backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Cắt tử cung ngả âm đạo

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Phùng Thị Phương Chi · Ung thư - Ung bướu · Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 23/05/2020

Cắt tử cung ngả âm đạo

Tìm hiểu chung

Cắt tử cung ngả âm đạo là gì?

Đây là một phẫu thuật để cắt bỏ tử cung và cổ tử cung. Phẫu thuật này cũng có thể cắt bỏ luôn cả buồng trứng, nhưng thường thì hai buồng trứng được giữ nguyên. Phẫu thuật được thực hiện qua ngả âm đạo.

Các bác sĩ thường chỉ định phẫu thuật cắt tử cung ngả âm đạo cho các trường hợp như sa tử cung (là tình trạng tử cung bị sa xuống thấp trong âm đạo hoặc ra ngoài âm hộ), rong kinh, thống kinh và u xơ tử cung.

Cắt tử cung ngả âm đạo có thời gian nằm viện ngắn hơn, chi phí thấp hơn và thời gian hồi phục nhanh hơn so với cắt tử cung ngả bụng, đòi hỏi phải rạch đường mổ ở thành bụng của bạn. Tuy nhiên, nếu tử cung bạn quá lớn thì cắt tử cung ngả âm đạo có thể không phù hợp.

Khi nào bạn nên thực hiện?

Khi nào bạn nên thực hiện cắt tử cung?

Cắt tử cung ngả âm đạo điều trị nhiều bệnh lý phụ khoa khác nhau, bao gồm:

  • U xơ tử cung: Nhiều ca cắt tử cung được thực hiện để điều trị triệt để u xơ tử cung (là khối u lành tính ở tử cung, đôi khi gây chảy máu kéo dài, thiếu máu, đau vùng chậu, đau khi giao hợp và căng tức bàng quang). Nếu bạn có u xơ lớn, có thể bạn cần phải cắt tử cung ngả bụng.
  • Lạc nội mạc tử cung: Lạc nội mạc tử cung xảy ra khi lớp mô lót bên trong tử cung (nội mạc tử cung) phát triển ở bên ngoài tử cung, thường ở buồng trứng, vòi trứng hoặc các cơ quan khác. Hầu hết phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung đều được cắt tử cung ngả bụng nhưng đôi khi có thể cắt ở ngả âm đạo.
  • Ung thư phụ khoa: Nếu bạn bị ung thư tử cung, cổ tử cung, nội mạc tử cung hoặc buồng trứng, hoặc các tổn thương tiền ung thư, bác sĩ có thể khuyên bạn thực hiện phẫu thuật cắt tử cung để điều trị. Thường thì cắt tử cung ngả bụng được dùng để điều trị ung thư buồng trứng, trong khi cắt tử cung ngả âm đạo có thể thích hợp với phụ nữ bị ung thư cổ tử cung hoặc nội mạc tử cung.
  • Sa tử cung: Khi mô nâng đỡ và các dây chằng vùng chậu của bạn bị giãn hoặc yếu đi, tử cung có thể sa thấp xuống hoặc trồi vào trong âm đạo, gây những triệu chứng tiểu không kiểm soát, căng tức vùng chậu hoặc khó đại tiện. Cắt bỏ tử cung và sửa chữa các cân nâng đỡ vùng chậu có thể giúp làm giảm những triệu chứng trên.
  • Xuất huyết âm đạo bất thường: Khi thuốc hoặc các thủ thuật phẫu thuật ít xâm lấn hơn không kiểm soát được tình trạng kinh nguyệt bất thường, rong kinh hoặc chảy máu nhiều trong kỳ kinh thì cắt tử cung có thể giải quyết được vấn đề.
  • Đau vùng chậu mạn tính: Nếu bạn bị đau vùng chậu mạn tính được xác định rõ là do nguyên nhân bệnh lý tử cung thì cắt tử cung có thể hữu ích, nhưng chỉ là giải pháp cuối cùng. Đau vùng chậu mạn tính có thể có nhiều nguyên nhân, vì vậy quan trọng là cần chẩn đoán chính xác nguyên nhân trước khi cắt tử cung để điều trị đau vùng chậu.

Ngoại trừ ung thư phụ khoa, các bệnh lý còn lại đều có nhiều phương pháp điều trị. Phương pháp cắt tử cung qua ngả âm đạo chỉ là một lựa chọn và cũng là một can thiệp khá lớn. Do đó, bạn chỉ thực hiện khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả. Cần nhớ rằng sau khi cắt bộ phận này, bạn sẽ không thể có thai nữa.

Điều cần thận trọng

Bạn nên biết những gì trước khi phẫu thuật?

phẫu thuật

Triệu chứng của sa tử cung có thể được cải thiện bằng các bài tập sàn chậu.

Chảy máu nhiều trong kỳ kinh có thể được điều trị bằng thuốc uống, vòng tránh thai hoặc nạo bỏ lớp nội mạc tử cung.

Tùy thuộc và kích thước và vị trí của u xơ mà bạn có thể uống thuốc giúp kiểm soát triệu chứng. Các biện pháp điều trị khác bao gồm phẫu thuật chỉ cắt bỏ u xơ (phẫu thuật bóc nhân xơ) hoặc gây thuyên tắc động mạch tử cung (làm tắc nghẽn chọn lọc dòng máu đến nuôi tử cung dẫn đến hoại tử khối u xơ).

Trước khi tiến hành phẫu thuật, bạn nên hiểu rõ các cảnh báo và lưu ý. Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có thêm thông tin và hướng dẫn cụ thể.

Liệu có nguy hiểm nào có thể xảy ra hay không?

Như bất kỳ phẫu thuật nào khác, cắt tử cung ngả âm đạo cũng sẽ có một số nguy cơ nhất định. Bạn nên trao đổi với bác sĩ phẫu thuật để được giải thích xem các nguy cơ này sẽ có tác động như thế nào đến sức khỏe của bạn.

Biến chứng có thể xảy ra với mọi phẫu thuật là phản ứng không mong muốn với thuốc gây mê, chảy máu nhiều hoặc tạo cục máu đông (huyết khối tĩnh mạch sâu).

Riêng với cắt tử cung ngả âm đạo, bạn còn có thể gặp các biến chứng:

  • Chảy máu sau mổ
  • Nhiễm trùng hoặc áp xe vùng chậu
  • Tổn thương các cấu trúc gần tử cung
  • Tạo đường rò giữa trực tràng, bàng quang hoặc niệu đạo và âm đạo
  • Phải chuyển sang cắt tử cung ngả bụng (qua nội soi hoặc mổ mở) trong trường hợp vùng chậu bị xơ dính do lạc nội mạc tử cung hoặc sẹo mổ cũ
  • Thuyên tắc tĩnh mạch chi dưới và thuyên tắc phổi
  • Hở mỏm cắt âm đạo.

Ngoài ra, còn có thể có các vấn đề mãn tính bao gồm:

  • Sa sinh dục tiếp tục diễn tiến
  • Tiếp tục chảy máu
  • Đau kéo dài
  • Dính các cơ quan ổ bụng
  • Đau khi quan hệ tình dục
  • Són tiểu khi có áp lực trong ổ bụng (chẳng hạn khi bạn ho, cười, nước tiểu bị són ra ngoài) hoặc tiểu nhiều lần
  • Mãn kinh.

Bạn có thể giảm nguy cơ mắc phải biến chứng bằng cách cẩn thận làm theo hướng dẫn của bác sĩ để chuẩn bị cho phẫu thuật, chẳng hạn như nhịn ăn và ngưng một số thuốc nhất định trước khi phẫu thuật.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các biến chứng có thể xảy ra, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.

Quy trình thực hiện

Bạn nên làm gì trước khi thực hiện cắt tử cung ngả âm đạo?

gây mê toàn thân

Bạn sẽ được chỉ dẫn cụ thể để chuẩn bị cho phẫu thuật, bao gồm việc liệu bạn có thể ăn vài tiếng trước phẫu thuật được không. Đa số trường hợp, bạn nên nhịn ăn khoảng sáu tiếng trước đó. Bạn có thể dùng đồ uống, chẳng hạn như cà phê, một vài tiếng trước phẫu thuật.

Bạn phải thảo luận với bác sĩ về các loại thuốc bạn sử dụng gần đây, tình trạng dị ứng hoặc các bệnh lý khác mà bạn mắc phải. Ngoài ra, trước khi thực hiện phẫu thuật, bạn sẽ gặp bác sĩ gây mê để cùng nhau lên kế hoạch gây mê. Điều quan trọng là phải tuân thủ các hướng dẫn về thời điểm nhịn ăn, uống trước khi phẫu thuật.

Quy trình thực hiện cắt tử cung ngả âm đạo là gì?

Phẫu thuật này thường được thực hiện trong khi gây mê và mất khoảng 45 phút.

Bác sĩ phụ khoa sẽ rạch đường mổ xung quanh cổ tử cung ở đỉnh âm đạo của bạn để có thể cắt bỏ tử cung cùng với cổ tử cung. Tử cung sẽ được lấy ra thông qua lỗ mở ở âm đạo.

Sau đó, bác sĩ thường sẽ khâu lại các dây chằng nâng đỡ tử cung vào phần đỉnh âm đạo của bạn để giảm nguy cơ bị sa sau này. Một gạc nhỏ sẽ được đặt vào âm đạo sau phẫu thuật.

Hồi phục sức khỏe

Bạn nên làm gì sau khi thực hiện cắt tử cung ngả âm đạo?

tập thể dục

Sự xuất hiện của máu trong dịch tiết âm đạo là bình thường trong những ngày đầu hậu phẫu, vì vậy bạn sẽ cần đến băng vệ sinh.

Bạn có thể về nhà sau một đến ba ngày. Nghỉ ngơi trong hai tuần và tiếp tục thực hiện các bài tập mà bạn được hướng dẫn ở bệnh viện. Bạn thường có thể quay trở lại làm việc sau bốn đến sáu tuần, tùy thuộc vào loại hình công việc.

Bạn sẽ cảm thấy bình thường trở lại sau hai đến ba tháng.

Tập thể dục đều đặn sẽ giúp bạn quay trở lại với các hoạt động bình thường sớm nhất có thể. Trước khi bắt đầu tập, bạn hãy hỏi xin ý kiến của bác sĩ.

Sau phẫu thuật cắt tử cung, bạn sẽ thấy dễ chịu hơn vì không còn bị ra máu âm đạo hay đau vùng chậu nữa. Đối với hầu hết phụ nữ, cắt tử cung không làm thay đổi việc quan hệ tình dục, nhưng một số phụ nữ lại có cảm giác hài lòng hơn có thể do họ không còn đau khi quan hệ tình dục nữa.

Đôi khi bạn cảm thấy mất mát, đau buồn và dễ tổn thương, và điều đó thường xảy ra. Hoặc bạn có thể bị trầm cảm do mất đi khả năng sinh sản, đặc biệt khi cắt tử cung ở người trẻ tuổi. Nếu những cảm xúc tiêu cực đó xảy ra thường xuyên hàng ngày, bạn cần phải trao đổi với bác sĩ.

Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.

Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Phùng Thị Phương Chi

Ung thư - Ung bướu · Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 23/05/2020

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo