Loạn sản cổ tử cung là một tình trạng phổ biến xảy ra ở phụ nữ trong khoảng 25 – 35 tuổi và thường gắn liền với các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Trong bài viết này, Hello Bacsi mời bạn cùng tìm hiểu về loạn sản cổ tử cung là gì, có nguy hiểm không, có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung hay không? Mời bạn cùng theo dõi.
Loạn sản cổ tử cung là gì?
Loạn sản cổ tử cung là sự phát triển bất thường của các tế bào trên bề mặt cổ tử cung. Một tên khác của chứng loạn sản cổ tử cung là tân sinh trong (nội) biểu mô cổ tử cung hoặc CIN. Sự phát triển bất thường của tế bào cổ tử cung diễn ra dưới tác động của tác nhân gây viêm nhiễm, sự thay đổi môi trường âm đạo, nhiễm virus gây u nhú ở người (HPV). Theo thống kê, ước tính loạn sản cổ tử cung ảnh hưởng đến từ 250.000 – 1 triệu phụ nữ trên khắp Hoa Kỳ mỗi năm.
Những thay đổi bất thường trong tế bào có thể nhẹ, vừa hoặc nặng. Việc được chẩn đoán bị loạn sản cổ tử cung không đồng nghĩa với việc sẽ mắc ung thư cổ tử cung, vì các tế bào bất thường nhẹ là lành tính và đa số thoái triển về bình thường, nếu bất thường nặng thì được xem là tiền ung thư; do đó, nếu không được điều trị phù hợp, bệnh có thể tiến triển thành ung thư. Ung thư cổ tử cung là nguyên nhân thứ hai gây tử vong do ung thư ở phụ nữ.
Nguyên nhân nào gây ra chứng loạn sản cổ tử cung?
Các chuyên gia thường phát hiện virus HPV trong tế bào cổ tử cung ở những phụ nữ bị loạn sản. Nhiễm HPV là một tình trạng phổ biến ở cả nam và nữ, đặc biệt là phụ nữ dưới 30 tuổi có quan hệ tình dục.
Trong hầu hết trường hợp, hệ miễn dịch sẽ tiêu diệt virus và chấm dứt nhiễm trùng. Tuy nhiên, ở một số người, nếu nhiễm virus kéo dài có thể dẫn đến loạn sản cổ tử cung.
Theo thống kê, có hơn 100 chủng virus HPV khác nhau và hơn 1/3 trong số chúng lây truyền qua đường tình dục. Đặc biệt, hai dạng (type) virus HPV-16 và HPV-18 thường là nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung.
HPV có thể lây truyền khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn hoặc đường miệng. Nó cũng có thể lây qua người khỏe mạnh khi tiếp xúc da với người nhiễm bệnh. Khi vào trong cơ thể, virus có thể lây lan từ cơ quan này sang cơ quan khác, như cổ tử cung.
Trong số những phụ nữ nhiễm HPV mạn tính, những người hút thuốc sẽ có nguy cơ gấp đôi mắc loạn sản cổ tử cung nghiêm trọng vì thuốc lá ức chế hệ miễn dịch.
Tình trạng nhiễm HPV mạn tính và loạn sản cũng liên quan đến các yếu tố làm suy yếu hệ miễn dịch, như dùng thuốc ức chế miễn dịch để điều trị HIV/AIDS hoặc dùng sau khi cấy ghép nội tạng.
Một số phụ nữ sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người khác nếu có các yếu tố sau đây:
- Có một tình trạng sức khỏe kém
- Đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch
- Quan hệ tình dục với nhiều bạn tình
- Sinh con trước 16 tuổi
- Quan hệ tình dục trước 18 tuổi
- Không sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục
- Hút thuốc lá, kẻ cả người hút thuốc lá thụ động
- Không chủng ngừa HPV
Để giảm nguy cơ nhiễm HPV, bạn nên sử dụng bao cao su cho nữ hoặc đề nghị bạn tình sử dụng bao cao su.
Triệu chứng loạn sản cổ tử cung là gì?
Những người bị chứng loạn sản cổ tử cung thường không có triệu chứng. Đây là lý do tại sao các bác sĩ sản phụ khoa thường khuyến khích chị em phụ nữ thực hiện xét nghiệm Pap định kỳ để chẩn đoán sớm ung thư cổ tử cung.
Các triệu chứng của ung thư cổ tử cung thường không xuất hiện cho đến khi các tế bào cổ tử cung bất thường trở thành ung thư và xâm lấn các mô lân cận. Triệu chứng phổ biến nhất là chảy máu bất thường giữa các chu kỳ kinh nguyệt, sau khi quan hệ tình dục, thụt rửa hoặc khám vùng chậu. Các triệu chứng khác có thể bao gồm:
- Chảy máu kinh nguyệt nhiều hơn, có thể kéo dài hơn bình thường
- Chảy máu sau khi mãn kinh
- Tăng tiết dịch âm đạo
Các triệu chứng này có thể giống với các tình trạng hoặc vấn đề y tế khác. Do đó, nếu gặp một trong các triệu chứng kể trên, bạn cần tiến hành thăm khám, tham khảo ý kiến bác sĩ để chẩn đoán chính xác.
Thông thường để chẩn đoán bệnh, bác sĩ thường thăm khám quan sát cổ tử cung, lấy tế bào làm xét nghiệm PAP. Thủ thuật này sẽ giúp bác sĩ xác định mức độ nghiêm trọng của chứng loạn sản. Bên cạnh đó, họ cũng có thể đề nghị thêm các xét nghiệm khác, như:
- Lặp lại các xét nghiệm PAP
- Soi cổ tử cung để phát hiện các tế bào bất thường, từ đó bác sĩ sẽ đề xuất sinh thiết
- Nạo kênh cổ tử cung để kiểm tra các tế bào bất thường trong ống cổ tử cung
- Sinh thiết chóp cổ tử cung hoặc khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện (LEEP) để chẩn đoán hoặc loại trừ nguyên nhân ung thư di căn
- Xét nghiệm ADN HPV để xác định chủng virus gây ung thư tử cung
Có thể bạn quan tâm
Kết quả xét nghiệm Pap có thể bình thường, không thể kết luận hoặc bất thường. Nếu kết quả là bình thường, bạn nên làm theo lời khuyên của bác sĩ về việc kiểm tra Pap thường xuyên.
Kết quả không rõ ràng không chỉ ra chứng loạn sản cổ tử cung. Bạn có thể bị nhiễm trùng đơn giản ở cổ tử cung hoặc viêm âm đạo. Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm Pap lặp lại. Việc tiến hành thăm khám đánh giá lại hay chẩn đoán thêm sẽ phụ thuộc vào tuổi và tiền sử bệnh của bạn.
Một kết quả bất thường được gọi là chứng loạn sản cổ tử cung. Nó được gọi là tổn thương trong biểu mô vảy (SIL). Trong xét nghiệm Pap, các tế bào tiền ung thư có thể được phân loại là:
- SIL cấp thấp (LSIL), cho thấy bất thường diễn ra ở mức độ nhẹ
- SIL cao cấp (HSIL), cho biết bất thường diễn ra ở mức độ từ trung bình đến nghiêm trọng
- Tế bào tuyến hoặc tế bào vảy không điển hình (AGC-US hoặc ASC-US)
Trong trường hợp này, các bác sĩ thường đề nghị bạn làm các xét nghiệm bổ sung để xem các thay đổi tế bào là nhẹ, trung bình hay nghiêm trọng. Việc soi cổ tử cung là một thủ tục cần thiết tại phòng khám giúp bác sĩ quan sát kỹ hơn cổ tử cung của bạn. Họ có thể đề nghị bạn làm sinh thiết cổ tử cung để giúp xác định khu vực bất thường.
Loạn sản cổ tử cung được tìm thấy trên sinh thiết được gọi là tân sinh nội (trong) biểu mô cổ tử cung (CIN). Có 3 cấp độ:
- CIN I (loạn sản nhẹ)
- CIN II (loạn sản trung bình đến rõ rệt)
- CIN III (loạn sản nghiêm trọng thành ung thư biểu mô tại chỗ)
Xét nghiệm HPV có thể được hoàn thành cùng lúc hoặc riêng biệt với xét nghiệm Pap. Nó sẽ xác định sự hiện diện và loại virus HPV mà bạn nhiễm phải.
Loạn sản cổ tử cung được điều trị như thế nào?
Việc điều trị loạn sản sẽ phụ thuộc vào mức độ bất thường của các tế bào và bệnh sử của bạn. Hầu hết các trường hợp nhẹ sẽ hết mà không cần điều trị. Bác sĩ có thể đề nghị làm xét nghiệm PAP mỗi 6-12 tháng, thay vì cứ sau 3-5 năm. Tuy nhiên, nếu tình trạng không biến mất hoặc trở nên tồi tệ hơn, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị.
Trường hợp loạn sản vừa hoặc nặng có thể cần điều trị ngay lập tức. Các lựa chọn điều trị bao gồm:
- áp lạnh mô cổ tử cung bất thường
- Khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện (LEEP) cắt vùng cổ tử cung bất thường bằng vòng điện
- Phẫu thuật để loại bỏ các tế bào bất thường bằng laser, dao mổ hoặc cả hai
Đối với các trường hợp hiếm gặp của chứng loạn sản cổ tử cung nghiêm trọng, bác sĩ có thể yêu cầu cắt tử cung để loại bỏ hoàn toàn cổ tử cung.
Có thể bạn quan tâm
Vậy loạn sản cổ tử cung có chữa khỏi được không?
Theo các chuyên gia sức khỏe, việc loại bỏ hoặc phá hủy các tế bào bất thường giúp chữa khỏi chứng loạn sản cổ tử cung trong khoảng 90% các trường hợp. Loạn sản cổ tử cung hiếm khi tiến triển thành ung thư. Khi tình trạng tiến triển sẽ diễn ra rất chậm nên việc thăm khám định kỳ giúp các bác sĩ có thời gian can thiệp tốt hơn.
Làm thế nào để phòng ngừa bệnh hiệu quả?
Cách tốt nhất để ngăn ngừa chứng loạn sản cổ tử cung là tiêm vắc-xin HPV. Việc này đã được chứng minh làm giảm nguy cơ mắc virus HPV. Tuy nhiên, vắc-xin này không hoàn toàn ngăn ngừa loạn sản. Để việc chủng ngừa có kết quả tốt nhất, các bé gái trong độ tuổi từ 9 đến 26 nên tiêm phòng trước khi có hoạt động tình dục.
Bạn cũng có thể thực hiện các biện pháp sau để giảm nguy cơ phát triển chứng loạn sản:
- Không hút thuốc lá
- Không quan hệ tình dục khi dưới 18 tuổi
- Luôn sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục
- Không quan hệ với nhiều người
- Xét nghiệm tầm soát định kỳ để phát hiện và điều trị kịp thời.
Sống chung với chứng loạn sản cổ tử cung
Việc chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời là chìa khóa giúp chữa khỏi hầu hết các trường hợp loạn sản cổ tử cung. Thực hiện theo các khuyến nghị tầm soát của bác sĩ để phát hiện sớm.
Sau khi điều trị, chứng loạn sản cổ tử cung có thể trở lại. Những người bị loạn sản cổ tử cung nặng, nhiễm HPV nguy cơ cao hoặc tình trạng không được điều trị có thể phát triển thành ung thư cổ tử cung.
Hello Bacsi hy vọng rằng với những thông tin được trình bày trong bài, bạn đã hiểu rõ hơn về tình trạng loạn sản cổ tử cung, có kế hoạch chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
[embed-health-tool-ovulation]