backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Tổng hợp những nguyên nhân bệnh tuyến giáp mà ai cũng nên biết

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Nhi Bui · Ngày cập nhật: 24/01/2022

    Tổng hợp những nguyên nhân bệnh tuyến giáp mà ai cũng nên biết

    Rối loạn ở tuyến giáp là tình trạng rối loạn nội tiết do nhiều nguyên nhân bệnh tuyến giáp gây ra. Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về vấn đề này để chăm sóc sức khỏe tốt hơn. 

    Tuyến giáp là một tuyến hình cánh bướm nằm ở phía trước cổ, có chức năng sản xuất hormone  triiodothyronine (T3) và thyroxine (T4). Hai hormone này tiết trực tiếp vào máu và đi khắp cơ thể, giúp điều chỉnh quá trình trao đổi chất, hỗ trợ sự phát triển của não bộ, kiểm soát cơ bắp và cân bằng tâm trạng. 

    Trong bài viết bên dưới, hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về những nguyên nhân bệnh tuyến giáp khiến các hoạt động trong cơ thể bị ảnh hưởng và không thể hoạt động như bình thường. 

    Bệnh tuyến giáp là gì?

    Vai trò của tuyến giáp thực chất là điều chỉnh tốc độ hoạt động trao đổi chất của các tế bào trong cơ thể thông qua việc sản xuất hormone. Nhưng đôi khi, hoạt động của tuyến nội tiết này bị rối loạn và dẫn đến các bệnh về tuyến giác như:

    Bệnh cường giáp

    Đây là tình trạng hormone thyroxine được sản xuất quá mức, vượt ngưỡng cơ thể cần, khiến cho tốc độ hoạt động của các tế bào diễn ra nhanh hơn bình thường. Các triệu chứng phổ biến của cường giáp có thể bao gồm:

    • Mệt mỏi và yếu cơ
    • Nhịp tim nhanh hoặc không đều
    • Run tay
    • Khó ngủ
    • Lo lắng
    • Cáu gắt
    • Đi tiêu thường xuyên
    • Giảm cân ngoài ý muốn
    • Kinh nguyệt nhẹ hoặc ít kinh hơn… 

    Bệnh suy giáp

    Ngược lại với cường giáp, suy giáp là tình trạng hormon thyroxine được sản xuất quá ít so với nhu cầu của cơ thể, khiến các tế bào và cơ quan trong cơ thể hoạt động chậm lại. Khi bị suy giáp, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như: 

    • Cảm thấy lạnh
    • Dễ mệt mỏi hơn
    • Da khô
    • Hay quên
    • Phiền muộn
    • Táo bón do nhu động ruột hoạt động chậm lại
    • Nhịp tim đập chậm hơn bình thường

    Tìm hiểu thêm: Cường giáp và suy giáp khác nhau thế nào? 

    Nguyên nhân bệnh tuyến giáp mà ai cũng nên biết

    nguyên nhân bệnh tuyến giáp

    Nguyên nhân gây bệnh cường giáp

    Sau đây là các nguyên nhân phổ biến gây bệnh cường giáp:

  • Bệnh Grave: Đây là một rối loạn khiến hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể globulin, kích thích tuyến giáp sản xuất nhiều hormone. Cho đến thời điểm hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân gây bệnh tuyến giáp này. 
  • U tuyến độc: Các u nhú phát triển trong tuyến giáp và bắt đầu tiết hormone bên cạnh các hormone do tuyến giáp sản xuất, điều này làm đảo lộn sự cân bằng hóa học của cơ thể. 
  • Rối loạn chức năng tuyến yên hoặc sự phát triển ung thư trên tuyến giáp: Mặc dù hiếm gặp nhưng cường giáp có thể phát triển từ những nguyên nhân này. Chúng có thể phá vỡ sự cân bằng nội tiết tố do hai hormone T3 và T4 bị sản xuất quá mức. 
  • Viêm tuyến giáp bán cấp: Tình trạng tuyến giáp bị viêm tạm thời do tình trạng tự miễn dịch hoặc do vi rút. Điều này có thể khiến hormone tuyến giáp bị rò rỉ vào máu.
  • Bướu cổ đa nhân: Các bướu sản xuất hormone bên trong tuyến giáp trở nên to ra và tạo ra quá mức hormone tuyến giáp. 
  • Bệnh suy giáp do các yếu tố nào gây ra?

    Suy giáp là rối loạn phổ biến nhất của các bệnh tuyến giáp, do các yếu tố sau gây ra: 

    • Viêm tuyến giáp Hashimoto: Một rối loạn tự miễn dịch, xảy ra khi hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể tấn công những mô chính và ảnh hưởng đến khả năng sản xuất hormone của tuyến nội tiết này. Các nhà khoa học không chắc tại sao điều này lại xảy ra, nhưng họ cho rằng, đây có thể là sự kết hợp của gene và yếu tố kích hoạt trong môi trường. 
    • Đáp ứng quá mức với điều trị cường giáp: Khi tuyến giáp sản xuất nhiều hormone, các bác sĩ có thể sử dụng phương pháp điều trị i ốt phóng xạ hoặc thuốc kháng giáp với mục tiêu đưa chức năng tuyến giáp trở lại bình thường. Nhưng đôi khi điều đó lại làm giảm sản xuất các hormone này quá mức và dẫn đến suy giáp vĩnh viễn.
    • Phẫu thuật tuyến giáp: Việc loại bỏ tất cả hoặc một phần lớn tuyến giáp có thể làm giảm hoặc ngừng sản xuất hormone. Trong trường hợp đó, người bệnh sẽ cần dùng hormone tuyến giáp suốt đời.
    • Xạ trị: Bức xạ được sử dụng để điều trị ung thư đầu hay cổ có thể ảnh hưởng đến tuyến giáp và có thể dẫn đến suy giáp.
    • Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc như lithium, được sử dụng để điều trị các rối loạn tâm thần, có thể góp phần vào chứng suy giáp. 
    • Rối loạn tuyến yên: Một nguyên nhân tương đối hiếm là do tuyến yên không sản xuất đủ hormone kích thích tuyến giáp (TSH) – thường là do một khối u lành tính của tuyến yên gây ra. 
    • Thiếu i ốt: Việc có quá ít i ốt trong chế độ ăn hằng ngày có thể dẫn đến suy giáp hoặc góp phần gia tăng tình trạng suy giáp ở những người đã bị bệnh. I ốt là chất khoáng vi lượng được tìm thấy trong hải sản, rong biển, thực vật trồng trên đất giàu i ốt và muối có bổ sung i ốt.

    Bạn có thể quan tâm 10 dấu hiệu thiếu iot mà cơ thể bạn đang biểu hiện 

    Các yếu tố làm tăng nguy cơ rối loạn tuyến giáp

    nguyên nhân bệnh tuyến giáp

    Ngoài các nguyên nhân bệnh tuyến giáp kể trên thì một số yếu tố sau cũng làm tăng nguy cơ rối loạn tuyến nội tiết này, bao gồm: 

    • Phụ nữ, đặc biệt là những đối tượng trên 60 tuổi. 
    • Những em bé sơ sinh mắc di tật bẩm sinh, tuyến giáp bị khiếm khuyết hoặc không có.
    • Những ai có tiền sử gia đình về các rối loạn tự miễn dịch như celiac, lupus, viêm khớp dạng thấp, tiểu đường
    • Phụ nữ đang mang thai hoặc đã sinh con trong sáu tháng qua 
    • Chấn thương tuyến giáp trong quá khứ
    • Sử dụng chất cản quang i ốt. Ví dụ như chất cản quang sử dụng trong chụp CT.
    • Hút thuốc. Bởi vì thuốc lá có chứa các chất ảnh hưởng đến tuyến giáp, gây viêm và ngăn cản sự hấp thụ i ốt cũng như sản xuất hormone tuyến giáp. 
    • Các căng thẳng tâm lý như ly hôn, thất nghiệp hoặc đối mặt với sự mất mát của một người rất quen thuộc… cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

    Một trong những trở ngại lớn nhất của việc chẩn đoán bệnh tuyến giáp là bệnh có nhiều triệu chứng giống với các bệnh lý khác. Vì thế, khi có các dấu hiệu nghi ngờ hoặc bị mắc các bệnh liên quan nguyên nhân bệnh tuyến giáp, hãy đi xét nghiệm máu để thấy mức độ hormone tuyến giáp trong máu. Đây có thể là bước quan trọng để chẩn đoán và điều trị đúng tình trạng. 

    Hy vọng thông qua bài viết trên, Hello Bacsi đã cung cấp những thông tin hữu ích giúp bạn hiểu hơn về bệnh lý này. 

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Nhi Bui · Ngày cập nhật: 24/01/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo