Việc có các dấu hiệu không rụng trứng tưởng chừng như không nghiêm trọng nhưng đây lại là yếu tố thường gây cản trở cho quá trình thụ thai. Vì vậy, nếu bạn đang mong muốn có con, việc không rụng trứng chính là một trong những vấn đề không thể bỏ qua. Trong đó, điều quan trọng là bạn cần sớm nhận biết các dấu hiệu trứng không rụng để ngăn ngừa tình trạng này trở thành mãn tính và gây hiếm muộn vô sinh.
Những thông tin được tổng hợp trong bài viết sau của Hello Bacsi sẽ giải đáp những thắc mắc xoay quanh hiện tượng không rụng trứng và làm thế nào điều hòa lại quá trình này để bạn tham khảo những thông tin cần thiết nhé!
Hiện tượng không rụng trứng là gì? Những nguyên nhân bạn cần biết
Hiện tượng không rụng trứng (trứng không rụng) xảy ra khi quá trình mà trứng được giải phóng khỏi buồng trứng trong chu kỳ kinh nguyệt không diễn ra. Điều này sẽ gây cản trở quá trình thụ thai và tăng nguy cơ hiếm muộn vô sinh.
Vậy trứng không rụng thì có kinh không? Hầu hết chị em đều cho rằng không rụng trứng nghĩa là không hành kinh. Thế nhưng sự thật là dù không rụng trứng bạn vẫn có hiện tượng chảy máu như khi hành kinh. Vì vậy, việc nhận biết được các dấu hiệu không rụng trứng trong một chu kỳ kinh nguyệt là rất quan trọng.
Đối với một số phụ nữ, hiện tượng không rụng trứng chỉ là tạm thời và sau đó sẽ trở lại bình thường. Tuy nhiên, nếu không rụng trứng thường xuyên thì tình trạng này có thể trở thành mãn tính và gây vô sinh.
Nhìn chung, nguyên nhân gốc rễ khiến trứng không rụng là do sự mất cân bằng của một hoặc nhiều hormone liên quan đến quá trình rụng trứng như hormone GnRH, FSH và LH được tiết ra từ vùng hạ đồi và tuyến yên ở não bộ. Trong đó, những nguyên nhân gây ra mất cân bằng hormone thường bao gồm:
- Dậy thì
- Tiền mãn kinh
- Béo phì
- Căng thẳng
- Sụt cân đột ngột
- Ăn kiêng khắt khe hoặc tập thể dục cường độ cao
- Các vấn đề liên quan đến tuyến yên hoặc tuyến giáp
- Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc.
Dấu hiệu không rụng trứng và cách phân biệt với chu kỳ kinh nguyệt có rụng trứng
Với câu hỏi không rụng trứng có kinh nguyệt không hay trứng không rụng thì có kinh nguyệt không thì câu trả lời là có. Dù không rụng trứng thì bạn vẫn có kinh. Điều này khiến nhiều chị em khó xác định được rằng mình có đang rụng trứng hay không. Tuy nhiên, thực chất là một chu kỳ không rụng trứng vẫn sẽ có sự khác biệt với chu kỳ rụng trứng.
Cách nhận biết các dấu hiệu trứng không rụng trong chu kỳ
Thông thường, nếu chu kỳ kinh nguyệt của bạn đều đặn và cơ thể có những thay đổi khi “mùa dâu” đến như đau bụng dưới, căng tức ngực, thân nhiệt tăng hoặc xuất hiện một số triệu chứng khác của hội chứng tiền kinh nguyệt như đầy hơi, chuột rút, thay đổi tâm trạng… thì đây là những dấu hiệu cho thấy chu kỳ của bạn có rụng trứng.
Tuy nhiên, bạn có thể nghi ngờ chu kỳ không rụng trứng thông qua một số dấu hiệu không rụng trứng sau đây:
- Kinh nguyệt không đều: Nếu chu kỳ kinh nguyệt của bạn thường kéo dài trên 35 ngày hoặc rút ngắn ít hơn 21 ngày và không thể dự đoán trước thì tình trạng này được xem là kinh nguyệt không đều. Bên cạnh đó, nếu bạn thường xuyên trễ kinh trên 2 tuần thì đây cũng có thể là dấu hiệu không rụng trứng cần lưu ý.
- Kinh nguyệt ra quá nhiều hoặc quá ít: Một chu kỳ kéo dài hơn 7 ngày và chảy nhiều máu (ước tính trên 80 ml) hoặc một chu kỳ quá ngắn và chảy ít máu (dưới 20 ml) cũng có thể là dấu hiệu bất thường và cần đi khám phụ khoa.
- Vô kinh: Mất kinh một hoặc nhiều chu kỳ thường là dấu hiệu trứng không rụng điển hình mà chị em cần lưu ý.
- Thân nhiệt không thay đổi: Quá trình rụng trứng có thể khiến thân nhiệt của bạn tăng nhẹ. Bạn có thể theo dõi vấn đề này qua biểu đồ nhiệt độ cơ thể. Nếu bạn không có dấu hiệu rụng trứng thì thân nhiệt sẽ không thay đổi trong suốt một chu kỳ.
- Không tiết dịch âm đạo: Trước và trong quá trình rụng trứng, âm đạo thường tiết dịch trông giống như lòng trắng trứng. Vì vậy, nếu sắp đến ngày “đèn đỏ” mà bạn không thấy xuất hiện chất nhầy thì đó có thể là dấu hiệu không rụng trứng.
Phương pháp chẩn đoán hiện tượng không rụng trứng
Trứng không rụng được chẩn đoán như thế nào? Nếu kinh nguyệt không đều và bạn không có dấu hiệu rụng trứng kể trên thì có thể đi khám phụ khoa để được chẩn đoán chính xác bằng một trong những phương pháp sau đây:
- Kiểm tra nồng độ nội tiết tố trong máu.
- Kiểm tra nồng độ prolactin, xét nghiệm tuyến giáp.
- Siêu âm đầu dò âm đạo để kiểm tra các cơ quan vùng chậu (đối với người chưa quan hệ tình dục thì siêu âm đường bụng).
- Bên cạnh đó, bác sĩ có thể đề nghị làm một số xét nghiệm khác như xét nghiệm máu, kiểm tra niêm mạc tử cung… tùy thuộc vào nguyên nhân khiến trứng không rụng hoặc tiền sử bệnh lý của bạn.
Bạn nên làm gì để điều hòa quá trình rụng trứng trở lại bình thường?
Nếu các dấu hiệu không rụng trứng không liên quan đến bệnh lý nào đó và chỉ diễn ra tạm thời, việc thay đổi lối sống và chế độ ăn uống chính là cách giúp bạn điều hòa lại quá trình rụng trứng. Đơn giản là bạn có thể áp dụng một vài bí quyết chăm sóc sức khỏe như:
- Cố gắng xây dựng và áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh như bổ sung thực phẩm giàu folate (ví dụ như bông cải xanh, các loại rau lá xanh, các loại đậu…), tránh ăn món nhiều đường hoặc dầu mỡ.
- Thay đổi thói quen có hại cho sức khỏe nếu có, chẳng hạn như tập cai thuốc lá và rượu bia (nếu có) vì đây là những tác nhân ảnh hưởng xấu đến quá trình rụng trứng.
- Nếu bạn thừa cân hay béo phì, giải pháp giúp điều hòa quá trình rụng trứng hiệu quả là cần có kế hoạch giảm cân khoa học. Bằng cách thường xuyên tập thể dục và ăn uống lành mạnh, bạn vừa duy trì được cân nặng hợp lý vừa tăng cường sức khỏe hiệu quả hơn.
- Ngủ đủ giấc và cải thiện chất lượng giấc ngủ cũng góp phần hạn chế tình trạng không rụng trứng ở phụ nữ. Vì vậy, bạn nên chú ý vệ sinh giấc ngủ tốt hơn như điều chỉnh giờ đi ngủ và giờ thức dậy hợp lý, đảm bảo phòng ngủ mát mẻ và sạch sẽ, ăn uống thực phẩm tốt cho giấc ngủ, không nên thức khuya để dùng điện thoại hay vì bất cứ lý do gì…
Nhìn chung, các dấu hiệu không rụng trứng có thể xuất hiện ở bất kỳ chị em nào đang trong độ tuổi sinh sản. Vì vậy, bạn cần theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của mình thường xuyên để sớm nhận biết các dấu hiệu bất thường và đi khám phụ khoa kịp thời. Đối với một số trường hợp nghiêm trọng hơn, việc điều trị y tế sẽ cần được thực hiện song song với các biện pháp chăm sóc sức khỏe tại nhà.
[embed-health-tool-ovulation]