Việc bị rong kinh kéo dài có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm như thiếu máu do thiếu sắt nếu không có biện pháp can thiệp y tế kịp thời.
Trong bài viết này, Hello Bacsi mời bạn cùng đi tìm lời đáp cho thắc mắc rong kinh kéo dài phải làm sao? Các biện pháp khắc phục tại nhà là gì?
Rong kinh là gì?
Khái niệm rong kinh kéo dài dùng để chỉ những trường hợp ra máu kinh kéo dài trên 1 tuần.
Khi bị rong kinh kéo dài, nhiều chị em phụ nữ thường băn khoăn không biết rong kinh uống thuốc gì hay tìm cách chữa rong kinh nhanh nhất để hạn chế những bất tiện trong cuộc sống và ngăn ngừa biến chứng. Nếu tình trạng rong kinh chỉ ở mức nhẹ, bạn có thể tham khảo những cách chữa rong kinh tại nhà mà Hello Bacsi tổng hợp được dưới đây. Trong trường hợp rong kinh nặng, bạn nên sắp xếp để đi khám càng sớm càng tốt nhé!
Mách bạn 3 cách chữa rong kinh kéo dài tại nhà
Trường hợp bị rong kinh ở mức độ nhẹ, bạn có thể áp dụng cách chữa rong kinh nhanh nhất dưới đây!
1. Bổ sung nước cho cơ thể
Việc bị rong kinh kéo dài trong vài ngày sẽ khiến dung tích máu nằm dưới mức tối thiểu. Do đó, mỗi ngày bạn nên uống thêm khoảng 4–6 ly nước để duy trì dung tích máu và lượng dịch lỏng cho cơ thể.
Bạn có thể chọn uống nước điện giải i-on như oresol giúp cơ thể tích trữ chất lỏng nhằm tránh tình trạng thiếu nước.
2. Ăn thực phẩm giàu vitamin C
Có không ít bạn nữ thắc mắc: uống vitamin c có bị rong kinh không hay rong kinh uống thuốc gì? Theo các chuyên gia sức khỏe: Một trong nhiều công dụng của vitamin C đối với sức khỏe là hỗ trợ cơ thể hấp thụ chất sắt, từ đó ngăn ngừa tình trạng thiếu máu, giảm thiểu các vấn đề sức khỏe mà rong kinh gây ra (thiếu sắt dẫn đến thiếu máu). Nhóm trái cây có múi như cam, chanh, quýt, bưởi… là nguồn cung cấp vitamin C dồi dào. Bạn cũng có thể tìm thấy vitamin C trong các loại thực phẩm sau:
- Ớt đỏ và xanh
- Kiwi
- Dâu tây
- Cải mầm Brussels
- Súp lơ xanh
- Cà chua
Bạn có thể quan tâm: Tăng cường thực phẩm giàu vitamin C vào chế độ ăn để giảm bệnh thiếu máu.
3. Bổ sung chất sắt vào chế độ ăn uống
Tình trạng rong kinh kéo dài đồng nghĩa với việc cơ thể thiếu hụt sắt trầm trọng. Sắt là một khoáng chất vi lượng đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản sinh huyết sắc tố, một phân tử giúp tế bào hồng cầu vận chuyển oxy. Do đó, bạn cần kịp thời bổ sung sắt để cơ thể có thể nhanh chóng bù đắp lại lượng máu đã mất.
Ngoài ra, bạn nên lưu ý những dấu hiệu thiếu máu sau đây:
- Mệt mỏi
- Suy nhược
- Chóng mặt
- Da tái xanh, nhợt nhạt
Một số loại thực phẩm giàu chất sắt có thể là lựa chọn lý tưởng cho bạn trong trường hợp rong kinh kéo dài, bao gồm:
- Thịt bò
- Hàu
- Thịt gà
- Các loại đậu
- Đậu hũ
- Rau bina (cải bó xôi)
Bị rong kinh uống gì hết?
Nếu bạn tiêm thuốc tránh thai bị rong kinh hoặc rong kinh vì bất kỳ lý do nào khác, ngoài việc đi khám với bác sĩ chuyên khoa, bạn cần tích cực bổ sung vitamin và khoáng chất cho cơ thể.
Tuy nhiên, bạn cần tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ chất bổ sung nào. Các chuyên gia có khả năng xác định rõ liệu bạn có thật sự cần phải bổ sung vitamin và khoáng chất dạng viên uống hay không cũng như liều lượng sử dụng phù hợp. Ngoài ra, tác dụng phụ và nguy cơ tương tác giữa chất bổ sung với thuốc hay thức ăn cũng là yếu tố cần lưu ý.
Bạn có thể thấy phụ nữ bị rong kinh kéo dài thường sử dụng những chất bổ sung như:
- Vitamin C
- Viên uống bổ sung sắt
- Mật rỉ đường: cung cấp sắt tương đối tốt, ngoài ra còn có các khoáng chất dinh dưỡng khác như canxi, magiê và selen.
Điều trị rong kinh kéo dài bằng thuốc theo toa
Nếu tình hình rong kinh kéo dài nghiêm trọng đến mức bạn cần đến gặp bác sĩ, các chuyên gia có thể bắt đầu giải quyết vấn đề bằng cách kê toa một trong các loại thuốc sau:
Chữa rong kinh bằng thuốc tránh thai
Thuốc ngừa thai, miếng dán tránh thai
Các loại thuốc tránh thai có khả năng kiểm soát hormone nội tiết. Điều này có thể làm cho lượng máu hành kinh ra ít hơn. Thông thường, thời gian sử dụng thuốc, miếng dán là 21 ngày. Sau đó bạn cần nghỉ một tuần để kinh nguyệt xuất hiện trở lại.
Bị rong kinh có nên uống thuốc tránh thai không? Trong nhiều trường hợp, bác sĩ sẽ xem xét tình trạng của người bệnh để chỉ định cách chữa rong kinh bằng thuốc tránh thai.
Thuốc tiêm tránh thai
Thuốc tiêm Depo-Provera là một hình thức kiểm soát sinh sản nội tiết tố khác. Thay vì bạn tự dùng thuốc dạng uống hoặc miếng dán, bác sĩ sẽ tiêm thuốc vào cánh tay hoặc mông của bạn.
Tuy nhiên, nhược điểm của biện pháp này là cần được kiểm soát mỗi ba tháng một lần nhằm duy trì hiệu quả ổn định.
Axit Tranexamic (Lysteda)
Bị rong kinh uống thuốc gì? Bạn có thể được kê toa cho uống Lysteda – một loại thuốc chống tiêu fibrin. Nó có công dụng làm giảm lượng máu chảy ra (cầm máu) bằng cách ngăn cơ thể bạn phá vỡ huyết khối.
Mỗi tháng bạn chỉ cần sử dụng Lysteda vài ngày. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng thuốc này không ngăn ngừa thụ thai như thuốc tránh thai. Tác dụng phụ của thuốc có thể là chuột rút và đau đầu.
Norethindrone (Ayestin)
Aygestin là một loại thuốc chứa hormone progestin, có thể được dùng như thuốc trị rong kinh. Phụ nữ bị rong kinh kéo dài có thể dùng liều 5mg với tần suất 2 lần/ngày, từ ngày thứ 5 đến 26 của chu kỳ kinh nguyệt.
Tác dụng phụ của nó tương tự các phương pháp kiểm soát sinh sản nội tiết tố.
Chất chủ vận hormone giải phóng Gonadotropin (GnRH agonist)
Bạn có thể tạm thời sử dụng GnRH agonist để điều trị tình trạng rong kinh kéo dài do lạc nội mạc tử cung và u xơ tử cung. Cách dùng các loại thuốc này có thể là tiêm trực tiếp hoặc xịt mũi.
Ngoài ra, bạn cần lưu ý không dùng thuốc GnRH agonist quá 3 – 6 tháng, vì tác dụng phụ của chúng có thể trở nặng theo thời gian, bao gồm:
- Nóng trong người
- Đau đầu
- Xương yếu
Phần lớn các nguyên nhân gây rong kinh kéo dài thường gây khó chịu và không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu không có biện pháp can thiệp y tế kịp thời, bạn có thể phải đối mặt với những biến chứng nguy hiểm. Bác sĩ sẽ suy xét kỹ lưỡng tình trạng của bạn nhằm phát triển kế hoạch điều trị phù hợp.
[embed-health-tool-ovulation]