backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Rối loạn hoang tưởng và tất cả những gì bạn cần biết

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Thu Anh Nguyen · Ngày cập nhật: 05/08/2020

    Rối loạn hoang tưởng và tất cả những gì bạn cần biết

    Rối loạn hoang tưởng là một dạng bệnh tâm thần nghiêm trọng. Người mắc bệnh không thể phân biệt được sự thật và những gì họ tưởng tượng.

    Cho đến nay, các chuyên gia sức khỏe tâm thần vẫn chưa tìm được cách ngăn ngừa chứng bệnh này. Tuy nhiên, việc chẩn đoán và điều trị sớm có thể giúp người bệnh sớm quay lại hòa nhập với cộng đồng. Rối loạn hoang tưởng làm sụt giảm đáng kể chất lượng cuộc sống và sức khỏe của bệnh nhân.

    Rối loạn hoang tưởng là bệnh gì?

    Thường xuyên gặp ảo giác là biểu hiện đặc trưng của rối loạn hoang tưởng. Song, điều đó không có nghĩa là họ hoàn toàn không thực tế. Người bệnh tưởng tượng ra những tình huống có thật nhưng khó xảy ra với họ (chẳng hạn việc bị theo dõi, bị đầu độc hoặc được thần tượng yêu thầm). Sự ảo tưởng này thường liên quan đến nhận thức lệch lạc.

    Ngược lại, tình trạng “ảo tưởng kỳ quái” xảy ra khi người bệnh không ngừng tưởng tượng về những việc không thể xảy ra trong cuộc sống như ảo giác biến hình, lo sợ bị người ngoài hành tinh nhân bản…

    Hoạt động giao tiếp xã hội và sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân không quá khác biệt so với những người bình thường. Trong một số trường hợp, những ảo tưởng diễn ra khá thường xuyên khiến người bệnh có xu hướng thu mình vào thế giới của riêng họ.

    Tỷ lệ người mắc bệnh rối loạn hoang tưởng không cao, bệnh thường xảy ra ở giai đoạn giữa và cuối của cuộc đời. Trong đó, nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới.

    Rối loạn hoang tưởng có những dạng nào?

    Dựa vào biểu hiện của người bệnh, các chuyên gia tâm thần phân loại rối loạn hoang tưởng thành các dạng thường gặp sau đây:

    Hội chứng hoang tưởng người khác yêu mình (Erotomania)

    Người bệnh tin rằng đang được một người nổi tiếng (hoặc xuất sắc hơn họ về nhiều mặt) yêu say đắm. Điều này sẽ dẫn đến hành vi rình rập và cố gắng liên lạc với đối tượng đó.

    Bệnh vĩ cuồng (Grandiose)

    Bệnh nhân có ý thức quá mức về giá trị, sức mạnh, kiến thức và bản sắc của mình. Họ luôn tin rằng bản thân có tài năng tuyệt vời và được nhiều người ngưỡng mộ.

    Rối loạn hoang tưởng ghen tuông (Othello syndrome)

    Bị ám ảnh bởi sự phản bội, người mắc chứng bệnh này luôn nghi ngờ về lòng chung thủy của những người bên cạnh mình. Họ sẽ làm mọi thứ để chứng minh điều họ nghĩ là đúng.

    Ám ảnh ghen tuông

    Hoang tưởng truy đuổi (Persecutory)

    Bệnh nhân luôn sợ hãi vì nghĩ bản thân hoặc những người xung quanh đang bị ngược đãi, theo dõi hoặc ám hại. Họ có xu hướng khiếu nại lên các cơ quan pháp lý mà không có bằng chứng xác thực.

    Rối loạn dạng cơ thể (Somatic symtom disoder)

    Chứng rối loạn này xảy ra khi một người cảm thấy lo lắng cực độ về các triệu chứng thể chất. Bệnh nhân cũng tin rằng bản thân có nhiều khiếm khuyết trên cơ thể.

    Rối loạn hỗn hợp (Mixed)

    Bệnh nhân có nhiều hơn 2 dạng rối loạn hoang tưởng trên thì được liệt vào dạng rối loạn hỗn hợp.

    Bên cạnh đó, bệnh rối loạn hoang tưởng còn có các triệu chứng đặc trưng như: thường xuyên khó chịu, tức giận, tâm trạng luôn ở mức tồi tệ. Bệnh nhân nhìn hoặc nghe thấy những gì bản thân cho là có. Ví dụ, một người có niềm tin rằng cơ thể họ gặp vấn đề về mùi và họ đã thực sự ngửi thấy mùi hôi cơ thể mình (dù thực tế không phải vậy).

    Nguyên nhân và các yếu tố rủi ro gây rối loạn hoang tưởng

    Cũng như nhiều rối loạn tâm thần khác, nguyên nhân chính xác gây rối loạn hoang tưởng vẫn chưa được các nhà tâm thần học công bố. Tuy nhiên, họ đang xem xét vai trò của một số yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh, bao gồm:

    Di truyền

    Nhiều nghiên cứu cho thấy, chứng rối loạn tâm thần này xảy ra thường xuyên hơn ở những gia đình có thành viên bị rối loạn ảo giác hoặc tâm thần phân liệt. Vì vậy, các chuyên gia tin rằng cũng như các rối loạn về tâm thần khác, chứng rối loạn hoang tưởng có thể truyền từ cha mẹ sang con cái.

    Yếu tố sinh học

    Các chuyên gia đang nghiên cứu cách rối loạn ảo tưởng diễn ra khi các phần của não bộ không hoạt động bình thường. Trong đó, vùng não bất thường kiểm soát nhận thức và suy nghĩ có thể được liên kết với các triệu chứng hoang tưởng.

    Môi trường và tâm lý

    Nhiều bằng chứng cho thấy sự căng thẳng kéo dài có thể kích hoạt các rối loạn về sức khỏe tinh thần. Tình trạng lạm dụng chất kích thích, bia rượu cũng có thể góp phần vào nguyên nhân gây bệnh. Bên cạnh đó, người có xu hướng bị cô lập (người nhập cư, người câm điếc…) có nguy cơ bị rối loạn hoang tưởng cao hơn những người khác.

    Chẩn đoán

    Nếu một người có các dấu hiệu hoang tưởng, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra sức khỏe tổng quát và chuyên sâu. Hiện chưa có xét nghiệm nào có thể chẩn đoán chính xác chứng rối loạn hoang tưởng. Các bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp nghiên cứu ảnh chụp não bộ, xét nghiệm máu để loại trừ các bệnh khác có triệu chứng tương tự, bao gồm:

    • Bệnh Alzheimer
    • Rối loạn ám ảnh cưỡng chế
    • Chứng mê sảng
    • Các rối loạn phổ phân liệt khác
    • Động kinh

    Trong trường hợp không tìm thấy nguyên nhân vật lý nào cho các triệu chứng, bác sĩ sẽ sử dụng công cụ phỏng vấn và đánh giá triệu chứng, hành vi để xác định dạng rối loạn tâm thần của người bệnh.

    Chẩn đoán rối loạn hoang tưởng sẽ được thực hiện nếu người bệnh có các yếu tố sau:

  • Có 1 hoặc nhiều ảo tưởng kỳ quặc, kéo dài hơn 1 tháng
  • Không có tiền sử bị tâm thần phân liệt
  • Cuộc sống bị ảnh hưởng đáng kể bởi các ảo tưởng
  • Có xuất hiện các cơn hưng cảm hoặc trầm cảm
  • Không bị trầm cảm nặng, không có tình trạng lạm dụng thuốc và không mắc phải các tình trạng y tế khác.
  • Chẩn đoán bệnh hoang tưởng

    Điều trị bệnh rối loạn hoang tưởng

    Tâm lý trị liệu và dùng thuốc là 2 phương pháp điều trị phổ biến nhất của bệnh rối loạn hoang tưởng. Tùy thuộc vào trường hợp của từng bệnh nhân, bác sĩ tâm thần sẽ đưa ra phương pháp và phác đồ điều trị phù hợp nhất.

    Tâm lý trị liệu

    Đối với các vấn đề về thần kinh thì liệu pháp tâm lý luôn được các bác sĩ ưu tiên lựa chọn. Phương pháp này có thể tiếp cận tình trạng của bệnh nhân, mang lại hiệu quả cao và lâu dài. Tuy nhiên, rối loạn hoang tưởng là một bệnh rất khó điều trị. Những người mắc phải chứng bệnh này thường kém hiểu biết và không nhận thức được bản thân đang gặp vấn đề.

    Tâm lý trị liệu cũng có thể kết hợp cùng với thuốc, giúp người bệnh quản lý tốt hơn và đối phó với những căng thẳng liên quan đến ảo tưởng. Các liệu pháp tâm lý có thể hữu ích trong rối loạn hoang tưởng bao gồm:

    Liệu pháp tâm lý cá nhân

    Liệu pháp này giúp người bệnh nhìn nhận và điều chỉnh những suy nghĩ đã bị bóp méo.

    Liệu pháp hành vi nhận thức

    Phương pháp này giúp người bệnh học cách nhận biết và thay đổi mô hình suy nghĩ cũng như hành vi dẫn đến những ảo giác.

    Bên cạnh đó, trị liệu gia đình có thể giúp người thân đối phó với bệnh nhân rối loạn hoang tưởng để giúp đỡ và động viên họ. Song, những bệnh nhân có triệu chứng nghiêm trọng hoặc có nguy cơ tự làm tổn thương chính mình và người khác cần phải nhập viện điều trị cho đến khi tình trạng ổn định hơn.

    Điều trị bằng thuốc

    Theo Verywellmind, nhiều nghiên cứu cho thấy gần 1/2 số bệnh nhân được điều trị bằng thuốc có sự cải thiện. Những loại thuốc chủ yếu được sử dụng trong điều trị chứng rối loạn hoang tưởng là nhóm thuốc chống loạn thần, bao gồm:

    Thuốc chống loạn thần thông thường

    Nó còn được gọi là thuốc an thần, dùng để điều trị rối loạn tâm thần từ giữa những năm 1950. Thuốc hoạt động bằng cách ngăn chặn các thụ thể dopamine trong não bộ. Trong đó, dopamine là một chất dẫn truyền thần kinh có liên quan đến sự phát triển của các ảo tưởng.

    Thuốc chống loạn thần không điển hình

    Những loại thuốc mới hơn này giúp điều trị các triệu chứng rối loạn hoang tưởng với ít tác dụng phụ liên quan đến vận động hơn so với thuốc chống loạn thần thông thường. Chúng cũng hoạt động bằng cách ngăn chặn các thụ thể dopamine và serotonin trong não (serotonin là một chất dẫn truyền thần kinh khác có liên quan đến các tình trạng rối loạn tâm thần).

    Các loại thuốc khác

    Thuốc an thần và thuốc chống trầm cảm cũng có thể được sử dụng để điều trị các triệu chứng lo âu nếu chúng xảy ra cùng lúc với rối loạn ảo tưởng. Trong đó, thuốc an thần có thể được sử dụng nếu người bệnh có mức độ lo lắng hoặc khó ngủ cao.

    Điều trị chứng rối loạn hoang tưởng bằng thuốc

    Rối loạn hoang tưởng có để lại biến chứng không?

    Người mắc chứng rối loạn hoang tưởng có thể mắc bệnh trầm cảm nặng theo thời gian. Theo thống kê, hơn 1/2 bệnh nhân hoang tưởng bị trầm cảm sau khoảng 3 – 6 tháng phát bệnh. Những hành động liên quan đến sự hoang tưởng nghiêm trọng sẽ khiến họ nảy sinh bạo lực và gặp rắc rối về pháp lý. Ngoài ra, bệnh nhân có xu hướng xa lánh mọi người dẫn đến việc tự hủy hoại các mối quan hệ.

    Rối loạn hoang tưởng là một tình trạng mãn tính. Bệnh nhân thường không thừa nhận bản thân mắc bệnh và từ chối các phương pháp hỗ trợ. Tuy nhiên, nếu được điều trị đúng cách thì các triệu chứng của bệnh sẽ giảm đi đáng kể, thậm chí là phục hồi hoàn toàn.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Thu Anh Nguyen · Ngày cập nhật: 05/08/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo