backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Những cách điều trị basedow bạn nên biết

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 14/01/2020

    Những cách điều trị basedow bạn nên biết

    Bệnh basedow liên quan đến tình trạng tuyến giáp hoạt động quá mức, dẫn đến sản xuất quá nhiều hormone tuyến giáp hoặc cường giáp. Việc điều trị basedow tương đối dễ dàng nhưng nếu chủ quan không chữa trị, bệnh có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.

    Có rất nhiều nguyên nhân gây ra cường giáp trong đó bệnh basedow là một lý do phổ biến nhất, ảnh hưởng đến khoảng 1/200 người. Bệnh thường xảy ra ở phụ nữ dưới 40 tuổi nhưng cũng có một số trường hợp nam giới mắc phải basedow.

    Để chẩn đoán bệnh basedow, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện một vài xét nghiệm cần thiết để kiểm tra nồng độ hormone tuyến giáp trong máu và loại trừ được những rối loạn khác. Nếu nồng độ của hai hormone thyroxin (T4) tự do và triiodothyronin (T3) tự do cao hơn bình thường, đồng thời nồng độ hormone kích thích tuyến giáp (TSH) trong máu thấp bất thường thì bạn có khả năng bị cường giáp do bệnh basedow gây ra. Xét nghiệm máu cũng có thể phát hiện sự hiện diện của kháng thể bất thường liên quan đến bệnh basedow.

    Đôi khi bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm hấp thu i-ốt phóng xạ để xác nhận chẩn đoán bệnh basedow. Tuyến giáp cần i-ốt để tạo ra hormone nên nếu nó hấp thu một lượng i-ốt lớn hơn bình thường thì đồng nghĩa với việc đang sản xuất hormone nhiều quá mức.

    Nếu nhãn cầu phình ra hay lồi mắt là triệu chứng duy nhất mà bạn có, bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm máu để kiểm tra cường giáp vì dấu hiệu này không phải lúc nào cũng liên quan đến bệnh basedow. Bác sĩ có thể đánh giá cơ mắt bằng siêu âm, chụp CT hoặc cộng hưởng từ (MRI). Khi có biểu hiện sưng được nhìn thấy trong những xét nghiệm này họ sẽ đưa đến chẩn đoán basedow.

    Các cách chữa bệnh bướu cổ basedow

    Có rất nhiều phương pháp dùng để điều trị bệnh basedow, phần lớn nhằm vào mục đích ức chế sự sản xuất quá mức của hormone tuyến giáp bằng cách nhắm chính xác vào tuyến giáp hoặc làm giảm bớt các triệu chứng bệnh.

    Thuốc kháng giáp

    Cách điều trị basedow phổ biến nhất là sử dụng các thuốc kháng giáp. Ba loại thuốc chính nhắm vào tuyến giáp là propylthiouracil, methimazolecarbimazole.

    Thuốc kháng giáp ngăn cho tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone dư thừa bằng cách ức chế quá trình oxy hóa i-ốt trong tuyến giáp. Các triệu chứng bệnh basedow thường sẽ cải thiện trong vòng 4–6 tuần kể từ khi bắt đầu dùng thuốc. Các thuốc kháng giáp có thể sử dụng kết hợp với các phương pháp điều trị khác như liệu pháp i-ốt phóng xạ hoặc phẫu thuật.

    Việc sử dụng thuốc có khi vẫn tiếp tục kéo dài trong 12–18 tháng để đảm bảo tình trạng bệnh không quay trở lại. Trong một số trường hợp, bạn có khi phải uống thuốc lâu hơn.

    Liệu pháp i-ốt phóng xạ

    điều trị basedow

    Liệu pháp i-ốt phóng xạ đã được ứng dụng để điều trị basedow phổ biến từ những năm 1940. Đến ngày nay, phương pháp này vẫn được sử dụng vì không xâm lấn và mang lại hiệu quả cao.

    I-ốt phóng xạ được đưa vào cơ thể bằng đường uống và sẽ nhắm trực tiếp vào tuyến giáp. Bình thường, tuyến giáp sử dụng i-ốt để tạo nên hormone. Khi dùng thuốc, i-ốt phóng xạ sẽ tích tụ trong tuyến giáp và từ từ phá hủy các tế bào hoạt động quá mức ở đây.

    Từ đó, kích thước tuyến giáp sẽ giảm xuống và sản xuất ít hormone hơn lúc trước. Mặc dù có những lo ngại cho rằng sử dụng phóng xạ có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp nhưng đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào đo được mức độ nguy hiểm sẽ tăng lên bao nhiêu. Tuy nhiên, vẫn có một rủi ro nhỏ có thể xảy ra khi thực hiện liệu pháp này là ung thư thứ phát.

    Mặc dù liệu pháp i-ốt phóng xạ khá an toàn nhưng không nên dùng cho phụ nữ có thai vì chất này có thể phá hủy tuyến giáp ở thai nhi. Do đó, bạn phải đảm bảo không mang thai trước khi uống thuốc i-ốt phóng xạ. Ngoại trừ giai đoạn đang điều trị, i-ốt phóng xạ không gây nguy hiểm cho sức khỏe với phụ nữ muốn có thai cũng như không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ hoặc nam giới.

    Thuốc chẹn beta

    Theo chỉ định chính thống, thuốc chẹn beta được dùng để điều trị các vấn đề về tim và tăng huyết áp. Chúng hoạt động bằng cách ngăn chặn tác động của adrenalin và các hợp chất tương tự khác. Bên cạnh đó, các thuốc này có thể giúp giảm bớt những triệu chứng bệnh basedow.

    Người bệnh basedow có khả năng nhạy cảm hơn với adrenalin, từ đó gây ra các triệu chứng như đổ mồ hôi, run rẩy, tăng nhịp tim và lo lắng. Khi đó, thuốc chẹn beta có thể giúp giảm bớt những triệu chứng này, nhưng lưu ý là chúng không giải quyết được nguyên nhân gây bệnh basedow.

    Thuốc chẹn beta hay được dùng chung với những phương pháp điều trị khác. Điều này đồng nghĩa với việc nguy cơ xuất hiện tương tác thuốc sẽ tăng lên, gây ra những tác dụng không mong muốn.

    Phẫu thuật

    Phẫu thuật tuyến giáp là cách điều trị basedow được chỉ định nếu các phương pháp điều trị khác không thành công.

    Cắt tuyến giáp sẽ loại bỏ tất cả hoặc một phần của tuyến giáp tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng bệnh. Ưu điểm lớn nhất khi phẫu thuật chính là khôi phục được nồng độ hormone tuyến giáp nhanh nhất, dễ nhất và lâu dài nhất.

    Sau khi phẫu thuật, người bệnh có thể cảm thấy đau cổ, giọng khàn và yếu ớt nhưng chỉ là những biểu hiện tạm thời do ống thở được đưa vào khí quản trong khi phẫu thuật gây nên. Một vết sẹo sẽ xuất hiện sau khi cắt tuyến giáp và kích thước của nó sẽ phụ thuộc vào phần tuyến giáp được phẫu thuật loại bỏ đi.

    Khi phẫu thuật chỉ loại bỏ một phần tuyến giáp, phần còn lại sẽ vẫn có khả năng đảm nhận được chức năng của tuyến nội tiết này. Tuy nhiên, nếu toàn bộ tuyến giáp bị cắt bỏ, cơ thể sẽ không thể sản xuất đủ hormone tuyến giáp và gây ra tình trạng suy giáp. Để điều trị bệnh lý này, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc nội tiết tố có tác dụng thay thế hormone bị thiếu và bạn sẽ cần sử dụng chúng suốt đời.

    Các biện pháp hỗ trợ tại nhà cho bệnh basedow

    Những người mắc bệnh basedow có vấn đề về mắt thường chiếm khoảng 25–50% nhưng hầu hết đều có thể kiểm soát được bằng các biện pháp khắc phục tại nhà dưới đây. Một số trường hợp có thể cần phẫu thuật nhưng rất hiếm và chỉ dành cho những trường hợp có triệu chứng nghiêm trọng:

    • Nếu mí mắt không thể khép lại hoàn toàn, hãy sử dụng miếng dán mắt vào ban đêm để giữ cho mắt không bị khô.
    • Sử dụng nước mắt nhân tạo không kê đơn hoặc theo đơn của bác sĩ để làm ẩm mắt bất cứ khi nào cảm thấy khô mắt.
    • Khi mắt bị đỏ và sưng vào buổi sáng, hãy thay đổi tư thế ngủ với đầu được kê cao lên.
    • Đeo kính râm để bảo vệ mắt khỏi ánh nắng mặt trời, ánh sáng đèn và gió.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 14/01/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo