backup og meta

Cách điều trị kinh nguyệt không đều do bị stress

Cách điều trị kinh nguyệt không đều do bị stress

Chu kỳ kinh nguyệt có thể bất thường khi bạn bị stress vì áp lực cuộc sống hàng ngày. Vậy bạn đã biết đến cách chữa kinh nguyệt không đều do bị stress?

Để chữa kinh nguyệt không đều do bị stress thì trước hết bạn cần nhận biết mình có đang gặp phải tình trạng stress hay không. Khi bị stress nặng, bạn thường mệt mỏi, đau đầu, lú lẫn, lo âu, dễ tức giận… Tình trạng này cũng thường khiến bạn thấy đau vai, cổ lưng, đau ngực, buồn nôn và ăn uống thất thường.

Nếu bạn không chú trọng vào việc ngăn ngừa và giảm thiểu stress thì bạn có thể bị trễ kinh hoặc có kinh sớm. Đây chính là hiện tượng kinh nguyệt không đều (irregular period). Bạn hãy cùng tìm hiểu lý do vì sao kinh nguyệt không đều khi bị stress để tìm cách giúp “ngày đèn đỏ’ trở lại đều đặn hơn nhé.

Tại sao kinh nguyệt không đều khi bạn bị stress?

cách cải thiện kinh nguyệt không đều

Stress có thể gây ra một số hiện tượng dưới đây làm chậm chu kỳ kinh nguyệt của bạn.

• Phá vỡ insulin: Stress làm tăng nồng độ cortisol và phá vỡ lượng đường trong máu nên gây ra tình trạng gián đoạn quá trình rụng trứng và thay đổi chu kỳ kinh nguyệt.

• Giảm mức progesterone: Stress kéo dài sẽ làm lượng progesterone trong cơ thể bạn giảm sút. Tình trạng thiếu progesterol không chỉ gây rối loạn chu kỳ kinh nguyệt mà còn có thể khiến bạn khó thụ thai.

• Trì hoãn rụng trứng: Nếu bạn phải chịu nhiều áp lực trong khoảng thời gian trứng rụng thì sẽ làm tăng nồng độ cortisol trong máu và làm trì hoãn hoặc thậm chí ngăn rụng trứng.

Mất cân bằng nội tiết tố: Tình trạng mệt mỏi và lo âu sau khi trứng rụng cũng có thể làm bạn mất cân bằng nội tiết tố và làm ảnh hưởng trực tiếp đến lượng kinh nguyệt, màu sắc và mùi của kinh nguyệt. Khi nội tiết tố suy giảm máu kinh sẽ thường chuyển sang màu nâu đen, ra ít hoặc có xu hướng vón thành cục. Tình trạng suy giảm nội tiết tố cũng khiến vòng kinh của bạn ngắn hoặc dài hơn bình thường.

Cách giảm stress để điều hòa kinh nguyệt

kinh nguyệt không đều do bị stress là làm việc nhiều

Stress phần lớn là do áp lực công việc, xung đột trong các mối quan hệ hoặc bệnh tật. Vì thế, bạn cần phải xử lý các nguyên nhân này để giảm stress và tránh tình trạng kinh nguyệt không đều. Dưới đây là những gợi ý có thể giúp bạn điều hòa kinh nguyệt.

1. Giảm khối lượng công việc

Áp lực công việc có thể khiến bạn bị stress trầm trọng và chỉ muốn bỏ cuộc. Nếu bạn cứ tiếp tục chiến đấu khi cơ thể đã quá mệt mỏi thì bạn có nguy cơ cao bị mắc phải “hội chứng cháy sạch” nơi công sở và điều này còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chu kỳ kinh nguyệt của bạn.

Để không bị áp lực trong công việc thì bạn nên linh hoạt sắp xếp khối lượng công việc của mình. Bạn có thể chia nhỏ công việc và hoàn thành từng việc một theo thứ tự ưu tiên để tránh ôm đồm quá nhiều việc cùng một lúc.

Bạn cũng đừng ngần ngại trao đổi với cấp trên để dời deadline công việc lại khi thấy bản thân quá kiệt sức. Nếu bạn cứ cố gắng hoàn thành công việc đúng deadline thì chất lượng công việc có thể sẽ không được như kỳ vọng.

Trong những ngày đèn đỏ, bạn cũng không nên để bản thân mình quá áp lực với công việc bởi những điều này sẽ khiến bạn khó chịu hơn. Khi chu kỳ kinh đã đến trễ mà bạn còn căng thẳng với công việc thì cũng khiến kinh nguyệt ra ít hơn bình thường.

2. Tâm sự với người thân

Xung đột mối quan hệ đặc biệt là đối với những người thân thiết có thể khiến bạn căng thẳng và bị tổn thương về mặt tinh thần song cũng làm ảnh hưởng nhiều đến huyết áp và tiềm ẩn nguy cơ gây ra bệnh tim. Thậm chí những sự căng thẳng do xung đột còn khiến bạn dễ bị kích động trong khoảng thời gian sắp có kinh.

Dưới đây là những cách có thể giúp bạn lấy lại tinh thần khi bị stress do xung đột.

• Nhờ sự hỗ trợ từ gia đình: Bạn có thể chia sẻ với ba mẹ, chồng hoặc các con về những mâu thuẫn bạn đang gặp phải bởi đây là những người gần gũi và hiểu bạn nhất. Họ có thể sẽ là những người cùng đồng hành với bạn trong việc giải quyết xung đột.

Nếu cần sự giúp đỡ từ người thân, bạn có thể yêu cầu họ giúp bạn những việc nhỏ như nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, massage cơ thể hoặc cùng xem tivi với bạn. Những khoảng thời gian ấm áp bên gia đình sẽ giúp bạn giảm nhẹ stress.

• Trò chuyện với người lạc quan: Khi cần người cố vấn, bạn có thể chọn lựa những người thân có suy nghĩ lạc quan để đưa cho bạn hướng giải quyết xung đột tốt nhất. Những người tích cực trong cuộc sống cũng sẽ khiến bạn nhẹ nhàng, thoải mái và thư giãn hơn.

Bạn có thể trải lòng những điều giấu kín với họ bằng cách nhắn tin, gọi điện thoại hay hẹn gặp ở không gian quán cà phê yên tĩnh…

• Cầu nguyện để thanh thản hơn: Thói quen cầu nguyện sẽ giúp bạn học được cách bao dung cho những người xung quanh. Khi biết bao dung cho những người xung quanh cũng có nghĩa là bạn đã học được cách chấp nhận những thiếu sót của mình.

Cầu nguyện cũng sẽ giúp bạn thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực, ổn định tâm trạng và cảm thấy lòng nhẹ nhõm hơn.

Khi tìm cách giải quyết xung đột, bạn nên lưu ý học cách ứng xử thông minh khi giao tiếp để tránh làm nghiêm trọng hóa vấn đề. Kỹ năng giao tiếp khéo léo cũng chính là một cách giúp bạn chữa kinh nguyệt không đều do bị stress.

Nếu những xung đột khiến bạn mất ngủ triền miên và ảnh hưởng đến sức khỏe tâm  lý thì bạn nên dừng lại mối quan hệ ấy. Bạn có thể nhờ đến sự hỗ trợ từ các bác sĩ tâm lý nếu thấy mình có dấu hiệu bị trầm cảm, rối loạn lo âu… Những tình trạng bệnh này có thể sẽ khiến bạn bị mất cân bằng nội tiết tố và gây rối loạn kinh nguyệt.

3. Xây dựng lối sống lành mạnh

tâm sự với người thân khi kinh nguyệt không đều do bị stress

Nếu stress là do bệnh tật gây ra thì bạn nên xây dựng một lối sống lành mạnh để giữ được tinh thần lạc quan. Để giữ được tinh thần lạc quan giúp kinh nguyệt ra đều đặn hơn, bạn có thể tăng cường thực hiện lối sống lành mạnh sau đây.

Ăn uống dinh dưỡng: Bạn có thể bổ sung các loại rau, củ, quả có chứa nhiều vitamin C (có trong cam, quýt, bưởi, dứa, quả mọng, bông cải xanh, cải bó xôi, cà chua), gừng, mùi tây, quế, sữa chua, nghệ… Bạn cũng cần bổ sung nước đầy đủ cho cơ thể trong 1 ngày để ổn định đường huyết và giúp máu lưu thông.

• Ngủ đủ giấc: Thói quen ngủ sớm và ngủ đủ giấc cũng là một trong những cách giúp cơ thể bạn thư giãn và tránh khỏi những yếu tố gây stress. Bạn không nên để bản thân mình mất ngủ thường xuyên bởi mất ngủ cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến kinh nguyệt không đều.

• Vận động nhẹ nhàng: Bạn có thể tìm đến các lớp học yoga, thiền, hoặc tập đi bộ để giúp cơ thể mình thư giãn và thúc đẩy quá trình ra kinh nguyệt đều đặn hơn. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý không tập luyện thể dục nếu thấy bị đau bụng vào những ngày hành kinh mà nên cho bản thân nghỉ ngơi để thư giãn cơ thể nhé.

Ngoài những phương pháp trên, bạn có thể kết hợp thêm một số cách giảm stress để chữa kinh nguyệt không đều như chơi với thú cưng, nghe nhạc hoặc tắm nước ấm. Bạn cũng có thể tăng cường chuyện chăn gối khi thấy kinh nguyệt ra trễ để tử cung giãn nở và tạo ra một khoảng trống để kéo máu kinh nguyệt xuống. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý tránh quan hệ trong thời gian có kinh để âm đạo không bị viêm nhiễm.

Để giảm thiểu tình trạng kinh nguyệt không đều do bị stress, bạn nên hiểu bản thân của mình và hạn chế tối thiểu những yếu tố khiến cơ thể bạn bị stress. Hãy tìm cách buông bỏ bớt phiền muộn để kinh nguyệt cứ đến hẹn lại lên nhé!

Hoa Vũ HELLO BACSI 

 

 

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Stress and Your Menstrual Period: A Cycle That You Can Break
https://www.everydayhealth.com/pms/managing-stress-during-pms.aspx
Ngày truy cập: 10.11.2019

Does Stress Affect Your Period?
https://www.medicinenet.com/does_stress_affect_your_period/ask.htm
Ngày truy cập: 10.11.2019

What Causes Menstrual Irregularity?
https://www.healthline.com/health/menstrual-periods-heavy-prolonged-or-irregular
Ngày truy cập: 10.11.2019

Phiên bản hiện tại

21/02/2020

Tác giả: Hoa Vũ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Thiếu máu, thiếu sắt ở phụ nữ độ tuổi có kinh nguyệt: Những điều bạn cần biết!

Nguyên nhân kinh nguyệt không đều là gì? Liệu có nguy hiểm?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoa Vũ · Ngày cập nhật: 21/02/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo