backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

"Điểm mặt" 8 thói quen sai lầm là nguyên nhân khiến răng bị ố vàng

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 20/12/2021

    "Điểm mặt" 8 thói quen sai lầm là nguyên nhân khiến răng bị ố vàng

    Răng bị ố vàng là một trong những vấn đề phổ biến khiến nhiều người mất tự tin khi giao tiếp. Không những thế, tình trạng răng bị vàng còn có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy, chúng ta thường cố tìm ra các tác nhân gây vàng răng để khắc phục vấn đề. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều không để ý, những sai lầm trong thói quen hằng ngày mới chính là nguyên nhân “gần gũi” nhất khiến răng bị ố vàng.

    Những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi sẽ “điểm tên” 8 thói quen phổ biến nhưng vô cùng nguy hại cho sức khỏe răng miệng, đặc biệt là gây ra tình trạng răng bị ố vàng.

    Mối quan hệ giữa răng bị ố vàng và những vấn đề sức khỏe

    Có rất nhiều nguyên nhân khiến răng bị ố vàng. Hai trong số đó là do vệ sinh răng miệng không đúng cách hoặc không khám răng định kỳ để kịp thời xử lý các vấn đề răng miệng mới phát sinh. Điều này tạo cơ hội cho các mảng bám và cao răng tích tụ, dẫn đến vàng răng, viền chân răng bị đen và gây ra nhiều vấn đề sức khỏe răng miệng: 

    • Răng bị ố vàng lâu ngày có thể dẫn đến sâu răng, làm hỏng cấu trúc răng.
    • Vàng răng cũng có thể gây ra viêm nướu, như chảy máu nướu và sưng nướu. 
    • Viêm nha chu xảy ra khi vi khuẩn bám vào răng sinh ra các độc tố có hại làm tổn thương nướu.

    Không những thế, nghiên cứu còn cho thấy có mối liên hệ giữa răng ố vàng và tình trạng hôi miệng. Chứng hôi miệng, hay hơi thở có mùi, xảy ra khi vi khuẩn sinh sôi trong miệng, gây ra vết ố trên răng, khô miệng, nhiễm trùng xoang, viêm phế quản, các vấn đề về gan, thận, trào ngược axit và nhiều vấn đề khác. Thói quen vệ sinh răng miệng kém khiến răng bị ố vàng cũng có thể hình thành các ổ áp xe dọc theo chân răng, gây đau và khó khăn khi ăn nhai.

    Nếu không kịp thời loại bỏ các mảng bám, răng sẽ bị ố vàng. Các mảng bám còn sót lại trên răng thực chất là vi khuẩn lưu lại trong miệng và gây ra các bệnh về nướu, phổi… Trên thực tế, tình trạng nhiễm trùng phổi sẽ trầm trọng hơn nếu răng vẫn bị ố màu kéo dài. Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với những người cao tuổi, vì đây là đối tượng rất dễ viêm phổi sau khi vi khuẩn từ răng xâm nhập vào phổi.

    “Điểm mặt” 8 thói quen sai lầm khiến răng bị ố vàng

    Tình trạng răng ố vàng không xảy ra trong một sớm một chiều mà được hình thành trong thời gian dài. Hầu hết mọi người đều biết đến các nguyên nhân khiến răng bị ố vàng, như hút thuốc, uống nhiều cà phê, nước ngọt, trà đậm… Nhưng ít ai biết được, một số thói quen trong cuộc sống hằng ngày được thực hiện một cách vô thức, cũng có thể gây ra tình trạng vàng răng. Dưới đây là những sai lầm “thân thuộc” mà rất nhiều người mắc phải khiến tình trạng răng miệng ngày càng tồi tệ và làm tăng nguy cơ vàng răng.

    1. Dùng lực quá mạnh để chải răng

    đánh răng mạnh khiến răng bị ố vàng

    Phần lớn mọi người có thói quen dùng lực rất mạnh để đánh răng. Với quan niệm rằng đánh răng càng mạnh thì răng sẽ càng sạch và sáng bóng, nhiều người thường đè mạnh bàn chải vào răng và dùng nhiều lực để đánh răng thật nhanh, thật mạnh. Tuy nhiên, đây là một trong những sai lầm rất lớn khi vệ sinh răng miệng, khiến răng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

    Trên thực tế, mặc dù thói quen chải răng thường xuyên là khá tốt, nhưng tốc độ và cường độ đánh răng càng cao, kèm theo tần suất đánh răng quá nhiều lần trong ngày, sẽ khiến men răng, răng và nướu dần bị bào mòn. Khi mất đi men răng, lớp ngà trắng của răng sẽ không còn được bảo vệ và sẽ dễ dàng bị ố vàng. Vấn đề này sẽ càng nghiêm trọng hơn nếu sử dụng kem đánh răng có chứa các chất mài mòn (than hoạt tính…).

    Giải pháp ở đây là nên điều chỉnh lực và tốc độ đánh răng, đồng thời chải răng 2 lần/ngày theo đúng quy tắc chuyển động tròn. Điều này không những đảm bảo làm sạch răng ở mọi ngóc ngách mà còn không gây áp lực lên răng và nướu, đảm bảo răng sạch mà vẫn khỏe khoắn.

    2. Đánh răng ngay sau khi ăn: Nguyên nhân khiến răng bị ố vàng

    Mặc dù việc đánh răng là hoàn toàn hợp lý và cần thiết, nhưng điều quan trọng là phải chọn đúng thời điểm đánh răng để phát huy tác dụng bảo vệ răng. 

    Nhiều người có thói quen đánh răng ngay sau khi ăn xong. Đây là một hành động sai lầm khiến răng dễ dàng bị ố vàng. Lý do là vì, những thức ăn và đồ uống chứa nhiều axit có thể tạm thời tác động và làm yếu đi men răng. Đồng thời, sau khi ăn, độ pH trong miệng sẽ giảm, độ axit tăng lên khá cao. Lúc này, việc đánh răng ngay cũng tương tự như hành động đẩy axit thấm sâu vào răng hơn, làm tăng nguy cơ răng bị mài mòn nhanh chóng, dẫn đến dễ bị vàng răng. Chính vì vậy, không nên đánh răng ngay sau khi dùng bữa. 

    Lời khuyên ở đây là nên đợi khoảng 30-60 phút sau khi ăn uống mới đánh răng. Lúc này, nồng độ axit đã giảm xuống, độ pH trong miệng cũng dần trở lại cân bằng, men răng sẽ cứng trở lại giúp bảo vệ răng tốt hơn, ngăn ngừa tình trạng răng bị ố vàng do mòn men răng.

    3. Thời gian đánh răng quá ngắn

    chải răng quá nhanh và vội

    Việc đánh răng cũng giống như rửa tay với xà bông vậy. Nếu rửa tay quá vội thì xà bông không đủ thời gian để diệt vi khuẩn trên tay. Đánh răng cũng thế! Khi chải răng vội, thời gian đánh răng quá ngắn, những dưỡng chất trong kem đánh răng không kịp phát huy tác dụng, vi khuẩn không được loại bỏ hoàn toàn mà vẫn còn bám trong miệng và trên răng, gây ra tình trạng răng bị ố vàng và  hôi miệng

    Trên thực tế, thời gian đánh răng hợp lý cần phù hợp với tình trạng răng miệng của mỗi người. Mặc dù vậy, theo lý thuyết, thời gian trung bình cho một lần đánh răng nên từ 2-3 phút. Trong khoảng thời gian này, cần chú ý đánh răng thật kỹ lưỡng, nhẹ nhàng, đảm bảo răng được chải sạch sâu. Đừng vì bất kỳ lý do gì mà chải răng qua loa, vội vàng vì điều này sẽ khiến răng bị vàng và phát sinh nhiều vấn đề về sức khỏe răng miệng khác.

    4. Quên chải mặt trong của răng hoặc chải qua loa 

    Nhiều người thường hay vô tình quên hoặc chải rất qua loa mặt trong của răng. Điều này sẽ làm cho những mảng bám không được làm sạch tồn tại lâu trên răng hơn, gây ra các bệnh như nha chu, viêm nướu, hôi miệng và răng bị ố vàng. Cần chú ý vệ sinh răng cả mặt trong lẫn mặt ngoài và mặt nhai một cách kỹ càng để hạn chế các vấn đề răng miệng.

    Tìm hiểu thêm Làm sao để đánh răng đúng cách?

    5. Sử dụng nước quá lạnh để súc miệng khiến răng bị ố vàng

    Một nguyên nhân khiến răng bị ố vàng mà ít người ngờ đến là sử dụng nước quá lạnh để súc miệng. Khi nhiệt độ nước ở mức thấp, men răng, nướu và phần mô mềm trong khoang miệng đều có thể bị ảnh hưởng, đặc biệt là khi thường xuyên dùng nước súc miệng quá lạnh trong thời gian dài. Ngoài ra, nước dưới 32 độ C còn làm cho các thành phần của kem đánh răng không phát huy hiệu quả. Nhiệt độ nước súc miệng tốt nhất nên là khoảng 37 độ C. 

    6. Lạm dụng quá nhiều nước súc miệng hoặc chọn loại có độ axit quá cao

    nguyên nhân răng bị ố vàng

    Hiện nay, nhiều người lại vô tình làm mất cân bằng độ pH bên trong khoang miệng, bằng cách sử dụng nhiều lần nước súc miệng trong ngày. Điều đáng lo ngại là, rất nhiều sản phẩm nước súc miệng thương mại trên thị trường có độ axit rất cao. Nếu thường xuyên sử dụng nước súc miệng như vậy để giữ hơi thở thơm tho, men răng có nguy cơ cao bị phá hủy bởi axit, làm tăng nguy cơ bị vàng răng.

    Bạn có thể quan tâm [Infographic] Cách sử dụng nước súc miệng như thế nào là đúng và hiệu quả?

    7. Quên vệ sinh răng miệng: Nguyên nhân răng bị ố vàng

    Một số người vì một lý do nào đó, như quá bận rộn chẳng hạn, mà đôi khi quên vệ sinh răng miệng. Khi không đánh răng đầy đủ, không dùng chỉ nha khoa thường xuyên hoặc không súc miệng bằng nước súc miệng giúp loại bỏ mảng bám và cao răng tích tụ thì màu răng có thể chuyển sang vàng. Không những thế, những điều này còn có thể gây ra sự tích tụ mảng bám trên men răng, làm mỏng lớp bảo vệ đó và cũng làm cho răng có màu vàng do màng vi khuẩn, từ đó góp phần gây ra bệnh nướu răng. Vì vậy, cần lưu ý chăm sóc sức khỏe răng miệng đầy đủ để có thể đẩy lùi vi khuẩn và mảng bám trong miệng.

    8. Ngủ mở miệng

    Tình trạng khô miệng có thể gây ra nhiều bệnh về răng miệng. Chính vì thế, luôn cần phải có nước bọt để cân bằng độ pH bên trong khoang miệng. Nhờ có sự kết hợp của các enzim, khoáng chất và các hợp chất oxy mà nước bọt có thể làm giảm những axit gây mòn men răng. Hơi ẩm trong miệng còn giúp rửa trôi sự tích tụ màng sinh học. Việc nuốt nước bọt cũng là một cách “rửa” răng thường xuyên, làm trôi bớt vi khuẩn và ngăn ngừa các vết bẩn bám vào men răng.

    Tuy nhiên, thói quen thở bằng miệng, há miệng trong lúc ngủ, khiến khoang miệng rất khô làm tăng nguy cơ răng bị ố vàng. Tình trạng thiếu nước bọt trong miệng có thể làm suy yếu men răng và thúc đẩy quá trình răng ngả vàng. 

    Hy vọng những thông tin được tổng hợp trong bài viết trên đã giúp bạn biết được những thói quen sai lầm hằng ngày là nguyên nhân răng bị ố vàng, từ đó tập từ bỏ các thói quen không tốt đó để bảo vệ sức khỏe răng miệng.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 20/12/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo