backup og meta

1 tháng có kinh 2 lần do đâu? Có nguy hiểm không?

1 tháng có kinh 2 lần do đâu? Có nguy hiểm không?

Chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ thường kéo dài từ 21 đến 35 ngày, trung bình là khoảng 28 ngày. Tuy nhiên, đối với một số phụ nữ có chu kỳ quá ngắn sẽ dẫn đến tình trạng có kinh 2 hoặc nhiều lần trong 1 tháng. Điều này có thể gây hoang mang và nhiều chị em không tránh khỏi thắc mắc tại sao 1 tháng có kinh 2 lần?

Có thể bạn chưa biết, trong 1 tháng ra kinh 2 lần là do bạn “rụng dâu” 2 lần. Thế nhưng, đôi khi hiện tượng này xảy ra là do sự chảy máu bất thường khiến bạn nhầm lẫn đó là máu kinh nguyệt. Để hiểu chi tiết hơn nguyên nhân vì sao có kinh 2 hoặc nhiều lần mỗi tháng, bạn có thể tìm đọc thông tin này qua bài viết sau của Hello Bacsi nhé!

6 nguyên nhân khiến phụ nữ 1 tháng có kinh 2 lần

Tình trạng có kinh 2 lần 1 tháng đồng nghĩa với việc bạn đang có chu kỳ kinh nguyệt ngắn hơn. Phổ biến nhất là bạn sẽ có kinh một lần vào đầu tháng và lần còn lại là vào cuối tháng. Sau đây là một số nguyên nhân chính giải thích cho vấn đề tại sao 1 tháng có kinh 2 lần:

1. Có kinh 2 lần trong 1 tháng ở tuổi dậy thì

Tuổi dậy thì là giai đoạn mà hormone có sự dao động đáng kể. Vì vậy, kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì là điều bình thường. Trên thực tế, dậy thì có thể khiến bạn có kinh nhiều lần một tháng nhưng cũng có trường hợp kinh nguyệt chỉ đến vài tháng một lần. Do đó, bạn không cần quá lo lắng nếu có kinh 2 lần trong 1 tháng ở tuổi dậy thì. Theo thời gian, chu kỳ của bạn sẽ ổn định hơn trong vòng một vài năm kể từ khi có kinh lần đầu tiên.

2. Tiền mãn kinh

tại sao 1 tháng có kinh 2 lần

Tiền mãn kinh là giai đoạn xảy ra trước thời kỳ mãn kinh, còn gọi là giai đoạn chuyển tiếp mãn kinh. Trên thực tế, phụ nữ có thể bắt đầu thời kỳ tiền mãn kinh ở các độ tuổi khác nhau. Trong đó, kinh nguyệt không đều là dấu hiệu điển hình nhất của tiền mãn kinh. Trường hợp này bao gồm cả chu kỳ ngắn hơn (chẳng hạn như có kinh 2 lần 1 tháng) hoặc dài hơn, chảy máu nặng hơn (cường kinh) hoặc nhẹ hơn.

3. Tại sao 1 tháng có kinh 2 lần? Nguyên nhân do các vấn đề tuyến giáp

Tuyến giáp là tuyến nhỏ hình bướm nằm ở trước cổ. Vai trò của tuyến giáp sản xuất hormone kiểm soát quá trình trao đổi chất của cơ thể. Vì vậy, các vấn đề liên quan đến tuyến giáp, dù là cường giáp hay suy giáp, cũng có thể khiến chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn. Trong đó, một số chị em 1 tháng có kinh 2 lần cũng có thể là do tuyến giáp có vấn đề.

Đối với suy giáp, các triệu chứng chủ yếu thường bao gồm:

  • Táo bón
  • Lúc nào cũng cảm thấy lạnh
  • Luôn cảm thấy mệt mỏi
  • Chảy máu nặng khi “tới tháng”
  • Da khô, nhợt nhạt
  • Nhịp tim chậm
  • Mặt sưng húp
  • Tăng cân không rõ nguyên nhân.

Đối với cường giáp, các triệu chứng chủ yếu thường bao gồm:

  • Lúc nào cũng cảm thấy nóng
  • Phì đại tuyến giáp, chẳng hạn như bướu cổ, lồi mắt
  • Các vấn đề đường ruột, chẳng hạn như tiêu chảy
  • Cáu gắt, căng thẳng, khó tập trung
  • Khó ngủ, mệt mỏi dai dẳng
  • Co giật hoặc run rẩy
  • Giảm cân đột ngột
  • Nhịp tim nhanh, không đều.

4. Tại sao 1 tháng có kinh 2 lần? Bạn có thể mắc u xơ tử cung

tại sao 1 tháng có kinh 2 lần

Các khối u phát triển trong tử cung sẽ gây u xơ tử cung. Thông thường, các khối u này không phải là u ác tính hoặc gây ung thư. Tuy nhiên, u xơ tử cung có thể gây rối loạn kinh nguyệt hoặc chảy máu âm đạo bất thường gây ra tình trạng có kinh 2 lần 1 tháng. Các triệu chứng điển hình khác bao gồm:

  • Đi tiểu thường xuyên, khó làm rỗng bàng quang
  • Đau thắt lưng hoặc đau chân
  • Đau khi quan hệ tình dục
  • Cảm giác đau hoặc áp lực ở vùng xương chậu.

Nếu có các triệu chứng kể trên, cách tốt nhất là bạn nên đi khám phụ khoa để được chẩn đoán và điều trị đúng bệnh.

5. Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là một rối loạn nội tiết tố thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Vì vậy, bệnh có thể gây rối loạn kinh nguyệt, giảm khả năng sinh sản và nhiều vấn đề sức khỏe khác.

6. Tại sao 1 tháng có kinh 2 lần? Trường hợp không rõ nguyên nhân

Trong một số trường hợp, bạn đột nhiên có kinh 2 lần 1 tháng nhưng tháng sau thì kinh nguyệt của bạn trở lại chu kỳ bình thường. Tình trạng này có thể do bạn tập thể dục với cường độ cao hoặc đôi khi không thể lý giải được. Thế nhưng, bạn không cần quá lo lắng nếu không có thêm triệu chứng bất thường.

6 nguyên nhân gây chảy máu âm đạo bất thường

Trên thực tế, 1 tháng có kinh 2 lần không phải lúc nào cũng là do bạn “rụng dâu” 2 lần. Thay vào đó, hiện tượng này xảy ra có thể là do có 1 lần chảy máu âm đạo bất thường nhưng lại khiến bạn nhầm lẫn với máu kinh nguyệt. Sau đây là một vài nguyên nhân gây chảy máu âm đạo bạn cần lưu ý để đi khám nếu cần thiết: 

1. Sảy thai

Đôi khi, bạn có thể không phát hiện mình mang thai cho đến khi sảy thai. Vì vậy, nếu âm đạo ra máu đột ngột trong khi bạn đang nghi ngờ mình mang thai thì nên đi khám để được can thiệp y tế kịp thời.

2. Mang thai hoặc mang thai ngoài tử cung

tại sao 1 tháng có kinh 2 lần

Hiện tượng ra máu báo thai là bình thường. Thế nhưng, bạn vẫn nên thận trọng với bất kỳ hiện tượng chảy máu nào trong thai kỳ. Đôi khi, chảy máu khi mang thai có thể là dấu hiệu mang thai ngoài tử cung. Cách tốt nhất là nên đi khám để cảm thấy yên tâm hơn.

3. Sử dụng biện pháp tránh thai bằng nội tiết tố

Tại sao 1 tháng có kinh 2 lần? Nếu bạn mới áp dụng phương pháp tránh thai bằng nội tiết tố như dùng thuốc tránh thai, cấy que tránh thai hoặc miếng dán tránh thai… thì có thể gây chảy máu bất thường giữa các kỳ kinh. Bên cạnh đó, hiện tượng rối loạn kinh nguyệt cũng sẽ xảy ra. Thông thường, chu kỳ kinh nguyệt của bạn sẽ ổn định hơn sau vài tháng áp dụng biện pháp tránh thai bằng nội tiết tố. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài thì cần đi khám.

4. Các vấn đề ở cổ tử cung

Bất cứ vấn đề nào ở cổ tử cung như polyp cổ tử cung, tổn thương nội biểu mô cổ tử cung hoặc ung thư cổ tử cung đều có thể gây chảy máu âm đạo bất thường.

5. Lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc tử cung xảy ra khi các mô nội mạc trong tử cung phát triển ở bên ngoài tử cung, lan ra những khu vực khác như buồng trứng, ống dẫn trứng, ruột, vùng chậu… Lạc nội mạc tử cung có thể gây đau bụng, chuột rút và ra máu bất thường. Đôi khi, chảy máu có thể đủ nhiều và giống như một kỳ kinh khiến bạn nhầm tưởng mình có kinh 2 lần 1 tháng.

6. Nhiễm bệnh lây qua đường tình dục

Bạn có thể mắc các bệnh lây qua đường tình dục như bệnh lậu, giang mai, chlamydia… nếu quan hệ không an toàn. Mỗi bệnh sẽ gây ra những triệu chứng riêng. Thế nhưng, đối với phụ nữ thì tiết dịch âm đạo hoặc chảy máu bất thường là dấu hiệu phổ biến sau khi nhiễm bệnh lây qua đường tình dục.

Đối với vấn đề tại sao 1 tháng có kinh 2 lần thì nguyên nhân gây ra tình trạng này không phải lúc nào cũng mang tính nghiêm trọng. Thế nhưng, bạn vẫn không nên quá chủ quan. Nếu hiện tượng “rụng dâu” 2 lần 1 tháng lặp lại trên 2 đến 3 tháng hoặc kèm theo triệu chứng bất thường thì lời khuyên là bạn nên đi khám để bác sĩ tìm ra nguyên nhân chính xác và điều trị bệnh nếu có.

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Two Periods in One Month: Are Multiple Periods a Reason to Worry?

https://flo.health/menstrual-cycle/health/period/two-periods-in-one-month

Ngày truy cập: 8/2/2023

Why do I have two periods in a month?

https://www.medicalnewstoday.com/articles/322252

Ngày truy cập: 8/2/2023

Irregular periods

https://www.nhs.uk/conditions/irregular-periods/

Ngày truy cập: 8/2/2023

Is it OK to Get My Period Twice in One Month?

https://kidshealth.org/en/teens/plus-periods.html

Ngày truy cập: 8/2/2023

Bleeding between periods

https://www.healthdirect.gov.au/bleeding-between-periods

Ngày truy cập: 8/2/2023

Phiên bản hiện tại

08/02/2023

Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn

Thông tin kiểm chứng bởi: Ban biên tập Hello Bacsi

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

Bạn nên ăn gì và uống nước gì để kinh nguyệt ra nhiều?

Có nên uống thuốc điều hòa kinh nguyệt không?


Thông tin kiểm chứng bởi:

Ban biên tập Hello Bacsi


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 08/02/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo