

nhiệt miệng lâu ngày không khỏi

Bị nhiệt miệng mãi không khỏi cần phải làm gì? Nếu gặp phải vấn đề chưa thể giải quyết trong cuộc sống, bạn cần học cách thư giãn, kết hợp điều độ giữa làm việc, nghỉ ngơi và rèn luyện thể chất. Khi không để cho những cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng đến công việc và sức khỏe, bạn có thể nhận thấy tình trạng nhiệt miệng lâu ngày không khỏi hoặc xuất hiện thường xuyên sẽ được cải thiện đáng kể đấy.

Nhiệt miệng lâu ngày không khỏi: Khi nào cần gặp bác sĩ? 

Bạn có bao giờ thắc mắc nhiệt miệng lâu khỏi hay lở miệng lâu lành nên đi khám khi nào không? Câu trả lời sẽ có ngay sau đây:

Theo các chuyên gia sức khỏe, đôi khi nguyên nhân gây nhiệt miệng có thể nằm ở những vấn đề bạn không tự khắc phục được như:

  • Dụng cụ chỉnh nha cần điều chỉnh
  • Cơ thể gặp khó khăn trong việc hấp thu – trao đổi chất, gây thiếu hụt một hoặc một số chất dinh dưỡng
  • Bệnh lý mà nhiệt miệng chỉ là một biểu hiện, chẳng hạn trào ngược dạ dày thực quản, bệnh Crohn, suy giảm miễn dịch do virus…

Vì vậy, khi đã áp dụng những biện pháp để tự cải thiện mà vẫn gặp tình trạng nhiệt miệng lâu ngày không khỏi, lở miệng lâu lành hoặc nhiệt miệng tái đi tái lại liên tục, bạn nên gặp bác sĩ để được hỗ trợ. Bạn cũng cần đến sự trợ giúp của bác sĩ nếu:

  • Vết loét quá lớn, kích thước trên 2 cm
  • Nhiệt miệng kéo dài từ 2 tuần
  • Có biểu hiện nhiễm trùng như sốt, cứng hàm, sưng hạch bạch huyết…

Phân biệt nhiệt miệng lâu ngày không khỏi với ung thư lưỡi

Vết loét ở lưỡi có thể là dấu hiệu của việc bạn bị nhiệt miệng. Tuy nhiên, đây cũng có thể là cảnh báo nguy cơ ung thư lưỡi. Bạn có thể dựa vào một số đặc điểm dưới đây để phân biệt.

Các đặc điểm của vết loét:

– Nhiệt miệng: Vết loét màu trắng hoặc vàng ở giữa, bờ màu đỏ. Kích thước dưới 1cm. Vết loét và xung quanh có thể sưng, nóng, đỏ, đau nhưng vẫn mềm mại. Thường không chảy máu, không có mùi khó chịu.

– Ung thư lưỡi: Có thể là vết loét hoặc có khi là một u sùi ở lưỡi. Tổn thương màu đỏ xen lẫn trắng, vàng, có khi có màu đen do hoại tử. Nếu bạn có nhiệt miệng màu đen thì khả năng cao đó là ung thư. Tổn thương có thể đau hoặc không đau. Xung quanh vết loét chai cứng. Thường chảy máu và có mùi hôi, khó chịu.

Thời gian mắc bệnh:

– Nhiệt miệng: Thường sẽ khỏi sau 1-2 tuần, nhưng có thể tái phát nhiều lần nhưng ở những vị trí khác nhau.

– Ung thư lưỡi: Có thể kéo dài nhiều tháng, có khi hàng năm. Đôi khi tổn thương lành lại rồi tái phát ở cùng một vị trí. Vì vậy, nếu bị nhiệt miệng lâu ngày không khỏi, hoặc vết loét tái đi tái lại ở cùng vị trí, nên đến gặp bác sĩ để loại trừ ung thư.

Nổi hạch:

Nhiệt miệng hạch nổi ở góc hàm hoặc ở cổ thì có thể là biểu hiện bạn bị nhiệt miệng nặng và nhiễm trùng, cần phải dùng kháng sinh. Tuy nhiên, đây cũng có thể là biểu hiện của ung thư lưỡi. Khi nhiệt miệng nổi hạch, bạn phải đến gặp bác sĩ để biết rõ nguyên nhân.

Các triệu chứng khác:

– Nhiệt miệng: Thường không gây triệu chứng toàn thân nào. Đôi khi, nhiệt miệng nặng và nhiễm trùng có thể gây sốt nhưng sẽ khỏi khi được điều trị.

– Ung thư lưỡi: Có thể khiến người bệnh mệt mỏi, sút cân không rõ nguyên nhân, cơ thể suy kiệt, sốt kéo dài, nhai nuốt, nói chuyện và cử động lưỡi khó khăn.

Khi thấy có những dấu hiệu bất thường khi bị nhiệt miệng, bạn cần phải đến bệnh viện để thăm khám với bác sĩ.

Mong rằng, với những thông tin về nguyên nhân và giải pháp cho tình trạng nhiệt miệng lâu ngày không khỏi mà Hello Bacsi đề cập trên đây, bạn đọc sẽ tìm được những gợi ý hữu ích trong việc phòng ngừa và cải thiện những vết loét khó chịu thường gặp này.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Canker Sores

https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/10945-canker-sores Ngày tham khảo: 25/5/2022

Mouth ulcers

https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/conditionsandtreatments/mouth-ulcers Ngày tham khảo: 25/5/2022

Everything You Ever Wanted to Know About Canker Sores

https://www.cedars-sinai.org/blog/canker-sores.html Ngày tham khảo: 25/5/2022

7 Signs Your Painful Mouth Sore Could Be Something More Serious

https://health.clevelandclinic.org/dont-ignore-that-painful-mouth-sore/ Ngày tham khảo: 25/5/2022

Reduced dietary intake of vitamin B12 and folate in patients with recurrent aphthous stomatitis

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3323114/ Ngày tham khảo: 25/5/2022

Phiên bản hiện tại

31/05/2023

Tác giả: Phó Ngọc Trinh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lâm Trần Thảo Vy

Cập nhật bởi: Hoa Vũ


Bài viết liên quan

Hay bị nhiệt miệng là dấu hiệu của bệnh gì, khắc phục ra sao?

Hay bị nhiệt miệng ở má trong: Nguyên nhân do đâu, phòng ngừa thế nào?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lâm Trần Thảo Vy

Nha khoa · Nha khoa Cẩm Tú


Tác giả: Phó Ngọc Trinh · Ngày cập nhật: 31/05/2023

ad iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo