backup og meta

Tham khảo 9 cách chữa tắc kinh nguyệt tại nhà đơn giản, hiệu quả

Tham khảo 9 cách chữa tắc kinh nguyệt tại nhà đơn giản, hiệu quả

Tắc kinh nguyệt là gì? Những cách chữa tắc kinh nguyệt tại nhà nào được các chị em rỉ tai nhau mang đến hiệu quả tích cực? 

Chu kỳ kinh nguyệt đều đặn là dấu hiệu đại điện cho một sức khỏe sinh sản tốt ở chị em phụ nữ. Khi các vấn đề về kỳ kinh xuất hiện, đây có thể là tín hiệu của cơ thể mà bạn cần quan tâm hoặc là lúc cơ thể bạn phát cảnh báo phản đối với những thói quen không lành mạnh. Đôi lúc, những vấn đề này sẽ được xử lý tại nhà một cách hiệu quả mà không cần can thiệp y tế.

Vậy cách chữa tắc kinh nguyệt tại nhà là gì? Mời bạn cùng tìm hiểu qua những thông tin trong bài viết sau.

Tắc kinh nguyệt là gì? 

Tắc kinh nguyệt hay kinh nguyệt bị tắc là hiện tượng kinh nguyệt đến trễ hơn so với chu kỳ bình thường hoặc máu kinh ra rất ít trong kỳ hành kinh. Máu kinh trong trường hợp tắc kinh thường ít hơn rất nhiều so với chu kỳ kinh nguyệt bình thường, có khi chỉ vài giọt. Thông thường, chị em phụ nữ có ngày đèn đỏ kéo dài từ 3-7 ngày với lượng máu kinh thấm ướt từ 3-5 miếng băng vệ sinh mỗi ngày. Nhưng khi có những kỳ kinh không chỉ đến muộn hoặc kỳ hành kinh chỉ có một ít máu kinh, diễn ra từ 1-2 ngày, máu kinh có thể đậm hoặc nhạt màu hơn so với bình thường. Tắc kinh là thuật ngữ dễ hiểu cho thấy sự nghi ngờ bít tắc máu kinh do một vài nguyên nhân nào đó cần được điều chỉnh.

Giải đáp thắc mắc: Bị tắc kinh có nguy hiểm không?

Hiện tượng kinh nguyệt đến muộn và quá ít có thể do một vài nguyên nhân bệnh lý nghiêm trọng hoặc do thói quen, lối sống có sự thay đổi đột ngột. Thông thường, những cách chữa tắc kinh nguyệt tại nhà sẽ giúp phụ nữ điều hòa kỳ hành kinh mà không cần đến gặp bác sĩ hay sử dụng thuốc. Tuy nhiên, nếu tình trạng tắc kinh nguyệt tái diễn liên tục nhiều lần hay diễn ra trong nhiều tháng kèm theo các triệu chứng như đau chướng bụng, hoa mắt chóng mặt… chị em phụ nữ cần đến gặp bác sĩ phụ khoa ngay. Việc đi khám giúp đánh giá xem bạn có rơi vào các trường hợp sau hay không:

  1. Rối loạn nội tiết
  2. Các biến cố thai kỳ như mang thai ngoài tử cung hay sảy thai
  3. Nhiễm các loại bệnh lây qua đường tình dục như: chlamydia, lậu… có nguy cơ dẫn đến vô sinh
  4. Các bệnh lý phụ khoa như viêm cổ tử cung lộ tuyến, viêm nhiễm tắc ống dẫn trứng, u xơ tử cung…
  5. Ung thư cổ tử cung
  6. Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
  7. Suy buồng trứng sớm
  8. Các rối loạn về tâm lý, tác dụng không mong muốn của thuốc, ảnh hưởng của các chất kích thích, ảnh hưởng của các sóng điện từ…

Tham khảo 9 cách chữa tắc kinh nguyệt tại nhà hiệu quả 

Có không ít chị em thắc mắc cách chữa tắc kinh nguyệt tại nhà hay bị tắc kinh phải làm sao hay tắc kinh uống thuốc gì? Như đã nói, nhiều cách chữa tắc kinh nguyệt tại nhà được các chị em phụ nữ rỉ tai nhau sẽ có hiệu quả điều hòa chu kỳ kinh nguyệt mà chưa hoặc không cần can thiệp y tế. Trước khi đến gặp bác sĩ, bạn có thể tìm hiểu và thực hiện những biện pháp sau:

1. Hãy dùng bột quế

Nếu đang đi tìm đáp án cho thắc mắc tắc kinh uống gì, bạn hãy nghĩ đến quế. Quế là một loại thảo dược có tính ấm, vị cay ngọt, thường được dùng với tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn, giảm đau, cầm máu trong Đông y. Một nghiên cứu năm 2014 cho thấy quế có khả năng giúp điều hòa kinh nguyệt và là sự lựa chọn điều trị hiệu quả cho phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS). Bên cạnh đó, bột quế cũng có tác dụng diệt khuẩn, ức chế hoạt động của trùng roi, tiêu diệt amip. Khi kết hợp với các vị thuốc bổ khí dưỡng huyết, bột quế có tác dụng điều hòa khí huyết, nâng cao sức đề kháng. 

Khi dùng như một thảo dược hỗ trợ điều hòa kinh nguyệt, chị em phụ nữ có thể pha bột quế cùng với sữa, nước ấm uống như một loại trà hoặc sử dụng bột quế trong các món ăn hàng ngày như làm bánh, soup, gia vị salad… Bạn nên uống bột quế pha nước 3 lần/ngày với liều lượng 500mg/lần. Lưu ý là do quế có tính nóng nên bạn không nên dùng quá 3-6 g bột quế/ngày, dùng nhiều hơn liều lượng khuyến cáo sẽ gây ảnh hưởng không tốt lên hệ tiêu hóa. 

2. Cách chữa tắc kinh nguyệt tại nhà với ngải cứu

Bị tắc kinh uống gì hay làm sao để thông kinh nguyệt? Gợi ý là bạn hãy dùng ngải cứu.

Ngải cứu là vị thuốc Nam đã được sử dụng trong dân gian từ nhiều năm qua. Theo y học cổ truyền, vị thuốc ngải cứu được lấy từ ngọn thân của cây ngải cứu có vị đắng cay, tính ấm có tác dụng ôn kinh, chỉ huyết an thai. Thường được dùng để điều trị các bệnh lý về kinh nguyệt như rong kinh, rong huyết, đau bụng kinh, kinh nguyệt không đều. Hiện nay, công dụng của loại thảo dược này vẫn được công nhận có hiệu quả cao, đặc biệt với những trường hợp trễ kinh hay tắc kinh. Do đó, đáp án cho câu hỏi tắc kinh uống thuốc gì là ngải cứu bạn nhé! 

Ngải cứu thường được dùng cho phụ nữ ở dạng trà túi lọc hay viên nang bổ sung, giúp hỗ trợ điều hòa kinh nguyệt hiệu quả. Liều lượng sử dụng là 4-8g dùng sống hay sao đen. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng ngải cứu như một loại rau trong bữa cơm thường ngày. Các món ăn được chế biến từ ngải cứu như trứng gà ngải cứu chiên hoặc hấp, vịt lộn ngải cứu… vừa có tác dụng điều trị bệnh vừa bổ sung dưỡng chất cho cơ thể. Tuy nhiên bạn chỉ nên ăn ngải cứu khoảng 2-3 bữa mỗi tuần. Lưu ý tránh sử dụng ngải cứu trong chu kỳ kinh nguyệt bình thường do ngải cứu có tác dụng hoạt huyết, từ đó gây chảy máu nhiều hơn.

3. Sử dụng gừng: Cách chữa tắc kinh nguyệt tại nhà phổ biến 

cách chữa tắc kinh nguyệt tại nhà

Gừng là một loại gia vị quen thuộc đối với mỗi gia đình Việt, một vị thuốc Nam chữa cảm lạnh, giảm ho, đau bụng do lạnh, giải ngộ độc hiệu quả. Ngoài ra, gừng còn được xem là một trong các loại thảo dược tốt cho chị em phụ nữ khi tới kỳ kinh. Với tính ấm và khả năng giảm đau cùng mùi thơm dễ chịu, gừng có công dụng giúp giảm đau bụng kinh, thư giãn tinh thần và điều hòa lại chu kỳ kinh nguyệt. Gừng có tác dụng làm thúc đẩy tuần hoàn máu, đẩy nhanh máu kinh thoát ra ngoài. Từ đó, hỗ trợ giải quyết tốt các vấn đề như tắc kinh.

Mặc dù chưa có nhiều nghiên cứu chứng minh thành phần nào của gừng mang đến tác động tốt cho chu kỳ kinh nhưng theo một nghiên cứu phụ nữ uống 750-2000 mg bột gừng trong 3-4 ngày đầu của kỳ kinh nguyệt sẽ giúp khắc phục được các vấn đề về kinh nguyệt. Mặt khác, gừng cũng có tác dụng kích ứng đường tiêu hóa nếu sử dụng lượng nhiều vào lúc đói, do vậy, bạn không nên uống gừng lúc bụng rỗng và lưu ý không uống gừng vào buổi tối. 

4. Bổ sung vitamin mỗi ngày 

Tắc kinh uống thuốc gì, cách chữa tắc kinh nguyệt tại nhà là làm gì? Ngoài những gợi ý ở trên thì một số loại vitamin được chứng minh là có mối liên hệ với chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ như: vitamin D, vitamin nhóm B, vitamin E. Nhiều nghiên cứu đã xoay quanh vấn đề bổ sung vitamin và kinh nguyệt ở phái nữ như:

  • Bổ sung vitamin D: Mức vitamin D thấp có mối liên kết với các rối loạn kinh nguyệt. Uống vitamin D hay dùng các thực phẩm bổ sung vitamin D như sữa, chế phẩm từ sữa, ngũ cốc… mang lại hiệu quả trong việc điều trị kinh nguyệt không đều ở người bị hội chứng đa nang buồng trứng (PCOS).
  • Bổ sung vitamin nhóm B: Vitamin B giúp làm giảm các triệu chứng hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS). Bổ sung 40 mg vitamin B6 và 500mg canxi mỗi ngày làm giảm các triệu chứng của PMS. Bổ sung vitamin B6 giúp ổn định tâm trạng, tăng tổng hợp chất dopamine. Nếu dùng chung với chế phẩm magie, vitamin B6 còn có thể làm giảm những âu lo và hiện tượng phù nề trước kỳ kinh. Thực phẩm nên dùng để bổ sung vitamin nhóm B: Bông cải, cà rốt, chuối.
  • Bổ sung vitamin E: Ở những bạn gái hấp thu đủ vitamin E, những “bất ổn” ở vùng ngực sẽ giảm 11%. Chất này giúp giảm hormone gây đau ngực, đau bụng kinh. Thực phẩm nên dùng: Dầu thực vật, cải bó xôi, các loại ngũ cốc.

5. Cách chữa tắc kinh nguyệt tại nhà với giấm táo 

Theo thống kê, dấu hiệu tắc kinh có nguyên nhân do hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) chiếm tỷ lệ khoảng 5-10% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Theo định nghĩa thì hội chứng buồng trứng đa nang là một tình trạng nội tiết tố liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt bất thường, nồng độ rất cao của nội tiết tố androgen gây nên tình trạng đa nang ở buồng trứng và sự đề kháng insulin ở phụ nữ mắc PCOS. Biểu hiện thường thấy ở phụ nữ mắc PCOS là hiện tượng rối loạn phóng noãn (kinh thưa hoặc vô kinh) và hiện tượng rối loạn nội tiết (rậm lông, mọc mụn, béo phì…).

Vậy cách chữa tắc kinh nguyệt tại nhà với giấm táo là như thế nào? Một nghiên cứu cho thấy những phụ nữ bị PCOS uống một muỗng canh (15ml) giấm táo với 100 ml hoặc khoảng 150ml nước ngay sau bữa ăn tối đã cải thiện nồng độ hormone và bắt đầu xuất hiện chu kỳ kinh nguyệt đều đặn hơn.

Ngoài ra, giấm táo còn hỗ trợ giảm cân, giảm mức insulin và hỗ trợ chống lại tình trạng trầm cảm. Đây đều là những tác dụng tốt với sức khỏe kinh nguyệt. 

Tuy nhiên, mùi vị của giấm táo có thể gây khó chịu cho những người mới uống thử. Bạn có thể pha loãng giấm táo với nước và thêm một ít mật ong để dễ uống hơn. Bên cạnh đó, do giấm táo có tính axit nên cũng có thể làm hỏng men răng nếu bạn sử dụng thường xuyên. Bạn có thể uống bằng ống hút và súc miệng với nước sau đó có thể giúp ngăn ngừa điều này.

Mặc dù uống giấm táo có liên quan đến lợi ích sức khỏe, nhưng tiêu thụ một lượng lớn (8 ounce hoặc 237 ml) mỗi ngày trong nhiều năm có thể nguy hiểm và có liên quan đến nồng độ kali trong máu thấp và loãng xương. Nếu bạn gặp các tác dụng phụ khó chịu sau khi dùng giấm táo, chẳng hạn như buồn nôn, ợ hơi hoặc trào ngược, hãy ngừng dùng và thảo luận về các triệu chứng này với bác sĩ nhé. 

6. Ăn dứa cũng là cách chữa tắc kinh nguyệt tại nhà 

cách chữa tắc kinh nguyệt tại nhà

Khi bị tắc kinh phải làm sao hay cách chữa mất kinh nguyệt tại nhà là gì? Gợi ý là bạn có thể ăn dứa để cải thiện tình hình nhé!

Dứa (thơm, khóm) là trái cây được khuyến cáo nên ăn mỗi ngày, với khoảng 80 gram (1 cốc) là phù hợp. Đặc biệt, trong dứa có chứa bromelain – một loại enzym được công bố là có khả năng làm mềm và làm bong lớp niêm mạc tử cung, từ đó giúp máu kinh dễ dàng thoát ra ngoài và điều hòa lượng máu kinh. Mặc dù chưa có nhiều nghiên cứu chứng minh, nhưng enzym này trong dứa còn được biết đến với khả năng kháng viêm và giảm đau trong đau bụng kinh hay đau đầu.

Do đó, phụ nữ ăn dứa mỗi ngày được xem là cách chữa tắc kinh nguyệt tại nhà đơn giản, hiệu quả mà bạn có thể thử. Thêm vào đó, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc thường xuyên ăn dứa giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú ở nữ giới.

Mặc dù quả dứa mang lại nhiều lợi ích cho con người, đặc biệt là phụ nữ, tuy nhiên dứa cũng là một loại quả hay gây ra phản ứng dị ứng khi sử dụng. Bên cạnh đó, với đặc điểm có tính axit cao nên có thể làm tăng triệu chứng ợ chua, trào ngược dạ dày ở những người có các bệnh lý về dạ dày và thực quản. Do đó, bạn chỉ nên ăn dứa từng ít một để thăm dò phản ứng dị ứng và không ăn khi quá đói.

7. Tập yoga 

Tập yoga là cách chữa tắc kinh nguyệt tại nhà – bạn có đang nghi ngờ vào điều này không? Theo các chuyên gia, việc tập yoga được chứng minh là một phương pháp điều trị hiệu quả cho nhiều vấn đề trong chu kỳ kinh nguyệt. Luyện tập yoga là một phương pháp hiệu quả giúp giải quyết các vấn đề xuất phát từ sự rối loạn hormone. Hoạt động thể chất này giúp cân bằng lượng hormone, duy trì cân nặng và giúp kinh nguyệt đều đặn, đồng thời duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Trong đó, một nghiên cứu cho thấy phụ nữ tập yoga từ 35-40 phút mỗi ngày, 5 ngày trong tuần trong vòng 6 tháng đã giúp làm giảm nồng độ hormone gây rối loạn chu kỳ kinh nguyệt. Ngoài ra, việc tập luyện yoga còn mang lại nhiều lợi ích khác bao gồm giảm lo âu căng thẳng mệt mỏi, làm đẹp da, ngăn ngừa lão hóa, tốt cho vóc dáng, cải thiện giấc ngủ… 

Khi mới bắt đầu, chị em phụ nữ nên đến các phòng tập hay đăng ký các gói hướng dẫn trực tuyến từ huấn luyện viên chuyên nghiệp. Bởi vì, việc thực hiện đúng động tác yoga ngay từ đầu sẽ giúp cho quá trình luyện tập của bạn đạt hiệu quả. Từ đó, bạn có thể nhận được toàn bộ lợi ích từ việc tập yoga.

8. Duy trì cân nặng hợp lý 

Rất nhiều phụ nữ cho rằng chu kỳ kinh nguyệt không chịu ảnh hưởng của cân nặng, điều này hoàn toàn sai lầm. Thừa cân, sụt ký hay gặp vấn đề với các rối loạn ăn uống cũng đều ảnh hưởng trực tiếp đến chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ. Do đó, việc quản lý cân nặng để không tăng hay giảm cân đột ngột cũng là một cách chữa tắc kinh nguyệt tại nhà đơn giản mà cần thiết.

Nếu bạn nghi ngờ cân nặng thay đổi bất ngờ là yếu tố gây tắc kinh, sự tư vấn của bác sĩ hay chuyên gia dinh dưỡng là cần thiết lúc này. Họ có thể giúp bạn xác định mức cân nặng hợp lý và cùng bạn đề ra chiến lược tăng hay giảm cân phù hợp để không ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt. Bên cạnh đó, việc sụt nhiều cân trong một thời gian ngắn không rõ nguyên nhân có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nguy hiểm. Do đó, bạn cần lắng nghe cơ thể mình để phát hiện và khám chuyên khoa sớm nhất có thể. 

9. Tập thể dục thường xuyên 

Thói quen tập thể dục thường xuyên là một cách để duy trì sức khỏe và sự dẻo dai cho tất cả chúng ta. Và không ngoại lệ, việc tập thể dục cũng mang lại những lợi ích sức khỏe cho chu kỳ kinh nguyệt ở chị em phụ nữ. Theo đó, việc tập luyện thể dục thường xuyên ở tần suất 3-5 ngày/tuần có tác dụng ổn định hormone sinh dục nữ, giảm stress, tốt cho tim mạch, hô hấp, hệ cơ xương khớp…

Tập thể dục cũng là cách giúp bạn duy trì cân nặng và được khuyến cáo như một phần của quá trình điều trị PCOS – nguyên nhân phổ biến gây rối loạn kinh nguyệt. Ngoài ra, tập thể dục còn giúp giảm các cơn đau trước và sau khi hành kinh hiệu quả.

Hy vọng những cách chữa tắc kinh nguyệt tại nhà được Hello Bacsi tổng hợp trên đây sẽ là “bí kíp” bổ ích cho hành trình chăm sóc bản thân của chị em phụ nữ nhé!

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

1. Stopped or missed periods

https://www.nhs.uk/conditions/stopped-or-missed-periods/ Ngày truy cập: 17/10/2021

2. Missed or Irregular Periods

https://www.uofmhealth.org/health-library/mispd/ Ngày truy cập: 17/10/2021

3. Irregular Periods (for Teens) – Nemours Kidshealth

https://kidshealth.org/en/teens/irregular-periods.html Ngày truy cập: 17/10/2021

4. Irregular Periods: 8 Home Remedies to Regulate Your Cycle

https://www.healthline.com/health/womens-health/irregular-periods-home-remedies#3.-Exercise-regularly Ngày truy cập: 17/10/2021

5. How to Regulate Periods: 20 Home Remedies, Natural Options, More

https://www.healthline.com/health/how-to-regulate-periods#dietary-supplements Ngày truy cập: 17/10/2021

Phiên bản hiện tại

17/04/2024

Tác giả: Vi Quỳnh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Bạn nên ăn gì để thật thoải mái khi kỳ kinh nguyệt tới?

Chu kỳ kinh nguyệt ngắn bất ngờ: Đâu là dấu hiệu ẩn chứa nguy hiểm?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung

Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 17/04/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo