backup og meta

Chu kỳ kinh nguyệt ngắn bất ngờ: Đâu là dấu hiệu ẩn chứa nguy hiểm?

Chu kỳ kinh nguyệt ngắn bất ngờ: Đâu là dấu hiệu ẩn chứa nguy hiểm?

Chu kỳ kinh nguyệt ngắn hay có kinh sớm hơn bình thường gây phiền toái cho chị em phụ nữ. Nhưng ngoài ra, đây liệu có phải là dấu hiệu của bệnh lý phụ khoa không? Phụ nữ nên làm gì khi kỳ kinh nguyệt đến sớm hơn dự kiến. 

Nếu bạn đang có những băn khoăn tương tự ở trên, hãy cùng tìm hiểu qua những thông tin mà Hello Bacsi tổng hợp được trong bài viết dưới đây.

Chu kỳ kinh nguyệt bao nhiêu ngày là bình thường? 

Chu kỳ kinh nguyệt hay đơn giản là khoảng thời gian giữa các kỳ hành kinh của phụ nữ, trung bình là mỗi 28 ngày cho một chu kỳ. Tuy nhiên, tùy vào mỗi người mà một chu kỳ có thể nằm trong khoảng từ 21-35 ngày

Các chị em phụ nữ cần theo dõi các kỳ hành kinh để đưa ra được chu kỳ kinh khỏe mạnh của chính mình. Ví dụ như chu kỳ của bạn rơi vào mỗi 31 ngày và chúng lặp lại đều đặn thì đây được xem là tín hiệu tốt cho sức khỏe sinh dục và sinh sản của bạn.  

Nếu chu kỳ kinh đột ngột rút ngắn hay kỳ hành kinh có vẻ đến nhanh hơn dự kiến. Đây có thể là những thay đổi sinh lý nhưng cũng có thể là các dấu hiệu bệnh lý không nên bỏ qua. 

Chu kỳ kinh nguyệt ngắn

Chu kỳ kinh nguyệt ngắn: Đâu là bình thường? 

Hormone estrogen là hormone sinh dục chịu trách nhiệm chính cho việc “vận hành” chu kỳ kinh nguyệt của bạn. Khi hormone này bị tác động, chu kỳ kinh nguyệt của bạn có thể ngắn hơn. Một số lý do khiến hormone estrogen mất cân bằng: 

  • Tuổi tác: Bé gái mới dậy thì hay phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh
  • Thay đổi biện pháp tránh thai
  • Sử dụng một số loại thuốc như: NSAIDs, thuốc chống trầm cảm…
  • Thói quen ăn uống thất thường: rối loạn ăn uống
  • Tập thể dục thể thao quá mức
  • Trọng lượng cơ thể thay đổi nhanh chóng như tăng cân hay giảm cân 
  • Căng thẳng trong công việc và cuộc sống
  • Mang thai và cho con bú: kỳ kinh có thể ngừng hẳn hoặc thay đổi thất thường. 

Do đó, khi có một chu kỳ kinh nguyệt ngắn làm cho ngày đèn đỏ đến sớm bất ngờ, đừng vội lo lắng nghĩ đến một bệnh lý nguy hiểm nào, chị em phụ nữ hãy xem các yếu tố trên để dự đoán được nguyên nhân kỳ kinh đến thất thường. Những yếu tố này hoàn toàn có thể nằm trong tầm kiểm soát, khắc phục chúng và theo dõi kỳ kinh tiếp theo để chắc chắn rằng cơ thể của bạn không đang phát ra tín hiệu “cầu cứu”.

Chu kỳ kinh nguyệt ngắn: Đâu là biểu hiện của bệnh lý? 

Tuy nhiên, chu kỳ kinh nguyệt ngắn còn có thể đến từ những vấn đề về sức khỏe phụ khoa. Chị em phụ nữ có thể nhầm lẫn giữa một đợt xuất huyết âm đạo bất thường với hành kinh và cho rằng mình có kinh sớm hay chu kỳ kinh nguyệt thật sự bị rút ngắn. 

Những bệnh lý có thể dẫn đến chu kỳ kinh nguyệt ngắn và các triệu chứng đi kèm, bạn có thể tham khảo dưới đây: 

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)

PCOS là tăng sản hormone androgen ở phụ nữ làm rút ngắn chu ky kinh nguyệt. Đồng thời, bạn có thể nhận biết PCOS với các triệu chứng điển hình như: mọc nhiều lông mặt, nổi mụn và giọng nói trầm hơn. 

U nang buồng trứng 

U nang buồng trứng là một túi chứa dịch phát triển trong buồng trứng không biểu hiện triệu chứng. Kỳ kinh đến sớm bất thường và đau bụng dữ dội có thể là biểu hiện của tình trạng này. 

Có kinh sớm kèm theo đau bụng kinh

Suy buồng trứng sớm (POF) là bệnh lý hiếm gặp dẫn đến chu kỳ kinh nguyệt ngắn 

Khi bước vào thời kỳ mãn kinh là lúc chức năng buồng trứng của phái nữ suy giảm. Tuy nhiên, một vài trường hợp hiếm gặp mắc phải suy buồng trứng sớm làm giảm sản xuất hormone sinh dục nữ dẫn đến rối loạn chu kỳ kinh nguyệt. Các biểu hiện của POF tương tự như thời kỳ mãn kinh như: bốc hỏa, đổ mồ hôi về đêm, khô âm đạo. 

Rối loạn tuyến yên hay tuyến giáp rút ngắn chu kỳ kinh nguyệt 

Rối loạn hormon từ tuyến yên (vùng hạ đồi) hay rối loạn tuyến giáp đều ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt. Phụ nữ có thể sẽ cảm thấy khó ngủ hay buồn ngủ, nhịp tim và cân nặng thay đổi. Những triệu chứng này còn tùy thuộc vào loại rối loạn hormone mà bạn mắc phải. 

Các biến cố thai kỳ như: mang thai ngoài tử cung hay sảy thai

Mang thai ngoài tử cung hay sảy thai là những biến cố thai kỳ làm chảy máu âm đạo. Các đốm máu này có thể làm bạn nhầm lẫn với kỳ kinh nguyệt. Do đó, khi có bất kỳ đợt chảy máu âm đạo kèm theo đau bụng nào, bạn nên cảnh giác để can thiệp y khoa kịp thời. 

Chu kỳ kinh nguyệt ngắn, phải làm sao?

Khi nào cần đến gặp bác sĩ phụ khoa?

Nếu bạn đang mang thai và có dấu hiệu ra máu âm đạo bất thường, hãy đến gặp bác sĩ sản khoa ngay để kịp thời can thiệp. 

Nếu chắc chắn rằng bạn không mang thai và kỳ hành kinh đột ngột đến sớm mà không có các triệu chứng nghiêm trọng, hãy theo dõi chu kỳ kinh của mình trong 2-3 tháng tiếp theo. Vì có thể chu kỳ kinh nguyệt của bạn sẽ tự điều chỉnh về quỹ đạo cân bằng sau một vài chu kỳ.

Cần làm gì khi chu kỳ kinh nguyệt bị rút ngắn bất ngờ? 

Để kiểm soát những kỳ kinh nguyệt đến sớm, bác sĩ phụ khoa cũng khuyến cáo chị em phụ nữ nên:

  • Cố gắng duy trì một lối sống lành mạnh bằng cách tập thể dục điều độ và chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng.
  • Nếu bạn đang ăn kiêng để giảm cân, bạn có thể thử biện pháp chú trọng cắt giảm lượng calo nạp vào cơ thể thay vì chế độ quá khắc nghiệt. 
  • Nghỉ ngơi đầy đủ. Chống stress với những bài tập yoga hay thiền định để đảm bảo sức khỏe tinh thần tốt nhất. 
  • Dùng thuốc ngừa thai hay các biện pháp tránh thai khác theo đúng hướng dẫn y khoa. 
  • Nếu bạn là vận động viên, hãy cắt giảm những bài tập cường độ cao và kéo dài. 
  • Khám sức khỏe phụ khoa định kỳ, ít nhất là 6 tháng/lần. 
  • Luôn theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của bản thân. 
  • Khi chu kỳ kinh nguyệt ngắn bất thường, ghi lại các kỳ hành kinh kế tiếp và theo dõi các triệu chứng khác (nếu có). Đây sẽ là sự trợ giúp lớn cho bác sĩ phụ khoa tìm ra được nguyên nhân gây thay đổi chu kỳ kinh của bạn.

Đây không chỉ là cách đối phó với những chu kỳ kinh nguyệt bất thường, những lời khuyên này nên được áp dụng thường xuyên để phòng ngừa các rối loạn liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt. 

Hy vọng những thông tin trên đây của Hello Bacsi sẽ góp phần xây dựng cẩm nang chăm sóc sức khỏe kinh nguyệt cho các chị em phụ nữ. Từ đó, các chị em sẽ vững vàng ứng phó với một chu kỳ kinh nguyệt ngắn đến bất ngờ!

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

1. Abnormal Menstruation (Periods): Types, Causes & Treatment https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/14633-abnormal-menstruation-periods Ngày truy cập: 16/9/2021

2. How Menstrual Cycles Change as You Age https://health.clevelandclinic.org/is-my-period-normal-how-your-menstrual-cycle-change-as-you-age/ Ngày truy cập: 16/9/2021

3. Menstrual cycle: What’s normal, what’s not https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/womens-health/in-depth/menstrual-cycle/art-20047186 Ngày truy cập: 16/9/2021

4. Shorter Periods: What does it mean? https://www.everydayhealth.com/pms/short-periods.aspx Ngày truy cập: 16/9/2021

5. Short Period: Pregnancy and 19 Other Causes, Symptoms to Watch For https://www.healthline.com/health/womens-health/short-period#agerelated-causes

Ngày truy cập: 16/9/2021

6. Shorter Periods – Causes, Symptoms, And What To Do About It https://www.womenshealthmag.com/health/a19976137/shorter-periods/  Ngày truy cập: 16/9/2021 

Phiên bản hiện tại

16/09/2021

Tác giả: Vi Quỳnh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Thế nào là một chu kỳ kinh nguyệt bình thường?

Phụ nữ thay đổi chu kỳ kinh nguyệt thế nào khi 20, 30 và 40?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 16/09/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo