backup og meta

Tập thể dục khi có kinh nguyệt: Bạn cần lưu ý những điều gì?

Tập thể dục khi có kinh nguyệt: Bạn cần lưu ý những điều gì?

Tập thể dục là hoạt động thúc đẩy lối sống lành mạnh, tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, đối với việc tập thể dục khi có kinh nguyệt, nhiều chị em vẫn lầm tưởng đây là điều không nên và có thể gia tăng sự khó chịu.

Thực chất, tập thể dục trong “ngày đèn đỏ” không gây ảnh hưởng xấu như bạn nghĩ. Thay vào đó, việc vận động phù hợp khi có kinh sẽ đem đến nhiều lợi ích bạn không ngờ đến. Điều quan trọng là chị em cần biết bài tập nào nên và không nên thực hiện khi đang trong giai đoạn “rụng dâu”. Bài viết sau của Hello Bacsi sẽ giải đáp chi tiết hơn và giúp bạn hiểu đúng về việc tới tháng có nên tập thể dục không?

Lợi ích của việc tập thể dục đối với sức khỏe phụ nữ là gì?

Cho đến thời điểm hiện tại vẫn có khá nhiều hiểu lầm về việc tập thể dục khi có kinh nguyệt. Vào ngày đầu tiên của chu kỳ, cả progesterone và estrogen đều ở mức thấp nhất nên có thể khiến nhiều chị em cảm thấy mệt mỏi và thiếu năng lượng. Tuy nhiên, việc tránh tập thể dục trong giai đoạn này không giúp bạn tiết kiệm năng lượng hoặc cảm thấy tốt hơn. Thay vào đó, nếu bạn thường xuyên tập thể dục, thậm chí là không trì hoãn vì “ngày đèn đỏ” thì có thể nhận được nhiều lợi ích về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Trong đó có thể bao gồm:

Giảm các triệu chứng tiền kinh nguyệt (PMS)

Nếu bạn thường cảm thấy mệt mỏi, đau đớn, chuột rút và thay đổi tâm trạng trước hoặc trong “ngày đèn đỏ” thì nên tập thể dục nhịp điệu thường xuyên. Đây là hoạt động có thể làm giảm bớt những triệu chứng khó chịu liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt.

Tập thể dục khi có kinh nguyệt giúp tăng sản xuất hormone endorphin

tập thể dục khi có kinh nguyệt

Việc tập thể dục thể thao thường giúp cơ thể giải phóng hormone endorphin một cách tự nhiên. Đây vừa là hormone giúp cải thiện tâm trạng, giảm lo lắng, trầm cảm vừa có tác dụng giảm đau. Vì vậy, các chuyên gia tin rằng việc tập thể dục khi có kinh nguyệt sẽ giúp chị em giảm bớt sự khó chịu và cảm thấy thư thái hơn.

Tập thể dục giúp tăng cường sức mạnh

Trong 2 tuần đầu tiên của một chu kỳ kinh nguyệt là khoảng thời gian nồng độ nội tiết tố nữ ở mức thấp. Vì vậy, một số nghiên cứu phát hiện ra rằng việc tập thể dục trong giai đoạn này có thể giúp tăng cường sức mạnh cho chị em phụ nữ.

Tập thể dục khi tới tháng là cách đối phó những cơn đau hiệu quả

Chắc hẳn bạn đã biết đau bụng kinh và đau lưng là những triệu chứng gây khó chịu khi có kinh. Tin vui là việc đi bộ nhẹ nhàng hoặc tập thể dục nhịp điệu sẽ giúp chị em giảm đau hiệu quả trong “ngày đèn đỏ”. Không những vậy, một số nghiên cứu đã phát hiện rằng phụ nữ thường xuyên tập thể dục sẽ ít bị chuột rút hơn khi hành kinh. Do đó, chị em nên vận động mỗi ngày và đừng bỏ qua việc tập thể dục khi có kinh nguyệt nhé!

Tập thể dục khi có kinh nguyệt: Những bài tập phù hợp bạn có thể thực hiện

Tập thể dục hiệu quả không phải là thực hiện những bài tập nặng và tốn nhiều sức. Thay vào đó, chị em hoàn toàn có thể chọn những bài tập đảm bảo vừa sức và tốt cho cơ thể. Sau đây sẽ là một vài gợi ý hữu ích dành cho bạn:

Đi bộ

Đây là hoạt động vô cùng đơn giản và nhẹ nhàng. Có thể nói, đi bộ là cách tập thể dục khi có kinh nguyệt phù hợp với hầu hết chị em phụ nữ. Đối với hoạt động đi bộ, bạn sẽ không cần bất cứ thiết bị, quần áo hoặc địa điểm đặc biệt nào. Bạn cũng có thể linh hoạt sắp xếp thời gian theo ý muốn và điều chỉnh tốc độ đi bộ phù hợp với thể chất của mình.

Tập cardio hoặc aerobic với mức độ nhẹ nhàng

tập thể dục khi có kinh nguyệt

Bạn hoàn toàn có thể tập cardio (các bài tập tốt cho tim mạch gồm chạy bộ, đạp xe, đạp xe tại chỗ, nhảy dây…) và aerobic (tập thể dục nhịp điệu) trong “ngày đèn đỏ”. Tuy nhiên, như đã đề cập việc tập luyện hiệu quả không phải lúc nào cũng cần tập hết sức. Nếu bạn đang tới tháng, hãy tập cardio hoặc aerobic với mức độ nhẹ nhàng, chẳng hạn tập chậm lại hoặc giảm thời gian tập so với ngày thường.

Luyện tập gia tăng sức mạnh và nội lực

Có thể bạn chưa biết, những “ngày đèn đỏ” là thời điểm lý tưởng để chị em thực hiện những bài tập gia tăng sức mạnh và nội lực. Vì vậy, nếu bạn thích rèn luyện sức mạnh thì hoàn toàn có thể thực hiện hoạt động đó khi “tới tháng”. Tuy nhiên, chị em cần lưu ý rằng nên tập vừa sức và không nên nâng tạ hoặc các vật có trọng lượng quá nặng trong “những ngày rụng dâu”.

Yoga và pilates

Trước ngày “rụng dâu” từ 2 đến 3 ngày là thời điểm lý tưởng để bạn tập các bài tập yoga hoặc pilates. Đây là những bộ môn giúp thư giãn các cơ, giảm đau, giảm chuột rút… hiệu quả. Hơn nữa, nếu bạn không cảm thấy quá khó chịu khi đến tháng thì vẫn có thể tiếp tục duy trì việc luyện tập như bình thường. Tuy nhiên, nếu cơ thể không đáp ứng các bài tập như mong muốn, bạn hãy dành thời gian nghỉ ngơi và giảm cường độ tập luyện.

Tập thể dục khi có kinh nguyệt cần lưu ý điều gì?

Tập thể dục khi có kinh nguyệt là điều được khuyến khích. Thế nhưng, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau đây để hạn chế những ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và chu kỳ kinh nguyệt:

Tránh tập thể dục gắng sức hoặc kéo dài

Việc tập luyện, vận động trong thời gian dài với cường độ cao có thể không tốt cho cơ thể trong “ngày đèn đỏ”. Vì vậy, mặc dù bạn có thể tập thể dục khi có kinh nguyệt nhưng hãy thận trọng. Tốt nhất là bạn không nên tập thể dục gắng sức hoặc kéo dài.

Dừng tập luyện khi có triệu chứng bất thường

tập thể dục khi có kinh nguyệt

Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi, buồn nôn hoặc các cơn đau trong “ngày đèn đỏ” ngày càng nghiêm trọng thì nên dừng lại việc tập luyện và nghỉ ngơi. Như đã đề cập, việc tập luyện gắng sức không tốt cho cơ thể của bạn khi hành kinh. Do đó, hãy lắng nghe cơ thể để đảm bảo việc tập thể dục khi có kinh nguyệt luôn hiệu quả và an toàn.

Tập thể dục khi có kinh nguyệt: Tránh thực hiện tư thế yoga đảo ngược

Một số người cho rằng không nên thực hiện tư thế yoga đảo ngược khi có kinh. Nguyên nhân là vì tư thế này có thể khiến các dây chằng rộng hỗ trợ tử cung bị căng ra và nén các tĩnh mạch mang máu ra khỏi tử cung. Điều này có thể dẫn đến tắc nghẽn mạch máu và tăng chảy máu vì các động mạch vẫn tiếp tục bơm máu vào tử cung.

Lưu ý vấn đề vệ sinh trong “ngày đèn đỏ”

So với băng vệ sinh dạng miếng, tampon hoặc cốc nguyệt san có thể giúp bạn thoải mái hơn trong việc tập thể dục khi có kinh nguyệt. Tuy nhiên, nếu bạn không quen sử dụng các sản phẩm này thì không nên dùng trong thời gian vận động tập luyện. Việc đưa cốc nguyệt san hoặc tampon vào cơ thể sai cách có thể gây mất tập trung hoặc đau đớn khi bạn tập thể dục.

Vì vậy, giữa rất nhiều lựa chọn thì chị em nên chọn loại băng vệ sinh phù hợp và đem lại sự thoải mái nhất. Bên cạnh đó, sau khi tập thể dục thì bạn nên thực hiện vệ sinh bằng cách:

  • Đi tắm
  • Thay đồ lót sạch sẽ
  • Sử dụng băng vệ sinh hoặc tampon mới. Đối với cốc nguyệt san, bạn nên rửa sạch trước khi dùng lại
  • Thay quần áo mới nếu bị thấm mồ hôi hoặc dính máu kinh nguyệt.

Nhìn chung, việc tập thể dục khi có kinh nguyệt là hoạt động được khuyến khích nhưng bạn chỉ nên thực hiện những bài tập vừa sức và có khoảng nghỉ ngơi hợp lý. Với những chia sẻ trong bài viết, hy vọng bạn đã có những thông tin sức khỏe hữu ích nhằm đảm bảo hiệu quả, an toàn khi vận động hoặc tập luyện thể dục thể thao trong “ngày đèn đỏ”.

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Exercising During Your Period: Benefits and Things to Avoid

https://flo.health/menstrual-cycle/lifestyle/fitness-and-exercise/exercising-during-period Truy cập ngày 05/05/2022

8 Best Exercises To Do During Periods

https://pharmeasy.in/blog/8-best-exercises-to-do-during-periods/ Truy cập ngày 05/05/2022

Physical activity and your menstrual cycle

https://www.womenshealth.gov/getting-active/physical-activity-menstrual-cycle Truy cập ngày 05/05/2022

The Effect of aerobic exercise on primary dysmenorrhea: A clinical trial study

https://www.jehp.net/article.asp?issn=2277-9531;year=2018;volume=7;issue=1;spage=3;epage=3;aulast=Dehnavi Truy cập ngày 05/05/2022

Can You Exercise on Your Period?

https://www.healthline.com/health/exercise-during-period#best-exercises Truy cập ngày 05/05/2022

Phiên bản hiện tại

28/09/2022

Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn

Tham vấn y khoa: Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Cập nhật bởi: thuphuong.nguyen


Bài viết liên quan

Từ A đến Z: Cách theo dõi chu kỳ kinh nguyệt để tránh thai, thụ thai, bảo vệ sức khỏe

Bạn nên ăn gì và uống nước gì để kinh nguyệt ra nhiều?


Tham vấn y khoa:

Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Đa khoa · Hello Bacsi


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 28/09/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo