backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Giải đáp nguyên nhân gây u xơ tử cung - Nỗi ám ảnh của chị em phụ nữ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Văn Thu Uyên · Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


Tác giả: Nhi Bui · Ngày cập nhật: 19/02/2024

    Giải đáp nguyên nhân gây u xơ tử cung - Nỗi ám ảnh của chị em phụ nữ

    U xơ tử cung là bệnh phụ khoa phổ biến ở phụ nữ đang trong độ tuổi sinh sản và được xem là nỗi ám ảnh của nhiều chị em, nhất là những ai đang có kế hoạch mang thai. Vậy nguyên nhân gây u xơ tử cung là gì? Người bị u xơ tử cung có thể gặp những biến chứng gì mà khiến các chị em lo sợ đến thế?

    Trong bài viết dưới đây, Hello Bacsi sẽ giải đáp những vấn đề liên quan đến bệnh lý này như nguyên nhân gây u xơ tử cung, biến chứng, cũng như cách điều trị nhân xơ tử cung để các chị em có thể hiểu rõ và đỡ lo lắng hơn khi nhận được chẩn đoán mắc bệnh nhé. 

    Nguyên nhân gây u xơ tử cung 

    Trước khi đi sâu vào tìm hiểu nguyên nhân, hãy cùng điểm sơ qua các điểm chính về u xơ tử cung bao gồm: 

    • Đây là một khối u lành tính của tế bào cơ trong tử cung. Là khối u vùng chậu thường hay gặp nhất trong độ tuổi sinh sản. 
    • Các khối u xơ có thể phát triển dưới dạng một nốt đơn (một khối u) hoặc thành từng cụm. 
    • Kích thước u xơ có thể nhỏ như hạt mè hoặc lớn như quả dưa hấu, với đường kính khoảng từ 1mm đến hơn 20 cm, hay thậm chí lớn hơn.
    • Dấu hiệu u xơ tử cung có thể xuất hiện hoặc không vì không phải khối u nào cũng gây ra các triệu chứng. Một số dấu hiệu có thể gặp như  rong kinh, rong huyết, đau lưng dưới, đi tiểu thường xuyên hoặc đau khi quan hệ tình dục.

    Như đã liệt kê ở trên, các thông tin tổng quát về u xơ khá đầy đủ, nhưng cho đến hiện tại, nguyên nhân dẫn đến u xơ tử cung vẫn không rõ ràng. Tuy nhiên, điều đáng mừng là các nhà nghiên cứu vẫn chỉ ra được vài yếu tố có liên quan đến sự hình thành và phát triển khối u, như sau: 

    1. Biến đổi gen

    Nghiên cứu được đăng tải trên NCBI – Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Hoa Kỳ – đã chỉ ra rằng, sự thay đổi về gen như sai lệch nhiễm sắc thể hoặc sự chuyển đổi vị trí giữa các nhiễm sắc thể với nhau có thể là nguyên nhân khởi phát và thúc đẩy sự phát triển của các khối u xơ.

    Sự biến đổi này không chỉ là nguyên nhân gây u xơ ở người bệnh, mà còn có khả năng di truyền sang những thế hệ tiếp theo. Ví dụ như mẹ bị u xơ tử cùng thì con gái sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 3 lần. 

    2. Hormone estrogen

    nguyên nhân gây u xơ tử cung

    Hormone estrogen được cho là nhân tố thúc đẩy u xơ tử cung tiến triển, vì khối u xơ có xu hướng lớn dần ra khi nồng độ hormone cao và co lại hoặc ngừng phát triển khi nồng độ hormone thấp. Một vài ví dụ dẫn chứng cho sự liên quan này có thể kể đến như: 

    • Hầu hết u xơ xảy ra ở những người trong độ tuổi sinh sản, từ 30 đến 50 tuổi. Đây là độ tuổi có nồng độ estrogen ở mức cao nhất. 
    • U xơ hình thành khi mang thai (nồng độ estrogen cao).
    • Mô hình phát triển của u xơ tử cung rất khác nhau. Chúng có thể trải qua giai đoạn tăng trưởng nhanh chóng trong độ tuổi sinh sản khi mức estrogen tăng cao và có xu hướng co lại sau thời kỳ mãn kinh do nồng độ hormone giảm. 

    3. Yếu tố tăng trưởng IGF-1 (Insulin-like Growth Factor 1)

    Yếu tố tăng trưởng IGF-1 giúp cơ thể duy trì tái tạo mô và phát triển cơ, xương bình thường cũng được chỉ ra rằng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của u xơ. Do đó, những người béo phì, với chỉ số IGF-1 luôn ở mức cao, thường có nguy cơ mắc u xơ tử cung cao gấp đôi những người có cân nặng ổn định. 

    4. Chất nền ngoại bào/Ma trận ngoại bào (ECM – Extracellular Matrix)

    Ma trận ngoại bào – ECM bao gồm tập hợp những phân tử giúp các tế bào dính chặt vào nhau như collagen, enzym, glycoprotein hoặc hydroxyapatite. Khi các thành phần này tăng lên không chỉ khiến cấu trúc và độ cứng của ECM bị thay đổi, mà còn có khả năng thúc đẩy các khối u xơ hình thành và phát triển.  

    Mặc dù nói, u xơ tử cung là lành tính và có thể co lại khi mãn kinh, nhưng một số biến chứng trong thời kỳ phát triển vẫn có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Hãy cùng theo dõi phần tiếp theo để xem những biến chứng đó là gì nhé. 

    U xơ tử cung có thể gây ra những biến chứng gì?

    nguyên nhân gây u xơ tử cung

    Sau đây là một số biến chứng u xơ tử cung thường thấy nhất, bao gồm: 

    1. Thiếu máu

    Một trong những triệu chứng của u xơ tử cung là kinh nguyệt ra nhiều hặc chảy máu giữa các kỳ kinh, dẫn đến tình trạng rong kinh hoặc rong huyết. Đây chính là nguyên nhân khiến những bệnh nhân u xơ tử cung thường xuyên bị thiếu máu. 

    Nếu tình trạng này kéo dài và không được điều trị kịp thời có thể trở thành thiếu máu mãn tính, khiến người bệnh bị sút cân, ốm yếu hay thậm chí là không đủ sức khỏe để hoạt động hằng ngày. 

    2. Khó mang thai

    “Bị u xơ tử cung có mang thai được không?” là một trong những câu hỏi khiến nhiều chị em tìm kiếm nhất. Theo các chuyên gia về sản phụ khoa, tùy tình trạng bệnh lý mà tỷ lệ mang thai khác nhau. Nhưng tin vui là đa phần các bệnh nhân u xơ tử cung vẫn có thể mang thai, một số trường hợp nhân xơ dưới niêm mạc có thể làm giảm khả năng thai làm tổ vào niêm mạc tử cung. Tỷ lệ vô sinh do u xơ gây ra cũng rất hiếm gặp. Tuy nhiên, u xơ có thể làm tăng nguy cơ biến chứng thai kỳ như: 

    • Thai nhi chậm phát triển: Khối u làm hạn chế dinh dưỡng từ mẹ sang con trong những trường hợp tử cung đa nhân xơ, khiến sự tăng trưởng của thai nhi bị ảnh hưởng, có thể không tốt như mong đợi.  
    • Sinh non: Trường hợp kích thước u xơ quá to hay đa u xơ, có thể kích thích gây cơn co tử cung. Đây là những yếu tố làm tăng nguy cơ gây sinh non.  
    • Sảy thai: Những khối u có kích thước lớn hoặc trường hợp đa u xơ có thể chèn ép thai nhi và gia tăng nguy cơ sẩy thai. 

    3. Biến chứng khác

    Một số biến chứng khác do u xơ tử cung gây ra có thể kể đến như: 

    • Các khối u xơ tử cung dưới thanh mạc có cuống dễ bị xoắn lại, gây đau ở vùng bụng. 
    • Khối u quá lớn, gây chèn ép các cơ quan xung quanh như niệu quản, bàng quang, trực tràng hoặc tĩnh mạch chi dưới. 

    U xơ tử cung được điều trị như thế nào? 

    điều trị u xơ tử cung

    Phương pháp điều trị u xơ tử cung có thể khác nhau tùy thuộc vào kích thước, số lượng và vị trí của u xơ cũng như những triệu chứng mà chúng gây ra. Nếu không gặp bất kỳ triệu chứng nào, người bệnh có thể không cần phải điều trị, mà chỉ cần theo dõi thường xuyên qua việc khám phụ khoa định kỳ. 

    Khi khối u tiến triển và xuất hiện nhiều triệu chứng hơn, một số phương pháp có thể được chỉ định như: 

    Sử dụng thuốc

    • Thuốc giảm đau không kê đơn (OTC): Giúp kiểm soát cơn đau và sự khó chịu do u xơ gây ra, ví dụ như acetaminophen và ibuprofen
    • Dùng viên uốn g bổ sung sắt: Nếu triệu chứng thiếu máu xuất hiện, người bệnh có thể được yêu cầu sử dụng thêm một số loại thuốc giúp tăng cường sản xuất hồng cầu. 
    • Thuốc viên nội tiết tránh thai: Việc dùng các loại loại thuốc viên nội tiết tránh thai có thể giúp giảm các triệu chứng của u xơ như rong kinh, đau bụng kinh hoặc chảy máu giữa các kỳ kinh. Các lựa chọn giúp ngừa thai như thuốc tránh thai, progesterone đường uống, dụng cụ đặt trong tử cung Levonorgestrel (LNG-IUS).
    • Chất đồng vận GnRH: Những loại thuốc này hoạt động bằng cách thu nhỏ khối u, thường được sử dụng trước khi phẫu thuật để loại bỏ khối u dễ dàng hơn. Tuy nhiên, liệu pháp này chỉ mang tính tạm thời và khối u vẫn có thể lớn dần lại nếu ngưng sử dụng. 
    • Axit tranexamic: Đây là loại thuốc giúp điều trị triệu chứng rong kinh ở những ai bị u xơ tử cung. Loại thuốc này không ảnh hưởng đến cơ hội mang thai nên thường được sử dụng cho những chị em đang có kế hoạch sinh con. 
    • Elagolix: Đây là liệu pháp giúp kiểm soát tình trạng chảy máu tử cung nặng, với liệu trình lên đến 24 tháng, dành riêng cho những bệnh nhân có các triệu chứng u xơ tử cung từ trung bình đến nặng; đã trưởng thành và chưa đến tuổi mãn kinh; chưa thể áp dụng phương pháp phẫu thuật.

    Phẫu thuật

    Khi việc điều trị bằng thuốc không có hiệu quả và triệu chứng tiến triển nhanh, thì phẫu thuật sẽ là lựa chọn tiếp theo trong tiến trình điều trị. Phương pháp phẫu thuật sẽ được lựa chọn dựa trên triệu chứng và kế hoạch sinh con của bệnh nhân. Sau đây là một số phẫu thuật có thể tham khảo: 

    • Cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tử cung: Thường được áp dụng cho những ai không muốn có con hoặc không sinh thêm con. Tử cung sẽ được cắt bỏ một phần hoặc hoàn toàn thông qua vết mổ nội soi đường âm đạo hoặc ổ bụng. 
    • Nút mạch: Thủ thuật đặt một ống thông nhỏ vào động mạch tử cung để chặn dòng máu từ động mạch đến u xơ. Phương pháp điều trị này sẽ thúc đẩy u xơ co lại và cải thiện các triệu chứng. 
    • Cắt bỏ u xơ: Giúp loại bỏ u xơ khỏi thành tử cung. Đây được xem là giải pháp thay thế cho việc cắt bỏ tử cung nếu người bệnh có kế hoạch sinh con. U xơ sẽ được loại bỏ thông qua phẫu thuật nội soi hoặc mổ mở.
    • Đốt u xơ tử cung bằng sóng cao tần (RFA): Đây là phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả, sử dụng năng lượng vi sóng (RF) để điều trị u xơ tử cung. Tuy nhiên, liệu trình này thường chỉ áp dụng để xử lý các khối u có kích thước nhỏ, dành cho những bệnh nhân chưa đến tuổi mãn kinh. 

    Hy vọng những thông tin trong bài viết trên giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân u xơ tử cung, cũng như cách điều trị khi được chẩn đoán mắc bệnh.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Văn Thu Uyên

    Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


    Tác giả: Nhi Bui · Ngày cập nhật: 19/02/2024

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo