“Bệnh suy giáp có chữa khỏi được không?” là vấn đề mà những bệnh nhân suy giáp và người nhà rất quan tâm. Thông thường, người bị suy giáp sẽ phải điều trị bằng cách uống thuốc viên thay thế hormone hàng ngày gọi là Levothyroxine. Tuy nhiên, quá trình điều trị này sẽ kéo dài bao lâu và có thể chữa khỏi suy giáp hoàn toàn không?
Những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi sẽ giải đáp cho bạn các thắc mắc xoay quanh câu hỏi “bệnh suy giáp có chữa khỏi được không?”.
Suy giáp là gì?
Suy giáp (tuyến giáp kém hoạt động) xảy ra khi tuyến giáp không sản xuất đủ hormone tuyến giáp để đáp ứng nhu cầu chuyển hóa bình thường của cơ thể. Điều này khiến các bộ phận trong cơ thể hoạt động chậm lại, gây ra tình trạng mệt mỏi. Suy giáp không được điều trị có thể làm tăng mức cholesterol. Trong thời kỳ mang thai, chứng suy giáp không được điều trị có thể gây hại cho cả mẹ và bé.
Câu trả lời cho câu hỏi “suy giáp có chữa khỏi được không?”, phụ thuộc vào độ tuổi người bệnh và nguyên nhân gây bệnh.
Trẻ em bị suy giáp bẩm sinh có chữa khỏi được không?
Suy giáp ở trẻ em được gọi là suy giáp bẩm sinh tiên phát. Đây là bệnh nội tiết liên quan đến rối loạn sản xuất hormone tuyến giáp, khiến lượng hormone không đủ đáp ứng nhu cầu chuyển hóa và quá trình sinh trưởng của cơ thể. Khi tuyến giáp hoạt động không bình thường, dù là do nguyên nhân nào trong thời kỳ bào thai hoặc sau sinh, làm lượng hormone tuyến giáp trong máu giảm, đều có thể gây ra suy giáp ở trẻ nhỏ. Tùy theo việc tuyến giáp bị tác động trong thời kỳ bào thai hay tuổi trưởng thành mà dẫn đến suy giáp bẩm sinh hoặc mắc phải.
Một số dấu hiệu suy giáp ở trẻ em bao gồm:
- Vàng da kéo dài không phải do gan
- Da khô
- Da lạnh
- Tăng trưởng chậm
- Tiếng khóc hoặc giọng nói khàn
- Mí mắt chảy xệ
- Tóc giòn, rụng tóc
- Táo bón
- Chậm phát triển có thể gây ra các chi ngắn
- Chậm phát triển răng
- Chậm nói
- Hiệu suất học kém
- Thiếu năng lượng
Đến đây, câu hỏi được đặt ra là, liệu trẻ em bị suy giáp có thể chữa khỏi được không? Tin vui là việc điều trị có thể đưa tuyến giáp trở về trạng thái hoạt động bình thường, mặc dù nguyên tắc là phải điều trị suốt đời hoặc ít nhất là cho đến khi hoàn thành quá trình tăng trưởng và dậy thì để đảm bảo trẻ được phát triển bình thường. Việc chữa trị bằng thuốc uống hormone tuyến giáp tổng hợp Levothyroxine có thể giúp kích thích sự tăng trưởng và phát triển ở trẻ.
Người lớn bị suy giáp có chữa khỏi được không?
Để trả lời cho câu hỏi “người lớn mắc bệnh suy giáp có chữa khỏi được không?” cần phân biệt rõ khái niệm chữa khỏi (cure) và điều trị (treatment). “Chữa khỏi” nghĩa là sau khi áp dụng các phương pháp trị liệu, tuyến giáp sẽ hoạt động bình thường trở lại và loại bỏ hoàn toàn nhu cầu dùng thuốc tuyến giáp. Trong khi đó, “điều trị” có nghĩa là sau khi sử dụng các phương pháp trị liệu, người bệnh sẽ cảm thấy khỏe hơn và giảm hẳn các triệu chứng phiền toái của suy giáp. Tuy nhiên, khi ngừng điều trị, sức khỏe của bệnh nhân sẽ tồi tệ trở lại.
Vậy thì, cần hiểu rằng, tất cả loại suy giáp đều có thể điều trị được, nhưng không phải loại nào cũng có thể chữa khỏi được. Cần căn cứ vào nguyên nhân gây ra suy giáp để biết được suy giáp có chữa khỏi được không. 4 nguyên nhân dẫn đến suy giáp sẽ lần lượt được đề cập dưới đây:
1. Suy giáp do viêm tuyến giáp Hashimoto
Nguyên nhân phổ biến nhất của suy giáp là do bệnh tự miễn dịch được gọi là viêm tuyến giáp Hashimoto. Bệnh này khiến hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm mô tuyến giáp gây viêm. Nghĩa là, cơ thể đang tạo ra các kháng thể tự phá hủy tuyến giáp. Kết quả là, tuyến giáp không thể tạo đủ hormone tuyến giáp.
Hầu hết các trường hợp suy giáp do viêm tuyến giáp Hashimoto đều không thể chữa khỏi, nhưng việc điều trị có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh và ngăn chặn sự phá hủy tuyến giáp. Để làm được điều này, cần phải tìm ra nguyên nhân và điều trị sớm suy giáp. Mặt khác, nếu điều trị trễ, tuyến giáp bị bệnh tự miễn phá hủy trong một thời gian quá dài, ví dụ như sau 5 – 10 năm bị suy giáp, người bệnh sẽ phải dùng thuốc điều trị tuyến giáp trong suốt phần đời còn lại.
Việc điều trị suy giáp do viêm tuyến giáp Hashimoto có thể khá phức tạp, nhưng khi kết hợp với việc thay đổi chế độ ăn uống và lối sống, suy giáp sẽ sớm trở về bình giáp. Tuy nhiên, mặc dù một số trường hợp có thể phục hồi chức năng của tuyến giáp, các kháng thể kháng tuyến giáp thường vẫn còn, dẫn đến nguy cơ tái phát suy giáp.
2. Suy giáp do thiếu hụt chất dinh dưỡng có chữa khỏi được không?
Tuyến giáp cần ít nhất 13 dưỡng chất khác nhau để sản xuất, kích hoạt và sử dụng hormone tuyến giáp. Sự thiếu hụt bất kỳ chất nào trong số 13 dưỡng chất này đều có thể dẫn đến suy giáp. Tuy nhiên, đây được xem là tình huống lý tưởng nhất và khá dễ dàng để chữa khỏi suy giáp. Tình trạng rối loạn này có thể nhẹ hoặc nặng tùy thuộc vào mức độ thiếu hụt chất dinh dưỡng. Trong trường hợp này, câu trả lời cho câu hỏi “suy giáp có chữa khỏi được không?” là có thể. Việc bổ sung đủ dưỡng chất còn thiếu cho cơ thể, tình trạng suy giáp có thể được kiểm soát.
Mặc dù đây không phải là nguyên nhân phổ biến gây ra suy giáp, nhưng sự thiếu hụt chất dinh dưỡng dẫn đến suy giáp vẫn thường xảy ra ở nhiều người. Bởi vì chế độ ăn uống là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng chính, nên có thể dễ dàng nhận thấy rằng thực phẩm chế biến sẵn có thể không có các chất dinh dưỡng mà cơ thể thực sự cần. Điều này khiến nhiều người bị thiếu hụt chất dinh dưỡng dưới mức tối ưu, từ đó có thể tác động tiêu cực đến chức năng tuyến giáp.
Một ví dụ điển hình của thiếu hụt chất dinh dưỡng gây ra suy giáp là thiếu i ốt. I ốt rất cần thiết cho việc sản xuất hormone tuyến giáp. Nếu không có đủ i ốt thì cơ thể không thể sản xuất hormone tuyến giáp, dẫn đến nguy cơ bị suy giáp. Tuy nhiên, tình trạng thiếu i ốt hoàn toàn có thể điều trị được. Việc bổ sung i ốt sẽ giúp cải thiện chức năng tuyến giáp rất nhanh. Ngoài ra, một số sự thiếu hụt chất dinh dưỡng khác có thể gây ra suy giáp, bao gồm thiếu kẽm, thiếu selen hoặc thiếu tyrosine.
3. Suy giáp do tổn thương tuyến yên hoặc vùng dưới đồi
Tuyến giáp không tự sản xuất hormone. Trước khi sản xuất bất kỳ loại hormone nào, tuyến giáp cần được kích thích bởi các cơ quan khác. Các cơ quan chịu trách nhiệm thúc đẩy tuyến giáp sản xuất hormone là tuyến yên và vùng dưới đồi. Trong một số trường hợp, mặc dù tuyến giáp hoàn toàn khỏe mạnh nhưng lại không nhận được tín hiệu thích hợp từ não yêu cầu sản xuất hormone tuyến giáp. Điều này thường là do tổn thương vùng não, do hội chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) hoặc do ảnh hưởng của thuốc tác động lên não bộ.
Đây là một trong những nguyên nhân gây ra suy giáp khó điều trị nhất. Việc suy giáp có chữa khỏi được không phụ thuộc vào mức độ tổn thương của tuyến yên/vùng dưới đồi, cùng nguyên nhân gây ra những tổn thương đó. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là não có xu hướng phục hồi rất chậm. Không như những vết thương ở da hay đường ruột, một số dây thần kinh trong não cũng có thể tái tạo lại nhưng với tốc độ rất chậm. Trong nhiều trường hợp, nếu bị suy giáp do các chấn thương liên quan đến não ở tuyến yên hoặc vùng dưới đồi thì không chắc tình trạng suy giáp có thể chữa khỏi được.
Tuy nhiên, nếu suy giáp là do PTSD hay do tác dụng phụ của thuốc thì có thể kiểm soát suy giáp bằng cách uống thuốc điều trị PTSD hoặc ngừng hay thay đổi loại thuốc có tác động tiêu cực đến não.
4. Suy giáp do cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp bằng phẫu thuật hoặc i ốt phóng xạ
Trong trường hợp tuyến giáp đã bị cắt bỏ toàn bộ bằng phẫu thuật hoặc do i ốt phóng xạ phá hủy tuyến giáp, hay đơn giản là khi sinh ra bạn bị thiếu tuyến giáp, thì câu trả lời cho câu hỏi “suy giáp có chữa khỏi được không” là hoàn toàn không thể. Bởi vì một khi thiếu tuyến giáp hay tuyến giáp đã bị loại bỏ, cơ thể không còn bộ phận có thể sản xuất hormone tuyến giáp, dẫn đến lúc nào người bệnh cũng trong tình trạng suy giáp. Lúc này, bệnh nhân phải dùng thuốc theo toa để điều trị suy giáp, như Levothyroxine, Synthroid, Armor thyroid hoặc Cytomel. Nghĩa là, trong trường hợp này, suy giáp không thể chữa khỏi được, nhưng có thể điều trị và kiểm soát được.
Đôi khi, việc tuyến giáp có cần được cắt bỏ hay không nằm ngoài tầm kiểm soát của người bệnh. Cắt bỏ tuyến giáp thường được khuyến cáo và cần thiết để điều trị ung thư tuyến giáp. Phương pháp này cũng thường được khuyên dùng cho các tình trạng như bướu cổ có kích thước cực lớn và cường giáp.
Nhìn chung, các trường hợp suy giáp thường đều rất khó hoặc không thể chữa khỏi được. Tuy nhiên, ngay cả khi nguyên nhân cơ bản không được chữa khỏi, người bệnh có thể điều trị để phục hồi chức năng tuyến giáp.
Hy vọng những thông tin trong bài viết trên của Hello Bacsi đã giải đáp cho bạn thắc mắc xoay quanh chủ đề “suy giáp có chữa khỏi được không?”.
[embed-health-tool-ovulation]